Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Ai buồn hơn ai?


Tôi đã già rồi. Chắc chắn ! Đứt đuôi con nòng nọc !
Cả đêm qua tôi mất ngủ. Đôi chân lúc nào cũng thấy buồn buồn. Động đậy, quăng đi quăng lại thì không sao, nhưng hễ cứ để yên một tý thì lại cảm thấy như có con gì lờn vờn bò trong xương. Rõ ràng mắt díu lại buồn ngủ mà vẫn không sao ngủ đuợc.
Tôi đổi thế gác chân lên cao. Tôi nằm sấp mặt. Tôi trồng cây chuối. Ngồi chồm hổm. Nằm chéo nguời. Hai tay giang hình Thánh Giá. Niệm thiền. Tôi nghĩ đến khổ hình Đức Giêsu đã qua. Tôi nghĩ đến buớc chân mệt mỏi, mồ hôi đẫm trán các Tông Đồ trên cánh đồng truyền giáo. Tôi cũng đã nghĩ đến anh Cù Huy Hà Vũ, đến những nguời tù trong khám cùm chân….
Chịu ! Đã hết cách. Khổ hình lại tái diễn rất bền bỉ.
Tôi buớc ra ngoài phòng ngủ vừa đúng lúc có điện thoại từ Việt Nam của một người bạn gọi đến. Trong điện thoại, anh kể:
Ông hàng xóm gần nhà tôi có nuôi một con sáo trâu sắc đen, mắt viền bạc, chân vàng nghệ, mào vểnh, lông lúc nào cũng muợt tựa gương soi. Ông cưng lắm, luôn để mắt chăm chút, chốc chốc trong ngày lại tìm sâu bắt gián, cạo lưỡi, tỉa lông cắt cánh. Nước nó uống không phải thứ thường con nhà nghèo: phải là loại nuớc suối hàng hiệu nhập cảng đựng trong chai thủy tinh. Phía trên lồng tre bao giờ sáo cũng có lọng dù ngũ sắc che mưa chắn gió. Mỗi khi trời se lạnh ông lại mang đến tấm nỷ màu bordeau phủ ngoài khung tre. Gặp ai đến nhà ông cũng khoe nhặng cả lên:
- Đây là loại sáo đặc biệt, nếu biết dạy nó sẽ nói rất giỏi.
Suốt mấy tháng ròng ngày nào ông cũng vật vã nuôi dạy nó nói. Làm đủ cách: lột luỡi, ớt thái mỏng, lòng đỏ trứng gà vừa săn chín đúng độ, cơm nóng bón tròn, nghe cassette, nhạc vàng, kích động v.v… vậy mà nó cứ trơ lì, lặng im tượng muối.
Thối chí, gặp mấy đứa trẻ đến xem chim, ông gạ:
-          Đứa nào dạy cho nó nói đuợc chỉ cần một chữ thôi, tao cho mười triệu.
Từ đấy hầu như suốt ngày, trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng bi bô có tiếng người dạy học: Nhà có khách, chào ông, chào em, mời vào, hello, how are you, thank you, God bless, my darling… có đứa còn dạy chửi bậy vì nghĩ có ma quỷ kèm cặp học mau tiến bộ…
Vần vã mấy tháng trôi qua mà con sáo vẫn câm như hến. Thất vọng ông không để ý đến nó nữa. Từ dạo ấy con sáo thành xác ve, bữa đói bữa no, gió từng cơn thổi lạnh bộ cánh xác xơ.
Con sáo buồn… Sáo ngơ ngác nhìn đời đổi thay…
Rồi bỗng một hôm cha xứ đến chơi, mặt buồn dài đến ngực, dáng bơ phờ mệt mỏi. Nghe tiếng chuông cổng, nhác thấy cha cố, ông chạy vội ra mở, vấp viên gạch bật móng cái, máu văng tung toé, vậy mà ông vẫn luôn miệng nói không sao. Sau khi mời cha ngồi vào chiếc ghế bành gỗ sừng đen nhẫy, lật đật mở khoá tủ chè trân trọng mang ra bộ trà quý dáng đời Khang Hy, ông vồn vã:
-   Để con mời cha dùng một chung trà đặc biệt có nguời biếu từ năm ngoái, đây mới đích thật loại trà móc câu Bảo Lôc. Loại này rất khó trồng, khi đã đơm bông, người ta chỉ lấy đuợc duy nhất hai búp lá đầu xoắn vào nhau như luỡi câu…
Cha cố xua tay, vẻ bất cần đời:
- Thôi ông ơi, có vợ chồng đứa bạn thân tên Nghĩa – Trang cho tôi gói trà bảo là đặc biệt của hiệu Thái Đức, ai mất ngủ kinh niên uống vào sẽ ngủ ngàn thu… Nghe lời nó quảng cáo, tôi uống vào đi tiểu cả đêm. Tuởng thằng bán trà nó lừa mà không phải: Thái Đức là chính là… Thức Đái. Cứ kể ra thằng này cũng là loại đểu “gia giáo”. Đểu có nhân có nghĩa: đã báo trước mà sao vẫn không nghe. Khác với các anh cán bộ Mặt Trận mời đến xem Lễ Giáng Sinh giao lưu Tôn Giáo, tốt đời đẹp đạo mà họ còn ngồi hút thuốc lá, gác chân chữ ngũ, mắt liếc nhìn ngang dọc…
Nói xong mấy câu xã giao, chờ trà đuợm màu, cha nâng chén nhắp một ngụm nhỏ rồi thở hắt ra than với chủ nhà:
- Mấy hôm nay lên “nét” theo dõi tin tức thấy cảnh Con Cuông bị bách hại thảm khốc, tượng Đức Mẹ bị đập nát văng tung tóe, có những khuôn mặt con người Việt Nam nhưng trơ tráo không tính người văng lời chửi rủa thóa mạ dí vào mặt vị Linh Mục đang dâng lễ… Nhưng tôi vẫn chưa buồn bằng sự việc Tòa Giám Mục Vinh gửi thư xin các Địa Phận khác hiệp thông nâng đỡ. Lá thư buồn như rơi cảnh chợ chiều ế khách, ông đi qua bà đi lại theo đúng định hướng mạnh ai nấy sống… chỉ có hai Giáo Phận phúc đáp.

Nói xong, môi cha trề hẳn xuống chịp thêm:
- Cuộc đời này buồn lắm ông ơi !
Chẳng hiểu làm sao, khi vừa nghe vị cha cố than đến đấy, con sáo trong lồng sát thành cửa đột nhiên cũng bật thành tiếng:
- Cuộc đời này buồn lắm ông ơi !
Từ đấy về sau, suốt ngày lẫn đêm gặp ai dù đến hay đi qua đi lại nó cũng nói với theo, nghe não lòng: “Cuộc đời này buồn lắm ông ơi !”… “Cuộc đời này buồn lắm ông ơi !”
Buông điện thoại, ngã vật người xuống ghế, tôi cũng buồn thẫn thờ. Câu chuyện người bạn tôi kể qua điện thoại có đúng thật đã xảy ra như vậy hoặc anh đã nghe ở đâu đó tôi không biết, nhưng chắc chắn đã chuyển đến một nỗi buồn đang xảy ra trên quê hương Việt Nam. Nhìn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đồng lòng khi đứng lên đòi tự do tôn giáo mà tôi thấy thèm: sẵn sàng đóng tất cả các cơ sở mang tên Công Giáo để chống lại chính sách thâm độc ngừa-phá thai của chính quyền Obama. Đấy là ông Obama này mới chỉ là có ý đồ, chưa đến nỗi đập phá ảnh tượng, đánh các Linh Mục, Giáo Dân.
Còn đâu nữa hình ảnh hiên ngang kẻ sĩ ngày nào của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt với tấm lòng tha thiết với quê hương, thấm thía cái nhục đói nghèo, băng hoại bi thảm xã hội, đã cất tiếng nhìn thẳng vào thảm trạng khinh bạc của tấm hộ chiếu Việt Nam nơi xứ người. Sát cánh nâng đỡ bạn hiền chỉ là “đồng cảm không đồng thuận”, “lên tiếng hay không lên tiếng”, sao bạn hớ hênh so găng mà để hở mạng sườn ?!?
Kết thúc bài viết này, xin mượn lời của Đức Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Châu, trong Thánh Lễ Bế Mạc Hành Hương Kính Đức Mẹ La Vang tại Washington DC của Hoa Kỳ vào ngày 16.6.2012 vừa qua:
“Chúa nói với các Môn Đệ là “anh em phải tỉnh thức và sẵn sàng” ( Mt 24, 36 ). Trong cuộc chiến chống lại sự dữ và tà quyền, chúng ta cũng dễ dàng “ngủ quên” và thậm chí đầu hàng với chúng. Ở trong nước, chúng ta “ngủ quên” khi người Kitô hữu làm mất vai trò ngôn sứ, bị thuần hóa và trở thành công cụ của chế độ. Ở ngoài nước, chúng ta “ngủ quên” khi chúng ta vô cảm với bao tiếng kêu than của đồng bào ruột thịt; khi chúng ta quên sứ mạng là ngôn chứng của tự do và các giá trị nhân bản. Một Giáo Hội “ngủ quên” khi không còn là tiếng kêu trong hoang địa nữa mà là tiếng chũm chọe kêu inh ỏi ( 1Cr 13, 1 ). Lúc đó chúng ta sẽ như muối không còn mặn nữa mà chỉ còn chờ ném ra ngoài đường cho người ta đạp lên nó ( Mt 5, 13 ) ( hết trích ).
 Vào ngày 15 tháng 8 tới đây, theo như tin tức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ có nghi lễ đặt viên đá đầu tiên để xây Vương Cung Thánh Đường tại La Vang. Đây là một biến cố quan trọng thể hiện lòng sùng kính Mẹ và là một biểu hiện đặc thù của Đức Tin Công Giáo Việt Nam.
Không biết Đức Mẹ Con Cuông có phải là Đức Mẹ La Vang không nhỉ ? Con sáo với… Con Cuông ai buồn hơn ai ?
Người tôi tớ vô dụng, Boston, 7.2012
Theo EPHATA số 519

0 nhận xét:

Đăng nhận xét