Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Bà lão 74 tuổi hơn 10 năm đi nhặt xác hài nhi - Nơi yên nghỉ của 50.000 hài nhi bị bỏ rơi ở Hà Nội



BÀ LÃO 74 TUỔI HƠN 10 NĂM ĐI NHẶT XÁC HÀI NHI

Nhiều người bảo làm cái công việc ấy là “dở hơi”, là “gàn”, nhưng hơn 10 năm nay bà Phạm Thị Cường ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vẫn ngày ngày lặng lẽ đạp xe cả chục cây số đi nhặt xác những sinh linh vô tội về chôn cất.

Mái đầu bạc trắng trên khuôn mặt đã hằn sâu những vết nhăn, hơi thở yếu ớt, nhưng bà Phạm Thị Cường, 74 tuổi, thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, không nề hà ngày đêm vẫn đi khắp các xã trong vùng thu nhặt các thai nhi bị bỏ rơi nơi đầu đường xó chợ.
Theo “nghiệp” này đã hơn 10 năm rồi, nhưng nỗi ám ảnh về ngày đầu vẫn không nguôi trong tâm trí bà. “Hôm đó, tôi đang đi chợ bán rau, qua đoạn cầu Đông Bình thì nhìn thấy bên vệ đường có túi nilon màu đen, ruồi bọ bâu kín, trông đến buồn nôn, nhưng lại thấy trong đó có vật gì đó cựa quậy. Ban đầu tôi nghĩ chắc nhà nào vứt con vật gì đó bị chết ra đấy, nghĩ bụng mặc kệ. Nhưng không hiểu sao đi qua một đoạn tự dưng lòng bất an, lo lắng thúc giục tôi quay lại. Khẽ mở chiếc túi nylon ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn đang thoi thóp thở nhưng người em đã tím ngắt và bị kiến bâu đen, khiến tôi vô cùng đau xót”, bà lão nhớ lại.

Bà Cường vội vứt cả gánh rau chưa bán được đồng nào mang đứa bé đó về nhà, tắm rửa sạch sẽ, rồi đi khắp làng xóm, tìm xem có bà mẹ nào mới đẻ, xin cho cháu bú nhờ. Tuy nhiên, do bị vứt quá lâu nên em bé đã tắt thở. Bế đứa bé đáng thương đem chôn mà bà khóc đến cạn khô nước mắt. Sau những đêm dài trăn trở, cuối cùng bà Cường quyết định mình phải làm điều gì đó để cứu giúp những em bé bị vứt bỏ mà không được chôn cất.
Hằng ngày, sau khi đưa rau ra chợ bán, bà gửi cho ai đó trông hộ một lúc rồi tranh thủ cọt kẹt trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp 9 xã ở trong huyện Nghĩa Hưng đi tìm những linh hồn xấu số về chôn cất, rồi lại về bán rau. Các em đều được bà đưa về nhà tắm rửa, quấn vải sau đó cho vào tiểu quách là những bát hương hay hộp nhựa bà tự bỏ tiền mua, đánh số thứ tự rồi chôn ở ngôi mộ chung trong thôn, hương hoa để các bé siêu thoát.
Nhiều người biết chuyện thán phục, nhưng cũng không ít lần bà bị nhiều người cười chê là “dỗi hơi, là điên, là khùng”, thậm chí còn bị mỉa mai “nghèo khó ăn còn không đủ mà đi lo chuyện bao đồng”. Nhưng bà Cường đều bỏ ngoài tai những lời nhận xét của thiên hạ, mà đau đáu theo đuổi tâm nguyện của mình. Bà chua xót kể: “Có lần đứa bé sinh ra đang còn khóc oe oe nhưng bị người mẹ uống thuốc ép sinh nên sinh non. Đôi mắt tròn xoe ấy như muốn van lơn ai đó cứu giúp cứ ám ảnh tôi mãi, tôi vội đưa cháu về lau sạch sẽ rồi ôm bé vào lòng để em ấm áp và đỡ cô đơn hơn, nhưng chỉ được vài tiếng sau thì em bé mất”. Hay: “Có nhiều lần đi nhặt xác, có hài nhi không biết bị vứt từ bao giờ, bị chuột cắn đến chẳng còn hình dạng. Nhiều xác bị ruồi bâu, chỉ nhìn đã thấy ớn lạnh, nhưng nghĩ đến sự bơ vơ ngay cả lúc chết cũng không có nơi yên nghỉ, tôi vẫn cố mang về chôn cất”, bà Cường day dứt kể.
Đến nay, hơn 4.000 hài nhi đã được bà đưa về an táng. Nhận thấy việc làm tình nguyện đáng trân trọng của bà Cường nên bây giờ không còn ai còn cười chê nữa. Hễ cứ nhìn thấy xác thai nhi bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ là người ta lại chạy về gọi ngay cho bà vì nếu bà không làm thì có lẽ chẳng ai dám sờ đến.
Cảm phục trước công việc âm thầm mà ý nghĩa lớn lao ấy, ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng tự nguyện cùng bà chung vai đi làm hành thiện mà không mong báo đáp.
Sức khỏe của bà Cường bây giờ cũng đã yếu dần, các con bà cũng khuyên mẹ từ bỏ công việc đang làm ở ở nhà tiện chăm sóc nhưng bà lão nhất quyết không nghe. Bà cười nói: “Ngày nào còn sức khỏe là ngày ấy tôi còn làm công việc này”.
VĂN ĐỊNH, VnExpress

NƠI YÊN NGHỈ CỦA 50.000 HÀI NHI BỊ BỎ RƠI Ở HÀ NỘI

Chỉ cách trung tâm thủ đô chưa đầy 20km nhưng ít ai biết ở Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, có một nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của khoảng 50.000 hài nhi xấu số, không được chào đời vì những lý do nào đó.

Nghĩa trang Đồi Cốc vốn chỉ là nghĩa trang làng với diện tích nhỏ, nhưng từ năm 2007, một số người dân trong thôn đã góp đất mở rộng để chôn cất những hài nhi bất hạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thạo ở Nhà Thờ xóm Đồi Cốc, thì cách đây hàng chục năm, người dân trong thôn chứng kiến cảnh xác hài nhi bị vứt ở vệ đường, thùng rác hay bệnh viện, cơ sở y tế nên đã nhặt đem về nghĩa trang chôn cất.

Chính vì vậy, người dân luôn phải mua dự trữ những chiếc tiểu, cái niêu để dùng dần. "Tháng trước tiểu đắp đống ở đây nhưng giờ cũng vơi nhiều rồi đấy", ông Thạo chia sẻ. Kinh phí để mua hoàn toàn do người dân trong làng tự bỏ ra.

Mờ sáng mỗi ngày, một số người dân trong thôn đi đến các điểm quen thuộc ( như trạm xá hoặc ở các bãi rác ) rồi nhặt xác thai nhi về. Các bé được tập kết ở nhà chờ, đến cuối ngày được mai táng. ông Nguyễn Văn An, Trưởng thôn Đồi Cốc, nói: "Họ làm việc thiện tâm không muốn công khai. Tự họ bỏ tiền bạc, công sức, đất đai, xây mộ cho các bé. Chính quyền biết nhưng không can thiệp".

Bên trong căn nhà có rất nhiều các niêu nhỏ. Thông thường, người dân Đồi Cốc dùng tiểu chôn các em lớn, niêu để chôn các em nhỏ. ông Thạo xót xa nói: "Đau lòng vô cùng khi chứng kiến những thai nhi hình hài dập nát. Chúng tôi tự tay chôn cất các em, mang cho các em có một chốn yên nghỉ. Các em sẽ được bọc vào mảnh vải trắng này rồi cho vào chiếc niêu. Sau đó, chúng tôi trát xi măng cho kín và để vậy đến khi nào đủ một ngôi mộ sẽ cùng chôn". Khu mộ này có khoảng một chục bé bị chết non, và thường được cha mẹ đặt tên trước khi đem chôn, như Anna Tiểu Duyên, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hoàng Hà, Đào Thị Đỏ... Hàng vạn sinh linh còn lại khuyết danh, thường là thai nhi bị nạo phá.

Mỗi ngày nghĩa trang này tiếp nhận thêm ít nhất 20 hài nhi, có ngày lên đến 50 em. Bà Nguyễn Thị Thọ, thôn Đồi Cốc, cho biết: "Trên địa bàn và thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều khu công nghiệp. Rất có thể một số nữ công nhân chót lầm lỡ rồi phải nạo phá thai".

Hiện tại, nghĩa trang hài nhi đã có 24 ngôi mộ được xây hoàn chỉnh. Trong mỗi ngôi mộ chôn khoảng 600 sinh linh bé nhỏ. Ngoài ra còn gần chục ngôi mộ dang dở khác.

Những huyệt mộ này đào rất sâu, thường chứa khoảng 50 tiểu sành. Trong mỗi tiểu lại có vài thai nhi. Các tiểu xếp chồng lên nhau đến 5, 6 lượt để tiết kiệm diện tích. Theo ông Thạo, tổng số thai nhi được chôn ở đây phải lên tới 50.000.

Theo ông Thạo thì phía dưới Nhà Thờ này có đến vài vạn niêu xếp chồng lên nhau cả chục lượt.

PHAN DƯƠNG, VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét