Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/02/2013 Mehmet Ali Ağca, kẻ ám sát Đức Giáo Hoàng, làm giàu nhờ những tin giật gân



Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới
1. Buổi triều yết chung thứ Tư Mùng 6 tháng Hai

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư Mùng 6 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về cách thế Chúa tạo thành trời đất. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng vì con người đã được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, họ tự động có một phẩm giá không thể phủ nhận.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Năm Đức Tin, giờ đây chúng ta hãy suy tư về đoạn Kinh Tin Kính mô tả Thiên Chúa là "Đấng Tạo Thành Trời Đất." Trong kỳ công sáng thế, Thiên Chúa là Cha toàn năng Đấng đã phán ra lời hằng sống để dựng nên một vũ trụ đầy những điều thiện hảo, hài hòa và đẹp đẽ.

Vì thế, thế giới này là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch trong đó loài người được coi là tột đỉnh của kỳ công sáng tạo. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng con người đã được tạo ra từ bụi đất theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là cơ sở để khẳng định sự hiệp nhất của gia đình nhân loại và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người chúng ta.

Chúng ta cũng thấp thoáng thấy mầu nhiệm trong đó con người tuy chỉ là một sinh vật hữu hạn đã được mời gọi đóng một vai trò quan yếu trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. Thảm kịch tội lỗi của A-đam, làm sai lệch đi mối quan hệ ban đầu của chúng ta với Thiên Chúa, đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với nhau và với thế giới. Nhờ sự tuân phục cứu độ của Chúa Kitô, là Ađam mới, Thiên Chúa đã công chính hóa chúng ta và cho chúng ta được sống trong tự do như những người con yêu dấu của Ngài.

2. Tòa Thánh Công bố sứ điệp mùa Chay 2013 của Đức Thánh Cha 

Trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh sáng mùng 1 tháng 2, Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée Xích Đạo, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), đã giới thiệu với giới báo chí Sứ Điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha mang tựa đề “Tin trong đức mến khơi dậy lòng bác ái - Chúng tôi đã nhìn nhận và tin rằng tình yêu Thiên Chúa ở giữa chúng ta” 

Sứ điệp được chia làm 4 phần lần lượt nói về:

1. “Đức tin như một lời đáp lời tình yêu Thiên Chúa”

2. “Đức mến như một cuộc sống trong đức tin”

3. “Mối liên hệ không thể phân ly giữa đức tin và đức mến”

4. “Vị thế ưu tiên của đức tin, chỗ đứng thứ nhất của đức mến”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến quan hệ giữa Đức Tin và Đức Ái. Đức tin giúp chúng ta nhận biết chân lý của Đức Giêsu Kitô như là Thiên Chúa nhập thể và chịu đóng đinh khi hoàn toàn vâng phục Thánh ý Cha với lòng thương xót vô biên dành cho con người. Đức tin ghi khắc vào con tim và tâm trí chúng ta một niềm xác tín vững chắc rằng chỉ có Tình Yêu đó mới có thể chiến thắng sự dữ và cái chết. Đức tin cũng mời gọi chúng ta hướng về tương lai với nhân đức hy vọng, trong sự mong chờ đầy tin tưởng vào cuộc vinh thắng của Đức Kitô. Trong khi đó, đức ái thúc giục chúng ta đi vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô và làm cho chúng ta đi vào tình yêu tự hiến và hoàn hảo của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và cho anh chị em mình một cách cá vị và sống động. 

Mối tương quan giữa hai nhân đức này tựa như mối tương quan giữa hai bí tích nền tảng của Giáo hội: Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Rửa tội là sự chuẩn bị của bí tích Thánh Thể, và bí tích Thánh Thể giúp người Kitô hữu đi trọn hành trình của mình. Cũng vậy, đức tin đến trước đức ái nhưng đức tin chỉ trở nên chân thực nhờ đức ái. 

3. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 3 tháng Hai

Trưa Chúa Nhật mùng 3 tháng Hai là “Ngày cho sự sống” tại Italia. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có hàng ngàn thành viên của các phong trào bảo vệ sự sống. Ngỏ lời chào họ Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Nhật thứ Nhất của tháng Hai là “Ngày cho sự sống” tại Italia. 

Ngài mời gọi anh chị em tín hữu đầu tư cho sự sống và gia đình, như là câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm thánh lễ Chúa Nhật, kể lại biến cố một ngày thứ Bẩy Chúa Giêsu đọc và giải nghĩa Sách Thánh trong hội đường Nagiarét, nơi Người đã lớn lên và ai cũng biết gia đình Người. 

Đức Thánh Cha nói:

"Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng tiên tri không phải là công việc dễ dàng, ngay cả tiên tri trong số những người gần nhất với chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tinh thần dũng cảm và sự khôn ngoan, để trong lời nói và hành động của chúng ta, chúng ta có thể rao giảng chân lý cứu độ của tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ, khiêm nhường, và mạch lạc. "

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đưa ra một Tweet mới kêu gọi độc giả hãy bắt chước Đức Trinh Nữ Maria đón nhận lời Chúa Giêsu trong cuộc đời của họ.

4. Đức Thánh Cha cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha mời gọi những người sống đời thánh hiến hãy nuôi dưỡng và canh tân đức tin để có thể chiếu sáng ơn gọi của mình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi chiều mùng 2 tháng Hai, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, cũng là Ngày đời sống thánh hiến, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ trong Đền thờ thánh Phêrô.

Ngày Đời sống thánh hiến được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành lần đầu tiên hồi năm 1997, với mục đích chúc tụng Thiên Chúa về hồng ân đời sống thánh hiến, là điều vốn thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội, đồng thời đề cao chứng tá của đời sống thánh hiến, và đây cũng là cơ hội quí giá để mọi người sống đời thánh hiến lập lại quyết tâm đã và đang khích lệ họ hiến thân phụng sự Chúa.

Đây là lần đầu tiên từ 7 năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cử hành thánh lễ nhân Ngày Đời Sống thánh hiến. Những năm vừa qua, ngài chỉ chủ sự Kinh Chiều nhân ngày này.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ các dòng tu João Braz de Aviz, người Brazil, LM Sebastiano Paciolla, thuộc dòng Xitô, Phó tổng thư ký của Bộ, 4 Bề Trên Tổng quyền thành viên, và hàng chục các LM phục vụ tại Bộ.

Mở đầu buổi lễ có nghi thức làm phép nến do Đức Thánh Cha chủ sự ở cuối Đền Thờ, rồi ngài cùng với đoàn đồng tế và 50 bề trên nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đi rước tiến lên Bàn thờ chính.

5. Trình tấu nhạc dành cho Đức Thánh Cha và Tổng Thống Ý nhân 84 năm hiệp ước Latêranô.

Chiều Chúa Nhật mùng 3 tháng Hai tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục, Tòa Đại Sứ Ý cạnh Tòa Thánh đã tổ chức một buổi hòa nhạc dành cho Đức Thánh Cha để mừng 84 năm ngày ký hiệp ước Latêranô vào ngày 11 tháng Hai năm 1929. Hiệp ước này chính thức công nhận chủ quyền của quốc gia Vatican trong phần lãnh thổ chúng ta thấy hiện nay.

Nhạc trưởng Zubin Meht đã điều khiển dàn nhạc Mayo Florentino để trình tấu các bài hợp xướng của Verdi và Beethoven.

Hiện diện bên cạnh Đức Thánh Cha là Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

6. Thượng Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Canđê triệu tập tại Rôma để bầu tân Thượng phụ Babylon.

15 vị Giám Mục của Thượng Hội Đồng Giáo Hội Công Giáo Canđê đã bế mạc một hội nghị tại Rôma dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Sau khi tĩnh tâm trong ngày thứ Hai, 28 tháng Giêng, các ngài tiến hành thảo luận về tương lai của Giáo Hội Công giáo Canđê, là Giáo hội chiếm đông đảo tín hữu ở Iraq, và bàn bạc việc bầu chọn người kế nhiệm cho Thượng Phụ Emmanuel III Delly, đã từ chức vào tháng Mười Hai năm ngoái, ở tuổi 85 tuổi.

Khi chào mừng các Giám mục Canđê, Đức Hồng y Sandri nói rằng cuộc bầu chọn sẽ là "hết sức quan trọng" cho Giáo Hội cổ kính này, "đặc biệt là tại thời điểm lịch sử tế nhị hiện nay”. Cộng đồng Canđê ở Iraq đã sút giảm đáng kể về số lượng các tín hữu từ năm 2003.

Ngày 31 tháng Giêng, Đức Tổng Giám mục Louis Sako năm nay 64 tuổi, là người đứng đầu tổng giáo phận Công giáo Canđê Kirkuk, phía Bắc Iraq, kể từ năm 2003, đã được bầu làm tân Thượng Phụ Babylon và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chanđê trên toàn thế giới .

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nhanh chóng chuẩn y kết quả bầu cử này Đức Giáo Hoàng và đã chào đón Đức Tân Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê một ngày sau đó.

Nhà lãnh đạo Công Giáo mới được bầu đã xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho ngài.

Đức Tân Thượng Phụ Louis Sako nói:

"Chúng con cần lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha vì đây là một thời gian khó khăn đối với con. Con vẫn cảm thấy chưa quen với quần áo toàn là màu đỏ như thế này. "

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Chúa tuôn đổ Thánh Thần trên hiền huynh. Chúng tôi hiệp nhất với hiền huynh trong lời cầu nguyện."

Đức Thánh Cha cũng chào đón các tham dự viên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, vừa kết thúc công nghị tại Rôma để chọn Tân Thượng Phụ. Công nghị đã diễn ra trong bầu khí rất xúc động.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Nghi Lễ Chanđê tại Teheran nói với Đức Thánh Cha:

"Chúng con cần lời cầu nguyện và phép lành của Đức Thánh Cha cho người Công Giáo Iran. Đặc biệt là cho giáo phận của con."

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Nghi Lễ Chanđê tại Damascus thưa với Đức Thánh Cha như sau:

"Trọng kính Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha vì tất cả những gì ngài đã làm cho Syria"

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ưu ái nói:

"Tôi không thể làm được gì nhiều, đó là tất cả những gì tôi có thể làm."

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Syria thưa:

"Trên tất cả, chúng con tri ân Đức Thánh Cha vì chuyến viếng thăm tại Syria trong đó Đức Thánh Cha đã đề cập đến Syria và kêu gọi hòa bình và hòa giải."

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trả lời

"Chúng tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho anh chị em."

Sau khi chụp hình lưu niệm, Đức Giáo Hoàng đã tặng Đức Tân Thượng Phụ một cây thánh giá bằng vàng và một chuỗi Mân Côi như một món quà giúp đỡ ngài trong sứ mệnh mới của mình. Sau đó, các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Chanđê đã hát tặng Đức Thánh Cha một bài hát nổi tiếng của người Công Giáo Nghi Lễ Chanđê.

Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, các Giám Mục đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Hồng Y đã tặng các vị bức tranh bằng bạc khắc hình Đức Trinh Nữ Maria với các tông đồ.

7. Nhiều linh mục vẫn phản đối việc dịch chữ pro multis là “cho nhiều người”

Trong khi người Công giáo Ý đang chờ đợi Tòa Thánh Vatican chính thức chấp thuận một bản dịch mới của Thánh Lễ, một cuộc tranh luận sống động lại tiếp tục qua việc dịch chữ "pro multis" là pro molti (cho nhiều người), thay vì per tutti (cho mọi người). 

Cuộc tranh luận này phản ánh cuộc tranh luận về bản dịch tiếng Anh mới, trong đó cụm từ "for all, cho mọi người", vốn đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua, đã được thay thế bằng cụm từ chính xác hơn "for many, cho nhiều người”.

Theo phóng viên Sandro Magister của tờ L'Espresso, một số linh mục Ý đã loan báo rằng họ sẽ từ chối sử dụng bản dịch mới. Sự chống đối của họ có thể cũng tương tự như sự chống đối của một số linh mục ở Anh, nhưng số linh mục Anh này đang đề nghị sử dụng lối dịch riêng của họ là: “for many and many, cho ngày càng nhiều người".

8. Áp lực của các người Hồi giáo cực đoan làm cho các tu sĩ Công Giáo phải rời khỏi miền đông Libya

Hai cộng đoàn tu sĩ Công Giáo đã bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú của họ ở Libya, và một số cộng đoàn khác đang có kế hoạch rời đi, do áp lực gia tăng của các chiến binh Hồi giáo.

Đức Giám mục Giovanni Martinelli, Ðại Diện Tông Tòa ở Tripoli, nói với hãng tin Fides: "Tình hình là rất quan trọng ở miền đông Libya”. Dòng Thánh Gia, đã được thành lập ở Derna trong gần 100 năm, là một trong các cộng đoàn tu sĩ đã rời khỏi khu vực. 

Vị Ðại Diện Tông Tòa ở Benghazi đã được cảnh báo phải rời khỏi giáo phận của ngài, trước khi có các cuộc biểu tình lớn chống Kitô Giáo của người Hồi Giáo được dự kiến vào giữa tháng Hai.

Đức Giám mục Martinelli cho biết rằng một ít dòng tu Công Giáo vẫn ở lại miền đông Libya. Ngài nói: "Là một Giáo phận, chúng tôi sẽ có biện pháp phòng ngừa, nhưng chúng tôi không thể bỏ rơi các Kitô hữu vẫn còn ở lại".

Ngài nói thêm: “Tại Tripoli, cho đến nay tình hình là tương đối yên tĩnh". Tuy nhiên, ở phía đông Libya, các Kitô hữu ở trong tình trạng "rất căng thẳng".

9. Kẻ cố ý ám sát Đức Thánh Cha nói rằng giáo chủ Ayatollah Khomeini đã ra lệnh y làm việc này; nhưng Tòa Thánh Vatican bác bỏ điều trên

Mehmet Ali Agca, người đã bắn và làm bị thương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hồi tháng 5 năm 1983, bây giờ lại tuyên bố rằng âm mưu sát hại đã được thực hiện theo lệnh của cố giáo chủ Hồi giáo Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini.

Agca - người thường tung ra các tuyên bố giật gân và mâu thuẫn nhau, về đời tư của mình và động cơ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – nói rằng ông đã được đào tạo bởi lực lượng Iran, và được đích thân giáo chủ Ayatollah Khomeini trao nhiệm vụ giết hại Đức Thánh Cha. Agca đưa ra các tuyên bố này trong cuốn tự truyện, mang tên They Promised Me Paradise (Họ Hứa Thiên đàng cho tôi), được phát hành bằng ấn bản tiếng Ý trong tuần này.

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican, bác bỏ lời tuyên bố của Agca, và lưu ý các phóng viên báo chí về các câu chuyện không ngừng thay đổi mà Agca đã nói ra. Vị phát ngôn của Tòa Thánh nói: "Cả trăm chuyện hoặc cả trăm phiên bản mà Agca đã dựng lên, cùng với các tuyên bố trước đây của ông, là chẳng có chi đáng tin cả". 

Ngài nói thêm rằng “bất cứ khi nào ngài có thể kiểm tra một trong các lời khẳng định của Agca, ngài thấy nó là hoàn toàn sai”.

Cha Lombardi đã xác nhận báo cáo của Agca nói rằng, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm ông trong một nhà tù ở Rôma, Đức Thánh Cha đã nói về sứ điệp của Đức Mẹ Fatima và sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria trong việc cứu mạng sống cho ngài. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Thánh phủ nhận tuyên bố của Agca cho rằng cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lẫn Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đều đã viết thư riêng cho ông ta, để thúc giục ông ta trở lại đạo Công giáo.

10. Tài liệu của Thư viện Vatican được lên mạng trực tuyến

Thư viện Vatican, phối hợp với trường Đại học Heidelberg và với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Polonsky có trụ sở ở London, đã đưa 256 tài liệu lên mạng trực tuyến.

Đức Giám mục Cesare Pasini, quản đốc Thư viện Vatican, nói rằng sự hợp tác với Thư viện Bodleian của trường Đại học Oxford sẽ sớm cho phép đưa thêm nhiều tài liệu lên mạng trực tuyến.

Đức Cha nói: "Tất cả các bản viết tay sẽ được đưa lên mạng trực tuyến. Nói chính xác hơn, tất cả các bản viết tay đang được lưu trữ trong khu vực các thủ bản sẽ được đưa lên mạng trực tuyến. Có khoảng 80,000 bản viết tay như vậy”.

Dự án được bắt đầu vào cuối năm 2011, và sử dụng công nghệ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để nhập vào máy điện toán các tài liệu. Tuy nhiên, cần phải nhiều năm mới hoàn tất công việc được.

Sau khi hoàn tất, các tập tin sẽ chiếm khoảng 4,5 triệu gigabyte trong ổ đĩa cứng của thư viện Vatican.

11. Hiệp định ngoại giao Vatican-Israel có hy vọng sớm hoàn tất

Một hiệp định ngoại giao được thương thảo lâu dài giữa Tòa thánh Vatican và Israel cuối cùng gần được hoàn tất, theo sau một cuộc đàm phán cao cấp giữa Tòa Thánh và Israel.

Thứ trưởng ngoại giao Israel, Danny Ayalon - người đã tham dự các vòng đàm phán cuối cùng - nói với các phóng viên trong một cuộc họp hôm 29 tháng Giêng tại Giê-ru-sa-lem, rằng đại diện của Tòa Thánh và nhà nước Israel đã sắp hoàn tất một hiệp định thiết lập quyền lợi hợp pháp của Giáo hội Công giáo ở Israel. Thứ trưởng Ayalon nói rằng hiệp định này sẽ được phê duyệt khi một chính phủ Israel mới lên nắm chính quyền.

Thứ trưởng Ayalon nói: “Tất cả nền tảng đã được hoàn thành. Hiệp định sẽ là một mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Israel và Tòa Thánh”.

Hiệp định Vatican và Israel đã được hứa hẹn như là một phần của "Hiệp định cơ bản", đã được công bố vào năm 1993, khi Tòa Thánh Vatican công nhận và thiết lập ngoại giao với Israel. 

Trước các tuyên bố lạc quan của thứ trưởng Ayalon, các viên chức Tòa Thánh tỏ ra dè dặt hơn. Một tuyên bố của Vatican sau cuộc họp ngày 29 tháng Giêng chỉ nói rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra "trong bầu không khí ngiêm túc và xây dựng", "có những tiến bộ đáng kể đã đạt được", và các vị tham gia cuộc đàm phán mong đợi một kết luận "nhanh chóng cho Hiệp định”. Các nhà đàm phán của Tòa thánh Vatican và Israel đã đồng ý gặp lại nhau tại Rôma vào tháng 6 năm nay.

Theo một bài viết của tờ báo Jerusalem Post, dự thảo hiện tại của hiệp định qui định rằng tài sản của Giáo Hội sẽ được miễn thuế, nhưng doanh nghiệp thuộc sở hữu của Giáo hội sẽ bị đánh thuế như các doanh nghiệp khác của Israel. Hiệp định sẽ bảo vệ các đền thờ Công giáo - ở Nazareth, Caphernaum, và Núi Bát Phúc – khỏi bị nhà nước tịch thu. 

Hiệp định không bao gồm một thỏa thuận về quyền sở hữu của nhà Tiệc Ly, vì đây là nơi mà cả người Công giáo và người Do Thái đều cho là mình có quyền sở hữu.

12. Đức Hồng Y Ravasi: giới trẻ bị “tách rời” khỏi nền văn hóa của họ

Tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh vào sáng ngày 31 tháng Giêng, đã có buổi họp báo để Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa trình bày về Hội Nghị Toàn Thể của Hội Đồng đang diễn ra từ 6 đến 9 tháng 2 với chủ đề “Các Nền Văn Hóa Tuổi Trẻ Đang Hình Thành”. 

Hiện diện trong buổi họp báo có Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi và Đức Cha Carlos Alberto de Pinho Moreira Azevedo, là chủ tịch và đại diện của Hội Đồng, cùng với linh mục Enzo Fortunato, O.F.M. Conv., giám đốc văn phòng báo chí của Tu Viện Thánh Phanxicô tại Assisi và hai đại diện người trẻ là Alessio Antonielli, người Ý, và Farasoa Mihaja Bemahazaka, người Madagascar.

Trước đây vài ngày, tại Tu Viện Thánh Phanxicô ở Assisi, trong một bài diễn văn nói về biến cố trên, Đức Hồng Y Ravasi cho hay: lãnh vực chính khiến chúng ta lưu tâm hiện nay là nền văn hóa tuổi trẻ. Ngài nói: “(Tuổi trẻ) dạo phố với những ống nghe bịt hết hai tai, mải mê nghe âm nhạc, cho thấy họ hoàn toàn cắt đứt khỏi mọi phiền phức không chịu nổi của xã hội, của chính trị và của tôn giáo mà người lớn chúng ta đã tạo ra… Xét về một phương diện nào đó, họ cúi mặt như muốn loại mình ra vì chúng ta đã loại họ ra bằng chính cái hủ hóa, cái bất nhất của chúng ta, bằng việc đẩy họ đến chỗ không biết chắc bất cứ điều gì, làm cho họ thất nghiệp và đẩy họ ra bên lề xã hội của chúng ta. Chúng ta, trong tư cách cha mẹ, thầy cô, và linh mục, nói chung giai cấp cai trị, chúng ta phải xem xét lại lương tâm của mình”. 

Đức Hồng Y nhấn mạnh thêm tầm quan trọng phải vươn tay ra nắm lấy tuổi trẻ ngày nay, những người hiện là “hiện tại, chứ không phải chỉ là tương lai, của nhân loại”. Điều quan trọng là phải tập chú vào niềm tin và và niềm tín thác nơi các tiềm năng của họ.

13. Các nhà đàm phán của Vatican và Palestine hướng tới một hiệp định

Các nhà đàm phán của Tòa Thánh và chính quyền Palestine cho biết đã đạt được nhiều tiến bộ, hướng đến sự hoàn tất một hiệp định, vốn sẽ xác định các quyền lợi hợp pháp của Giáo Hội trên vùng đất Palestine.

Sau phiên đàm phán ngày 30 tháng Giêng ở Ramallah, hai bên đã đồng ý làm việc kịp thời về các chi tiết kỹ thuật của một dự thảo hiệp định, và hy vọng rằng "các cuộc đàm phán sẽ được đẩy mạnh và đưa đến một kết luận nhanh chóng".

Phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã gặp gỡ các quan chức Palestine, sau một đợt đàm phán trước đó với các quan chức Israel, nhằm ký kết một hiệp định kinh tế - pháp lý giữa Tòa Thánh và Israel.

14. Vatican tặng hiện kim để sửa chữa Vương cung thánh đường Bethlehem

Tòa thánh Vatican đã công bố tặng 100.000 € (khoảng 135.500 USD) nhằm sửa chữa mái nhà của Vương cung thánh đường Giáng sinh tại Bethlehem.

Nhà thờ cũ ghi dấu vị trí nơi Chúa Giêsu đã sinh ra đã được xây dựng năm 399, và được trùng tu vào thế kỷ thứ 6 sau khi bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn – Hơn 2 triệu người hành hương đến thăm nhà thờ mỗi năm, với số lượt người đến đông nhất vào dịp lễ Giáng Sinh.

Sự đóng góp của Vatican để sửa chữa Vương cung thánh đường Bethlehem đã được Đức Giám Mục Ettore Balestero công bố. Ngài là người dẫn đầu phái đoàn Vatican đến thăm Thánh Địa để mở các cuộc đàm phán với chính phủ Israel và chính quyền Palestine.

15. Tòa phúc thẩm Pakistan hủy án tử hình cho một Kitô hữu trong vụ kiện phạm thượng

Một Kitô hữu Pakistan đã được tuyên bố trắng án bởi một tòa án phúc thẩm, sau khi bị kết án tử hình về các cáo buộc phạm thượng.

Cô Rimsha Masih, người đã trải qua 18 tháng trong tù, đã được trả tự do khi một thẩm phán tòa phúc thẩm thấy không đủ bằng chứng để buộc tội báng bổ cho cô. Các luật sư của Masih lập luận rằng, các cáo buộc đã được dàn dựng bởi các người hàng xóm Hồi giáo, vì họ phẫn nộ với Masih trong một vụ tranh chấp tài sản.

Rimsha Masih bị bắt khi mới 14 tuổi. Cô là người mù chữ. Ngày 2 tháng 9, một lãnh tụ Hồi giáo địa phương, Hafiz Mohammed Khalid Chishti, đã bị bắt giam vì nghi ngờ nhét các trang kinh Hồi giáo trong túi xách của Rimsha nhằm buộc tội báng bổ cho cô.

Việc tuyên bố trắng án này làm dấy lên hy vọng cho tương lai của một Kitô hữu Pakistan khác, vì người này đang phải đối mặt với một án tử hình về tội báng bổ: bà Asia Bibi, người mẹ trẻ của 5 người con. Các người ủng hộ bà khẳng định rằng các cáo buộc chống lại bà cũng bị dàn dựng giả tạo như vậy.

16. Cộng hòa Trung Phi: quân nổi dậy chiếm thành phố, cướp phá nhà thờ

Quân nổi dậy ở Cộng hòa Trung Phi đã nắm quyền kiểm soát ở Alindao, một thành phố có 160.000 dân, nơi có một trong chín tòa Giám mục của quốc gia này, phá hủy tòa thị chính, các trạm cảnh sát, và cướp phá một nhà thờ Công giáo.

Một nhà lập pháp địa phương nói: “Họ đến nhà thờ và lấy đi nhiều vật dụng thuộc về các nữ tu, linh mục, bao gồm cả các xe máy của tổ chức từ thiện Caritas Công giáo. Họ là một đám người phá hoại, cướp bóc và cướp giật, mà không bị trừng phạt".

17. Một chuỗi các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu Armenia ở Istanbul

Năm Kitô hữu Armenia đã bị tấn công gần đây trong một khu phố ở Istanbul. Một nạn nhân 85 tuổi đã bị đâm nhiều lần, và đã bị khắc hình thánh giá lên thi thể của cụ.

Tờ báo The Economist viết: “Ý kiến vẫn còn chia rẽ là liệu đó là các tội ác thù hận có tổ chức nhằm vào người không Hồi giáo, hoặc liệu đó chỉ là hành vi trộm cắp ngẫu nhiên. Thị trưởng thành phố Istanbul, Huseyin Avni Mutlu, khẳng định rằng đó chỉ là hành vi trộm cắp ngẫu nhiên".

18. Iran kết án một mục sư Mỹ 8 năm tù vì hoạt động truyền giáo

Một thẩm phán Iran đã kết án Saeed Abedini, một công dân Mỹ gốc Iran 34 tuổi, tám năm tù trong nhà tù Evin khét tiếng, vì đã tham gia vào việc truyền giáo.

Abedini, một người Hồi giáo trở lại Tin lành, hiện là một mục sư đã tham gia vào trong phong trào Giáo hội tại gia ở Iran. Ông thường về Iran thăm cha mẹ của mình và đã bị bắt giữ khi nhập cảnh Iran hồi tháng Tám.

Ông Jordan Sekulow của Trung tâm Luật và Tư pháp Mỹ, nói: “Án tù này dường như đã được nhắm tới cách đây 13 năm, khi Mục sư Saeed từ Hồi giáo trở lại Kitô giáo”.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng: "Chúng tôi lên án Iran liên tục vi phạm quyền tự do tôn giáo, và chúng tôi kêu gọi chính quyền Iran hãy tôn trọng nhân quyền của ông Abedini và trả tự do cho ông”.


VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét