Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Khát vọng hòa bình (33)



Khát vọng hòa bình


Ngày 11 tháng 4 vừa qua là kỷ niệm đệ nhị chu niên bức thông điệp Hòa bình thế giới mà cố Giáo hoàng Gioan XXIII đã gửi cho toàn thể thế giới như lời di chúc cuối cùng, cô đọng trong một niềm khát vọng: khát vọng hòa bình cho toàn thể gia đình nhân loại.
Trong khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày càng khốc liệt có thể châm ngòi cho trận thế chiến thứ ba, chúng ta cần phải suy gẫm lại những lời cảnh cáo nghiêm trọng của thông điệp Hòa bình thế giới và theo gương cố Giáo hoàng Gioan XXIII đem hết tâm lực đẩy mạnh công cuộc xây dựng hòa bình chân chính và bền lâu đúng tinh thần mối Phúc thật thứ bảy của Chúa Kitô: “Phúc cho kẻ xây dựng hòa bình”.

Thông điệp Hòa bình thế giớiđược ban bố trong một tình trạng căng thẳng giữa hai khối Đông – Tây cùng thi đua võ trang nguyên tử và đẩy mạnh một ý thức hệ chiến tranh. Trước nguy cơ đang đe dọa trầm trọng nhân loại, Đức Gioan XXIII đã mạnh dạn tuyên bố: “Đứng trên bình diện nhân loại mà nói, thì ngày nay không còn ai nghĩ rằng mọi cuộc tranh chấp hiện thời giữa các dân tộc phải được giải quyết bằng võ lực chiến tranh nữa, nhưng trái lại, phải giải quyết bằng những cuộc đàm phán. Bởi thế, không ai có hể cho rằng: trong thời đại nguyên tử này, có thể dùng chiến tranh làm dụng cụ xây dựng công bình.” Vì sao thế? Là vì chiến tranh ở thời đại nguyên tử này sẽ có những hậu quả vô cùng khốc hại. Đàng khác, cuộc chạy đua võ trang được coi là một sự điên rồ, quái gở, đã lỗi thời. Lời tuyên bố của Đức Gioan XXIII quả là quyết liệt: “Chỉ có hòa bình mới phục vụ cho tất cả”. Ngài còn nói thêm: “Định lý cho rằng hòa bình là kết quả của một thế quân bình võ lực, cần phải được thay thế bằng nguyên tắc sau đây: hòa bình thật sự chỉ có thể xây dựng trên một sự tín nhiệm lẫn nhau”. Và đối với ngài, lối nhìn ấy không  phải là một lối nhìn viển vông, không tưởng. Ngài nói: “Ta tưởng rằng đó là một mục tiêu có thể đạt được, vì không những nó là điều lương tri đòi hỏi, mà lại chính đó mới là cái mọi người mong đợi”.
Trong hiện tình của thế giới, một cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ chẳng còn mang lợi ích cho ai cả. Chiến tranh ngày nay chỉ có thể là một cuộc chiến tranh tận diệt loài người, một cuộc chiến tranh mà sẽ không còn kẻ chiến thắng hay kẻ chiến bại nữa.
Nếu hai khối Đông – Tây cứ tiếp tục chạy đua võ trang và thử sức nhau trên phần đất những nước tiểu nhược, thì rồi đây sẽ đi dần đến đoạn chót của cuộc tranh chấp và như thế đã mù quáng chấp nhận một cuộc tự sát tập thể. Cần phải tiến dần đến đoạn lòng tín nhiệm lẫn nhau tạo nên điều kiện thuận tiện cho một nền hòa bình vững chãi. Vì sự sống còn của cả nhân loại, thế giới phải chọn lấy con đường hòa bình, một thứ hòa bình chân chính xây dựng trên sự tôn trọng và tín nhiệm lẫn nhau, tín nhiệm giữa người với người, đoàn thể với đoàn thể, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia với quốc gia. Vì lẽ đó mà Đức Gioan XXIII đã tha thiết kêu gọi các dân tộc hãy gần gũi và đối thoại với nhau.
Vẫn biết rằng không thể một sớm một chiều mà Đông – Tây, với hai ý thức hệ khác nhau, đạt được một sự tín nhiệm nhau hoàn toàn. Nhưng có thể từ chỗ ngờ vực nhau, phát huy dần dần sự tín nhiệm nhau. Con người của thế kỷ XX này cần phải học tập nói chuyện với nhau, với những phương tiện hòa bình. Trong cuộc đối thoại này, mọi người đều “có bổn phận đảm nhận một trách vụ bao la là nối lại những mối liên quan của cuộc sống xã hội”. Mọi cố gắng, mọi hành động, mọi cử chỉ, mọi quyết định của con người, dù nhỏ mọn đến đâu đều đáng khuyến khích và nâng đỡ, để tái thiết hòa bình trên thế giới.
Nhưng để đặt nền tảng cuối cùng của hòa bình chân chính và lâu dài trên thế giới, thông điệp đã long trọng tuyên bố lại cho thế kỷ XX bức tín thư của đêm Giáng Sinh: “Hòa bình sẽ không thể vãn hồi giữa nhân loại, nếu trước hết nó không được vãn hồi trong từng cá nhân”. Như thế có nghĩa là hòa bình phải khởi sự trong tâm hồn của mỗi người. Đức Hồng Y Sue1nens chú giải về câu trên đã nói: “Ranh giới của hòa bình dính liền với biên cương của lòng người”. Chỉ khi nào hòa bình bắt nguồn từ tâm hồn mỗi người, hòa bình mới có thể chiếu rạng khắp nơi. Vì thế để giải quyết vấn đề giải trừ quân bị, Đức Gioan 23 đòi cho được một cuộc giải giới cả trong tâm hồn: “Sự ngưng võ trang, sự hạn chế tiềm lực chiến tranh, và hơn nữa sự giải trừ quân bị sẽ không thể hoặc hầu như không thể thực hiện nổi, bao lâu người ta không chịu thi hành một cuộc giải giới toàn diện, nghĩa là một cuộc giải giới cả trong tâm hồn”.
Những lời kêu gọi hòa bình trên đây, Đức đương kim Giáo hoàng Phaolô VI đã nhiều lần nhắc nhở lại cho thế giới. Chính trong ngày 11/4/65, tức là ngày kỷ niệm đệ nhị chu niên bức thông điệp Hóa bình thế giới, Ngài đã long trọng tuyên bố trước 20.000 tín hữu tụ tập tại công trường thánh Phêrô những lời kêu gọi Hòa bình “Hòa bình là nhiệm vụ tối cao, vì Hòa bình liên hệ đến một tài sản tối cáo mà tất cả chúng ta phải hướng đến, phải mong ước, phải tham gia, phải cầu nguyện và nếu có thể được, với niềm hy vọng và bác ái. Nhưng một số tình trạng khiến chúng ta hoài nghi năng lực của chúng ta duy trì Hòa bình. Chúng ta cảm thấy Hòa bình bị tổn thương nhiều, người ta có thể nói rằng trong khi phát triển thế giới tách xa lý tưởng Hòa bình và Hòa hợp mà thế giới mong ước”.
Một tuần sau, trong thông điệp gửi toàn thể thế giới nhân ngày lễ Phục Sinh, Đức Phaolô VI lại một lần nữa tha thiết kêu gọi Hòa bình giữa các dân tộc: “Mong sao đến ngày mà những cuộc tranh chấp giữa các dân tộc sẽ không còn phải giải quyết bằng võ lực, nhưng trong ánh sáng của những cuộc thương thuyết hợp lý, nhờ đó mọi chiến tranh và du kích sẽ chấm dứt, nhường chỗ cho sự cộng tác kiến tạo và thân hữu. Mong sao, nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh, Thánh Linh Người gửi đến chúng ta ngày mà con người bỏ những ý thức hệ căn cứ vào sự sai lầm, vì họ đã cảm thấy cần và muốn có một sự khôn ngoan mới bộc lộ bản tính thực sự và định mạng thực sự của con người. Mong sao đến ngày những năng lực tiến bộ lớn lao có thể được sử dụng để bài trừ nạn đói trên thế giới, để giáo dục những thế hệ đang lên, để tiếp cứu những tình trạng nguy khốn hiện thời”.
Trong tinh thần của Chúa Kitô, Vua Hòa bình, và nâng theo tiếng gọi tha thiết của cố Giáo hoàng Gioan XXIII cũng như của Đức Phaolô VI, chúng ta cần phải tìm mọi biện pháp để tái lập Hòa bình chân chính trên thế giới và trên quê hương chúng ta. Đó là bổn phận của mỗi người, không trừ một ai.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 192-5/1965
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét