Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Thanh Niên Việt Nam “phản động” hết cả rồi!



 Tình cảm xuất phát từ con tim là thứ tình cảm chân thực và lay động lòng người nhất. Ở đó không có sự giả dối hay khiên cưỡng, mà là một thứ tình yêu thuần khiết và đáng trân trọng. Và đó cũng là tình yêu chân chính nhất mà con người có được. Tuổi trẻ là tuổi của say mê ước vọng, cũng giống như tình yêu ban đầu, luôn cháy bỏng và sáng trong. Chỉ cần biết tuổi trẻ dành tình yêu cho ai, thì chúng ta sẽ thấy được chân lý nằm ở đâu. Vậy thì thanh niên Việt Nam bây giờ yêu cái gì, và yêu ai? Câu trả lời chắc chắn sẽ làm cho đảng và nhà nước Cộng sản thất vọng. Thanh niên bây giờ không yêu chủ nghĩa Cộng sản, không yêu đảng và Bác Hồ, trong tình cảm của họ không có chỗ cho những khái niệm sai trái và lỗi thời đó. Mà họ yêu một thứ khác: Đó là những sản phẩm Văn hóa đến từ các nước Tư bản phản động và bóc lột (theo như cách gọi của đảng Cộng sản).

Những con người đến từ các quốc gia tư bản “Phản động” đó có một sức lôi cuốn lạ kỳ, từ ngoại hình cho đến phong cách và tài năng biểu diễn. Họ đã làm cho các fan Việt bị mê hoặc và thần tượng đến phát cuồng. 

Hàn Quốc là một quốc gia ở Đông Á, có nền văn hoá gần gũi với Việt Nam. Vì có một xã hội tự do, sung túc mà đời sống tinh thần ở xứ này cũng nở rộ và phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm điện ảnh hay âm nhạc của xứ sở Kim Chi đã được công chúng khắp nơi trên thế giới đón nhận và hâm mộ, trở thành sứ giả văn hoá của đất nước Hàn Quốc. Đó là niềm hạnh phúc và tự hào của một dân tộc, vì các giá trị văn hoá của mình được thế giới biết đến rộng rãi. Ở Việt Nam thì khán giả đặc biệt yêu thích các ngôi sao nghệ thuật Hàn Quốc, hơn cả Nhật Bản – là một đất nước châu á khác cũng có nền điện ảnh và âm nhạc phát triển không kém. Cũng có thể lý giải hiện tượng này, vì người Hàn Quốc có lối ăn mặc và suy nghĩ phù hợp với con người Việt Nam, vì vậy mà họ dễ nhận được sự đồng cảm.

Những ngôi sao sáng của xứ Hàn được các fan Việt hâm mộ có thể kể đến là: Bae Yong Joon (Ngôi sao điện ảnh), Song Seung Heon (Diễn viên điện ảnh), Yoon Eun Hye (Ca sĩ kiêm diễn viên), BoA (Ngôi sao ca nhạc)...; giới trẻ Việt Nam để kiểu tóc giống họ, đến cách ăn mặc cũng vậy. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng của những ngôi sao Hàn đến thanh niên Việt Nam là rất lớn. Vì rằng tuổi trẻ cần có sự đam mê và khát khao, họ luôn hướng cho mình một lý tưởng sống trong những năm tháng định hình nhân cách. 

Các ban nhạc quốc tế tài năng khác như: Backstreet Boys, Super Junior, JYJ, Westlife... cũng được giới trẻ Việt Nam đón nhận cuồng nhiệt. Họ say mê theo dõi những buổi biểu diễn qua các phương tiện truyền thông, quan tâm một cách đặc biệt đến những tin tức về đời sống riêng tư của các thần tượng. Đặc biệt trong dịp các ban nhạc này đến Việt Nam biểu diễn, thì có một số lượng fan khổng lồ tập trung chào đón và xem họ biểu diễn đến quên cả thời gian. Các fan trẻ tập trung hàng ngàn người để chào đón các thần tượng tại sân bay, và có đến hàng vạn người xem họ biểu diễn.

Hiện tượng trên cho thấy giới trẻ Việt Nam hiện nay có tư tưởng hướng ngoại. Hay cũng có thể hiểu là họ quay lưng lại với các sản phẩm văn hoá trong nước – một nền văn hoá bị kiểm duyệt bởi Đảng Cộng sản. Tuy thời gian gần đây, tuy hoạt động văn hoá – nghệ thuật ở Việt Nam có được tự do hơn trước, nhưng nhìn chung không đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ. Vì rằng không có một môi trường Văn hoá sự do, thì nghệ thuật cũng không được phát triển một cách lành mạnh và thăng hoa. Thanh niên bây giờ không còn ai nghe các bài hát ca ngợi Bác Hồ và Đảng Cộng sản, cũng như ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ phản đối sự kiểm duyệt nghệ thuật của nhà nước bằng cách quay ra hâm mộ và thần tượng các đại diện văn hoá nước ngoài. 

Yêu mến các thần tượng nghệ thuật cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận các sản phẩm văn hoá của đất nước đó. Cũng có nghĩa là thanh niên Việt Nam bây giờ lựa chọn những sản phẩm văn hoá – nghệ thuật của một xã hội tự do. Họ đã quá chán ghét thứ văn hoá tuyên truyền của đảng cộng sản. Vì rằng đó là một thứ nghệ thuật tuyên truyền, chứ không phải là nghệ thuật tự do đích thực. 

Thế giới ngày nay tự do, mọi sản phẩm văn hoá đều được phát triển và truyền bá một cách rộng rãi. Mọi người dân đều có thể đón nhận nhiều sản phẩm nghệ thuật đến từ mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Tình yêu mà họ dành cho nghệ thuật vì vậy cũng trở nên đa dạng và đích thực. Thời nay không còn có kiểu đóng cửa với các nền văn hoá khác, và tuyên truyền nhồi sọ thứ sản phẩm văn hoá mà đảng Cộng sản lựa chọn và làm thay cho người dân. Thái độ và sự lựa chọn của giới trẻ Việt Nam đã nói lên điều đó. Và đôi khi phản ứng của họ mạnh mẽ đến mức thái quá, đó là hâm mộ một cách quá cuồng nhiệt thần tượng của mình.Đây không phải là lỗi của giới trẻ, mà là ở nhà nước, họ đã không có một nền văn hoá tự do để thanh niên cân bằng đời sống tinh thần.

Lẽ thường, thì con người yêu dân tộc mình trước khi yêu dân tộc khác, yêu sản phẩm văn hoá của mình trước khi yêu của người. Xã hội ngày nay là một xã hội đa văn hoá, mọi nền văn hoá cùng tồn tại và ảnh hưởng đến nhau, cùng phát triển tương hỗ. Muốn cho các giá trị văn hoá của dân tộc mình được bền vững và có sức sống thì phải để nó được phát triển tự do và lành mạnh, không nên lấy tư tưởng Cộng sản để soi rọi và làm kim chỉ nam cho nghệ thuật. Phải để Văn hoá Việt Nam được sống trong lòng người Việt, đó là sự bảo tồn bền vững và hữu ích nhất, chứ không phải bảo tồn theo kiểu làm hồ sơ để được công nhận là di sản văn hoá thế giới kiểu nhà nước Cộng sản vẫn làm. Cách làm đó khiến cho giới trẻ Việt Nam ngày nay quay lưng lại với văn hoá dân tộc, mà đi ngưỡng mộ những nền văn hoá khác.

Nếu xét theo quan điểm của Đảng Cộng sản thì giới trẻ Việt Nam ngày nay phản động hết cả rồi. Vì họ chỉ yêu các sản phẩm Văn hoá của những nước Tư bản “Phản động” và “Bóc lột”, mà không còn yêu Đảng và Bác Hồ nữa. Theo tôi thì tuổi trẻ luôn đúng và họ đã đúng. Đảng Cộng sản và Bác Hồ của họ đâu phải đại diện cho nền Văn hoá Việt Nam, ngược lại họ giết chết nền văn hoá dân tộc bằng cách đem phục vụ cho lý tưởng cộng sản sai trái và đầy hoang tưởng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét