Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Từ trong đau thương nhìn lại quá khứ bi hùng của xứ Dừa – Quan Lãng



LTCGVN (07.07.2012)

Từ trong đau thương nhìn lại quá khứ bi hùng của xứ Dừa – Quan Lãng
Những ngày đầu tháng 7 này, cả giáo phận đang dấy lên sự bất bình về cách hành xử của chính quyền với bao sự kiện từ việc côn đồ hành hung giáo dân tại Châu Bình, Quỳ Hợp cho tới vụ việc tại giáo điểm Con Cuông hôm 1.7.2012 vừa rồi. Như giọt nước làm tràn ly, vụ Con Cuông đã phá tan chút niềm tin mỏng manh cuối cùng của giáo dân với chính quyền. Khép lại đằng sau những chi tiết sự kiện để đi tìm câu hỏi cho vấn đề, phải chăng sự lộng hành của cán bộ và côn đồ tại địa phương là di chứng căn bệnh căm thù tôn giáo xuyên suốt từ thời Văn Thân đến nay cộng với sự tiếp tay của các thế lực đen tối đứng sau hậu trường chỉ đạo?
Nhìn lại dòng sử hào hùng của giáo xứ miền tây xứ Nghệ này mới nhận thấy được cả một quá trình trong gian lao, thấm đẫm máu và nước mắt. Sau hòa ước Nhâm Tuất 1874, Văn Thân Nghệ An bắt đầu nổi lên rầm rộ với sự chỉ huy của Trần Tấn và Đặng Như Mai. Giáo phận Vinh bước vào giai đoạn đầy đau thương. Ngày 21.4.1874, Tú Vinh chiêu tập chừng 700 người đốt phá xứ Quan Lãng. Ngày hôm sau, một nhóm khác tách khỏi đoàn tiếp tục càn quét Sớ, Kẻ Mực và Cây Chanh giết chết 93 giáo hữu.
Ngày 26.4.1874, người ngoại Kẻ Mực bắt 4 giáo dân Quan Lãng nộp cho phó tổng Ba, trong đó có ông Ngân bị giết, 3 người khác được tha. Ngày 28/4, họ bắt người con trai của ông Trương nhưng rồi tha cho về và buộc phải dẫn đi tìm cha xứ Khiêm và ông Trương. Ông Trương bị bắt và xử tử do lời chiêu dụ khoan hồng, cha Khiêm không tin và trốn thoát chui lủi trong rừng với đói rét và bệnh tật cùng một số tín hữu khác.
Ngày 18.7.1874, cuộc bách hại được tổ chức qui củ với sự hiện diện của khoảng 1200 tên trong nhóm Văn Thân từ Anh Sơn lên, chúng lục soát rừng mọi núi đồi quanh xứ Lạng, phá hết lều trại của giáo hữu trú ẩn, tịch thu đồ đạc và bắt đi 33 giáo dân và tàn sát phần lớn. Vài người còn lại bị ép đi tìm cha Khiêm nhưng giáo dân chỉ tuân lệnh cho qua mà không cố công tìm. Đến 12.8 thì lính triều đình chiếm phủ Anh Sơn và ra lệnh cấm bách hại giáo hữu thì thời gian khủng khiếp mới chấm dứt1.
Những trang lịch sử bi tráng, hào hùng trên đây không bao giờ phai mờ trong ký ức bao con tim trải qua các thế hệ giáo dân xứ Dừa. Được tắm gội trong mình dòng máu anh hùng của tiền nhân, họ hiểu rằng chỉ có đức tin, sự trung thành, kiên vững và đoàn kết mới giữ được tên Quan Lãng trên bản đồ ngày hôm nay.
Giáo dân Quan Lãng trong hàng thập niên dài kể từ sau năm 1945 mặc dù luôn chịu cảnh chèn ép vẫn luôn giữ vững đời sống đạo đức và nhiệt thành phụng sự Giáo hội. Thế lực sự dữ đã tìm mọi cách để giày xéo xứ Dừa tươi đẹp. Họ đã tiến hành bắt bớ, giam cầm, khống chế, với các đời linh mục từ thời cha Phêrô Nguyễn Quang Ngọc, cha Giuse Trần Hữu Hoà, cha Phêrô Nguyễn Văn Thiện cho đến cha Phêrô Mỹ và cha Giuse Trần Thanh Hương mãi sau này.  
Tiêu biểu hơn trong giai đoạn này là chính sách ép buộc dân rời khỏi làng lên vùng rừng thiêng nước độc vào năm 1976. Mục tiêu lớn nhất vẫn cô lập giáo dân với nhà xứ. Giáo dân chịu chấp nhận bạt đồi phá núi nhưng đòi phải cùng lúc di dời nhà thờ. Nhà cầm quyền đối lại bằng vũ lực, bắt đi một loạt giáo dân nam. Cuộc giằng co kéo dài nhiều tháng, Cha Thiện bị bắt giam cầm. Lễ Hiện xuống năm 1978, công an, dân quân với cùng máy móc ủi sạch thôn xóm, nhà cửa. Mẹ già, con thơ buộc phải dắt nhau lên vùng đồi núi hoang vắng bóng người, rậm rạp cây cối um tùm và thú dữ.
Chuỗi dài năm tháng tiếp theo sống trong ngột ngạt về tự do tôn giáo. Xứ đạo thiếu chủ chăn, bà con hàng tuần phải đi bộ vượt qua 6-7 km vượt sông sang xứ Lãng Điền dự lễ cha Hương. Tai nạn chìm đò chết người luôn luôn rình rập. Mãi tới những năm đổi mới, chính quyền mới cho phép cha Hương cử hành thánh lễ tại Quan Lãng và năm 1991 cho chuyển nhà thờ lên vị trí bây giờ.
Trong nhiều năm gần đây, giáo điểm Con Cuông đã qui tụ đông đảo giáo dân sống trên địa bàn. Về phương diện pháp lý, linh mục Phạm Ngọc Quang – linh mục Nguyễn Đình Thục rồi cha quản xứ mới Giuse Ngô Văn Hậu thay mặt cho 241 giáo dân sinh sống tại giáo điểm Con Cuông nhiều lần làm thủ tục đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo với chính quyền huyện và tỉnh Nghệ An nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thích đáng. Sinh hoạt tôn giáo bị o ép, hạn chế, có lúc triệu tập từng giáo dân với mục đích làm cho họ khiếp sợ phải bỏ đạo.
Căng thẳng bắt đầu nảy sinh có hệ thống kể từ 14h chiều ngày 13/11/2011, khi linh mục Giuse Phạm Ngọc Quang và linh mục GB Nguyễn Đình Thục đang dâng lễ, chính quyền Con Cuông đã huy động 300 người tụ tập trước cửa nhà nguyện, dùng loa phóng thanh công suất cao hô khẩu hiệu đả đảo, dùng còi báo động, đánh trống gây náo động, chửi bới linh mục, giáo dân, ném đá vào nhà nguyện gây cản trở không cho linh mục và giáo dân cử hành thánh lễ. Hành động này nói lên tính cách công khai, trắng trợn của những người chống phá Giáo Hội.
Nguy hiểm và manh động nhất là vào lúc 00 giờ 30 phút ngày 01 tháng 12 năm 2011, một quả mìn tự chế của bọn khủng bố ném thẳng vào nhà nguyện. Bất bình trước cảnh sự việc, hơn 100 giáo dân Con Cuông đã kéo đến trụ sở công an và UBND huyện trong buổi chiều biểu tình yêu cầu tôn trọng tự do tôn giáo, chấm dứt bạo lực, đem lại sự bình yên cho giáo điểm, chấm dứt chia rẽ lương giáo.
Trong bất cứ trường hợp nào, giáo phận Vinh cũng luôn thể hiện thiện chí đối thoại để từng bước giải quyết vấn đề, không làm căng thẳng tình hình. Mặc dù vậy, chính quyền các cấp vẫn bao che cho nhau, phớt lờ đề nghị trên và tiếp tục thi hành những hành động đi ngược Hiến pháp và quyền tự do tôn giáo của nhân dân. Những hành động diễn ra gần đây nhất kể từ ngày linh mục Giuse Ngô Văn Hậu được bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Quan Lãng ngày càng khẳng định chắc chắn hơn về nhận định này.
Sự kiện ngày 1.7.2012 vừa qua tại giáo điểm Con Cuông (thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông) là đỉnh cao trong số những hành động sai trái từ phía chính quyền địa phương: coi thường pháp luật, tấn công linh mục, đập nát tượng Đức Mẹ, xâm phạm nơi thánh, đánh đập tàn ác giáo dân và phá vỡ khối đoàn kết dân tộc.
Giữa lúc này, báo chí Nghệ An bắt đầu qui kết trách nhiệm, đổ tội lên linh mục và giáo dân Quan Lãng. Những vu cáo trắng trợn, hèn mạt nhất đã được tung ra nhằm mục đích kích động sự hằn thù lương giáo. Số lượng bài viết theo hệ thống bài bản nhằm “đổi trắng thay đen”, coi thường công lý, chà đạp sự thật, nhằm chạy tội cho những hành động tàn bạo từ phía chính quyền.
Từ trong đau thương, lật lại những hàng đầu tiên trong cuốn lịch sử giáo xứ Quan Lãng, chúng ta thật ấn tượng với lời khẳng định: “Mảnh đất thân yêu này có được như ngày hôm nay là đã được tô thắm bằng máu của những tiền nhân anh dũng và chứng nhân anh hùng. Chính vì vậy, con cháu của quê hương Dừa Lạng phải biết sống xứng đáng với niềm tự hào của người Dừa Lạng”2. Giáo dân Quan Lãng đã sẵn sàng hi sinh bước theo thập giá Đức Kitô hầu tìm lại khuôn mặt hào hùng của cha ông xưa và cho hoa trái Tin mừng được trổ sinh trên mảnh đất này.
Sau những vu cáo trắng trợn, rồi đây chính quyền sẽ tiếp tục hành động như thế nào, chúng ta sẽ chờ xem.
Anthony Trần
Nguồn: giaoxubotda.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét