Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Phần II: Luật Pháp & Tin Mừng Sự Sống

LTCGVN (14.07.2012)

LUẬT PHÁP & TIN MỪNG SỰ SỐNG
(Tiếp theo)

Tóm lược diễn văn của ĐHY Timothy M. Dolan nhân dịp thăm viếng trường Luật thuộc Viện Đại Học Fordham (www.catholicculture.org).

ĐTC Gioan Phaolô có một thứ linh cảm rằng khiếm khuyết rõ ràng nhất của nền văn hóa đương đại là chuộng ‘having’--sở hữu, và ‘doing’--hành động, hơn là ‘being’--hiện hữu.

Ba chủ thuyết duy thực dụng, duy lợi, và duy tiêu thụ đều là những từ ngữ bay bướm của bản năng ‘sở hữu’ và ‘hành động.’ 

Thế nhưng, đời sống tự căn bản là thuộc ‘hiện hữu,’ và nhiệm vụ cao cả nhất của luật pháp chính là đứng ra bảo vệ cho ‘hiện hữu’ của sự sống thoát khỏi nanh vuốt của ‘sở hữu’ và ‘hành động.’

Hãy lấy tỉ dụ về sự kiện ‘hiện hữu’ của thai nhi trong lòng người mẹ. ‘Hiện hữu’ đó, sự sống đó vượt hẳn giá trị của sự hữu dụng, hữu hiệu, thuận lợi, tư riêng/cá nhân, hoặc thoả mãn nhu cầu. Một nền văn hóa sự sống cùng với các luật lệ hỗ trợ khác đã bảo đảm cho điều đó.

Dưới cái nhìn duy thực dụng, duy lợi, và duy tiêu thụ, thì hài nhi chỉ là đồ vô dụng, chẳng được tích sự gì.

Thế là ‘hài nhi’ trở thành một từ ngữ ghê tởm. Gia đình nào có hơn hai con dưới năm tuổi thường phải chịu những ánh mắt khinh chê và những lời xầm xì từ những kẻ tự coi mình là “thông minh sáng láng, y thể như họ đang sẵn sàng phân phát truyền đơn cổ động cho việc cắt ống dẫn tinh, cột buồng trứng, phá thai, hoặc ngừa thai.

Chính sách gia đình chỉ một con được Trung Quốc áp dụng nghiêm minh, với hình phạt nặng nề, chính sách này cũng đang được nền văn hóa và xã hội Tây Âu áp đặt; chính nơi đây, cái tên thông dụng nhất được đặt cho trẻ nam hiện nay là Mohammed, bởi vì trên thực tế, các cặp vợ chồng Kitô hữu có lẽ cũng chỉ có một con. Còn trong văn hóa Hoa Kỳ chúng ta, trẻ em đôi khi được coi, khá lắm thì như một mặt hàng tiện nghi, một thứ phụ tùng, còn tệ hơn, thì là một điều bất tiện, một thứ gánh nặng.

Trẻ em hiện nay ra đời trễ đi, do bởi hóa chất và nhựa mủ, cho tới khi cặp vợ chồng thực sự thích thú khi có con, để rồi lại đi đến chỗ nổi sùng lên khi không thể có con được, lúc ấy lại vội vã chạy đến các phòng thí nghiệm cậy nhờ vào sự can thiệp của kỹ thuật, bù đắp lại cho điều thiên nhiên vẫn thường làm một cách hoàn hảo.

Dường như hiện nay các cặp vợ chồng chỉ thích con vật nuôi làm kiểng. Nếu muốn có con, thì đứa con đó được đặt hàng theo sách liệt kê hàng hóa. Nếu lỡ cấn thai, và thai nhi không vừa ý, nhất là bị cho là mang tật bệnh hay không hoàn hảo, thì chỉ việc ngưng ngay, rồi ‘làm lại keo khác.’

Lý do dễ hiểu là vì trong văn hóa sự chết, trẻ con được coi như một mặt hàng tiện nghi, một thứ phụ tùng. 

Nếu có con, chỉ là để thỏa mãn khao khát, chứ không để hy sinh vì nó, chỉ để no thỏa nhu cầu của mình, chứ không hề là hy sinh cả đời hầu có thể đáp ứng nhu cầu của con cái; nói khác đi, để tưởng thưởng cho mình, chứ không vì muốn ban phát cho nó.

Đối kháng lại với nền văn hóa sự chết này, Hội Thánh đã can đảm và vui vẻ cổ võ nền văn hóa sự sống. 

Phải nhìn nhận rằng cao điểm của kiếp làm người chính là khi ta hiến thân bằng một tình yêu không vị kỷ, không còn sống cho mình nữa, mà là cho tha nhân. ĐTC Gioan Phaolô gọi đó là ‘luật ban tặng.’

Không có gì đúng với ‘luật ban tặng’ hơn là một hài nhi. Không có gì làm thay đổi cuộc đời bằng một hài nhi. Không có gì chuyển biến ích kỷ thành vị tha hơn là một hài nhi. Không có gì kêu gọi ta bước ra khỏi chốn kìm kẹp của lòng tự ái để bước vào thế giới liên đới cho bằng một hài nhi.

Và cũng không có gì đe doạ cho nền văn hóa văn minh, nền văn minh tình yêu, một xã hội đạo đức và công bằng, không có gì chà đạp ‘luật ban tặng’ hơn là một nền văn hóa sự chết chất đầy những khoản luật chỉ hù dọa trẻ thơ mà không bảo vệ chúng.

‘Hiện hữu’ đối lại với ‘sở hữu và hành động.’

‘Liên đới’ thách thức với ‘duy tiêu thụ’ và ‘cá nhân thái quá.’

‘Luật ban tặng’ đối phó với ‘Luật sống còn’ tôn thờ ích kỷ.

Đó là chọn lựa, là biện chứng, là mối căng thẳng mà ĐTC Gioan Phaolọ đã trình bầy.

ĐTC đương kim Biển Đức XVI còn thắp sáng hơn nữa cho Thông Điệp TMSS càng thêm rạng rỡ. 

ĐTC Biển Đức XVI đã liên tục cảnh giác về hiểm họa ‘ách độc tài của chủ nghĩa duy tương đối.’ Ngài cũng đã nhìn sâu và duyệt kỹ các bước phát triển của luật pháp, và đã nêu lên cùng một lời cảnh báo như vị tiền nhiệm của ngài. Trong một diễn văn quan trọng đọc trước Quốc Hội Đức vào mùa thu năm ngoái, ĐTC Biển Đức đã lên tiếng cảnh giác về một hệ thống luật thuần túy duy nghiệm chỉ phản ảnh ý muốn của nhà làm luật, một con người làm luật, chứ không phải Thiên Chúa. Hệ thống đó nhìn thế giới bằng những hạn từ duy hành động, và do đó không nhìn nhận rằng con người không thể lấy được quy phạm đạo đức từ một phương thức thuần túy khoa học thực dụng. Hệ thống này cho rằng: chỉ quan sát bề ngoài mà thôi thì không thể biết được sự vật sẽ phải như thế nào, con người sẽ phải phản ứng ra sao nếu đứng trên quan điểm luân lý, nói khác đi, nó không cho rằng người ta có thể lấy được cái ‘buộc phải làm’ xuất từ một cái ‘đang hiện hữu.’

Nỗ lực duy nghiệm trong việc làm luật mà không cậy dựa vào siêu việt tính chắc chắn không thể nhìn ra toàn thể chiều rộng của bản chất con người, và tất nhiên sẽ đi đến chỗ ‘giảm hạ’ và ‘đe doạ nhân tính.’ Để nhấn mạnh điểm này, ĐTC Biển Đức đã sử dụng một hình ảnh làm ớn lạnh toàn thể cử tọa đang cầm quyền tại Bá Linh, một thành phố đã được trùng tu trên nấm tro tàn của một cuộc chiến tranh phi nhân tàn khốc:

“Chủ nghĩa duy nghiệm vốn không nhìn nhận bất kỳ một điều gì khác hơn là chức năng của nó chẳng khác gì một căn hầm trú ẩn không có cửa sổ, trong đó ta vẫn trang bị đèn điện và máy lạnh, nhất quyết không nhờ cậy điều gì từ nơi Thiên Chúa.”

Những lời này thật mạnh, thế nhưng, như Blaise Pascal đã nhận xét: “Bổn phận luân lý tiên quyết là phải suy nghĩ rõ ràng minh bạch.” Trong một nền văn hóa mà sự sống của thai nhi và những vị cao niên yếu đuối đang liên tục bị đe dọa bởi đa số phiếu bầu của tòa án tư pháp hay lập pháp, thì khó mà có được một kết luận khác hơn.

Trong chuyến về thăm quê hương vừa qua, ĐTC Biển Đức nhận xét rằng đây chính là sự chuyển tiếp từ “is”--hiện hữu’ sang “ought”-bó buộc” vốn là nền móng cho các quyết định và hành động luân lý của ta, một sự chuyển tiếp từ ‘indicative--biểu thị’ sang ‘imperative--quyết lệnh.’

Nếu ta được ‘thần hóa,’ phản ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài--đây chính là ‘hiện hữu’ của ta--thì ta ‘bó buộc’ phải cư xử với chính mình và với tha nhân một cách đầy tôn trọng, yêu thương, danh dự và ân cần.

Nếu một thai nhi, từ giây phút đầu thai trong lòng mẹ, LÀ một con người--và đây chính là ‘hiện hữu,’ không phải do sách giáo lý dậy như vậy, mà là từ sách giáo khoa sinh học được giảng dậy trong các trường trung học, thì sự sống thai nhi ấy PHẢI được luật pháp bảo vệ che chở.

Nếu một di dân Mễ tây cơ LÀ con cái Chúa, được giá máu Con Một Ngài cứu chuộc, thì ta PHẢI dùng luật pháp để tỏ sự tôn trọng, đón nhận và bảo vệ, chứ không được ruồng rẫy, ghét bỏ, giơ nắm đấm trước mặt, nghiến răng nghiến lợi đáp lại biểu ngữ vận động của một ứng cử viên đang bênh vực cho bản chất bẩm sinh của con người.

Ngay cả một tử tội cũng có linh hồn, LÀ một nhân vị, sự ‘hiện hữu’ này không thể bị xóa bỏ, cho dù bởi những tội ác ghê tởm người ấy đã phạm, thì ta không buộc PHẢI trói gô người ấy vào giường tử tội, rồi chích thuốc độc cho chết tốt.

Từ ‘hiện hữu’ sang ‘bó buộc.’ Đây là bước hành trình luân lý. Từ ‘biểu thị’ đi tới ‘quyết lệnh.’

Như thói quen, ĐTC Biển Đức mới đây cũng đã gài thêm một nút thắt mới vào cách thức tiếp cận luận lý. Cũng tại Đức Quốc, trước mặt Quốc hội, ngài đã nói đến nhu cầu tôn trọng cả môi sinh bên ngoài, lẫn nền sinh thái nội tâm.

Ngài nói: “Tạ ơn Chúa, dù là tạo vật, ta cũng học biết--một cách khó khăn--rằng môi sinh quả đất này có sẵn một thứ quân bình, nhưng thật mỏng dòn. Vũ trụ này có một thứ trật tự mà tạo vật không bao giờ được làm thay đổi hay làm ô nhiễm.”

Vị “Giáo Hoàng Xanh,” (danh hiệu người ta đặt cho ĐTC Biển Đức), còn nói tiếp rằng: cũng y như vũ trụ có ‘tính nguyên vẹn’ phải được bảo vệ, và con người có một ‘luật tự nhiên’ mà ai ai cũng đều biết, cho dù vẫn có những lạm dụng, thì cũng có một trật tự, một sự quân bình, một tính nhất quán bẩm sinh nơi vũ trụ, nơi con người, vốn phải được lưu tâm bảo vệ bởi luật tự nhiên.

“Tầm quan trọng của sinh thái không ai còn chối cãi. Điều cần thiết là lắng nghe thiên nhiên và đáp trả lại đích đáng. Và điều xem ra đang bị lãng quên chính là: cũng có một nền sinh thái nơi con người! Con người cũng có một bản chất phải được tôn trọng, chứ không được lạm dụng mặc ý. Con người không phải là sự tự do thuần túy tự tạo. Con người đâu có tạo dựng nên mình…Ý chí con người sẽ được điều chỉnh đúng đắn nếu biết tôn trọng bản chất của mình, lắng nghe bản chất ấy, và chấp nhận mình như chính mình.”

Lối nói của ĐTC thật ra đã lôi cuốn cả những người thường tỏ ra rất khó chịu với ngài, như bình luận gia John Allen đã nêu lên: “Diễn văn của ĐTC đã là một bài học về cái mà Jeremy Rifkin gọi là “new biopolitics--nền tân chính trị sinh học’ khiến cho các đối thủ bất giác thấy mình đang đứng về phe với ngài.”

Đứng trước ngày càng nhiều tranh cãi về kỹ thuật sinh học, bao gồm biến chế phôi thai, kỹ thuật di truyền, và lai tạo thú vật hoặc loài người, Hội thánh Công giáo và phong trào phò sự sống đi chung đường với các nhà môi sinh học, giải phóng phụ nữ và các nhà hoạt động phi đoàn thể. Hẳn nhiên khởi điểm của họ có khác, thế nhưng họ lại đến cùng một chỗ. Phía bên kia thì có cả một nhóm các nhà bảo thủ thích làm ăn buôn bán, các hội y tế và khoa học, và các nhà cấp tiến đối lập với mọi hình thức luật lệ của chính phủ.

Trong một mức độ nào đó, sự biến đổi này vẫn còn khó nhận thấy, bởi vì những tranh luận sinh học cũ, tỉ như phá thai và hôn nhân đồng tính vẫn còn đó. Tuy nhiên, sang tới thế kỷ 21, chiến tuyến cuộc chiến văn hóa ngày càng hiện rõ hơn, và trong bối cảnh này, diễn từ của ĐTC đã cống hiến bằng chứng hùng hồn.

Để kết luận, làm thế nào mà luật phục vụ Văn Hóa Sự Sống có thể khơi dậy một cuộc tự vấn lương tâm?

Liệu luật có bảo vệ ‘hiện hữu’ của sự sống con người khỏi quyền bá chủ của ‘sở hữu’ và ‘hành động’ chăng?

Liệu luật duy nghiệm có giả định và xuất phát, hay đối kháng lại, luật tự nhiên khắc ghi nơi con người chăng?

Liệu luật có dính liền với sự thật khách quan chăng, hay lại bị kìm kẹp bởi ‘ách độc tài’ của chủ nghĩa duy tương đối?

Liệu tự do đích thực có phải là khả năng làm điều phải làm, hay là chứng chỉ cho phép muốn làm gì mặc ý? Liệu sư liên đới có triệt tiêu tính tư riêng không?

Liệu các quyền căn bản của con người sẽ được bảo đảm hay bị ngăn chận, khi luật nói ‘không’ với một vài đòi hỏi của chủ nghĩa duy thực dụng, duy lợi, và duy tiêu thụ vốn làm băng hoại sự sống con người chăng?

‘Quyền được sống’ thì vượt trên, hay lệ thuộc, các quyền riêng tư, lợi thú, và thỏa mãn ca nhân? 

Luật có cần được sửa đổi cho phù hợp với những nhu cầu, đòi hỏi, hoặc các ‘quyền’ vừa được khám phá, hay các nhu cầu, đòi hỏi, và các ‘tân quyền’ phải được luật khống chế ngõ hầu bảo đảm được tính linh thánh của sự sống, công ích, và luật luân lý khách quan?

Như ĐTC Biển Đức đã nhắc nhở Quốc hội Đức: “Niềm xác tín rằng có một Thiên Chúa Hóa Công đã khơi gợi ý tưởng về nhân quyền, về tính bình đẳng của mọi người trước pháp luật, về việc nhìn nhận tính bất khả xâm phạm của nhân phẩm nơi mỗi người, và về ý thức trách nhiệm mỗi người về hành động của mình.”

Khi bênh vực cho mối liên kết cần thiết giữa tự do và sự thật, và khi nhấn mạnh đến mối tương quan của ta với Thiên Chúa là đấng ban cho ta cả sự thật lẫn tự do, TMSS cống hiến cho ta một đường lối không chỉ để xây dựng luật pháp tốt, mà còn thiết lập được một nền văn hóa tự do và đạo đức nữa.

Nguyễn Kim Ngân

Lễ Thánh Biển Đức

7/11/12


VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét