Trong nhóm bạn cũ ngày xưa chơi với nhau, tôi có một người bạn nữ tên H. H. không đẹp nhưng chơi với bạn bè rất nhiệt thành và tận tình, con nhà giàu và lanh lợi, cô được hưởng nhiều may mắn. Sau năm 75 chúng tôi không gặp nhau, nghe tin H. đã lấy chồng nhưng cuộc sống chung không trọn vẹn, sau này gặp lại, mỗi khi bạn bè nhắc đến người ấy, H. thường im lặng không có lời nặng nhẹ nào về người vắng mặt. Một lần trong thinh lặng, tôi thấy H. rơi nước mắt rất nhanh, rồi cô ấy quay đi.
H. không có con, song một mình ở một tiểu bang không đông người Việt, nhưng H. làm ăn rất thành công, cô ta có một nhà hàng và cả một chung cư cho sinh viên thuê vì rất gần một trường đại học. Làm ăn có tiền nên H. tiêu pha rất hậu hĩ, cô thường xuyên xuống Cali đi Las Vegas đánh bạc và hay vê Việt Nam rong chơi, tiêu tiền như nước không hề nghĩ đến ngày mai ra sao. H. bỏ Nhà Thờ lâu lắm rồi, mẹ cô có lần gặp tôi, bà nài nỉ: “Con nói cho nó đi Nhà Thờ lại đi”, tôi tôn trọng H. nên chưa bao giờ hỏi H. về vấn đề này, có lần cô hỏi tôi trong cung giọng buồn buồn: “Có một người bạn bỏ Nhà Thờ, cha có buồn không ?” Hỏi xong H. đánh trống lảng ra chuyện khác ngay.
Một lần họa hiếm H. nói chuyện nghiêm túc, H. nói về ngày sau cùng của H. Cô thông báo với mọi người rằng mình sẽ ra đi không để lại một phiền muộn nào cho bất cứ ai, H. đã làm di chúc và yêu cầu được chết ngay khi lâm nạn hoặc khi mắc bệnh nan y, sẽ không có việc kéo dài những ngày đau ốm trên giường bệnh, sẽ không một ai phải lo lắng chăm sóc cho H. Về tang lễ, H. cũng không quan tâm, khi chết H. sẽ được đốt và hủy bỏ tro cốt, không để lại bất cứ một di vật nào, luật pháp Hoa Kỳ giúp H. thực hiện điều cô muốn. Dĩ nhiên hai điều H. ấn định cho ngày sau cùng của mình đều không được quan điểm của Giáo Hội đồng ý.
Nhiều tiền nhiều của nhưng H. mất định hướng, có lẽ lý do đơn giản nhất là H. thất vọng hay nói đúng hơn, tuyệt vọng về cuộc đời của mình, không tìm được ai để yêu thương, không tìm được ai để nương nhờ, nói chung H. đang sống trong nỗi cô đơn khủng khiếp của cuộc đời. kinh nghiệm bị bỏ rơi đã đẩy H. vào ngõ cụt, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, không tìm được cái lý để hiện diện trên cõi đời này. Vì tuyệt vọng về con người nên H. muốn giải quyết đời mình cho “gọn nhẹ”, không tin có ai chấp nhận và mang vác cuộc đời mình nên H. quyết định không làm phiền đến ai, không tin vào ai có thể kiên nhẫn đồng hành với mình nên cô quyết định ra đi trong đơn độc và vĩnh viễn.
Tôi vừa là bạn cũ, vừa là Linh Mục, nhưng qua bạn bè khác nói lại với tôi, H. bảo: “Không làm phiền ông ấy !” ông ấy đi tu rồi biết gì”, Nhà Thờ cũng không đủ sức mạnh vực lại niềm tin của H. Cô không bao giờ cho tiền giúp Nhà Thờ dù bạn bè hoặc người thân gợi ý, giúp người lâm nạn nghèo khổ thì H. giúp, nhưng chỉ giúp khi tận mắt chứng kiến nỗi ngặt nghèo ấy, H. không tin qua một trung gian nào. Giúp rất nhanh, giúp ngay không hề tính toán là bao nhiêu, số tiền có khi lên đến mấy ngàn đôla, nhưng khổ nỗi, những nơi H. đến ăn chơi phung phí làm gì có kẻ ngặt nghèo để cô thấy !?!
Trong tác phẩm “An tử và trợ tử” của Linh Mục Phêrô Trần Mạnh Hùng, tác giả đã phân tích kỹ nguyên nhân dẫn con người đến giải pháp tìm sự “an tử” hoặc “trợ tử”, đó là do con người tuyệt vọng về mọi người, họ không tìm được sự nương nhờ cần thiết để nhận ra sự sống là quí trọng và bất khả xâm phạm.
Ngày nay, ngồi Tòa Giải Tội tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, các Linh Mục đã thấy xuất hiện tội “giúp cho người thân của mình chết bằng cái chết êm ái do can thiệp bằng thuốc trong quá trình nuôi bệnh” ( trợ tử ), đây là một hành động sai lầm vì không ai được phép chấm dứt mạng sống của người khác trong bất kỳ tình huống nào, Sự Sống là của Thiên Chúa, chỉ mình Ngài mới có quyền quyết định sự ra đi của con người, người bệnh và người chăm sóc phải tìm được ý nghĩa của Tin Mừng yêu thương trong quá trình chia sẻ và đón nhận sự chăm sóc của nhau, hơn lúc nào hết đây là lúc để ánh sáng Tin Mừng tỏa sáng cho thế giới hôm nay.
Tự tử là một dạng của “an tử, trợ tử”, khi nỗi tuyệt vọng lên đến đích điểm, con người không muốn tiếp tục kéo dài cuộc sống vô nghĩa này nữa, họ tìm cái chết vì thất vọng về anh em, do đó tôi nghĩ ở một diện nào đó người tự tử không có lỗi, lỗi thuộc về những người chung quanh đã sống làm sao để anh em mình tuyêt vọng, để anh em mình không còn muốn sống vì không còn ai để tin cậy.
Sống cho nhau và sống vì nhau đó là lời mời gọi của Tin Mừng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa là Đấng sống và chết cho người khác, vì người khác. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa nghĩa là con người được tạo dựng để sống yêu thương, sống cho người khác và sống vì người khác, nếu chỉ biết sống cho mình, không nghĩ đến người khác, vô cảm trước nỗi đau của người khác, bỏ rơi anh em mình trong nỗi đau cùng quẫn hỏi những kẻ chọn thái độ đó có còn là con người nữa không, có còn là hình ảnh của Thiên Chúa nữa không ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.7.2012
14 ngày sau biến cố đau thương ở Con Cuông (Ephata 518)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét