Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Bảo hiểm y tế và chất lượng tình người



Sài Gòn – Đối với những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, hầu như đều sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để thanh toán viện phí cho một quá trình điều trị lâu dài. Nhưng đa số lại lắc đầu ngán ngẩm khi nói về chất lượng dịch vụ đối với bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT.

“Tôi đã chờ cách đây 10 ngày…”
Nhóm chúng tôi có mặt tại bệnh viện lúc 8g00 sáng với những cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Trái ngược với vẻ ảm đạm bên ngoài, phía trong bệnh viện tấp nập, ồn ào, người người xếp hàng, nằm ngồi la liệt khắp xung quanh bệnh viện, kiếm một chỗ có mái hiên để có thể đứng tránh cơn mưa cũng cảm thấy khó khăn. Điều đó làm chúng tôi thấu hiểu cảm giác mệt mỏi vì vừa phải mang bệnh tật trong người vừa phải chen chúc nhau xếp hàng với cả trăm người đang chờ đợi tới lượt khám bệnh.

Chị Vũ Thị Nhanh ở, Bến Tre, khám bệnh lần đầu tại bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, chị cho biết: “Nhờ có BHYT mà những người nghèo như chúng tôi mới đỡ khổ một chút, bệnh cũng lâu rồi nhưng giờ mới có thể đi khám được”. BHYT với người nghèo như một phao cứu sinh, vì nếu bệnh nặng, phải điều trị lâu dài thì họ không có đủ điều kiện để chữa bệnh đến nơi đến chốn.
Nhưng do những người khám chữa bệnh theo BHYT quá đông, nên đợi để hoàn tất thủ tục hành chánh cũng làm nhiều người mệt mỏi, do vậy không ít bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá hơn chọn cách nhanh chóng là chỉ mua bảo hiểm để phòng trường hợp bệnh nặng, còn khám và chữa bệnh nhẹ thì không sử dụng dịch vụ BHYT mà dùng dịch vụ của bệnh viện, tức trả tiền trực tiếp theo biểu giá riêng.
Chị Vân – một bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện cho biết: “Tôi bị ung thư vú, tôi đã vào được 3 toa, và đợt này là toa thứ 4, nhưng tôi đã chờ cách đây 10 ngày, ngày nào cũng lên đây xếp hàng chờ xem có thuốc không để vào, mà vẫn chưa có thuốc. Nghe nói toa của tôi còn thiếu một loại thuốc chưa nhập về kịp. Cứ vào sáu giờ sáng tôi đã vào chờ, có khi đến trưa, mà cũng có khi đến chiều rồi lại về không. Nhưng biết sao được, mình có bệnh thì mình phải kiên nhẫn thôi. Nhiều khi cũng nản lắm!”
Đặt câu hỏi rằng: nếu như chờ đợi quá lâu như thế thì một số trường hợp khẩn cấp liệu có thể chữa trị kịp thời mà không để lại biến chứng hay không?
Các trường hợp khẩn cấp đa số không lựa chọn sử dụng dịch vụ BHYT mà ra các cơ sở tư nhân để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng. Như thế lại là miếng đất màu mỡ cho “cò bệnh viện” có thêm công ăn việc làm.
Tình trạng bệnh ung thư càng ngày càng tang, và trở nên tràn ngập khắp nơi từ 15 năm nay.
Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia: “Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Hiện có khoảng 200 loại ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư là sự sai hỏng của ADN, tạo nên các đột biến ở các gene thiết yếu điều khiển quá trình phân bào cũng như các cơ chế quan trọng khác. Một hoặc nhiều đột biến được tích lũy lại sẽ gây ra sự tăng sinh không kiểm soát và tạo thành khối u. Khối u là một khối mô bất thường, có thể ác tính, tức ung thư hoặc lành tính, tức không ung thư. Chỉ những khối u ác tính thì mới xâm lấn mô khác và di căn. Khái niệm ác hay lành tính ở đây nên hiểu về mặt giải phẫu bệnh học nhiều hơn là về khả năng gây chết người. Thật vậy, một người có thể sống nhiều năm với một ung thư hắc tố da, trong khi một khối u “lành tính” trong hộp sọ có thể chèn ép não gây tàn phế hoặc tử vong.
Ung thư có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào vị trí, đặc điểm và khả năng di căn của khối u. Chẩn đoán xác định ung thư thường đòi hỏi phải sinh thiết rồi quan sát trên kính hiển vi. Người bị ung thư có thể được chữa trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu.
Nếu không được chữa trị sớm, hầu hết các loại ung thư có thể gây tử vong, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính trong những nước phát triển. Hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Nhiều dạng ung thư có liên quan đến các yếu tố môi trường mà có thể tránh khỏi. Hút thuốc lá là một trong những yếu tố gây nguy cơ ung thư nhiều nhất”.

Bệnh nhân vượt tuyến: khó khăn chồng chất khó khăn…
Đi sâu vào các phòng của các bệnh nhân nội trú thì tình hình cũng không khả quan hơn, thân nhân ngồi kín cả hai bên cầu thang nhìn chúng tôi cách mỏi mệt.
Chị Xuyên – một bệnh nhân cho biết: “Tôi thấy ngày nào cũng đông đúc bệnh nhân từ khắp các tỉnh đổ về đây, tuy bệnh viện lớn nhưng cũng không giải quyết được hết mọi vấn đề nhanh chóng cho bệnh nhân”. Mặc dù bệnh viện đã áp dụng biện pháp bốc số thứ tự cho các bệnh nhân đến khám bệnh khiến nhiều bệnh nhân phải đi từ rất sớm, nhưng con số thứ tự họ bốc được lên tới hàng trăm nên vẫn phải mỏi mòn chờ đợi.
Ngồi trên một chiếc giường có hai bệnh nhân nằm sát nhau, bác Dĩnh, 63 tuổi quê ở Đồng Tháp, chồng của một bệnh nhân kể cho chúng tôi về quá trình khám và điều trị của vợ mình: “Từ lúc bà nhà phát bệnh tới giờ, tụi tui đi khám ở nhiều nơi lắm. Tại bác sĩ tuyến dưới quê chẩn đoán sai, chỉ khám sơ cho thuốc uống giảm đau rồi bảo về chờ”.
Đưa mắt nhìn bác gái đang nằm thở mệt nhọc, người gầy nhom vì cả tuần nay ăn gì vào là nôn hết ra, bác Dĩnh kể tiếp: “Cách đây ba tháng bà nhà tui bắt đầu thấy đau bụng, mấy đứa nhỏ đưa đi khám ở bệnh viện huyện Lắp Vò, Đồng Tháp thì phát hiện nổi khối u nhỏ ở cổ mà bác sĩ không để ý. Bác sĩ bảo là do đau bao tử rồi kê toa thuốc cho về nhà uống…”
Bác Dĩnh thở dài tiếp: “Tình hình bệnh không thuyên giảm, ngày càng đau hơn. Tụi tui xin chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp, bác sĩ cũng khám sơ rồi cho thuốc đau bao tử. Nhưng khi chuyển lên tới bệnh viện tư Hạnh Phúc ở Long Xuyên, mới chẩn đoán là do khối u ở cổ ảnh hưởng và cho địa chỉ chuyển gấp lên bệnh viện Ung Bướu. Đi lòng vòng mất ba tháng trời, tốn gần hai chục triệu. Hai vợ chồng tui già cả, con cái đứa nào cũng nghèo”.
Bác Dĩnh trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ kể tiếp: “Vợ chồng tui đều có xài thẻ bảo hiểm, hồi xưa khám ở dưới quê được giảm 80%. Từ khi chuyển lên đây, mình thuộc diện vượt tuyến nên giờ chỉ giảm có 30%. Nhưng anh chị coi, nếu không vượt tuyến mà cứ khám ở dưới thì làm sao biết bệnh. Tụi tui có làm đơn gửi về dưới xin xác nhận để được chuyển lên tuyến trên, có chữ ký của bệnh viên Ung Bướu đàng hoàng, nhưng họ nói phải đưa bệnh nhân về dưới họ mới xác nhận cho”.
Nhìn về phía bác gái vừa mới mổ lấy khối u ở cổ cách đây mấy ngày, bác Dĩnh nói: “Thử hỏi bệnh đau nằm một chỗ như thế này thì làm sao đi tới lui được. Nên giờ dù có thẻ đó, mà cũng phải trả tới 70% tiền viện phí. Đợi khi nào bả khỏe hơn tui mới đưa về quê xin xác nhận”.
Phía giường đối diện, bà Kim Ánh, 58 tuổi quê ở Long An đang cố dỗ giấc ngủ để tạm quên cơn đau. Căn bệnh ung thư tử cung khiến bụng bà ngày càng to, kèm theo đó là những cơn đau nhức ở vùng bụng và ngực. Trước đây bà làm nghề phụ hồ trong khi ông nhà chạy Honda ôm, cộng thêm đồng lương của hai con đang đi làm thuê, đời sống cũng tạm đắp đổi qua ngày. Nhưng từ khi phát bệnh đến giờ đã gần một năm, số tiền khám và điều trị đã lên đến 40 – 50 triệu đồng, quá sức gồng gánh của gia đình. Lúc trước nhà bà có bốn lao động thì giờ chỉ còn hai, gia đình phải chạy vạy bà con thân nhân, láng giềng để kiếm tiền khám chữa bệnh.
Kéo chăn đắp gọn gàng cho vợ xong, chồng bà Kim Ánh tâm sự: “Tôi còn một cái hóa đơn năm triệu chưa thanh toán. Hôm về quê gom góp vay mượn được bốn triệu hai, nhưng tiền xe đi tới đi lui đã mất hết gần 400.000 đồng, đành phải khất hóa đơn viện phí cho tới bây giờ”.
Ông cho biết thêm: “Cũng may chúng tôi có thẻ bảo hiểm nên tiền
Hàng ngày, bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, khám khoảng 1.500 bệnh nhân, điều trị gần 7.000 bệnh nhân nội/ngoại trú. Nếu mỗi bệnh nhân có ít nhất một thân nhân đi kèm thì tổng số lên đến 17.000 người. Tính cả gần 1.000 nhân viên bệnh viện, tổng số người ra vào hằng ngày tại bệnh viện lên đến 18.000 người! Vì thế mọi khoảng trống trong bệnh viện, từ hành lang, lối đi, cầu thang đều bị chiếm dụng để ngồi, nằm, sinh hoạt!   
(theo www.sggp.org.vn)
 viện phí đỡ hơn rất nhiều. Lúc trước chúng tôi tự ý vượt tuyến do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới kém quá, mất thời gian, mất tiền mà bệnh không giảm… lên đây thì họ chỉ hỗ trợ 30%, chịu không nổi nên mới về lại quê xin giấy xác nhận chuyển lên trên này. Cũng gian nan lắm cô ơi, bả đau bệnh thế này mà phải lên xuống mấy lượt mới được giấy xác nhận ở dưới”.
Tại bệnh việnUng bướu, số bệnh nhân chờ khám bệnh không có đủ ghế ngồi, tất cả những khoảng trống từ gốc cây, hành lang, ghế đá đến sân vườn của bệnh viện đều chật cứng người. Các phòng bệnh có tới 3 bệnh nhân nằm trên một chiếc giường khoảng hơn nửa mét chiều ngang, thậm chí nhiều người phải nằm dưới gầm giường.
Bảo hiểm y tế là các quan hệ kinh tế gắn liền với việc huy động các nguồn tài lực từ sự đóng góp của những người tham gia bảo hiểm để hình thành quỹ bảo hiểm, và sử dụng quỹ để thanh toán các chi phí khám chữa bệnh cho người được bảo hiểm khi ốm đau.
Bảo hiểm y tế  hoạt động theo nguyên tắc: Vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng; Chỉ bảo hiểm cho những rủi ro không lường trước được, không bảo hiểm những rủi ro chắc chắn sẽ xảy ra hoặc đã xảy ra; Hoạt động dựa trên nguyên tắc số đông bù số ít.
Đối tượng của bảo hiểm y tế là sức khỏe của người được bảo hiểm (rủi ro ốm đau, bệnh tật,…). Hiện nay có hai hình thức bảo hiểm y tế là bắt buộc và tự nguyện.
Theo bà bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì kể từ khi Luật Bảo hiểm y tế của Việt Nam được ban hành và có hiệu lực vào năm 2010 đến nay, 63% dân số của Việt Nam đã được bao phủ bởi bảo hiểm y tế. Nhưng tại Hội nghị “Bảo hiểm y tế toàn dân” tổ chức tại Thái lan đầu năm 2012 này, Bà bộ trưởng không hề đề cập đến thực tế chất lượng dịch vụ y tế của Việt Nam.
Bệnh viện Ung bướu TP. HCM số 03 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh được thành lập vào năm 1975 sau khi tách từ Bệnh viện Nhân dân Gia định với diện tích 10.000 m đã tạo điều kiện tốt hơn để khám và chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên sau 27 năm hình thành và phát triển bệnh viện có còn đáp ứng được nhu cầu của người dân về chất lượng dịch vụ nói chung và chất lượng dịch vụ của bệnh viện về bảo hiểm y tế nói riêng. Tâm tư và phản hồi từ thân nhân cũng như các người bệnh đến khám chữa và chữa bệnh tại đây vẫn là một vấn đề nan giải !!!
Têrêsa PHẠM THỊ PHƯƠNG LINH – Maria NGUYỄN THỊ XUÂN HƯƠNG – Philipphê PHAN CHÂU THÀNH – Phêrô HUỲNH NGUYỄN MINH TOÀN – Magarita NGUYỄN THỊ NGỌC THIỀN

Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét