Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đừng sợ!




 Có thể nói chưa khi nào con người lại phải thường trực đối mặt với sự sợ hãi và bất an như bây giờ. Từ những nỗi sợ mang tính đời thường  như thực phẩm nhiễm bẩn ( hóa chất ), tai nạn giao thông, vật giá leo thang v.v…cho đến những mối lo…toàn cầu như hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên từng ngày, bão lụt, hạn hán triền miên hết đợt này sang đợt khác, đồng tiên chung euro sụp đổ, chiến tranh tại Syria, tại Biển Đông v.v..Mặc dầu những mối lo âu ấy có nhiều và dữ dằn  hơn mọi thời, nhưng xét ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên = Nhân nào thì quả đó, tham thì thâm, cá nhân tham mà tập thể cũng chỉ muốn ăn nuốt lẫn nhau thì hậu quả điêu linh sao mà tránh khỏi ?. Thế gian là cõi khổ, là chốn khách đày, bởi đó mà Đức Kito nói “ Ngày nào thì có nỗi khổ của ngày đó” ( Mt 6, 34).


         Đã sống thì phải khổ, phải lo thế nhưng điều đáng lo nhất không phải là khổ nhưng khổ mà không có chỗ để tựa nương mới thật là khổ. Sự có mặt của tôn giáo suy cho cùng cũng không ngoài mục đích  là để giúp cho con người có nơi nương tựa. Có nhiều hình thức nương tựa khác nhau nhưng dù bất cứ cách nào cũng đòi hỏi phải có lòng tin. Chính là lòng tin khiến con người tìm đến sự nương tựa đồng thời lại làm cho nó phát sinh hiệu quả.

          Sau khi cầu nguyện lâu giờ trên núi, ban đêm Chúa Giesu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Khi ấy họ đang ở trên thuyền hoảng sợ vì tưởng gặp ma. Chúa bèn trấn an họ “ Hãy vững lòng Thầy đây đừng sợ. Phero bèn đáp = thưa Chúa nếu phải Ngài xin bảo tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Chúa đáp hãy đến. Phero ra khỏi thuyền đi trên mặt nước nhưng khi thấy gió to thì sợ hãi hòng chìm bèn la lên rằng Chúa ôi xin cứu tôi. Lập tức Chúa giơ tay nắm lấy người mà rằng = ớ kẻ kém tin, sao ngươi hồ nghi ?” ( Mt 14, 22, 31 ).

          Phero cũng có lòng tin đấy chứ, nếu không ông đã không xin được đi trên mặt nước để đến với Chúa. Mặc dù bị quở trách là kém đức tin nhưng Phero vẫn tin Chúa sẽ cứu mình, bởi đó nên mới được Chúa cứu giúp. Còn giả thử như khi sắp bị chìm Phero lại không cầu cứu thì chẳng biết sự thể sẽ ra sao ? Qua thực tế này cho thấy đức tin và việc cầu nguyện luôn phải song hành. Tin mà không cầu nguyện thì đó chỉ là lòng tin xuông. Ngược lại cầu nguyện mà không có lòng tin thì chẳng ích lợi gì.

          Tin  và sống điều mình tin đó là toàn bộ cuộc sống của Kito hữu. Mặt khác cuộc sống ấy lại không thể tách rời khỏi việc truyền giáo là việc mà Chúa đã trao cho Giáo Hội như một sứ mạng cao cả “ Điều Ta nói cùng các ngươi nơi tối hãy thuật ra nơi sáng và điều các ngươi nghe bên tai hãy rao ra trên mái nhà. Đừng sợ kẻ giết thân xác mà không thể giết được  linh hồn. Nhưng hãy nên sợ Đấng có thể diệt được cả hồn lẫn xác  trong Hỏa Ngục.” ( Mt 10, 27 -28)

          Lời Đức Kito cho thấy tính chất quan phòng của Thiên Chúa cho những công cuộc của Ngài. Truyền giáo là một sứ mạng vô cùng cao cả nhưng cũng rất khó khăn và sự khó khăn ấy hệ tại ở việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Thực vậy cũng vì Tin Mừng này mà Đức Kito đã bị lăng nhục và giết chết, còn những kẻ theo Ngài  thì bị coi là những tội đồ “ Hãy nhớ đến Chúa Giesu Kito thuộc dòng dõi Davit đã từ kẻ chết sống lại y theo Tin Mừng ta đã giảng dạy. Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã chịu khổ, rất đỗi bị trói như một phạm nhân, nhưng Đạo ĐCT  chẳng thể bị trói đâu” ( 2Tm 2, 8 -9).

           Thánh Phaolo rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đã bị bắt trói như một tội phạm lý do là bởi thế gian không thể tiếp nhận được Nước Trời mầu nhiệm nội tại này. Ngay trong buổi đầu truyền giáo các tông đồ  đã bị người đồng đạo trước đây  tố cáo là đồ ôn dịch, cổ động cho việc gây loạn giữa cả người Do Thái trong khắp thiên hạ” ( Cv 24, 5 ). Sự nghi kỵ, tố cáo ghét bỏ  của người Do Thái thời ấy cũng như sự bách hại đạo trong bất cứ xứ sở quốc gia nào đối với Đạo Công Giáo Tông Truyền cũng đều có cùng một lý do đó là họ nhất mực cho rằng đạo này là …tà đạo cần phải trừ khử.

          Tại Việt Nam trong thời kỳ cấm cách bách hại dữ dội nhất, vua Minh Mạng đã cho soạn và phổ biến trên cả nước  ( 15/7/1834) Mười Điều Răn để đối trị lại Mười Điều Răn ĐCT của Đạo Công Giáo. Trong Mười Điều Răn ( Thập Điều ) ấy ta thấy điều thứ bảy là “ Học Đạo Chính” thì Đạo Chính ở đây  tức là Đạo Nho. Xét trong Thập Điều ảnh hưởng của  Nho giáo và Mười điều Răn của Công Giáo ta thấy có sự khác biệt căn bản này là = một đàng thuộc luân lý thế tục, một đàng là đạo đức  xuất thế.

          Sự bách hại Đạo Công Giáo nhân danh luân lý thế tục như thế mặc dù rất ư khốc liệt thế nhưng nó đã tỏ ra thất bại trước  các chứng nhân anh dũng của đức tin ngay tại Việt Nam chúng ta cũng như tại Roma thời sơ khai Giáo Hội “ Những người đó bởi đức tin đã chế phục các nước, thi hành sự công chính để được lời hứa. Bịt mồm sư tử, dập tắt mãnh lực của lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, yếu đuối mà lại mạnh mẽ. Trong cơn chiến trận càng tỏ ra dũng cảm đánh tan đạo quân dị bang. Có đàn bà được  người chết của mình sống lại. Có kẻ khác bị khốc hình mà không chịu giải cứu để được sự sống lại tốt hơn. Có kẻ khác lại chịu thử thách như bị ném đá, cưa xẻ, cám dỗ, chém giết, bắt mặc da chiên da  dê, lưu lạc bơ vơ  chịu túng ngặt hoạn nạn phiêu lưu trong đồng vắng trên núi trong hang đá trong hầm dưới  đất vì thế gian quả thật không xứng đáng cho họ” ( Dt 11, 32 -38).

          Những hình khổ các Thánh Tử Đạo phải chịu thật hết sức kinh hoàng, tất cả chỉ là để làm chứng cho đức tin rằng ngoài cõi sống tạm bợ phù du này còn có một cõi sống khác hạnh phúc trường tồn bất diệt. Họ  mạnh mẽ tin như thế và chính niềm tin ấy đã khiến họ không sợ người đời những kẻ chỉ giết được  thân xác mà không giết đưiợc linh hồn. Đạo Thánh Chúa sở dĩ có thể tồn tại và phát triển là nhờ có những chứng nhân đức tin kiên cường  đến nỗi có thể nói sự bách hại gắn liền với Giáo Hội đúng như giáo phụ triết gia Tertulliano nói “ Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sản sinh giáo hữu” ( Sanguis Martyrum semen Christianorum ). Bao lâu Giáo Hội còn bị bách hại và kiên trung làm chứng cho đức tin của mình thì Đạo Chúa không thể bị trói. Ngược lại thì sẽ …bị trói tức hãi sợ thế gian những kẻ chỉ giết được thân xác.

I/-  Đừng  sợ  những  kẻ  chỉ  giết  được  thân  xác

         Đức Kito Phục Sinh nói với các tông đồ “ Các  con là chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 24, 48 ). Mọi việc mà Chúa đòi hỏi mỗi người trong chúng ta  phải làm chứng ấy  tóm lại chỉ là sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà việc làm chứng ấy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng tất cả đều không ngoài việc bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được. Vì  há có lợi ích gì  cho ai nếu được lợi cả và thế gian mà chính mình lại phải hư mất đời đời ư ?  Hễ kẻ nào hổ thẹn về Ta và đạo Ta thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn về người ấy khi Con Người đến trong vinh hiển mình” ( Lc 9, 23 -26).

         Không hổ thẹn về Chúa và về đạo Chúa có nghĩa là làm chứng cách mạnh mẽ cho đức tin. Có tin như thế mới có đủ can đảm trước sự cười nhạo khinh chê, kể cả giết hại của người đời. Sự can đảm không chỉ cần đến  trước cái chết nhưng cần phải có mọi nơi mọi lúc. Từ những việc rất nhỏ nhặt như  không làm dấu Thánh Giá ngoài quán xá trước khi ăn đến  thái độ vô cảm mà đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long  giám mục phụ tá TGP Melbourne gọi là “ Ngủ Quên” đều sẽ bị phán xét trong ngày Chúa đến “ Trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền chúng ta cũng dễ dàng “ ngủ quên” và thậm chí đầu hàng với chúng. Ở trong nước  chúng ta “ ngủ quên” khi người Kito hữu làm mất vai trò ngôn sứ, bị thuần hóa  và trở thành công cụ của chế độ. Ở ngoài nước  chúng ta “ ngủ quên” khi chúng ta vô cảm với bao tiếng kêu than của đồng bào ruột thịt, khi  chúng ta quên sứ mạng là ngôn sứ của tự do và các giá trị nhân bản. Một Giáo Hội “ ngủ quên” khi không còn là tiếng kêu trong hoang địa nữa mà  chỉ là  những tiếng chũm chọe inh ỏi. 1Cr 13” ( Nguồn Ephata 519).

         “ Ngủ quên” tức là không tỉnh thức mà đã không tỉnh thì không bao giờ có thể nhận ra phẩm vị Con Thiên Chúa nơi mình. Đức Kito xuống thế để rao giảng  Sự Thật và chỉ khi nào nhận ra Sự Thật ấy thì con người mới được  giải thoát “ Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 ). Có nhận ra sự thật Con Thiên Chuá nơi mình mới không sợ hãi trước người đời. Mặt khác dù có bị giết hại nhưng người Con Chúa chẳng những không chút oán hận mà còn tỏ lòng yêu thương tha thứ  vì biết rằng cả những kẻ đó cũng là Con Cái Chúa như mình chỉ vì “ ngủ quên” nên không nhận biết đó thôi.

II/-  Hãy  sợ  Đấng  giết  cả  xác  lẫn  hồn

          Chưa bao giờ đời sống đức tin của người Công Giáo lại gặp thử thách cam go như bây giờ “ Bộ tư Pháp của TT Obama  đã báo cho một Tòa Án Hạt của Hoa Kỳ ( US District Court ) biết trong một văn kiện chính thức tuần trước rằng chính quyền liên bang có thể sẽ buộc họ (  ) hoặc là bỏ doanh nghiệp hoặc phải tham gia vào những hoạt động mà đức tin Công Giáo của họ dạy là vô luân tự bản chất” ( Nguồn Vietcatholic News  ).

         Điều vô luân ấy chính là thi hành Luật Bảo Hiểm Y Tế cho việc triệt sản, ngừa thai nhân tạo  và các loại thuốc phá thai. Trong trường hợp này nếu chọn điều vô luân tức là đã sợ hãi người đời. Còn chấp nhận bỏ doanh nghiệp, bỏ tài sản sự sống vật chất mình để sống đức tin tức có lòng kính sợ Thiên Chúa Đấng có thể giết cả xác lẫn hồn trong Hỏa Ngục. Để sống đức tin con người luôn phải  lựa chọn và sự lựa chọn ấy thật chẳng dễ chút nào. Đức cố hồng y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận  kể lại câu chuyện ngài bị bắt và giải ra miền Bắc “ Khi lên trại cải tạo giữa thung lũng núi Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phú tôi gặp 250 anh em cùng một chuyến đi, đa số không Công Giáo tôi vẫn nghe tiếng ấy thúc bách = Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. Lạy Chúa, Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa các anh em con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công. Con xin chọn Chúa không phải chọn việc của Chúa. Con chọn Thánh ý Chúa giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa” ( Năm chiếc bánh và hai con cá).

         Để chọn Chúa chứ không phải chọn việc của Chúa thì phải dám bỏ đi “ Cái Tôi”, lý do đơn giản là vì Chúa chẳng có ở đâu ngoài mình. Chính vì Chúa vốn ở nơi mình thế nên trong khi đau khổ vì bị biệt giam , đức cha Thuận mới nghe được Tiếng Chúa nhắc nhở “ Tại sao con quẫn trí hoang mang như thế làm gì, con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa”. Cần phân biệt Chúa và công việc của Chúa bởi nếu không tất sẽ biến việc của Chúa thành việc của mình tức còn vì “ Cái Tôi” mà làm. Bao lâu còn vì “ Cái Tôi” thì bấy lâu vẫn còn sợ hãi thế gian mà đã sợ thì tất nhiên sẽ dẫn tới thỏa hiệp, điều đó hoàn toàn trái nghịch với đức tin “ Chớ mang ách so le với kẻ chẳng tin, bởi vì sự công chính với sự bất chính có  tương giao gì chăng?. Sự sáng láng với tối tăm có tương thông gì ư ? Đức Kito và quỷ Belian nào có tương hòa chi ? Hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin ư ? Đền thờ ĐCT có thích hợp gì với hình tượng được ư, bởi chúng ta là đền thờ của ĐCT Hằng Sống ( 2C 6, 14 -16 ).

          Thế gian tất nhiên  chẳng tin còn người có đạo chúng ta thì phải tin bởi lẽ ngay từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chúng ta đã thề hứa với Chúa, với Giáo Hội  sẽ từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và những cám dỗ của nó. Thế gian có con đường của chúng và đường đó là đường tiêu vong. Còn chúng ta những con người có đức tin thì hãy bền lòng vững chí bởi đã có lời hứa của Chúa “ Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy vững lòng vì Thầy đã thắng thế gian” ( Ga 16, 33).

Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét