Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Hiến pháp và thực tế Việt Nam




Điểm lại từ ngày nhà nước Cộng sản Việt Nam lên nắm quyền, đã có đến 4 lần hiến pháp bị sửa đổi và sắp tới đây phiên bản thứ 5 ra đời vào năm 2013. Các hiến pháp cũ là, 1946, 1959, 1980 và 1992. Như ông nghịDương Trung Quốc, một trong những thành viên trong ban soạn thảo hiến pháp lần này - 2013 - đã trả lời trên đài BBC, Anh Quốc thì, ở Việt Nam hiến pháp là định chế hóa cương lĩnh của đảng. Có thể hiểu đơn giản là, hiến pháp của đất nước là để phục vụ cho đảng cầm quyền.

Khoảng hơn 1 tháng qua, các trí thức trong và ngoài nước rất quan tâm đến vấn đề sửa đổi hiến pháp. Đã có 2 nhóm xuất hiện để tỏ bày những mong muốn sửa đổi hiến pháp như thế nào?


Nhóm trí thức gồm nhiều thành viên cả trong và ngoài nước thì có cả một bản hiến pháp rất đầy đủ và kiến nghị mọi người ký tên đồng tình gửi đến đảng cộng sản Việt Nam.

Một nhóm mới nổi gồm  3 người khởi xướng: GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Anh Tuấn cựu Tổng biên tập báo Vietnamnet làm ra trang web "Cùng viết hiến pháp" và một ban biên tập gồm có Nguyễn Đăng Dung, Bùi Đức Lại, Nguyễn Khương Duy và Bùi Ái Cần. Mấy hôm đầu trang này có vài bài viết của các vị giáo sư trẻ, chỉ đóng góp sửa đổi một vài điều vụn vặt. Nhưng hôm nay thì vào trang web này rất khó, phải leo tường, không hiểu vì sao?

Hiến pháp năm 1946 được viết ra có những điều cơ bản của một hiến pháp có tính nhân bản vì dân, do dân và của dân tộc độc lập tự chủ, nhưng năm 1957 chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vi hiến để làm vụ án nhân văn giai phẩm và cải cách ruộng đất.

Hiến pháp 1959 được sửa lần thứ nhất, được cho là phục vụ cho mục đích mới: kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, miền Bắc xây dựng và phục hồi kinh tế, miền Nam tiếp tục đấu tranh và chống Đế quốc Mỹ và "tay sai". Đến 30/4/1975 hiến pháp này xem như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1980, thời kỳ mới sau thống nhất đất nước, hiến pháp lại được sửa đổi lần 2. Nó có nhiệm vụ thể chế hóa đường lối của đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Nhưng nó đã hoàn toàn là ảo tưởng và thất bại sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.

Buộc lòng, năm 1992 phải sửa đổi hiến pháp lần thứ 3 để phù hợp với tình hình mới có sự cỡi trói kinh tế từ bao cấp sang kinh tế nhiều thành phần và vẫn giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo. Trong quá trình từ 1992 đến 2013, có nhiều nghị quyết, nghị định dưới luật, và thay đổi điều lệ đảng cộng sản Việt Nam, hiến pháp 1992 đã góp phần không nhỏ cho đảng viên, quân đội và an ninh làm kinh tế và làm giàu. Nhưng cuối cùng nó đã để lại một xã hội mà cán bộ và chính quyền vi hiến, vi luật, tha hóa, tham nhũng, lộng quyền để làm giàu cho cá nhân đảng viên và các tổ chức của đảng cầm quyền. Tham nhũng và tha hóa đã trở thành quốc nạn và có nguy cơ làm sụp đổ chế độ. Nên lần này, thay đổi hiến pháp với mục đích làm sao cho "quyền công dân lớn hơn".

Có một sự thống nhất trong tất cả các bản hiến pháp từ trước đến nay là sở hữu toàn dân và là định chế hóa cương lĩnh của đảng qua mọi thời kỳ. Nó có nghĩa là để phục vụ cho đảng cầm quyền. Trong hội nghị trung ương đảng 5 năm 2012, tổng bí thư đảng đã đọc tổng kết cho việc sửa đổi làm sao để, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước ta không có tam quyền phân lập. Có nghĩa là, nó đúng với hình thái xã hội mà trong đó, quân đội và an ninh cùng tham gia chính trường trong bộ chính trị, cùng chia sẻ lo toan với nhau cả 3 hành pháp tư pháp và lập pháp mà không có trọng tài.

Song khi đọc 142 điều của bản dự thảo hiến pháp sửa đổi 2013 thì cơ bản không có gì thay đổi ngoài việc bỏ cụm từ: "Kinh tế nhà nước nắm chủ đạo nên kinh tế quốc dân" trong mục 2 của điều 54. Trong đó, bỏ đi kinh tế chủ đạo của nhà nước,  thành ra là: "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật". Đó là mục tiêu quan trọng và tối thượng nhất chứ không phải là vì sửa đổi để tăng quyền của công dân và tăng quyền kiểm soát chính quyền. Như vậy, sau thời gian hơn 20 năm cỡi trói, một thành phần lớn của đảng, kể cả quân đội và an ninh đã tích lũy tư bản kiểu hoang dã, đến lúc này cần thể chế hóa cương lĩnh của đảng cho việc được luật hóa những tài sản bất chính, nên cần phải sửa đổi hiến pháp cho phù hợp. Đây là một "bước tiến" từ từ chuyển đổi nền kinh tế tập thể trở thành nền kinh tế tư nhân hóa bước đầu.

Như vậy, về mặt chính trị và thể chế chính quyền, lần sửa đổi hiến pháp thứ 4 này là không thay đổi. Về kinh tế hiến pháp 2013 có chút thay đổi để định chế hóa tài sản tham nhũng và tha hóa mà thành hợp pháp và hợp hiến. Nó làm phá sản các nghị quyết trung ương đảng lần 4, 5 và 6 trong năm 2012, và chưa bao giờ đảng cầm quyền tôn trọng hiến pháp trong quá trình điều hành đất nước. Đó là ý nghĩa thực tiễn của lần sửa đổi hiến pháp thứ 4/2013.


Asia Clinic, 15h48' ngày thứ Hai, 04/02/2013

Bs. Hồ Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét