Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Từ “diễn biến hòa bình” đến nguy cơ Trung cộng và các “Nhóm lợi ích”



California, USA – Từ mấy năm nay, giới làm nhiệm vụ tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam đã chú tâm “đánh” túi bụi 3 kẻ thù vô hình  “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” nhưng lại quên đi  hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng và kẻ nội thù “lợi ích nhóm” đang âm mưu  “ăn tươi nuốt sống” cả nước.
Thứ nhất hãy nói về bóng ma “diễn biến hòa bình”.  Tuy chưa bao giờ CSVN nêu đích danh nước  Mỹ, nhưng nhiều bài viết của lãnh đạo đảng, cán bộ  tuyên truyền và hai lực lượng Quân Đội và Công An đã phần nhiều ám chỉ như thế.
Song song với cái tên “Đế quốc” đứng sau “diễn biến hòa bình” các bài viết luôn luôn gắn thêm  “cái đuôi” các “thế lực thù địch” để nói về các tổ chức, đòan thể của người nước ngòai và người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và các quyền tự do ở Việt Nam.

Ở cấp cao nhất nói về  hiểm họa của “diễn biến hòa bình” có Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang,  khi còn giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa đảng X, thời Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư.
Viết trong Tạp chí Cộng sản Số 22 (214)ngày 29/11/2010 với Tiêu đề “Nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, Sang nói: “Các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và cánh tả vẫn gặp nhiều khó khăn gay gắt, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, tìm mọi cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Trong đó, chiến lược “diễn biến hòa bình” được coi là biện pháp hữu hiệu hàng đầu, đã từng góp phần trực tiếp làm sụp đổ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu những năm trước đây và đang tìm mọi cách tiếp tục hòng làm lung lay dẫn tới sụp đổ các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay.”
Theo Sang thì “diễn biến hòa bình” chủ trương 6 bước (xin trích  ngắn gọn):
Một là, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin để thay thế bằng hệ tư tưởng tư sản trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Hai là, xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Ba là, gây mất ổn định về chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn thường xuyên được sử dụng là lợi dụng, kích động những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để gây mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự đồng thuận xã hội và khi có thời cơ lôi kéo một bộ phận quần chúng vào các cuộc bạo loạn chính trị.
Bốn là, làm suy yếu, chệch hướng phát triển của nền kinh tế, tiến tới chi phối, lũng đoạn, khống chế kinh tế.
Năm là, chuyển hóa văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa theo quỹ đạo và các giá trị phương Tây, từ đó làm biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và tha hóa con người, dẫn tới biến chất cả một xã hội.
Sáu là, “phi chính trị hóa” để vô hiệu hóa quân đội và công an.
Sang nói: “Những mục tiêu cơ bản trên có quan hệ chặt chẽ với nhau và nếu để cho các thế lực thù địch thực hiện được thì điều không tránh khỏi là họ sẽ đạt mục đích cuối cùng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội… Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động coi Việt Nam là một trong những trọng điểm để chống phá.”
Nhưng khi viết ra những điều “hù dọa” như thế thì Sang lại quên là từ hai khoá đảng VII thời Đỗ Mười giữ chức Tổng Bí Thư và Khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư đã có số “không nhỏ cán bộ, đảng viên” bị chao đảo, mất tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin, kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991.
Điều mà Sang và nhiều cây viết Cộng sản Việt Nam khác cố gán cho “diễn biến hòa bình” do “đế quốc” giật dây hay do “các thế lực thù địch” chống phá Việt Nanm chẳng qua là các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Ký gỉa Không Biên giới (Reporters Without Borders), Nhà Tự Do (The Freedom House), Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (The United Nations Human Rights Council,UNHRC), Liên hiệp Châu Âu, Chính phủ Hoa Kỳ, các Tổ chức Tôn giáo và các nhóm đấu tranh cho Dân chủ, quyền làm người các các quyền tự do khác của người Việt Nam ở nước ngòai v.v…
Các tổ chức này chỉ có một mục đích duy nhất là đòi nhà nước CSVN tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam đã được công nhận bởi 4 Bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946.
Tuyệt nhiên không có tổ chức nào hay quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ đã có những hoạt động nhằm lật đổ nhà nước Việt Nam hay đòi đảng CSVN phải giải tán như cáo buộc của nhà nước Việt Nam.
Ngược lại,  Chính phủ Việt Nam xuyên qua các bài viết của các viên chức lãnh đạo và trong guồng máy thông tin-tuyên truyền của đảng đã “bẻ lái” các đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và trả lại cho dân các quyền tự do đảng đã lấy đi để biến thành “chủ trương gây bạo động để chống đảng và lật đổ chính quyền”.
Như vậy rõ ràng là hình ảnh “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch” do đảng CSVN đưa ra chẳng qua chỉ là những “diễn viên” tưởng tượng được dựng lên để  cho nhà nước có cớ không cho dân được hưởng những quyền đã ghi trong Hiến pháp để  đảng có thể tiếp tục cai trị độc tài, độc đảng, dù chưa bao giờ  họ được nhân dân bỏ phiếu trao quyền  lãnh đạo đất nước.
Đó chính là lý do tại sao  khi thảo luận  sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự trù hòan tất năm 2013, đảng đã khăng khăng đòi dành quyền lãnh đạo “tuyệt đối”.
DIỄN BIẾN – CHUYỂN HÓA
Sau lá bài “diễn biến hòa bình”, đảng viên CSVN tiếp tục suy thoái từ tư tưởng đến nếp sống nên tệ nạn tham nhũng tiếp tục thăng hoa.
Hậu qủa đã có rất nhiều đảng viên đã “quay lưng lại” với Chủ nghĩa Cộng sản và không làm theo chỉ đạo của nhà nước. Tình trạng người đứng đầu không gương mẫu, không kiên quyết làm theo lệnh đảng làm nẩy sinh tình trạng “thượng bất chính hạ tắc loạn”.
Những Nghị quyết “xây dựng chỉnh đốn đảng” của Khoá đảng VIII (Nghị quyết 6 (lần 2) và Nghị quyết 4 của Khóa đảng XI đưa ra ngày 31/12/2011 đã  lập lại những việc phải làm của 13 năm trước là bằng chứng thất bại liên tục trong công tác làm sạch đảng để giữ vững niềm tin của cán bộ và nhân dân.
Hiện tượng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của cán bộ đảng viên đã đến mức đe dọa sự sống còn của đảng từ khoá đảng X thời Nông Đức Mạnh. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “mất tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đảng”, “suy đồi đạo đức”, “sống mất phẩm chất người Cộng sản”, “chạy chức chạy quyền”, “công khai chống đảng” và “tham nhũng vượt cấp” là những tệ nạn đang làm lung lay đảng tận gốc rễ.
Nhưng lãnh đạo đảng vẫn tiếp tục không chịu nhìn nhận chủ nghĩa Cộng sản mà họ “tiếp tục kiên định” và dùng làm “nền tảng để xây dựng đất nước” đã thuộc về qúa khứ. Họ tiếp tục sửa chữa bằng các biện pháp chấp phá thiếu kiên quyết và lỗi thời, nhưng quan trọng hơn lại đổ lỗi cho “diễn biến hòa bình” là thủ phạm làm ung thối đội ngũ đảng.
Một trong số bài viết tiêu biểu nhất thuộc lọai “gây hỏa mù” này là của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu đã xuất hiện trên Tạp chí Tuyên gíao, cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22/08/2012.
Hiệu viết: “Bài học từ sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cho thấy, nếu không chủ động phòng ngừa, không ngăn chặn, phòng chống ngay tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ bị tác động, bị phân hóa, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng chính trị, tâm lý và hệ quả của việc chủ quan, mất cảnh giác với những thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là không lường hết được.”
Đối với tình hình Việt Nam, Hiệu nói: “Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” (DBHB) chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến chúng sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “nội công, ngoại kích”, trong đánh ra, ngoài đánh vào, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản.”
Nhưng nguy cơ “xâm nhập” này đã vào đến thành phần lãnh đạo hay cơ quan quyền lực nào của nhà nước ?
Hiệu tiết lộ: “Trong những năm qua, tùy từng đối tượng và phạm vi tác động mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước đã sử dụng thủ đoạn, nội dung, hình thức và phương pháp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” khác nhau, nhưng chúng luôn đặt trọng tâm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các lực lượng vũ trang. Bởi đó là nơi hoạch định ra đường hướng, chủ trương, chính sách, pháp luật của nước ta. Khi đường hướng không chuẩn thì sự chệch hướng XHCN của đất nước là khó tránh khỏi. Khi đường lối, chủ trương không vì cuộc sống, lợi ích của nhân dân thì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với Nhà nước, với chế độ sẽ bị xói mòn.” 
Tuy nói thế nhưng Hiệu không đưa ra được  một bằng chứng cụ thể nào và trong thực tế chưa thấy có hiện tượng  “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” nào đã bị phát giác ở các cấp cao ấy.
Vì vậy, những điều Hiệu viết chẳng qua cũng chỉ “hù họa” để “bắt bóng” mà thôi, dù sự rạn nứt trong đảng đã xẩy ra do “tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, rơi vào chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, cá nhân ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” , như Nghị quyết Trung ương 4 đã nhìn nhận.
Nhưng tại sao chuyện bê bối trong nội bộ đảng lại có liên hệ với “diễn biến hòa bình” như Hiệu đã dàn dựng và nhằm mục đích gì trong khi đất nước đang bị Trung Cộng đe dọa ở Biển Đông và bởi những kẻ “nội thù” nằm ngay trong hệ thống cầm quyền ?
Hay là Hiệu và những người làm công tác tư tưởng khác trong đảng đã bị bị con ma “diễn biến hòa bình” thôi miên làm cho mất trí trước bùa phép của Bắc Kinh và bởi các phe nhóm tranh dành quyền lực hay còn được gọi là “lợi ích nhóm”, hoặc “nhóm lợi ích” đang hoành hành trong mọi lĩnh vực trong mạng lưới tham nhũng ?

NHÓM LỢI ÍCH
Nhưng  họ là ai thì hãy nghe Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng trả lời trong một Bài viết của ông trên báo Lao Động: “Thực ra, nhóm lợi ích là một tập thể những cá nhân và tổ chức có cùng lợi ích. Tập thể những cá nhân và tổ chức này phối hợp với nhau tác động lên các cơ quan nhà nước để có được các cơ chế, chính sách và pháp luật có lợi cho mình. Đó có thể là vị thế độc quyền, là các quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, tiếp cận các hợp đồng nhà nước v.v… Các nhóm như vậy tồn tại mọi lúc, mọi nơi và ở mọi quốc gia trên thế giới…
Ở nước ta, muốn hay không muốn, đang tồn tại nhiều nhóm người gắn bó với nhau về lợi ích hoặc cần phải hợp tác với nhau thì mới thúc đẩy được lợi ích. Chúng ta muốn gọi những nhóm người này là nhóm lợi ích hay không thì tùy. Tuy nhiên, nhất thiết chúng ta phải ngăn cản họ lợi dụng tiền bạc, thế lực và mối quan hệ để “ăn trên ngồi trốc”.  
Đó là chuyện của Tham nhũng mà nói đến chống Tham nhũng là một truyện dài cả “triệu trang giấy” ở Việt Nam từ khi có Luật Phòng, chống Tham nhũng năm 2005 nhưng đảng CSVN đã hòan tòan thất bại.
Thất bại ê chề đã được chứng minh từ Nghị quyết Trung ương 3 Khoá đảng X  năm 2006 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”  khiến Ban chấp hành Trung ương Khoá XII phải ra thêm một Nghị quyết ngày 15-05-2012, sau khi nghe tổng kết 5 năm thi hành Nghị quyết 3.
Kết qủa là Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã mất chức Trưởng “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.
Ban này nay được trao cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp điều hành, nhưng sau 3 tháng, cơ cấu vẫn chưa tổ chức xong, nhất là về mặt nhân sự nên Nguyễn Tấn Dũng vẫn “xử lý” cho qua ngày.
Lý do Dũng mất chức vì, theo Thống báo của Hội nghị thì: “Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) nói riêng trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.”
Quyết định của Hội nghị Trung ương 5 được đưa ra sau khi Ban Chấp hành Trung ương “đã thảo luận và khẳng định, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay“.
Tệ nạn “lợi ích nhóm cấu kết với tham nhũng” là mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong nội bộ đảng CSVN hiện nay. Các nhóm này đang tung hòanh trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, quan trọng nhất là hệ thống Ngân hàng, Địa ốc, Xây dựng, Hầm mỏ, các Tổng Công ty và Doanh nghiệp nhà nước.
Dự án khai thác Bauxite trên Tây Nguyên vô trách nhiệm và còn dang dở, theo yêu cầu của Trung Cộng dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, có tiếp tay của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và cả Bộ Chính trị là một bằng chứng của “lợi ích nhóm”.
Vụ đổ vỡ của hai Công ty Vinashin và Vinalines trong thời gian vừa qua làm thua lỗ và nợ nần vượt qua con số 300,000 Tỷ đồng của mồ hôi nước mắt của dân cũng là một bằng chứng của “lợi ích nhóm”.
Bây giờ hãy đọc ông Lê Dõan Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông viết trên Báo Tiền Phong : “Con người thường tham lam, nên đừng lý tưởng hóa con người. Không chỉ ở ta, các nước khác, cũng vậy thôi. Chỉ có điều nước nào đưa ra được cơ chế để khống chế được nó, nước đó sẽ thành công.
Còn với cơ chế như hiện nay ở ta, nếu không thay đổi, có tái cơ cấu gì cũng khó. Hai cái đang cản trở lớn nhất là: Cơ chế xin cho và ai cũng bâu vào quản lý doanh nghiệp. Cái này không thể tự nhiên mà bỏ được do người xin có lợi, người cho cũng có lợi.
Hồi tôi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, cũng muốn đổi mới, làm quyết liệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Vì cơ chế xin-cho nó rất mạnh, đã di căn. Tôi xin anh 100 ngàn thì tôi sẽ cho lại anh 20 ngàn, thậm chí 30 ngàn. Về đến đối tượng thụ hưởng, có khi chỉ còn lại 50%. Lợi ích lớn vậy, làm sao chống?
Một doanh nghiệp Nhà nước hiện nay trên đầu có quá nhiều người quản lý. Nên khi có việc chạy chọt thì họ phải lấy tiền sân sau nuôi các quan hệ của sân trước, nếu không không quyết toán được. Khi đã làm sân sau thì phải rút ruột sân trước, mà như vậy sớm muộn gì doanh nghiệp cũng sẽ đổ. Con đường duy nhất để cứu doanh nghiệp nhà nước là chỉ có một bộ duy nhất quản lý doanh nghiệp. Đó là Bộ Luật doanh nghiệp.
Cái nữa là phải để doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, nhà nước không quản lý, kể cả về nhân sự. Tại sao người ta muốn quản lý các tập đoàn? Là vì lợi ích mà thôi. Doanh nghiệp cũng thích được quản lý như vậy để dễ xin xỏ. Thế nên cơ chế không sửa trước thì tái cấu trúc chỉ là một cụm từ mỹ miều.
Cổ phần hóa doanh nghiệp là trí tuệ của loài người mà ai chống lại nó là đổ vỡ. Tư bản đã tìm mọi cách cưỡng lại nhưng rồi họ cũng chọn cổ phần hóa. Nhưng ở ta cổ phần hóa rất chậm, vì nhiều người không muốn cổ phần hóa để còn chi phối, hưởng lợi từ nó.” (Tiền Phong, 26/01/2012)
Như vậy thì kẻ thù nào đang phá họai đất nước: “diễn biến hòa bình” hay “lợi ích nhóm”?
Hay xa hơn và cực kỳ nguy hiểm là đe dọa của Trung Cộng ở Biển Đông và ngay trong lòng đất nước Việt Nam ?
Vậy Lãnh đạo đảng CSVN chọn kẻ thù nào để chiến đấu, hay đã sằn sàng đầu hàng để “cõng rắn cắn gà nhà” như lời cảnh báo của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trong Bài viết kỷ niệm ngày Độc lập 2/9 vừa qua ?
Phạm Trần(09/2012)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét