LTCGVN (19.02.2013)
Sài Gòn – Cách đây 45 năm đã xảy ra một biến cố quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam. Đó là cuộc tấn công của quân cộng sản – gồm bộ đội miền Bắc và quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP) – vào khắp các tỉnh thành của miền Nam VN. Sau chiến thắng 1975, nhà nước cộng sản hàng năm vẫn cho ăn mửng kỷ niệm chiến thắng này, cho dù rất ít chi tiết được ghi lại trong sử sách của họ.
Đặc biệt vào cuối năm 2012, đạo diễn Lê Phong Lan có tung ra một bộ phim tựa đề Tết Mậu Thân 68 và được giới thiệu rình rang trên các phương tiện truyền thông như là một tài liệu trung thực, không che giấu một chi tiết nào. Theo bà Lan thì đã bị “thôi thúc đi tìm câu trả lời từ phía những người đã từng đứng phía bên kia chiến tuyến. Bà đã sang Mỹ nhiều lần, lặn lội khắp mọi nơi tìm nhân chứng, tư liệu. Rất nhiều người trong cuộc mà bà phỏng vấn nay đã ra đi, nhưng may mắn là sự thật lịch sử được ghi lại từ họ. Bộ phim Mậu Thân 1968 sẽ không tránh né những quan điểm thẳng thắn, những góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử, những người trong cuộc về những điều được và mất của cách mạng Việt Nam trong sự kiện Mậu Thân 1968”.
Đọc những dòng này tôi có cảm tưởng như bà Lan “không đứng về phe nào” và chỉ muốn đi tìm sự thật về Tết Mậu Thân 68 và đặc biệt về những gì xảy ra ở Huế. Tuy nhiên khi đọc tiếp bài phỏng vấn bà ta cũng như theo dõi những đoạn phim thì tôi cực kỳ thất vọng và ngỡ ngàng. Nói một cách nhẹ nhàng, thì tôi rất hoài nghi về cái gọi là “trung thực” của bà, một sự trung thực mà ngay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây thôi, ngay ngày mồng một Tết Quý Tị 2013 đã phát biểu :“Từ trước đến nay, chúng ta có cái bệnh rất lớn là không dám nói lên sự thật.”[1]
Tóm tắt sự kiện xảy ra tại Huế.
Vào thời khắc giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, bất chấp đã thỏa thuận ngưng bắn 48 tiếng để nhân dân và binh sĩ hai miền ăn Tết cố truyền, bộ đội Bắc Việt và quân MTGP đã đồng loạt nổ súng và tấn công vào các thành phố miền Nam. Riêng tại Huế, họ đã giữ được yếu tố bất ngờ khi tràn xuống từ vùng đồi núi phía Tây thành phố vào đêm 31-01. Chỉ chưa đầy 24 giờ, họ đã kiểm soát được thành phố. Sáng 01 tháng 2, họ tập họp dân chúng trong vùng bị kiểm soát, bắt học tập tư tưởng Mác-Lênin rồi cho về để chứng tỏ sự “khoan dung” của phe thắng trận, khuyến khích dân đi rủ những người còn đang trốn tránh ra trình diện.
Ngày 14-02-1968, Đài Phát Thanh Hà Nội thông báo sự thành lập chính quyền địa phương với Lê Văn Hảo làm chủ tịch và hai phó là Đào Thị Xuân Yến (tên con gái của bà Tuần Chi) và Hoàng Phương Thảo. Ngoài ra còn có các ông bà Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Đóa, Nguyễn Thị Đoan Trinh…
Ngay sau khì Huế bị chiếm, quân đội VNCH và Mỹ đã phản công, các trận đánh nội thành ác liệt kéo dài nhiều ngày và đến ngày 24/2/68, quân cộng sản bị đánh bật ra khỏi Huế. Thời gian chiếm đóng của họ kéo dài 25 ngày.
Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, những xác chết đầu tiên đã được tìm thấy trong sân trường Gia Hội và trong suốt nhiều tháng sau đó, không khí tang tóc kinh hoàng bao trùm khắp thành phố Huế và ngoại thành. Ngày nào trên truyền hình cũng chiếu cảnh khóc thương của thân nhân các nạn nhân xấu số, bản Exodus thê lương trở thành bài nhạc quen thuộc trên làn sóng truyền thanh truyền hình. Thời ấy người ta kể rằng có những ngôi làng phủ trắng khăn tang, ai cũng có thân nhân bị giết. Trong 14 năm chiến tranh trước đó và cho đến năm 1975, có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại nghe nhiều tiếng khóc than đến như thế. Cho mãi đến tháng 12/69 nghĩa là hai năm sau, khoảng 22 hố chôn tập thể được phát hiện. Hố lớn nhất là các ngôi mộ ở quận Phú Thứ hay Gò Cát, chứa thi thể của 809 người. Phải mất gần 7 tháng mới khai quật hết, ước lượng tổng số nạn nhân ở Huế vào khoảng 7600 người trong đó tính luôn 1946 người mất tích và 1900 người bị thương tật.
Chính phủ VNCH đã tức khắc tố cáo CSBV và MTGPMN là thủ phạm của cuộc thảm sát này, vì nó xảy ra trong 25 ngày họ chiếm đóng thành phố Huế. Phía CS dĩ nhiên phủ nhận và lại cái khẳng định (xin trích lời bà Lan) “Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là do phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã phát động những tin đồn nhảm gây nhiễu loạn như một cuộc chiến tranh tâm lý (…) và tuyệt nhiên không có một vụ thảm sát nào do quân đội phía ta (phía cộng sản) gây ra.”
Trong bài này tôi sẽ trình bày những phản biện của tôi đối với lời vu cáo của bà Lan qua bộ phim Tết Mậu Thân 68. Tôi sẽ không phỏng vấn các quan chức hoặc cựu quân nhân VNCH (như bà đã phỏng vấn các quan chức hoặc cựu cán binh cộng sản) vì như thế mất tính khách quan. Tôi chỉ dùng lý luận và căn cứ vào các tài liệu các phóng viên chiến trường hoặc một vài nhân vật ngoại quốc có liên quan đến vụ việc.
* * *
Thứ nhất: bà nói đã lặn lội khắp nơi và phỏng vấn hàng trăm người “của cả hai bên” và mất gần 10 năm để thu thập tư liệu, phỏng vấn các nhân chứng, những học giả uy tín trong và ngoài nước để hoàn thành bộ phim tài liệu này nhưng chỉ toàn những nhân vật như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ (Hai Nhạ), Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức, v..v…nhưng những nhân vật trên chắc chắn là không phải là những người “của cả hai bên”. Nếu thật sự muốn tìm ra sự thật về cuộc thảm sát Mậu Thân, tôi nghĩ đâu cần phải lội sang tới Mỹ phỏng vấn Stanley Karnow. Hãy đi phỏng vấn từ các nạn nhân và gia đình, thân nhân vẫn còn sống ở Huế, họ đích thực là những người dân“của cả hai bên”. Tôi nghĩ không cần phải có một bộ óc cao siêu để nghĩ ra điều này, mà nếu “đi tìm sự thật” mà không nghĩ tới điều này thì quả thật chỉ có ở những đầu óc thuộc hàng “đỉnh cao trí tuệ”.
Thứ hai: bà Lan nói đã phỏng vấn nhiều chính trị gia lẫn quân nhân Mỹ và tất cả “đều nói thật”. Tôi không rõ họ nói thật theo chiều hướng nào, nhưng chuyện người Mỹ, kể cả những cựu quân nhân từng tham chiến ở VN cũng không biết nhiều hoặc không nói nhiều về Tết Mậu Thân 68 không còn là điều lạ. Năm 1968 lửa đạn không chỉ ngụt trời ở VN nhưng thời điểm này đặc biệt căng thẳng ở Trung Đông với cuộc chiến 6 ngày giữa Do Thái với Ai Cập và Syrie vừa chấm dứt và còn đang hừng hực đe dọa bùng phát khi gần 20 nước Ả Rập ký hiệp ước Khartoum (tháng 9/67) khẳng định “một mất một còn” với Do Thái. Vì thế hơn lúc nào hết, Do Thái đang cần sự trợ giúp của Mỹ nên họ không muốn người Mỹ phải bận tâm đến tình hình VN là chuyện đương nhiên, và để làm điều đó, người Do Thái có một vũ khí cực kỳ lợi hại: truyền thông Mỹ.
Theo James Clifforf trong cuốn “Forgotten Massacre at Hue” ([2]) viết “việc giới hạn mọi báo cáo về cuộc thảm sát ở Huế là một màn giấu giếm có tổ chức, việc này cho thấy giới truyền thông đã bị biến thể (…) Tôi nhận thấy khi tường thuật về vụ Mỹ Lai người ta gia tăng con số thường dân bị giết, còn vụ thảm sát ở Huế thì ngược lại.”. Chua chát hơn, George Esper (một phóng viên làm việc tại VN từ năm 65 đến 1975): “Việc ém nhẹm vụ thảm sát ở Huế là một bài học cho những ai còn tin vào truyền thông đại chúng Mỹ. Tôi rút ra kinh nghiệm này sau 40 năm theo đuổi nghiệp phóng viên với hai hãng thông tấn lớn nhất thế giới là UPI và AP”.
Theo tôi, bà Lan đã vin vào sự hèn nhát của truyền thông cũng như chọn lọc một số sử gia, cựu chiến binh Mỹ để kết luận rằng ngay cả người Mỹ cũng im lặng hoặc mặc cảm về Tết Mậu Thân 68 nói chung và vụ thảm sát ở Huế nói riêng. Điều này bà ta dùng để minh chứng cho tính khách quan và công bằng của bộ phim.
Một khía cạnh khác khá lý thú là tâm lý người Mỹ rất ưa chú ý đến những xì-căng-đan: họ lưu tâm đến Mỹ Lai nhưng lại dửng dưng trước Mậu Thân với số nạn nhân cao hơn gấp 30 lần! Bản thân tôi đã từng được nghe bài phỏng vấn của một đạo diễn Mỹ khá nổi tiếng, ông ta nói làm phim trên các sự kiện thực, nói về sự anh dũng của lính Mỹ thì bị chê là “chống cộng ấu trĩ” nhưng chỉ cần xây dựng trên những tình tiết hấp dẫn kiểu vai u thịt bắp thì lời to. Chính vì thế người Mỹ thích Rambo nói về một anh hùng cô độc với diễn viên Sylvester Stallone chỉ với một con dao găm mà giết hàng tá cảnh sát; họ thích Platoon hoặc Heaven and Earth nói về thảm cảnh chiến tranh hơn là The Longest Day nói về chiến tích của Mỹ vào thế chiến thứ hai. Mặt khác, trong khi phi công Mỹ bị bắn rơi ở miến Bắc VN thì họ vẫn xem hình ảnh Joan Fonda nghễm nghệ ngồi trên súng phòng không của là chuyện thường, trong khi lính Mỹ đang đổ máu ở Irak thì họ vẫn bình thản xem phim của Michael Moore chỉ trích chiến tranh và chính quyền Mỹ, thậm chí còn trao giải Oscar cho ông ta. Nước Mỹ là thế ! Mậu Thân với hơn 7000 nạn nhân cũng không ngoại lệ.
Thứ ba: Trước năm 1972, miền Bắc vẫn phủ nhận đem quân vào Nam, họ nói rằng đó là người dân miền Nam nổi dậy chống chính quyền, ngay cả khi hàng trăm xe tăng T-54 bị bắn cháy cũng như đường mòn Hồ Chí Minh còn sờ sờ ra đấy. Đến năm 1973 ở bàn Hiệp định Paris, chính phủ VNCH tố cáo miền Bắc là thủ phạm vụ thảm sát Mậu Thân 68 cũng như vụ pháo vào Trường tiểu học Cai Lậy (nay là tình Tiền Giang) thì miền Bắc cũng chối phăng và nói đó chính phủ miền Nam đã ngụy tạo để đổ trách nhiệm lên đầu bộ đội miền Bắc và MTGP. Tôi nghĩ bà Lan chỉ cần làm như nhà cầm quyền Bắc Việt đã làm trước đây 40 năm: Chối phăng những trách nhiệm của quân cộng sản trong vụ Tết Mậu Thân 68 và đổ vấy cho miền Nam là xong! Và quả thật bà đã nói y như thế. Có điều không hiểu là nếu vậy tại sao bà lại phải bỏ hơn 10 năm hoặc lặn lội sang Mỹ đề làm gì cho nhọc công.
Nhân nói về chuyện đổ vấy trách nhiệm tôi nhớ đến vụ thảm sát rừng Katyn trong đệ nhị thế chiến.
Ngày 13/9/1939, Hồng quân Liên Xô (LX) xâm lăng Ba Lan và chiếm đóng một phần lãnh thổ nước này và bắt tay vào việc “lập lại trật tự”. Điều này đồng nghĩa với việc thiết lập hàng loạt hệ thống các trại mang danh “trại lao động”, “trại tù”, “Gulag”, hay “trại tập trung”, trong thực tế là những trại tử thần do Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) tiền thân của KGB (Cục An ninh Quốc gia) quản lý. Hàng ngàn thành viên giới trí thức Ba Lan cũng bị bắt giam vì bị cho là “nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư và tu sĩ”. Tổng cộng, có chừng 15 ngàn người – trong số đó có hai sĩ quan mang quân hàm tướng. Ngày 5-3-1940, theo đề nghị của Beria, Chính ủy của NKVD, Stalin đã ký một sắc lệnh hành quyết 25.700 “người quốc gia và phản cách mạng”. Nạn nhân của vụ thảm sát được chôn trong các nấm mồ tập thể tại Katyn (gần Smolensk), Mednoye (gần Tvar) và các khu rừng ở Pyatykhatky (ngoại ô Kharkov). Vụ thảm sát và việc xóa bỏ dấu vết các nạn nhân đã được thực hiện một cách tuyệt mật.
Đến năm 1941, Wehrmacht (quân đội Đức) đẩy lui Hồng quân và hơn một năm sau người Đức đã tìm ra những hố chôn tập thể rải rác trên 3 địa điểm nói trên. Trước lời tố cáo của Đức, Liên Xô phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm và quy ngược lại trách nhiệm về phía phát xít Đức. Cần nói thêm ở đây là vì nhu cầu đồng minh với Liên Xô để chống phát xít, Anh và Mỹ đã cố ý cho “chìm xuồng” vụ này trong suốt thế chiến và cả nửa thế kỷ sau đó. Phải đợi đến khi chế độ cộng sản sụp đổ vào thập niên 90 thì tất cả mới được đưa ra ánh sáng với sự hợp tác của ba đời Tổng thống Nga là Yeltsin, Putin và Medvedev. Tháng 11/2010, viện Duma (hạ viện Nga) đã thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng tội ác Katyn được tiến hành theo các chỉ thị của Stalin và các quan chức Liên Xô khác.
Ở đây tôi ghi nhận có những điểm trùng hợp với vụ Tết Mậu Thân 68:
- Cuộc thảm sát xảy ra khi quân LX chiếm đóng và cai quản Katyn.
- LX đã đổ vấy trách nhiệm cho phát xít Đức là người đã tái chiếm Katyn.
- Nhiều thế lực nước ngoài đã giấu nhẹm vụ này vì không có lợi cho họ
- Các cuộc thảm sát cũng bắt đấu bằng lời kêu gọi ra trình diện, cũng học tập, cải tạo.
- Các nạn nhân được quy vào các tội ngoan cố, có nợ máu…
Thứ tư: bà Lan nói đã lặn lội khắp nơi và phỏng vấn hàng trăm người “của cả hai bên” nhưng tôi thấy một nhân vật quan trọng trong vụ Tết Mậu Thân 68 mà bà Lan đã quên (?) không phỏng vấn là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nếu bà không làm thì tôi làm. Năm 1981, lúc hào quang chiến thắng đang lên tột đỉnh, Burchett và đoàn làm phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” tới Huế một cuộc phỏng vấn ông về Tết Mậu Thân 68. Ông Tường đã khẳng định (giống như chính quyền Hà Nội năm 1973 và bà vào năm 2012) đó là sự vu cáo của phía miền Nam. Ông ta còn giơ ngón tay lên khẳng định là quân giải phóng chỉ giết có một người, đó là “tên phó tỉnh trưởng Huế” vì đó là một “phần tử ác ôn, có nợ máu với nhân dân”. Theo ông ta, ngoài số thường dân bị chính quyền VNCH sát hại cũng còn có một số “phần tử ác ôn” do người dân Huế quá phẫn uất nên đã xử tử họ. Trong suốt cuộc phỏng vấn, thái độ của ông Tường thực sự kiêu ngạo và đầy thách thức.
Đến năm 1997, bảy năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ông Tường (HPNT) có sang Paris và được đài RFI phỏng vấn thì nội dung lẫn thái độ của ông ta đã đổi khác. Dưới đây là các đoạn trích trong bài phỏng vấn do biên tập viên Thụy Khuê (TK) thực hiện:
TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào?
HPNT: (…) Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi cũng tin rằng đây là một sai lầm có tánh cách cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải là một chánh sách toàn cục của cách mạng.
TK: Vậy, theo anh, ai trách nhiệm những thảm sát ở Huế?
HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông Lê Minh, (đại tá quân đội cộng sản) tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân: Dù bởi lý do nào đi nữa, thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi. (…) Ông Lê Minh (lúc đã nghỉ hưu), còn nhắc nhở rằng, điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ. [3]
Với những lời trần tình của ông Tường thiết tưởng không cần phải nói gì thêm về trách nhiệm của “quân nổi dậy”(xin lưu ý cách dùng chữ). Ông Tường dù đang bệnh hoạn nhưng vẫn còn có thể trả lời, ngoài ra còn một hai nhân vật khác có liên quan đến vụ thảm sát ở Huế thứ nhất là ông Lê Văn Hảo, nguyên Giáo Sư thuộc Viện Đại Học Huế và là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế trong suốt thời gian “quân nổi dậy” chiếm Huế, hiện ông đang sống bên Pháp. Tại đây, ông Hảo đã khẳng định về sự vô tội của ông: “Tôi chỉ là một con tin trong thế kẹt, phải nhận một chức vụ để bảo tồn sự sống còn để mong có ngày về với vợ con thôi. Chứ tôi nói thật, trong Tết Mậu Thân, vai trò của tôi hoàn toàn thụ động, chỉ ngồi trên núi thôi.
Một nhân vật khác là ông Nguyễn Đắc Xuân nguyên là sinh viên năm thứ hai Đại Học Sư Phạm Việt-Hán, gần đây ông Xuân cũng vừa ký vào kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 do giới trí thức khởi xướng. Trong phim tài liệu, bà Lan nói có phỏng vấn ông Xuân nhưng không biết thực hư thế nào, mong ông lên tiếng cho rộng đường dư luận về việc này.
Thứ năm: Lời cáo buộc quân đội VNCH là tác giả của cuộc thảm sát có rất nhiều phi lý. Trước tiên ta nói về thời gian. Nếu thực là thế thì tội ác ấy được thực hiện vào lúc nào? Trong khi và sau khi Huế bị (quân CS) chiếm là không thể, vậy thì chỉ có thể là trước (để có thể đổ lỗi cho phía CS). Nhưng nếu đã biết trước sự tiến công của phía CS thì quân đội miền Nam sẽ phòng thủ và cuộc tiến công sẽ không xảy ra. Sau nữa là lý do. Vì sao VNCH phải tàn sát thường dân đang dưới sự kiểm soát của họ? Mà nếu có sao không thấy một ai lên tiếng? Nên nhớ chỉ một tấm hình của Eddie Adams trong đó tướng Loan của VNCH bắn một cán binh CS đã làm thay đổi rất nhiều về cuộc chiến, huống hồ gì ở đây gần 8000 con người! Mặt khác, dưới hai thể chế đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, cho dù các quyền tự do còn hạn chế nhưng cũng đã có nhiều nhân vật đối lập, có những tờ báo đối lập. Liệu một cuộc thảm sát như thế có thể bịt miệng được phe đối lập? Cũng chưa hết, trong số các nạn nhân có ba bác sĩ người Đức và hai linh mục Pháp. Mà trong suốt cuộc chiến, đây là hai nước có nhiều thiện cảm với phía CS. Nếu VNCH giết họ một cách dã man thì tổng lãnh sự các nước này ở Sàigòn họ để yên chắc? Và cuối cùng, nếu thực sự chính quyền miền Nam là tác giả cuộc thảm sát ở Huế thì tại sao sau khi chiến thắng, nhà nước cộng sản không lập một đài tưởng niệm như Mỹ Lai chẳng hạn, đây vừa là một lý do nêu lên tội ác “Mỹ Ngụy” mà ngược lại cứ im hơi lặng tiếng để đến nỗi bà Lan phải thắc mắc [4]
Cũng nhân nói về vấn đề này, chính tôi cũng có một thắc mắc là từ năm 1968 đến giờ đã 45 năm, chính quyền của nước Việt Nam XHCN chưa hề chính thức lên tiếng công nhận lẫn phủ nhận bằng văn bản trách nhiệm của họ trong vụ thảm sát ở Huế (như viện Duma đã làm).
Thứ sáu: Để biện minh cho trách nhiệm của “quân nổi dậy”, một số người đã nói rằng thủ phạm là do một số“quần chúng” vì quá phẫn nộ “các phần tử có nợ máu với nhân dân” nên đã “xử tử chúng”. Điều này phi lý vì sau khi Huế được quân VNCH tái chiếm thì những “quần chúng” ấy đi đâu? Chắc chắn họ đã vượt thoát cùng với quân giải phóng sau khi kế hoạch xây dựng một chính phủ không thành. “Quần chúng” ấy nói trắng ra đó là những cán bộ nằm vùng (con số này vào khoảng 150, trong đó có nhiều sinh viên Huế hiện vẫn còn sống, có nhiều người còn đang dạy học, có người thành đạt trên đường công danh. Mong các anh chị cũng lên tiếng công nhận hoặc phủ nhận trách nhiệm của mình để rộng đường dư luận).
* * *
45 năm đã trôi qua từ Tết Mậu Thân 68, chiến tranh cũng đã chấm dứt được 38 năm. Một thời gian quá đủ để đưa ra ánh sáng những uẩn khúc của thảm họa lớn nhất trong chiến tranh, đã cướp đi sinh mạng của hơn 7000 nạn nhân vô tội.
Nếu có đủ dũng khí này, đây quả là một điều tiến bộ của một chế độ vẫn được coi là của dân, do dân và vì dân. Trong quá khứ chính quyền cộng sản đã xin lỗi nhân dân về vụ Cải cách ruộng đất năm 1945, và gần đây nhất lãnh đạo chính phủ cũng lên tiếng xin lỗi về những sai sót trong việc điều hành đất nước, đó là chưa kể rất nhiều lần các cơ quan, các đại diện hành pháp và tư pháp lên tiếng công khai xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân. Điều xin lỗi này chẳng ảnh hưởng gi đến uy tín của chế độ mà ngược lại nó còn làm cho người dân tin tưởng vào thực tâm sửa sai của nhà nước cũng như trong chủ trương xóa bỏ hận thù.
Ngược lại, nếu chính quyền thấy những xác định của đạo diễn Lan là chính xác (xác suất này có lẽ đúng hơn cả vì truyền thông báo chí đã liên tục quảng cáo cho bộ phim này) thì cho phép chúng tôi, những người dân bình thường thực hiện một bộ phim hoặc chí ít là những cuộc phỏng vấn “phản biện” rồi công bố trước công chúng hầu làm rõ những uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Phạm Minh Hoàng
[1] Báo Sàigòn Giải Phóng, 13/2/2013
[2] Tạm dịch là Cuộc tàn sát bị bỏ quên. Tác giả là một bình sĩ hải quân Mỹ sau trở thành phóng viên chiến trường
[3] Về chuyện này, ngay cả Lê Minh cũng bị nhói trong tim khi viết hồi ký: “Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn. [Về] sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân […] còn lại một mặt của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác với nhân dân trong một cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi, một khi quần chúng đã nổi dậy. […] Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi.”
[4] Đầu năm 2013, Huyện Bình Chánh (TPHCM) có cho xây một đài tưởng niệm nhưng là để tưởng niệm các Liệt Sĩ chết trong Tết Mậu Thân 68
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét