Việc làm và tình yêu trong đời sống con người là hai yếu tố góp phần xây dựng con ngưòi cùng xã hội. Nhưng hai hình ảnh này theo lý luận phân tích lại như đi ngược chiều nhau.
Tình yêu dẫn đến sự sinh sôi nẩy nở thêm con người; công làm việc ngăn cản vướng trở tình yêu. Hai điều căn bản trái ngược nhau trong đời sống xã hội ngày hôm nay.
Công việc làm mang đến lợi nhuận, tiền bạc. Tình yêu thì hao tốn tiền bạc. Việc làm sản xuất ra hàng hóa và mang lại tư bản sở hữu. Còn tình yêu sản xuất ra con cái và mang lại sự thua lỗ tốn kém.
Từ việc làm nảy sinh viết ra những sách báo thực dụng chỉ dẫn phát minh. Còn từ tình yêu nảy sinh đưa đến viết sách báo tiểu thuyết.
Việc làm và tình yêu như thế phân chia đời sống xã hội ra làm đôi, trong đen và đỏ, chen lẫn vào số phận con người.
Theo phân tích lý luận thì khô cứng như thế. Nhưng giữa việc làm và tình yêu còn có yếu tố thứ ba nữa. Yếu tố này được xây dựng thành hình, nếu hai yêu tố kia cùng chung hợp với nhau.
Đó là gia đình.
1. Từ khởi thủy đã có…
Đọc trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế có câu: „Từ khởi nguyên Thiên Chúa sáng tạo trời đất.“. ( St 1,1). Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa có cả con người Nam và Nữ.
Rồi chính Thiên Chúa cũng đã muốn con người sống chung hợp thành gia đình với nhau: „ Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều…Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó…..Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.“ ( St 1-2).
Như thế gia đình là sự sống chung hợp của hai người Nam Nữ với nhau không chỉ dựa trên nền tảng làm việc hay chỉ tình yêu, hay chỉ trên yếu tố sinh lý vật học cùng trên tầng thần kinh cảm gíac, nhưng còn trên niềm vui hạnh phúc, sự tròn đầy đời sống họ mang lại cho nhau.
Gia đình có thể nói là ơn Kêu Gọi của hai người Nam và Nữ cùng nhau xây dựng mái ấm căn nhà tình yêu cùng hỗ trợ nhau đưa đến sự trọn vẹn đời sống của nhau. Tình yêu của họ trao cho nhau là sứ điệp tin mừng giúp họ khám phá ra điều còn ẩn dấu nơi mỗi người, món qùa tặng của Thiên Chúa.
Gia đình là ơn kêu gọi hướng về tình yêu và như món qùa tặng cho đời sống.
Yếu tố gia đình giúp không chỉ xây dựng đời sống hai người mà còn cho hoa qủa là con cái của họ do Trời cao ban cho. Và như vậy cho cả xã hội con người nữa.
Yếu tố gia đình giúp họ vượt qua rào cản phân tích đi vào ngõ bí ích kỷ khô cứng giữa hai bên chỉ thuần túy tình yêu và chỉ thuần túy việc làm.
Phải, xưa nay có nhiều cách thế nhìn cùng suy tư về gia đình. Nhưng yếu tố gia đình theo nếp sống trong dân gian xưa nay là căn bản cho đời sống xã hội.
2. Từ căn bản
Gia đình xưa nay trong đời sống xã hội vào mọi thời đại, ở mọi đất nước nền văn hóa nhân loại có chức năng liên quan ra tới ngoài xã hội nữa. Gia đình nào cũng là một xã hội thu nhỏ có cha, có mẹ, con cái. Xã hội nhỏ này nối kết với những xã hội nhỏ khác làm thành xã hội to lớn. Trong xã hội nhỏ gia đình, em bé bạn trẻ nhận được trước hết tình yêu sự chăm sóc âu yếm đùm bọc của cha mẹ ngay từ khi em thành hình là bào thai trong cung lòng mẹ.
Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ phát triển lớn lên thành người quân bình cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì mỗi con người không phải chỉ có thân xác với đầu mình và tứ chi, nhưng còn bao gồm cả trí khôn tinh thần nữa. Tinh thần lành mạnh nơi thân xác khoẻ mạnh.
Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ khám phá ra thế nào là tình liên đới giữa con người với nhau, và con người cần nhau như thế nào.
Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ được đào tạo giáo dục từ căn bản về ăn uống, học nói, đi đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, tắm rửa, mặc quần áo, giữ vệ sinh, học đọc chữ, nhất là học biết khám phá về nếp sống đạo giáo tinh thần, biết bỡ ngỡ vẻ đẹp trong thiên nhiên.
Trong bầu không khí đó em bé bạn trẻ phát triển lớn lên dần nhận ra thế nào là điều hay lẽ phải, thế nào là một nếp sống tốt đẹp có lễ phép, có tư cách, có nguồn gốc.
Những căn bản đó là hành trang cần thiết giúp em bé bạn trẻ lớn lên đi vào trường đời sống cùng học hỏi mở mang thêm ra, cùng làm việc xây dựng, và cùng yêu mến đời sống xã hội.
Trong cuộc gặp gỡ gia đình thế giới lần thứ bảy ở Milano bên Ý hôm 01.06.2012. Đức Hồng Y Ravasi, đã có suy tư về gia đình theo ba hình ảnh„ Gia đình là một căn nhà có ba phòng: phòng đau khổ, phòng làm việc và phòng mừng lễ. „
Thiết nghĩ, những căn phòng này không phải là số phận phải hứng chịu, nhưng là cơ hội giúp đời sống có kinh nghiệm trưởng thành vững mạnh hơn. Và như thế đời sống gia đình khác nào là trường đào luyện cho con người trước khi ra trường đời sống.
Nhưng dẫu vậy, con người xưa nay vẫn luôn có những thắc mắc hoài nghi, có khi chao đảo, khi nhìn thấy những thực tế về cảnh gia đình trong xã hội.
3. Từ thắc mắc hoài nghi
Không chối cãi, hình ảnh gia đình không chỉ có mặt tích cực, mà còn có cả mặt tiêu cực nữa;
Không chỉ có phương diện theo truyền thống xưa nay, mà còn cả phương diện cách mạng đổi mới chạy theo thời đại nữa;
Không chỉ có khía cạnh đạo đức như được thánh hóa, mà còn có cả khía cạnh bị tục hóa nữa;
Không chỉ có mặt gía trị cao đẹp, mà còn cả mặt bị hạ gía coi nhẹ thường nữa;
Không chỉ được ca tụng là cần thiết, mà còn bị tương đối hóa nữa;
Không chỉ được nhìn nhận là thánh thiêng Ơn Kêu của Trời cao, mà còn bị cho là một sản phẩm nhu cầu của thời đại.
Không chỉ là một giao ước nền tảng của hai vợ chồng trung thành gắn bó với nhau suốt đời, mà còn có cảnh sống thử tìm hiểu nhau một thời gian, hay ly dị xóa bỏ giao ước chia tay nhau nữa.
Không chỉ là một hôn nhân giữa hai người Nam và Nữ theo luật thiên nhiên, mà còn có cả hôn nhân giữa hai người cùng phái tính nữa theo đòi hỏi của con người ngày hôm nay.
Không chỉ là cùng chung vui cộng khổ trong gia đình giữa cha mẹ với nhau, mà còn có cảnh người cha đẩy những gánh nặng lo âu cho người mẹ một mình gánh chịu nữa, hay ngược lại.
Không chỉ có những người con do cùng một dòng máu tế bào của một cha và của một mẹ sinh ra. Nhưng còn có những người con hoặc của riêng cha, hoặc của riêng mẹ, hoặc được nhận làm con nuôi.
Không chỉ là chiếc nôi tổ ấm như xưa nay vẫn hiểu vẫn ca tụng. Nhưng càng ngày gia đình như đang trở thành một „Garage“ chiều tối cho xe chạy vào đậu nghỉ lấy nước đổ xăng nhớt cho khoẻ tươi tỉnh trở lại, rồi sáng hôm sau lại chạy đi tiếp vào đời sống.
Không còn thuần túy là tổ ấm để trẻ con thơ bé được đùm bọc lớn lên phát triển, cảm nghiệm được tình âu yêm của cha mẹ. Nhưng đang dần dần gia đình là nơi chốn ngủ nghỉ ban đêm sau giờ làm việc của cha mẹ. Vì trẻ con ngay khi còn thơ bé từ lúc hai hay ba tuổi bị đưa gửi vào nhà trẻ, rồi lớn lên đi học ở nhà trường cả ngày, làm việc liên miên không ngừng nghỉ, và cả lúc tuổi gìa cũng còn phải bồi dưỡng đi học tiếp ở đại học, ở những lớp „Seminare“ nữa... Chiếc ghế nhà trường theo đuổi đẩy con người từ lúc tuổi thơ bé vào vườn trẻ cho tới tuổi gìa.
Phải, những cảnh trái ngược nhau về hình ảnh đời sống gia đình không thể nào kê khai ra cho hết đầy đủ được.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những hình ảnh trái ngược đó, nhiều người sẽ không muốn tạo lập gia đình nữa. Nhưng rào cản trong đời sống không phải là không vượt qua được, lẽ dĩ nhiên là phải cố gắng mệt nhọc. Và trong đời sống làm gì mà không có thử thách, không có cám dỗ, không có khó khăn.
Đời sống đâu chỉ gồm có những điều tiêu cực thất vọng, mà còn có mặt tích cực niềm hy vọng nữa. Chính điều này mà gia đình dù trải qua xưa nay trong cơn lốc khủng hoảng vẫn luôn còn đứng vững với gía trị của nó.
Dẫu hình ảnh gia đình có nhiều biến đổi, có khi bị chao đảo lung lay tận gốc rễ. Vì cung cách đời sống, cung cách suy tư thời đại thay đổi nhanh lẹ. Nhưng con người vẫn luôn đi tìm kiếm một hình ảnh đúng thích hợp, một hình ảnh nền tảng vững chắc cho đời sống con người và xã hội.
Bộ áo tô điểm bên ngoài có thể thay đổi. Nhưng nội dung hình ảnh gia đình, nhất là những gía trị cao đẹp, luôn cần phải được duy trì củng cố cho vững mạnh trong sáng. Nhờ thế, xã hội con người vẫn tiếp tục tồn tại cùng phát triển vươn lên.
*******************
Cùng trong dòng sông đời sống đó, Giáo Hội Chúa ở trần gian cũng nhờ đó mà triển nở. Và Gíao Hội có nhiệm vụ là người cùng đồng hành, là trạng sư, cổ võ khuyến khích cùng bảo vệ che chở hình ảnh gia đình như Thiên Chúa từ khởi thủy đã tạo dựng nên.
„ Gia đình là trường học tốt nhất, nơi đó con người sống cùng học hỏi được những gía trị cao đẹp làm nên phẩm gía mỗi con người. Những gía trị cao đẹp đó góp phần xây dựng cho các dân tộc trở nên hùng cường lớn mạnh. Ngoài ra, trong bầu khí gia đình con người chia sẻ với nhau niềm vui cùng nỗi buồn đau khổ. Vì nơi đó mọi người là thành viên gia đình cảm nhận ra mình được yêu thương che chở.“ (Đức Giáo hoàng Benedictô 16., Kinh truyền tin ngày Chúa nhật 27.12.2009)
Xã hội con người cần đến Giáo Hội là „ lương tâm“ làm phương hướng đi tìm những gía trị luân lý đạo đức trong đời sống. (Mục sư Martin Luther King)
Mùa Hè 2012
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét