Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Điều cần thiết nhất


Điều cần thiết nhất
Đức Giêsu nói: “Anh chỉ còn thiếu một điều” (Lc 18, 22).
Đối với người Cộng sản, tự do tôn giáo chỉ có nghĩa là tín hữu được tự do cầu nguyện trong nhà thờ – những nhà thờ có sẵn, còn ở ngoài nhà thờ, họ không được “tụ tập trái phép” để thờ phượng Chúa, để giảng dạy giáo lý đức tin hay tham gia các hoạt động bác ái nhân danh tôn giáo. Các chức sắc đi đâu, làm gì, muốn tổ chức lễ gì, nhất nhất phải xin phép. Cho đến gần đây, nhờ thái độ cương quyết, thẳng thắn dám nói lên sự thật của chứng nhân cho công lý là Đức Tổng Giám mục Hà nội Giuse Ngô Quang Kiệt, cùng sự đấu tranh cho các quyền của Hội thánh Công giáo khởi từ Thái hà, Tòa Khâm sứ, Tam tòa, Sơn la, Giáo phận Vinh, Kontum… với sự đồng tình và hưởng ứng của những người yêu sự thật và công lý trong và ngoài nước, đã can đảm vùng lên đấu tranh cho dân chủ, cho chủ quyền Quốc gia, cho quyền của con người thì Nhà nước Cộng sản này có tý chút nhượng bộ, tùy từng vùng, miền trong Đất nước như nới lỏng cho các cơ sở đào tạo tôn giáo, việc phong chức Linh mục và thuyên chuyển, sửa sang những nơi thờ tự, các cơ sở bác ái… nhưng vẫn chi phối việc phong chức Giám mục, lũng đoạn Hội thánh và cấm mở các trường học, bịnh viện, các cơ quan bác ái Công giáo…
Sự đối kháng giữa Nhà nước Cộng sản và Tôn giáo, đặc biệt là Công giáo vẫn giữ nguyên vị thế căng thẳng của nó, nghĩa là không chỉ nằm trên lãnh vực ý thức hệ, quan điểm, lập trường, bất chấp những gì tôn giáo đã cống hiến cho nhân loại, cho phúc lợi của con người và hướng định các thể chế đến việc phục vụ con người, trong việc phát huy những giá trị, các quyền của con người, sự ổn định của xã hội và đem lại một cuộc sống an bình, mà còn thể hiện rõ nét trên bình diện đối kháng loại trừ, trong đó, những gì liên quan đến Thiên Chúa đều bị cấm đoán, xóa sạch mọi vết tích những gì liên quan đến Thiên Chúa trong đời sống xã hội. Hơn nữa, ngay cả trong chính Hội thánh Công giáo, họ cố tình o ép, hạn chế sứ mệnh cao cả của Hội thánh thành một đáp ứng cho nhu cầu tâm linh; họ chi phối, mua chuộc, ban nhiều đặc ân, gài bẫy các chức sắc để lũng đoạn, biến Hội thánh thành một tổ chức thuộc Nhà nước kiểm soát như “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”, một tổ chức chính trị xã hội thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Nhà nước Cộng sản cố tình không chịu hiểu rằng Nước Thiên Chúa không thuộc thế giới này và, như các thể chế phong kiến, độc tài khác trong lịch sử, họ luôn muốn nắm quyền kiểm soát Tôn giáo để thu tóm quyền lực trong tay mình, không chấp nhận chia sẻ quyền lực ấy cho bất cứ tổ chức nào. Thế nên họ rất kinh ngạc, thèm muốn và tức tối khi nhận thấy có hai quyền lực chủ yếu cai quản con người: xã hội và Tôn giáo, mà Tôn giáo lại có phần lấn lướt hơn.
Đối với Công giáo, dù Nhà nước Cộng sản có cố tình lũng đoạn, áp đặt mọi biện pháp chế tài cho thứ “công dân hạng hai”, kể cả việc cấm đoán “hành đạo” công khai tại một số nơi, thì với người Công giáo, không vì thế mà họ phủ nhận tuyệt đối sự tuân thủ các thể chế thế trần, dĩ nhiên nếu các thể chế ấy phục vụ con người, bảo hộ và thăng tiến các quyền của con người (1Pr 2,13-17). Người Công giáo biết mọi quyền bính được thiết lập bởi Thiên Chúa, nên phải có trách nhiệm đối với các thể chế tốt lành ấy, không được coi nó như kẻ thù của mình (Rm 13,1-7). Hai lãnh vực hợp pháp ấy đã được Đức Giêsu công khai nhìn nhận khi Người tuyên bố: “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Đức Giêsu không dạy tín hữu phải phi bác, xung đột, xa lánh hoặc coi những gì thuộc thế gian này đều xấu xa, ở thế đối nghịch, loài trừ, trái lại Người công nhận phần nào quyền bính của nó trên con người nhưng không phải là quyền tối thượng (Mt 17, 25-27).
Nhà nước Cộng sản 67 năm qua đã độc quyền cai trị dân tộc Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam từng được các văn nghệ sĩ hình tượng hóa là “Cô gái Việt Nam” hiền thục, mỹ miều, dễ thân thiện, có nét đẹp của đức hạnh, duyên dáng của văn hóa truyền thống và một tâm hồn ngập tràn yêu thương ấy, nay vì sống dưới chế độ Cộng sản đã biến thái thành “một phụ nữ” lăng loàn, mất nhân cách, mang nặng dấu ấn của nền văn hóa dối trá, độc ác, vô liêm sỉ và vô luân.
Nhưng các Tôn giáo cùng với những người yêu Tổ quốc, thương Dân tộc, đã không chịu để Việt Nam phải điêu tàn, lao vào sự hủy diệt mà can đảm vùng lên chiến đấu cho sự thật và chân lý, cho công bằng và bác ái. Dù bị những điều khoản phi lý, những quy định vô cùng bất lợi trong Hiến pháp Nhà nước Cộng sản khống chế, những “Người” ấy nhất định không khom lưng cúi đầu hài lòng với số phận làm “con”. Họ đã vùng dậy, đã đứng lên, tạo nên hiện tượng mà Nhà nước Cộng sản gọi là “bất ổn xã hội qua các cuộc khiếu kiện, khiếu tố kéo dài”, nhất là qua các cuộc phản kháng trong những vụ cưỡng chế bất công đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân. Dù những người yêu sự thật và công lý ấy, khi đứng lên đòi hỏi những quyền chính đáng của mình cách ôn hòa, trật tự và nhẫn nại, điều họ nhận được là khủng bố, bạo hành, giam cầm, chết chóc mà Nhà nước Cộng sản này đã huy động tối đa những công cụ nắm trong tay như chính quyền, quân đội, cảnh sát, an ninh và cả xã hội đen để trấn áp dã man, không thương tiếc.
Nhưng cuộc phản kháng ấy ngày càng nhiều và nhân rộng ra cả nước chỉ vì Nhà nước Cộng sản ngoan cố không chịu nhận chân ra sự thật là họ không còn khả năng khống chế người dân nữa, không còn sức mạnh để bịt miệng công lý nữa, không còn chính nghĩa để lôi kéo mọi người ủng hộ mình nữa, nhất là họ cương quyết không chịu hiểu một điều bao trùm lên mọi điều: “Chỉ có thay đổi toàn diện, cởi mở đối với sự thật trọn vẹn về con người, để đạt tới tự do. Khi Thiên Chúa bị gạt bỏ, thì thế giới trở nên đố kỵ với con người” (Lời phát biểu của Đức Thánh Cha Benedicto XVI sau cuộc viếng thăm Cuba, tại Vatican, 4/4/2012).
Một điều cần bao trùm mọi điều ấy cũng lan sang cả Hội thánh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi còn là Giám mục ở Nước Ba lan Cộng sản đã giằng lại quyền mục vụ của Mục tử, quyền xây dựng và tái thiết các nhà thờ, điều hôm nay, ta thoáng thấy qua cách hành xử của Đức Giám mục Kon tum Micae Hoàng Đức Oanh với Nhà nước trong giáo phận của ngài. Hội thánh Ba lan khi ấy hừng hực dũng khí dưới sự lãnh đạo mạnh bạo từ hàng Giám mục, các vị kế nhiệm các Tông Đồ luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đức tin như các Tông đồ đầu tiên với hàng Linh mục gắn bó cùng nhau thành một khối kiên cường, bất khuất vì được tôi luyện trong những cuộc bách hại, khủng bố, giam cầm tù tội và nhất là các ngài được cả một hàng ngũ tu sỹ, giáo dân và những người đấu tranh cho chân lý nhiệt thành, yêu mến và đầy dấn thân cộng tác đã thành công trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, cho quyền con người.
Một điều cần ấy có “cần” cho Hội thánh Việt Nam trong cơn phong ba thử thách này không?
14/7/2012
Ngô Khê
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét