LTCGVN (01.09.2012)
1. Buổi triều yết chung thứ Tư 29 tháng 8
Lúc 10h30, sáng thứ Tư 29 tháng Tám, tại biệt điện mùa hè ở Castel Gandolfo, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về Thánh Gioan Tẩy Giả và việc tử đạo của ngài mà Giáo Hội kính nhớ vào ngày 29 tháng Tám hàng năm. Đức Thánh Cha nói:
Tôi chào đón nồng nhiệt tất cả các tín hữu hành hương và du khách nói tiếng Anh, đặc biệt là những người đến từ Anh, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản và Malta.
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ việc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Thánh mà chúng ta cử hành ngày sinh nhật của ngài vào ngày 24 tháng Sáu. Thánh Gioan đã hiến mình hoàn toàn cho Chúa Kitô, bằng cách dọn đường cho Ngài thông qua việc rao giảng sự thống hối, dẫn dắt dân chúng đến với Chúa khi Ngài xuất hiện và đã hiến mạng sống mình làm giá hy sinh tột cùng.
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể noi gương Thánh Gioan bằng cách để cho Chúa Kitô tiến vào mỗi một phần của cuộc sống chúng ta để rồi chúng ta có thể mạnh dạn rao giảng Chúa cho thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!
2. Đức Thánh Cha giải thích sự hoài nghi đã hình thành trong Giu-đa như thế nào
Trưa Chúa Nhật 26 tháng Tám, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu điạ phương và khách hành hương tụ tập tại quảng trường thị trấn Castel Gandolfo.
Tiếp tục loạt bài về “Bánh Hằng Sống” đã được trình bày từ Chúa Nhật tuần trước, Đức Thánh Cha nói rằng một số người theo Chúa đã lìa bỏ Ngài vì những lời họ cho là chói tai.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:
Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn thịt ta và uống máu ta sẽ sống muôn đời”. Mặc khải này như tôi đã đề cập đã trở nên khó hiểu với họ vì họ hiểu điều ấy theo phương diện vật chất.
Các thánh Tông Đồ đã chọn ở lại với Chúa Giêsu. Nhưng, câu nói này của Chúa Giêsu đã tạo ra những hoài nghi trong Judas mà cuối cùng đã dẫn đến sự phản bội của ông.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:
"Vấn đề là Giu-đa đã không bỏ đi, và sai lầm nghiêm trọng nhất của Giu-đa là sự dối trá, đó là dấu hiệu của ma quỷ."
Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Chúa Giêsu biết rằng ngay cả trong 12 Tông Đồ, có một người không tin, đó là Giu-đa. Lẽ ra cả Giu-đa cũng có thể bỏ đi, như nhiều môn đệ khác; đúng hơn, giả sử ông ta là người lương thiện thì đã bỏ đi rồi. Trái lại ông vẫn ở lại với Chúa Giêsu. Ông ở lại không phải vì tin, cũng chẳng vì yêu mến, nhưng với chủ đích thầm kín là để trả thù Thầy. Tại sao? Vì Giu-đa cảm thấy bị Chúa Giêsu phản bội, và ông phản bội lại Ngài. Giu-đa vốn là người theo phái Zelote, và muốn có một Đức Messia chiến thắng, hướng dẫn cuộc nổi loạn chống lại người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu đã làm cho những mong đợi này bị thất vọng. Vấn đề là Giu-đa không bỏ đi, và lỗi nặng nhất của ông ta là sự gian trá, vốn là dấu hiệu của ma quỷ.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tin nơi Chúa Giêsu, như thánh Phêrô, và luôn thành thực với Chúa và với tất cả mọi người.”
3. Thánh Jose de Calazanz: vị sáng lập trường đầu tiên miễn phí cho người nghèo
Đây là căn phòng nhỏ của Thánh Jose de Calasanz, vị linh mục Tây Ban Nha và đồng thời là một nhà giáo dục. Thánh nhân chào đời năm 1556 và vào lúc cuối đời, ngài đã sáng lập Dòng Pious, một dòng chuyên lo về giáo dục.
Hơn 400 năm trước đây, ngài đã thành lập ngôi trường đầu tiên miễn phí cho trẻ em nghèo ở châu Âu. Tại đây, trong căn phòng này, ngài đã sống 36 năm cuối cùng của ngài trước khi qua đời năm 1648 ở tuổi 91. Căn phòng đã được khóa lại bảo quản cho đến khi ngài được phong chân phước 100 năm sau đó. Sợi dây này, vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, đã được ngài sử dụng lúc về già, như một công cụ để di chuyển xung quanh.
Cha Adolfo Garcia-Duran DE LARA cho biết:
"Khi ngài qua đời, ngay cả những người bức hại ngài cũng phải thốt lên rằng, “ông ấy sẽ là một vị thánh.” Phòng của ngài đã bị khóa và kể từ đó, không ai khác đã sống ở đó. Nó vẫn không thay đổi. Mọi thứ thuộc về ngài cũng được lưu trữ"
Từ các đồ nội thất, trần nhà, cửa sổ và sàn nhà đều được giữ nguyên thủy. Trong thực tế, một số vật dụng cá nhân của ngài còn nguyên vẹn chẳng hạn như mắt kính, sách cầu nguyện, chén thánh và mũ của ngài. Ngay cả cây bút bạc và dấu ấn mà ngài đã sử dụng để viết hàng ngàn lá thư.
Cha Adolfo Garcia-Duran DE LARA cho biết thêm
"Chúng tôi có khoảng 5000 bức thư do ngài viết. Ngài đã lãnh đạo nhà dòng từ văn phòng này. "
Truyền thống nói rằng Đức Trinh Nữ đã từng hiện ra với ngài trong căn phòng này.
Dòng Pious được biết đến như là dòng đầu tiên có lời khấn thứ tư cho giáo dục và giảng dạy.
4. Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi tròn 70 tuổi
Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, là phát ngôn nhân của Đức Thánh Cha, vừa tròn 70 tuổi vào ngày 29 tháng 8. Ít ai biết rằng ngoài việc là một nhà thần học và triết học, vị linh mục Dòng Tên này cũng là một nhà toán học. Ngài đã làm việc trong ngành truyền thông hơn 30 năm qua.
Những hình ảnh quý vị đang thấy đây là phiên họp đầu tiên của cha Federico Lombardi với các ký giả chỉ vài giờ sau khi ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm là phát ngôn viên Tòa Thánh.
Cha Federico Lombardi đã giới thiệu về mình với các ký giả như sau:
"Khởi đầu tôi làm việc với các tòa báo, cụ thể với tạp chí Civilta Cattolica , sau đó với đài phát thanh và Trung tâm Truyền hình Vatican. Tôi đã học được các lãnh vực khác nhau của truyền thông. Bây giờ, ở tuổi 65, tôi đã được yêu cầu là phát ngôn viên. Tôi sẽ cố gắng học nhiệm vụ mới này. "
Trong sáu năm qua, ngài đã phải trả lời những câu hỏi khó khăn, trong những tình thế rất phức tạp.
Lần đầu tiên là cuộc khủng hoảng quan hệ quốc tế nổ ra sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tại Regensburg, bên Đức, đã gây ra những phản ứng dữ dội của một số bộ phận trong thế giới Hồi giáo. Một vài tháng sau đó, đến biến cố Đức Giáo Hoàng cầu nguyện trong Đền Xanh là một ngôi nhà thờ hồi giáo tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, với mong muốn làm dịu căng thẳng giữa Công Giáo và Hồi Giáo.
Cuộc khủng hoảng mới nhất là vụ Vatileaks. Trong các cuộc họp báo, cha Federico Lombardi đã tài tình giải đáp về các tài liệu bị đánh cắp từ Đức Giáo Hoàng. Ngài thậm chí còn nói đùa với các ký giả rằng ngài hiện diện để giải quyết các tin đồn hơn là những vấn nạn liên quan đến một phát ngôn viên.
Có lẽ một trong những đặc tính nổi bật của ngài là tính linh hoạt, nhạy bén, và khiếu khôi hài. Bên cạnh chức trách là giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ngài cũng là giám đốc của Trung tâm Truyền hình Vatican và Đài phát thanh Vatican, cũng như là một trong bốn linh mục dòng Tên chịu trách nhiệm chăm sóc cho vị bề trên Tổng Quyền thay mặt cho các thành viên của Dòng trong chức vụ "ad providentiam" nghĩa là Phụ Tá.
5. Cựu quản gia Phủ Giáo Hoàng dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị thay thế Paolo Gabriele
Trong suốt mùa hè vừa qua tại Castel Gandolfo, người ta thấy một gương mặt quen thuộc đã từng đi bên cạnh Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nay hiện diện bên cạnh Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Đó là ông Angelo Gugel là người quản gia Phủ Giáo Hoàng dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Thực ra, ông Angelo Gugel cũng đã từng làm việc cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cho đến năm 2006, trước khi Paolo Gabriele, người hiện đang bị truy tố trong vụ Vatileaks, thay thế ông.
6. Ghi danh tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro
Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em,
Ngày 28 tháng Tám vừa qua, Ủy Ban Tổ Chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013 của Brazil đã chính thức nhận đơn ghi danh tham dự. Như các lần Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ trước đây VietCatholic đã ghi danh là cơ quan truyền thông tại Rio De Janeiro.
Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ là một biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội và có ý nghĩa đặc biệt đối với giới trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả các bạn trẻ đều có khả năng tham dự, đặc biệt là trong trường hợp các nước nghèo như Việt Nam. Chính vì thế, công tác quảng bá các hoạt động trong Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ là quan trọng và góp phần nhân rộng các thành quả của ngày Quốc Tế Giới Trẻ.
Chính vì thế chúng tôi mời gọi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em tích cực tham gia trong công tác truyền thông Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ Rio De Janeiro sẽ diễn ra từ ngày 23 tháng 7 đến 28 tháng 7 năm tới.
Quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em có thể đến được Rio De Janeiro xin ghi danh làm việc tại Trung Tâm Báo Chí Quốc Tế. Trường hợp quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em không thể đến được Brazil chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể tham dự tích cực vào biến cố này. Thật vậy, phòng báo chí Tòa Thánh sẽ gởi các tài liệu như tin tức và các diễn từ của Đức Thánh Cha cũng như của các vị bản quyền địa phương đến quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em vài giờ trước khi các biến cố xảy ra. Xin giúp chúng tôi dịch ra Việt Ngữ.
8. Thủ tướng Ý nói về cuộc khủng hoảng nợ tại Âu Châu với Đức Giáo Hoàng
Thủ tướng Ý Mario Monti đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại nơi cư trú mùa hè ở Castel Gandolfo. Hai vị đã đàm đạo gần một giờ trong buổi chiều thứ Hai 27 tháng 8.
Hai vị đã đề cập đến các chủ đề như môi trường chính trị và kinh tế của châu Âu. Hai vị cũng đã bày tỏ quan tâm sâu xa đến tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên trên toàn Âu Châu cũng như cách thức làm sao những người trẻ có thể giúp cải thiện văn hóa Âu Châu.
Thủ tướng Monti đã trao đổi quà tặng với Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng mười một, thủ tướng Monti đã đưa ra các cải cách sâu rộng nhằm kiểm soát khủng hoảng nợ nần của Ý. Ông sẽ có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande trong tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ nần Châu Âu.
9. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân vụ nổ nhà máy lọc dầu tại Venezuela
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chia buồn với các nạn nhân vụ nổ nhà máy lọc dầu ở Amuay bên Venezuela.
Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Đức Cha Diego Rafael Padrón Sánchez, Tổng Giám Mục giáo phận Cumaná, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela, hôm 28 tháng 8, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha rất đau buồn khi hay tin vụ nổ nhà máy lọc dầu ở Amuay, bang Falcón, làm cho nhiều người chết và bị thương, thiệt lại lớn lao về vật chất. Ngài cầu xin Chúa ban ơn an nghỉ đời đời cho những người thiệt mạng, đồng thời bày tỏ sự gần gũi những người bị thương cũng như tất cả những người bị thiệt hại và thân nhân của họ.
Đồng thời Đức Thánh Cha cũng khuyến khích tất cả cộng đồng dân sự, trong tinh thần bác ái và liên đới Kitô, trợ giúp cần thiết cho những người bị mất gia cư và tài sản.
Nhà máy lọc dầu ở mạn đông bắc Venezuela bị nổ hôm thứ bẩy, 25 tháng 8 làm cho hơn 40 người thiệt mạng, 6 người bị mất tích, 80 người bị thương
10. Đức Thánh Cha sẽ đến Li Băng bất chấp những nguy hiểm.
Mặc dầu có những khó khăn về chính trị tại Trung Đông, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ đi Li Băng như đã trù liệu, từ ngày 14 đến 16 tháng 9, 2012. Nước Li Băng đã sẵn sàng để đón tiếp Đức Thánh Cha. Chuyến viếng thăm của ngài là một niềm hy vọng về hoà bình cho tất cả mọi người dân Li Băng, Kitô giáo cũng như Hồi giáo.
Đây là điều Đức Giám Mục Kamil Zeidan, chủ tịch Uỷ Ban trung ương phụ trách tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, tuyên bố trong một buổi họp báo tại Beirut, ngày 22 tháng 8, 2012, được đài Radio Vatican truyền đi.
Đức Giám Mục Zeidan khẳng định: Chuyến viếng thăm do lời mời chính thức của Tổng Thống Cộng Hòa Li Băng "được tất cả mọi người dân Li Băng, Kitô giáo và Hồi giáo chú tâm, không riêng gì những người Công Giáo.
Ngài đã xác định là có hai ủy ban được thành lập để đón tiếp Đức Thánh Cha : một Uỷ Ban thuộc Hội Đồng Giám Mục và uỷ ban kia gồm các đại diện của chính phủ Li Băng.
Đức Giám Mục Zeidan tâm sự: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được thực hiện "mặc dầu có những khó khăn về chính trị trong miền, các khó khăn này đã khiến cho Đức Thánh Cha càng quyết định thực hiện chuyến đi này, trong niềm hy vọng giúp đỡ Li Băng và toàn miền phục hồi được nền hoà bình và an ninh."
Cần nhắc lại là chuyến đi này sẽ là dịp để Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ký Tông Huấn Hậu-Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông.
Đức Giám Mục Zeidan cho biết là chiếc papamobile của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã được chở tới Li Băng từ ngày 22 tháng 8: qua đường biển và đã được Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, khâm sứ Tòa Thánh tại Li Băng tiếp nhận, và được lưu trữ tại Dinh Tổng Thống tại Baabda, về phía đông nam Beyrouth.
Đức Giám Mục Zeidan kết luận: "Chúng tôi đã sẵn sàng để đón tiếp Đức Thánh Cha. Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng là chuyến đi này sẽ là một mùa xuân thực sự cho Li Băng và cho toàn miền, cũng như cho tất cả mọi người Kitô giáo và Hồi giáo."
11. Đức Gioan Phaolo I có thể được phong chân phước trong vòng 3, 4 năm
Đức Gioan Phaolô I, vị giáo hoàng với triều Giáo Hoàng ngắn nhất chỉ có 33 ngày, có thể được phong chân phước trong vòng 3 hoặc 4 năm tới đây.
Trên đây là lời tuyên bố của cha Giorgio Lise, Phó Thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I, với Đài truyền hình Công Giáo TV2000 ở Italia hôm 26 tháng 8.
Năm nay là kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Đức Cố Giáo Hoàng (1912-2012), tục danh là Albino Luciani và ngày 26 tháng 8 là kỷ niệm 34 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng (26-8-1978). Ngài qua đời đột ngột ngày 28-9-1978.
Cha Lise cũng loan báo: vào ngày 17 tháng 10 sắp tới, tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, về cuộc sống, hoạt động và chứng tá của Đức Gioan Phaolô I sẽ được hoàn thành. Sau đó 9 chuyên gia của Bộ Phong thánh sẽ cứu xét để cho ý kiến, rồi Hội đồng Hồng Y của Bộ Phong Thánh sẽ nhóm họp để quyết định xem vị Tôi Tớ Chúa có thực hành các nhân đức đến mức độ anh hùng hay không.
Nếu các nhân đức này được xác nhận, thì án phong còn cần phải có một phép lạ được chứng thực. Cha Giorgio Lise cho biết hồ sơ về vấn đề này cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng; đó là vụ khỏi bệnh lạ lùng của một nhân viên ngân hàng ở thành phố Altamura, nam Italia. Ông bị ung thư bao tử và đã cầu xin ĐGH Gioan Phaolo I cứu giúp và đã được lành bệnh sau đó.
Án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo I đã được khởi sự hồi tháng 11 năm 2003 tại giáo phận nguyên quán của ngài, là giáo phận Belluno-Feltre thuộc miền Veneto, đông bắc Italia. Giai đoạn điều tra ở cấp giáo phận được hoàn thành hồi tháng 11-2006 và toàn bộ hồ sơ được gửi về Bộ Phong Thánh ở Roma để tiếp tục cứu xét.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sinh ngày 17-10-1912 tại Canale di Agordo thuộc vùng núi Dolomiti. Ngài làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto từ 1958 đến 1969, rồi làm Thượng Phụ (TGM) giáo phận Venezia, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng kế nhiệm Đức Phaolô 6. Tuy triều đại của ngài ngắn ngủi, chỉ có 33 ngày, nhưng ngài đã thu phục được thiện cảm của dân chúng, và được gọi là ”Vị Giáo Hoàng tươi cười”
VietCatholic Network
0 nhận xét:
Đăng nhận xét