Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Nhìn Lại Thông Điệp Humanae Vitae Sau 45 Năm



Năm 1968 có những biến cố đáng chú ý trên thế giới. Cuộc nội chiến mà làm nhiều người biết đến là cuộc tấn công Tết Mậu Thân tại Việt Nam, và bức ảnh ĐT Nguyễn Ngọc Loan xử tử một cán bộ CS nằm vùng đã đi vào trang sử thế giới mãi mãi. Nó đã mở màn cho một năm mà các sử gia gọi là “Năm Nổi Loạn”. Ngày 29/03/1968 tại bang Tennessee, những người Mỹ da đen đã đứng dậy phản kháng đòi quyền bình đẳng công dân qua cuộc diễn hành “Tôi Cũng Là Người” (I Am A Man), và họ đã bị đáp lại bằng những đe doạ của súng đạn va xe tăng. Cuối cùng thì người lãnh đạo của họ, Mục Sư TS Martin Luther King Jr đã bị ám sát vào tháng Tư năm 1968. Tại Paris, các người trẻ thế hệ híp-py đã xuống đường biểu tình vào khoảng tháng Năm. Đầu tháng Sáu tại Los Angeles, TNS Robert Kenedy (anh của Cựu TT John F. Kennedy) bị ám sát bằng những viên đạn bắn vào đầu và cổ. Riêng GH Công Giáo, ngày 25/07/1968, ĐTC Phaolô VI cống hiến thế giới bức Thông Điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người), mà đã gây sôi nổi. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm sau Humanae Vitae, người viết gợi ý vài chia sẻ để nhìn Thông Điệp nền tảng này.

Quá Trình

Đứng trước thềm của một thời đại với các tiến bộ khoa học và “những tiến hóa của xã hội”, GH không thể nào làm ngơ với những vấn đề mới, liên quan tới điều hòa sinh sản. Vì vậy ĐGH Phaolô VI đã lấy quyền giảng dạy của GH để cố gắng khẳng định chính xác “các nguyên tắc học thuyết luân lý liên quan đến hôn nhân” chiếu theo Tin Mừng và những văn kiện của các vị GH tiền nhiệm. Việc này không đi quá giới hạn quyền giảng dạy Hội Thánh, mặt khác nó còn là sứ mạng mà Đức Giêsu trao phó các [vị] tông đồ trước khi về trời. Có lẽ đây là động cơ mà ngài muốn viết thông điệp Humanae Vitae.

Tháng 3 năm 1963, Đức Gioan XXIII đã thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng nghiên cứu về dân số, gia đình và mức sinh sản để giúp Công Đồng Vatican II xúc tiến. Ủy ban bao gồm các tôn giáo khác nhau, các thần học gia, các cặp hôn nhân cũng như tu sĩ, các khoa học gia và xã hội học. Kế tiếp Đức Phaolô VI còn mời thêm một số các Giám Mục cộng tác.

Sau những ngày tháng nghiên cứu về đề tài này, trong nội bộ của UB với 72 người đã có hai lối nhìn khác nhau. Nhóm “đa số” viết bản phúc trình – soạn thảo bởi 6 thần học gia nổi tiếng và với 13 chữ ký của các thần học gia khác – đề nghị GH nên thay đổi giáo lý liên quan đến điều hòa sinh sản. Nói cách khác, bản phúc trình này muốn GH thừa nhận phương pháp ngừa thai nhân tạo (artificial contraception) không là tội ác tự bản chất như những cách ngừa thai khác (chẳng hạn như phá thai và triệt sản). Nói chung, với vai trò “trách nhiệm phụ huynh” và tùy theo hoàn cảnh địa phương và kinh tế, nhóm đa số kết luận rằng các cặp vợ chồng Công Giáo cần có sự linh hoạt để sử dụng các phương tiện ngừa thai khi điều hoà sinh sản ngoài phương pháp tự nhiên (theo chu kỳ người nữ) mà không trái với luân lý.

Nhóm “tiểu số” dẫn đầu bởi LM John Ford, dòng Tên, nộp bản phúc trình với 3 thần học gia khác, thì đối ngược với bản phúc trình kia. Qua lăng kính “tông truyền”, nhóm tiểu số đề nghị bất cứ cách ngừa thai nào cũng đều là sai lầm, dựa theo Thông Điệp “Casti Connubii” (1930) của Đức Piô XI. Thêm nữa, nếu làm theo đề nghị của nhóm đa số [đối nghịch lại những giáo huấn của các vị GH trước] thì sẽ gây mâu thuẫn về quyền giảng dạy [ơn bất khả ngộ] của các vị Giáo Hoàng.

Cuối cùng thì Đức Phaolô VI đã không chấp nhận những đề nghị của nhóm đa số. Lý do là vì “các nhân viên trong Ủy ban không hoàn toàn đồng ý về các định luật luân lý”, và ngài cũng không chấp nhận “một số tiêu chuẩn của các biện pháp đề nghị đã đối nghịch lại học thuyết luân lý về hôn nhân” của GH. Cũng trong thời gian trước khi xuất bản Humanae Vitae này, bản phúc trình của nhóm đa số bị lộ ra ngoài, và báo chí thế giới đã lợi dụng để tấn công sự cổ hủ của các tín lý CG hôn nhân và gây bất đồng về quyền bất khả ngộ của Vị Đại Diện Chúa Kitô nơi trần thế. Việc này đã làm cho Đ Phaolô VI đau khổ nhiều, và có lẽ vì vậy mà Humanae Vitae đã trở thành thông điệp cuối cùng của giáo triều ngài.

Những Điểm Nổi Bật Của Humanae Vitae

Về các cặp vợ chồng, qua bí tích Hôn Nhân, tình yêu vợ chồng được phối hợp với sự tự do ý chí; qua sự trung tín, người nam và người nữ cho đi một cách trọn vẹn để sinh hoa kết trái. Vì thế, người chồng và vợ trong vai trò cha mẹ có trách nhiệm hiểu biết về quá trình sinh sản, làm chủ những ham muốn, thận trọng quyết định số lượng sinh con và ý thức trách nhiệm trước Thiên Chúa, chính bản thân, gia đình và xã hội.

Về phương pháp ngừa thai, GH cấm: phá thai, triệt sản “hẳn” hay “tạm thời” (nam hoặc nữ), tất cả các phương pháp cản trở thụ thai trước hoặc sau khi giao hợp. Phương pháp tự nhiên (natural family planning) thì có thể thực hiện vì tự bản chất nó không không làm cản trở tiến trình tự nhiên.

Trong thông điệp này Đức Phaolô VI cũng tiên đoán bốn hậu quả nghiêm trọng khi con người ta sử dụng biện pháp ngừa thai nhân tạo một cách vô ý thức:

1. “cần lưu tâm đến hiện tượng nguy hiểm của sự bất trung trong hôn nhân cũng như đến việc luân lý trở thành sa đọa ”. Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta thấy xã hội Hoa Kỳ và các nước Âu Châu không còn coi trọng đời sống hôn nhân vì con số ly dị. Một phần nào đó, các tiện nghi để mua thuốc ngừa thai hoặc các vỏ cao su đã làm cho người ta bất tín trong tình yêu vợ chồng. Theo trang DivorceMag.com cho biết, khoảng 45% -- 50% các phụ nữ có lăng nhăng ở ngoài, và con số các ông thì khoảng 50% -- 60%. Họ còn nói thường thì độ 25% tới 40% con số các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi sự bất tín trong hôn nhân sẽ ly dị nhau.

2. “... con người vốn yếu đuối và tất cả, nhất là giới thanh niên, thường dễ đi ngược lại nền luân lý”. Tình dục là một cách đầu độc tai hại trong thế hệ trẻ. Hiện nay các trường trung học, đại học và các bộ y tế coi việc cung cấp thuốc ngừa thai và vỏ cao su là một biện pháp chăm sóc sức khỏe (medical care). Sự giao hợp giữa nam và nữ ngoài hôn nhân trở thành một mốt “bình thường” trong xã hội thời nay và làm sút dần nền luân lý đạo đức trong đời sống các bạn trẻ. Người trẻ thời nay đã coi thường đức khiết tịnh, và chỉ biết rằng việc giao hợp tình dục là một việc rất bình thường để diễn tả cảm giác rung động tạm thời. 

3. “... dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, ... cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ...” Phẩm giá của người nữ giảm sút sau khi họ bị lợi dụng trong các cuộc tình lăng nhăng hoặc “tình môt đêm”. Tại một số các đại học, các sinh viên đua nhau cua gái và “lấy điểm” trong các buổi party cuối tuần, vì thế thống kê cho thấy liên hệ tình dục cao nhất là ở lứa tuổi 19-24. Báo chí và phim ảnh khuyến khích “phụ nữ thời đại” phải bình đẳng và tự chủ cuộc đời mình. Họ tự ý muốn làm gì thì làm, nhất là trong lãnh vực liên hệ với phái nam -- miễn sao không bị ràng buộc bởi thụ thai. Tiếc thay đây là một cách dán tiếp làm giảm đi giá trị cao quý của người nữ vì hai phái đã coi sự giao hợp không còn là một sự hiệp nhất thánh mà Thiên Chúa đã dự định trong kế hoạch hôn nhân. 

4. “... lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng mà hơn thế nữa còn ép buộc dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả? ” Phải chăng đây là mối đe doạ đáng lo nhất? Tại Trung Quốc, nhà cầm quyền có chính sách mỗi gia đình một con. Năm ngoái tại Hoa Kỳ, qua đạo Affordable Health Care Act hay Obamacare, người ta thấy chính phủ Hoa Kỳ bắt các bảo hiểm sức khoẻ phải có phần mua thuốc ngừa thai miễn phí. Các cơ sơ Công Giáo (Toà Giám Mục, Bệnh Viện, Các Trường Đại Học, etc...) phải bảo đảm tiện nghi này cho các nhân viên họ. Điều này làm cho GHCGHK nhức đầu và buộc các GM phải làm đơn kiện. Theo bản tường trình Guttmacher, thì ngân khoảng chi của chính phủ trong năm 2006, đã bỏ ra $116 triệu để giúp các phụ nữ triệt sản hẳn, còn con số chi cho các vụ phá thai là $89 triệu. Nói chung, chính phủ đã phần nào trực tiếp hoặc gián tiếp thi hành những chính sách khuyến khích ngừa thai nhân tạo, mà không ai “cấm đoán một chính phủ” như cường quốc Hoa Kỳ. Lời ước đoán của Đức Phaolô VI qua rõ ràng.

Phản Ứng

Sau khi Humanae Vitae được ban hành, tại Hoa Kỳ, TGP Baltimore có 72 linh mục ký tên vào bản Bất Đồng (Statement of Dissent) trong tháng 8 năm 1968. Sự bất phục tùng quyền giảng dạy của HT đã làm cho ĐHY Shehan bất mãn và đau khổ vì các linh mục dưới quyền của ngài. ĐHY kế nhiệm là Francis Stafford, gọi biến cố mùa Hè này là “Giờ Nóng Nảy Nhất Của Chúa” (God’s hottest hour). Sự chia rẽ giữa các linh mục trong TGP Baltimore, đã phải mất nhiều năm để lấy lại uy tín và tín nhiệm giữa mục tử và đoàn chiên. Biến cố này phần nào ảnh hưởng tới những bất đồng sau này.

Một phản ứng đáng đau lòng hơn là tờ tuyên ngôn Winnipeg, do một số các GM trong HĐGM Gia-nã-đại ký vào tháng 9 năm 1968. Bản tuyên ngôn này không được coi là có hiệu nghiệm vì các GM đã không thông qua với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Dựa vào vai trò quan trọng của tự do lương tâm cá nhân, bản Winniepeg công bố rằng các cặp vợ chồng có thể sử dụng ngừa thai nhân tạo tuỳ theo hoàn cảnh sau khi đã tìm hiểu mọi khía cạnh luân lý. Đến 30 năm sau khi Winnipeg ra đời, các GM Gia-nã-đại âm thầm bỏ phiếu để rút lại bản tuyên ngôn đó, nhưng đáng tiếc là họ không thành công. Vào năm 2008, HĐGM ban thư mục vụ “Liberating Potential” với nội dung hoàn toàn trong khuông khổ của Humanae Vitae và coi đó như một nỗ lực sửa đổi sai lầm tuyên ngôn Winnipeg gây ra.

Kết Luận

Năm 1968, sự văn minh và tiến bộ của con người đã giúp thế giới nhìn được trái đất màu xanh, khi phi thuyền Appolo 8 chụp ảnh từ không gian. Sự thành công này cho thấy khả năng khoa học và đầu óc sáng tạo có thể đạt được nhiều tốt đẹp cho nhân loại. Nhưng năm 1968 cũng là năm Peirasmòs (tiếng Hy lạp: chước cám dỗ hay thử thách) cho GH Công Giáo.

Humanae Vitae đã trở nên một thử thách lớn cho một số các phần tử trí thức trong GH, nhưng ngược lại, thông điệp này trở thành nền tảng vững chắc lâu dài cho giáo lý hôn nhân và sự sống con người nói chung. Cũng qua thông điệp này, Đức Gioan Phaolô II đã đúc thành bộ “Thần Học Thể Xác” để giúp các tín hữu nhận ra sự thánh thiện mà Thiên Chúa xếp đặt trong đời sống hôn nhân. 

Chúng ta cũng thấy hiện nay trong lãnh vực tông đồ giáo dân, có các phong trào như “Thăng Tiến Hôn Nhân” (Marriage Encounter) hoặc “Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân” (nhóm Đồng Hành) đang hăng say giúp mục vụ gia đình. Hiện tượng này là một điểm đáng vui mừng, vì chính Đức Phaolô VI cũng đã khuyến khích trong Humanae Vitae khi ngài viết: “... một hình thức mới mẻ và đặc biệt: Ở đây chính các gia đình trở thành Tông đồ và đứng ra hướng dẫn các gia đình khác. Và không ai phủ nhận rằng, đây là một hình thức Tông đồ thích thời nhất hiện nay.”

Riêng tại Hoa Kỳ, phong trào Bảo Vệ Sự Sống bành trướng và gây nhiều tiếng nói được cũng là vì nguồn cảm hứng từ thông điệp Sự Sống Con Người.

Dominic Thiện

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét