Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Nước mắt trong tim


Nước mắt trong tim
“Nước mắt trong tim” là nhan đề một cuốn bút ký của nhà văn Lê Đại Lãng. Ông là một thuyền nhân, từng làm thiện nguyện trong những trại tỵ nạn ở Hồng Kông. Vào lúc có chương trình cưỡng bách thuyền nhân tại các trại phải hồi hương thì ông cũng theo giúp những ngưòi bị trả về trên một số chuyến bay đến phi trường Tân Sơn Nhất nhưng không được đặt chân xuống sân bay, vì là phần đất Việt Nam. Ông ghi lại những gì đã nhìn, đã cảm nghiệm như một sự chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời chỉ vì muốn tìm cho mình cuộc sống tự do và tương lai cho con cái, mà đã phải liều mình lao thân vào mọi gian khổ, đoạ đầy. Cùng một nỗi đau như tác giả đã chia sẻ đó, bài viết xin đuợc tiếp nối những dòng nước mắt này để cùng với đồng bào trong nước khóc cho nhau; khóc với những anh em có mặt trong các cuộc biểu tình những ngày mới đây; nhất là với anh em ở Cồn Dầu, ở giáo điểm Con Cuông hiện nay, ở mọi nơi thuộc Giáo phận Vinh. Và trên hết, khóc cho Quê Hương yêu dấu bằng tâm sự đau nhức, xót xa.
Việt Nam, Việt Nam, hai tiếng gọi thật êm đềm tha thiết
Nghe ngọt ngào nhưng buốt giá tận trong tim…
Trong  mấy chục năm qua,  thực đã có không ít  người  đơn giản tưởng  rằng sau khi cuộc chiến tranh ý thức hệ  chấm dứt thì xã hội Việt Nam sẽ xoá bỏ được nhiều thảm cảnh của chết chóc, lầm than,  đói khổ, nghèo nàn, bất công, tù ngục…vân…vân…… Phần lớn trong số những người này nghĩ vậy không phải vì sự chọn lựa theo quan điểm, lập trường hay chủ nghĩa mà chỉ vì họ tin vào hai chữ Việt Nam. Tin rằng cho dù là ai và có lạc loài đến đâu nhưng nếu một khi vẫn còn mang họ Đinh, Võ, Hoàng, Lê, Nguyễn, Trần, Phạm… thì may ra cũng còn sót được đôi ba giọt máu Việt Nam.
Lại nữa…có những người không có kinh nghiệm máu xương về chủ nghĩa cộng sản sau khi đã thoát ra từ những ý niệm ban đầu  của  Karl Marx nên cũng hí hửng mong có ngày không còn giai cấp này bóc lột giai cấp nọ. Lại cũng có một số khác không phân biệt rằng giữa tư tưởng của một triết gia khi nghiêng chiều về những luận chứng  xã hội;  muốn  đặt  lại vai trò và giá trị người công nhân trong sản xuất ; muốn thay đổi  tương quan bất bình đẳng giữa chủ thợ tại các nước tư bản vào thế kỷ thứ 19, nhất là ở nuớc Anh  lúc Karl Marx đang sống ở đấy đã không  giống với tham vọng chính trị của những người chỉ  nhắm  thống trị. Mà cho dù là những người nào đi nữa, một khi đã bị thấm độc tham vọng này rồi thì  hai chữ “quốc gia” không nghĩa lý gì nữa, còn nói gì  đến hai chữ “Việt Nam”. Trong thi phẩm Hoa Điạ Ngục, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phân tích ngắn gọn rằng:
           Chủ nghĩa Mác chỉ là không tưởng
          Trái với bản chất con người, reo rắc tai ương
          Đã gây bao là máu lệ bi thương
          Đã phạm bao tội ác tầy trời
          Hơn nữa nó ra đời
          Khi Luân Đôn, Paris còn đi xe ngựa
          Nay là thời tên lửa máy bay
          Nếu cứ ngu si ôm mãi chủ nghĩa này
          Đất nước này nở mặt nở mày làm sao được nữa
 Vậy mà cái chủ nghĩa  như  thế đã, đang và vẫn còn được nhiều người dùng nó để áp đặt một sự thống trị phi nhân trên toàn đất nước Việt Nam.  Nhiều người  núp vào nó để trục lợi, để củng cố quyền lực. Tệ hơn nữa lại còn có  những người mang danh lãnh đạo tinh thần với đầy đủ giáo lý đức tin mà đành tâm bám vào nó kiểu theo đóm ăn tàn để mưu cầu danh vị, bán đứng lương tri và tâm đạo.
Gần 90  triệu đồng bào tôi đang bị chìm trong cái vũng lầy chủ nghĩa như thế đó.
Lịch sử nước tôi, ngoại trừ những trang viết về các giai đoạn bị  ngoại xâm và đô hộ ra, thì kể cả trong thời phân tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn cũng không thấy ghi nhiều chứng tích đau thương và ê chề bằng ba mươi mấy năm sau ngày 30-4-1975. Những người cộng sản thì  ăn ý với  nhóm chữ  “đất nước thống nhất” và hệ quả của sự thống nhất này thê lương quá.
Thống nhất để dễ bề nồi da xáo thịt; thống nhất để huỷ diệt nhân cách và đạo đức của toàn dân; để đảo lộn mọi trật tự xã hội và cùng một trật cho dân tộc bị phá sản toàn bộ vốn liếng của cha ông. Cuối cùng chỉ còn lại một chế độ mượn danh cộng sản mà toàn trị đất nước bằng chính sách độc tài. Nói là mượn danh vì một khi đã gọi là cộng sản thì làm sao lại có bối cảnh xã hội hiện nay với  giai cấp lãnh đạo  toàn là những chủ nhân ông lắm của nhiều tiền và xa hoa còn hơn các ông hoàng bà chúa thời phong kiến.
Thống nhất để được mặc tình cắt chia lãnh thổ và lãnh hải của đất nước cho Tầu bởi lẽ  từ trong quá khứ đã phải quỵ lụy nước lân bang này để có được số vũ khí dùng vào việc  lấn chiếm Miền Nam tự do với chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”…Chống Mỹ rồi lại “hồ hởi phần khởi” mời  Hoa kỳ trở lại… Cho nên nhạc sĩ Việt Khang  đã cứ theo  thực tế  nội tình mà gọi giai đoạn này  là “cuộc đời ngày sau tàn lửa khói”…với cảnh “Người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giầu sang dối gian…”. Hay như nhạc sĩ Phan Văn Hưng hơn một lần đã hỏi “Còn ai thương dân tôi, sau cuộc chiến rã rời, sau trăm ngàn mất mát, vết thương nay vẫn còn rỉ máu tươi chưa ngơi…”
Đấy chính là Quê Hương tôi hiện nay.
 Việt Nam, Việt Nam
Sao oan khiên mãi bủa vây tư bề trùng điệp
Giải giang sơn gấm vóc đã sinh ra tôi
Suốt bốn ngàn năm lịch sử tài bồi
Triệu triệu đứa con được nuôi chung một bầu sữa mẹ
Việt Nam, Việt Nam
Một con đường cái quan chia thành bao ngả rẽ
Ý hệ này, chủ thuyết nọ lớn lên
Mẹ Việt Nam mang nặng nỗi ưu phiền
Nhìn một bọc trăm trứng Rồng Tiên
 đã có phần bị lai căng thành liu điu, nòng nọc…
 Đã mấy chục năm qua, Mẹ Việt Nam vẫn còn chưa lau khô nước mắt. Những ngày đầu vừa mới “thống nhất”, Mẹ xót dạ nhìn con cái mình đói với những bữa ăn toàn khoai, sắn, bo bo. Cùng một lúc lại ngao ngán nhìn từng đoàn tầu viễn dương ghé bến Sài gòn để chất đầy gạo và hàng hoá của các kho dự trữ  đi trả nợ cho súng đạn trước đây  đã nhận về “giải phóng Miền Nam”. Bệnh tật gì cũng chỉ có xuyên tâm liên thay cho nhiều thứ thuốc. Rồi các trại cải tạo dựng nên song song với các vùng kinh tế mới…Thật chẳng có gì gọi được là ích quốc lợi dân.
Dòng nước mắt khóc cho những đứa con lao khổ trong tù và khóc cho
bao nhiêu đứa chìm thây ngoài biển chưa ngưng  thì lại đã  căm gan tím ruột nhìn từng tấc đất của tổ tiên bị cắt dâng cho Tầu. Nếu thuở xưa Mẹ đã tủi nhục vì có những con dân phản quốc cầu vinh thì ngày nay Mẹ còn tủi hờn hơn nữa với những  đứa con hậu thân của Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên và Lê Chiêu Thống,  đang ruớc giặc vào đào xới nát  vùng  đất Tây Nguyên. Giới trí thức, các bậc tu hành  vì yêu nước đã phải vào tù. Tuổi trẻ Việt Nam bị đàn áp vì lên tiếng cho sự thật như Việt Khang.  Các giới đồng bào bị đánh đập, bị bắt bớ khi đi biểu tình chống ngoại bang cướp đất chiếm biển của non sông nước Việt. Một số thanh niên ở Vinh vì đòi hỏi công lý và hoà bình mà phải ra toà lãnh án …Rồi giáo dân ở  giáo điểm Con Cuông với từng ngày sống trong sự  đàn áp, bất công  của một chính sách kiểu như muốn triệt để  huỷ diệt sự sống của các tôn giáo nói chung và Công Giáo cách riêng…
Những điều vừa kể ra  đều không có gì lạ cả theo bản chất và chủ trương của nhà cầm quyền hiện nay. Bởi vì, nếu không có khủng bố, đàn áp  và  chính sách bạo ngược  thì  đã không là  chế độ cộng sản. Điều cần nói và đáng nói  là thái độ dửng dưng, là  cách sống vô cảm của đa số dân mình đang mang chung hai chữ “đồng bào”.
Tấm biểu ngữ “Tổ quốc lâm nguy xin đừng vô cảm” trên tay những người đi biểu tình chống Tầu xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa thực đã không còn là khẩu hiệu nữa mà đúng là tiếng gọi nước non, là lời trách oán anh em con Lạc cháu Hồng  sao đành làm ngơ trước vận nước nổi trôi; sao thản nhiên trơ mắt nhìn được và sống yên hàn được trước bao khốn khó của đồng bào.  Hai chữ đồng bào trong cộng đồng dân tộc không chỉ dành để gọi riêng dân chúng mà  cũng là hoà thượng, hồng y, thượng toạ, giám mục, giáo sĩ, ni cô, nữ tu…là tất cả những người Việt Nam nào không mang dòng máu lạnh trong tim.
Chỉ tính riêng về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam  trong vòng mấy năm gần đây  thôi cũng đã như chịu trận “đòn thù”. Từ biến cố Toà Khâm Sứ, rồi Thái Hà  đến Tam Toà, Loan Lý, Cồn Dầu, Cầu Rầm…vân…vân…   và bây giờ là Con Cuông …nhưng đã có những ai cùng chung nỗi đau? Những mục tử nào đã khóc cho cảnh đàn chiên bị đánh tan nát?
Chẳng lẽ những cộng đoàn tín-hữu kia không phải là chiên chung một ràn?
Chẳng lẽ những sự việc ấy không phải là đối tượng của lòng thương xót như Chúa đã dạy, không đúng đề tài để rao giảng?
Chẳng lẽ đường lối của Đức Ki-tô vạch ra và  đã  được Giáo-hội  nhắc lại qua Công-đồng Vatican II là “Giáo hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề  liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi” (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội Trong Thế giới Ngày Nay) không  liên can đến một mục tử nào hết?
Chẳng lẽ những câu nói hùng hồn trên tòa về công lý hoà bình với những chữ  bác ái, vị tha, chứng nhân, phục vụ, dấn thân, chia sẻ, cảm thôngra khơi,  nhập thế, cứu thế chỉ là bài bản đầu môi chót lưỡi nếu không muốn nói như nhận định chung của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện về chủ nghĩa cộng sản:
Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi !
Mấy chục năm trời xương máu đổ đi
Thử hỏi dân đen thu được những gì ?
Ngoài một số từ lừa mị kẻ ngu si!
Chẳng lẽ sự ghi nhận của Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày Nay “… có những người ngoài miệng chủ trương rộng rãi và đại lượng, nhưng thực tế họ luôn luôn sống như là chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của xã hội…” lại ứng nghiệm cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong suốt 37 năm qua?
May thay, chúng ta vẫn còn những dòng nước mắt nóng đang trào dâng từ nhiều cõi lòng Việt Nam.
Bằng những giọt nến lung linh cầu nguyện ở khắp nơi trên đất nước.
Bằng sự hiệp thông của gần 166 giáo xứ trong điạ phận Vinh bày tỏ thái độ phẫn uất truớc chính sách phi lý và vô pháp vô thiên của nhà cầm quyền cộng sản.
Bằng tinh thần trách nhiệm của Toà Giám mục Xã Đoài trong văn thư chính thức ngày 10-7-2012 gửi đến các Tổng Giáo Phận và các Giám Mục Việt Nam.
Và an ủi nhất là sự hiệp thông của những tấm lòng người con xa xứ tại Úc châu được Đức cha Nguyễn Văn Long – Giám Mục Phụ Tá Melbourne – thay mặt gửi vềcác nạn nhân và tất cả anh chị em tín hữu tại Con Cuông, tỉnh Nghệ An  ngày 05-7-2012 đểbày tỏ sự xúc động sâu xa trước những biến cố đang dồn dập xẩy đến với anh chị em trong những ngày qua…
…Thật đau buồn khi chúng ta phải chứng kiến cảnh bắt bớ, đánh đập và hành hung linh mục và các giáo dân trong khi thờ phượng. Thật xót xa khi những người làm công cụ của chế độ đã không kể việc phạm sự thánh khi đập phá ảnh tượng và gây thương tích cho các nạn nhân vô tội.Thật oái oăm khi tất cả những sự việc không bao giờ xẩy ra tại một xã hội văn minh ở thế kỷ 21, lại đang xẩy ra ở quê hương “Bác Hồ”-cha đẻ của cái gọi là xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
…Trong tình đồng bào cũng như trong cùng một đức tin, chúng tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông sâu xa đến các nạn nhân cũng như toàn thể anh chị em giáo dân Con Cuông. Chúng tôi ngưỡng mộ và cảm phục đức tin can trường và ý chí bất khuất của anh chị em trước bạo quyền.
…Cảm ơn anh chị em đã cho chúng tôi thấy sự trân qúy của tự do mà anh chị em sẵn sàng trả bằng mọi gía, ngay cả bằng tính mạng. Anh chị em không cô đơn trong khổ nhục vì công lý. Chúng tôi đồng hành với anh chị em. Những người thiện tâm đồng hành với anh chị em…
Tóm lại, câu hát đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời vẫn là chân lý ngàn đời. Cho nên còn yêu thương thì chúng ta còn hy vọng.
Phạm Minh Tâm
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét