1. Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 46
Hôm 16 tháng 7, Tòa Thánh đã công bố chủ đề sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là: “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình”.
Trong thông cáo giải thích về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cho biết “Sứ điệp thường niên của Đức Thánh Cha, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nhắm khích lệ tất cả mọi người cảm thấy có trách nhiệm đối với việc xây dựng hòa bình”.
Vì thế, Sứ điệp sẽ bao gồm ý niệm đầy đủ và đa diện về hòa bình, đi từ con người: hòa bình nội tâm và hòa bình bên ngoài, để rồi nêu bật sự cấp thiết về mặt nhân loại học, bản chất và ảnh hưởng của chủ thuyết hư vô, và các quyền căn bản của con người, trước tiên là tự do lương tâm, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Ngoài ra, Sứ điệp sẽ trình bày một suy tư dưới khía cạnh luân lý đạo đức về một số biện pháp đang được áp dụng trên thế giới để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, sự cấp thiết về giáo dục, cuộc khủng hoảng các cơ chế và chính trị, trong nhiều trường hợp, đây cũng là cuộc khủng hoảng đáng lo âu về nền dân chủ.
Sứ điệp cũng nhắc đến kỷ niệm 50 năm Công đồng chung Vatican 2 và Thông điệp “Pacem in terris” (Hòa bình dưới thế) của Đức Gioan 23, theo đó điều tối thượng vẫn là phẩm giá và tự do của con người, để xây dựng một xã hội phục vụ mỗi người, không kỳ thị một ai, và nhắm tới công ích vốn là nền tảng của công lý và hòa bình đích thực.
“Phúc cho những người kiến tạo hòa bình” sẽ là Sứ điệp thứ 8 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhân Ngày Hòa bình thế giới. Các Sứ điệp trước đây của ngài lần lượt mang tựa đề: “Hòa bình trong sự thật” (2006), “Nhân vị, con tim của hòa bình” (2007), “Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình” (2008), “Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình” (2010), “Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” (2010), “Tự do tôn giáo, con đường hòa bình” (2011); “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình” (2012).
2. Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe
Trong một tham chiếu rõ rệt tới những gì vừa diễn ra tại giáo phận Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang nơi một số giám mục Trung Hoa vì muốn làm vừa lòng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp đạo lý và kỷ cương Giáo Hội để tấn phong Giám Mục trái phép cho linh mục Nhạc Phúc Sinh, Đức Thánh Cha nói rằng “Cũng giống như các ngôn sứ xưa kia Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa, chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe.”
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành tại quảng trường trước nhà thờ chính tòa giáo phận Frascati vào sáng Chúa Nhật 15 tháng 7.
Giảng trong thánh lễ tại Frascati Đức Thánh Cha đã quang diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ XV năm B thường niên và nói: Phúc Âm cho thấy sáng kiến của Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng. Từ “apostoli” Tông Đồ có nghĩa là “được sai đi”.
Sự kiện Chúa Giêsu mời gọi vài môn đệ trực tiếp cộng tác vào sứ mệnh của Người, biểu lộ một khía cạnh tình yêu của Chúa: Chúa không chê sự trợ giúp của các người khác đối với công trình của Người. Người biết rõ các hạn hẹp, các yếu đuối của họ nhưng không khinh rẻ họ, trái lại còn ban cho họ phẩm giá là những người được Chúa sai đi. Người sai họ ra đi cứ hai người một, và đưa ra các chỉ thị. Thứ nhất là tinh thần không dính bén tới tiền bạc và các tiện nghi vật chất. Rồi Người cũng báo cho họ biết họ sẽ không luôn luôn được tiếp đón, một đôi khi bị khước từ và cũng có thể bị bách hại. Nhưng các vị phải luôn luôn nói nhân danh Chúa Giêsu và rao giảng Nước Thiên Chúa mà không lo chuyện thành công.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói bài độc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Amos cũng cho thấy các người được Thiên Chúa sai đi thường không được tiếp đón một cách tốt đẹp. Ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ rao giảng chống lại các bất công, nhất là tố cáo các áp bức của các vua và các kỳ mục, là những đàn áp xúc phạm đến Thiên Chúa và khiến cho các hành vi phụng tự của họ trở thành vô ích. Vì thế ngôn sứ Amos bị tư tế Amasia đuổi khỏi vương quốc Israel. Nhưng dù được tiếp đón hay khước từ, ngôn sứ cứ tiếp tục thi hành nhiệm vụ ngôn sứ và rao giảng điều Thiên Chúa phán chứ không rao giảng những gì con người muốn nghe. Và điều này tiếp tục là sứ mệnh của Giáo Hội: không rao giảng điều các kẻ quyền thế muốn nghe. Tiêu chuẩn của các tông đồ là sự thật và công lý, cả khi nó có chống lại các trào lưu được ưa chuộng của con người và quyền bính trần gian.
3. Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật
Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại ban công nơi cư trú của mình tại Castel Gandolfo vào trưa Chúa Nhật 15 tháng 7 để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu địa phương và khách hành hương. Đức Thánh Cha đã ngỏ lời xin lỗi vì sự chậm trễ khác thường của ngài vì ngài vừa trở về từ thành phố Frascati, nơi ngài đã cử hành Thánh Lễ sáng Chúa Nhật
"Thưa anh chị em! Tôi thấy rằng anh chị em đã tha thứ cho sự chậm trễ của tôi hôm nay, "Tôi vừa cử hành Thánh Lễ tại Frascati và đã kéo dài thời gian cầu nguyện tại đó... và vì vậy tôi đã về muộn."
Đức Thánh Cha sau đó đã trình bày các suy tư của ngài về Thánh Bonaventura và đề nghị mọi người tái duyệt cuộc sống riêng của mình trong chiều hướng nghĩ đến những người khác.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói: "Thời gian mùa hè cho phép chúng ta nghỉ ngơi. Điều này có thể là một thời điểm tốt để suy nghĩ về cuộc sống của chúng ta và mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa và những người khác. "
Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi mọi người dành một số ngày nghỉ với những người cảm thấy cô đơn hoặc bị bỏ rơi.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi mời gọi anh chị em hãy ý thức về tất cả những người bị cô đơn và bị bỏ rơi, cho dù trên đường phố, trong căn hộ của họ, trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão. Đừng ngần ngại trong việc tìm đến với họ! "
Đức Giáo Hoàng cũng đề cập đến ngày lễ Đức Mẹ núi Carmelô.
4. Các vị Hồng Y Hương Cảng bày tỏ quan ngại về hoàn cảnh bị giam cầm của tân Giám Mục Thượng Hải
Trong cuộc họp báo hôm 12 tháng 7, phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết là đã mất liên lạc với vị Tân Giám Mục Thượng Hải là Đức Cha Tađêô Mã Đạt Lâm và bày tỏ quan ngại của Tòa Thánh về những gì đã xảy ra với ngài.
Tại Hương Cảng, từ hôm thứ Hai 10 tháng 7, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã lãnh đạo một cuộc biểu tình tại văn phòng Đổng Lý Hương Cảng và tòa nhà của đại diện Bắc Kinh tại lãnh thổ này để đòi trả tự do ngay tức khắc cho Đức Tân Giám Mục Tađêô Mã Đạt Lâm, người đã bị bắt chỉ vài giờ sau khi được tấn phong Giám Mục Thượng Hải hôm 8 tháng 7.
Đức Cha Mã Đạt Lâm đã mạnh mẽ phản đối sự có mặt của một giám mục Trung Hoa trái phép là ông Chiêm Tư Lộc trong thánh lễ tấn phong Giám Mục của ngài. Sau đó, ngài cũng đã tuyên bố chấm dứt mọi liên hệ với Hội Công Giáo Yêu Nước. Từ đó đến nay ngài đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh quản thúc nghiêm nhặt.
800 anh chị em giáo dân đã tham dự thánh lễ do Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cử hành tối thứ Ba 17 tháng 7 để cầu nguyện cho Đức Cha Mã Đạt Lâm và hai linh mục của giáo phận Cáp Nhĩ Tân là những vị đã bị cấm không được trở về giáo xứ của các ngài vì đã mạnh mẽ phản đối việc tấn phong trái phép cho linh mục Nhạc Phúc Sinh.
Trong khi đó, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, người đã từng là giám đốc Trung Tâm Thánh Linh của Hương Cảng về các vấn đề của Giáo Hội Trung Hoa vừa lên tiếng tố giác 5 giám mục của Trung Hoa đứng đầu là ông Phòng Hưng Diệu giám mục Lâm Nghi đã nhận tiền của nhà cầm quyền Bắc Kinh để tấn phong trái phép cho linh mục Nhạc Phúc Sinh.
"Chúng tôi biết rằng, trong những vụ tấn phong bất hợp pháp như thế này, các giám mục tham gia đã được khen thưởng bằng những khoản tiền lớn hoặc các tài sản khác. Tôi nghĩ rằng điều này giống như hối lộ".
“Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh phải suy nghĩ lại xem họ được và mất những gì trong trò này: Các giám mục được tấn phong bất hợp pháp đang bị cô lập, bị những người Công giáo tránh xa. Họ làm được cái trò gì? Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết bằng cách khôi phục lại cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh”.
Nguồn tin của Giáo Hội địa phương cho biết ngày 16 tháng 7, bảy linh mục và hai nữ tu của giáo phận Thượng Hải đã bị công an triệu tập và thẩm vấn. "Thẩm vấn kéo dài đến tám giờ. Họ bị bắt nhịn đói, chúng tôi đang lo lắng về sức khỏe thể chất và tinh thần của họ," Trung Tâm Thánh Linh của Hương Cảng cho biết như trên.
Liên quan đến tình trạng tự do tôn giáo bị chà đạp tại Trung Hoa, Việt Nam, và một số nước trong vùng Trung Đông, lúc 19:00 chiều ngày 18 tháng 7 một cuộc biểu tình đã diễn ra tại Quảng Trường Các Thánh Tông Đồ tại Rôma.
Cuộc biểu tình có sự tham dự của ông thị trường Rôma Gianni Alemanno, và bao gồm tất cả mọi lực lượng chính trị, xã hội và tôn giáo trong xã hội Italia nhằm lên tiếng chống lại những sự kỳ thị, đàn áp người Thiên Chúa giáo ngày càng gia tăng.
5. Người cựu quản gia Phủ Giáo Hoàng tiếp tục bị tạm giam
Người quản gia phủ Giáo Hoàng là ông Paolo Gabriele sẽ tiếp tục bị tạm giam thêm vài ngày nữa. Ông Gabriele bị hiến binh Vatican bắt để điều tra về tội lấy cắp và tàng trữ bất hợp pháp các thư từ tài liệu mật từ dinh Tông Tòa. Ngày 12 tháng 7 là hạn chót 50 ngày tạm giam. Theo luật của Vatican, việc tam giam này có thể kéo dài thêm 50 ngày nữa.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí cạnh Tòa Thánh trưa ngày 12 tháng 7, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thẩm phán điều tra, ông Piero Antonio Bonnet, đã quyết định gia hạn thời gian tạm giam bị can thêm vài ngày vì “ông còn phải thu thập một vài chứng từ nữa”. Tiếp đến “sẽ có các cuộc hỏi cung chính thức”.
Vì thế, cha Lombardi nói, trong tuần tới đây và đầu tuần lễ kế tiếp, “thẩm phán điều tra sẽ kết thúc giai đoạn thu thập thông tin cũng như các cuộc thẩm vấn ông Gabriele, và sẽ quyết định về việc tạm giam đương sự”.
Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng Ông Gabriele lâm vào một tình trạng tâm lý đáng lo âu và nói rằng: “Tôi có những yếu tố thông tin trấn an hơn: Luật sư bênh vực Gabriele là ông Carlo Fusco cho biết thân chủ của ông vẫn thanh thản, kín múc an ủi từ kinh nguyện, ở trong một tình trạng sức khỏe yên hàn, không đáng lo ngại”.
Linh mục Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tiến trình điều tra, thẩm phán của Vatican không hề yêu cầu nhà chức trách tư pháp Italia điều tra dùm về người nào. Cho đến nay người duy nhất bị điều tra vẫn là ông Paolo Gabriele.
Sau cùng, cha Lombardi thông báo: Ủy ban 3 Hồng y điều tra về những vụ thất thoát tài liệu tại Vatican do Đức Hồng Y Julian Herranz làm chủ tịch, dự kiến sẽ kết thúc công việc trong tuần này và chuẩn bị phúc trình đầu tiên để đệ lên ĐTC trong tuần tới đây.
6. Huynh Đoàn Thánh Piô X bác bỏ các đề nghị của Đức Thánh Cha và tiếp tục con đường ly giáo
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí hôm thứ Hai 16 tháng 7, Huynh Đoàn Thánh Piô X cho biết họ đã kết thúc Tổng Tu Nghị và đã trả lời Tòa Thánh về đề nghị của Đức Thánh Cha hầu mưu tìm một đường hướng hiệp nhất giữa huynh đoàn và Tòa Thánh.
Tòa Thánh sẽ có thông báo chính thức về sự đáp trả của Huynh Đoàn Thánh Piô X. Tuy nhiên, theo những giọng điệu được đưa ra hô thứ Hai thì Huynh Đoàn Thánh Piô X đã bác bỏ đề nghị của Đức Thánh Cha và tiếp tục con đường ly giáo.
7. Một cái nhìn vào lịch sử: Triển lãm về các Đức Giáo Hoàng qua nhiều thế kỷ
Vatican là nơi đầu tiên mà mọi người liên tưởng đến khi nghĩ về cuộc sống Đức Giáo Hoàng. Nhưng trong những thế kỷ trước, các vị Giáo Hoàng cũng sống ở một nơi khác. Đó là trong tòa lâu đài Castel Sant'Angelo tại Rome. Lâu đài được sử dụng như một pháo đài, một lâu đài và thậm chí như cả một nhà tù. Hiện tại, đó là một bảo tàng viện.
Suốt mùa hè, các đồ vật độc đáo này, từng thuộc về các Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội, được trưng bày cho thế giới chiêm ngưỡng. Các đồ vật này gồm tất cả mọi thứ từ áo lễ của Giáo Hoàng, tượng và các tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Cuộc triển lãm mang tên "I Papi della Memoria" bao gồm hàng trăm tài liệu lịch sử và tác phẩm nghệ thuật được thu thập từ Vatican và các bảo tàng khắp nước Ý. Triển lãm cho thấy ảnh hưởng của nhiều vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội và thế giới, được chia thành các chủ đề khác nhau, bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Boniface VIII, người đã lãnh đạo Giáo hội từ 1294 cho đến 1303. Trong thời gian đó Năm Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo đã được thiết đặt.
Ngoài ra còn có Đức Giáo Hoàng Piô XII, người đứng đầu Giáo Hội khi chiến tranh thế giới thứ Hai xảy ra. Một số trong các món vật được trưng bày đã bị đánh cắp nhưng sau đó lực lượng cảnh sát Ý đã thu hồi lại được.
Các tài liệu cũng cho thấy sự tiến hóa từ một Giáo Hội tại Rôma trở thành một Giáo Hội hoàn vũ.
Triển lãm sẽ mở cửa cho công chúng cho đến tháng 12 năm 2012. Ban tổ chức nói rằng đó là một cách để đánh dấu kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II và trên hết, cuộc triển lãm được dành riêng cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và kỷ niệm 7 năm triều Giáo Hoàng của Ngài.
8. Áo Đức Bà là gì và tượng trưng cho những gì?
Trong những năm qua, Áo Đức Bà xuất hiện nhiều hơn và được yêu chuộng nhiều hơn. Đối với một số bổn đạo, đó là một cách để tỏ lòng sùng kính. Đối với những người khác, nó đơn thuần chỉ là một kiểu thời trang. Tuy nhiên, không phải mọi người đều biết lịch sử Áo Đức Bà. Vật này có từ thế kỷ thứ 12 từ dòng của các nữ tu Cát Minh.
CHA MICEAL O'Neill Dòng Cát Minh cho biết:
"Vị Tổng Quyền vào thời điểm tên là Simon Stock, người Anh, có nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra và trao cho ông mảnh vải này, và hứa rằng Mẹ sẽ trông nom gia đình Cát Minh mới được thành lập này. "
Theo lời hứa đó, bất cứ ai mặc Áo Đức Bà sẽ được bảo vệ trong cuộc sống và sau khi chết. Sự sùng kính này được phổ biến nhanh chóng và lan rộng sang các dòng tu khác.
Mảnh vải nhỏ nhắc cho chúng ta nhớ đến áo chùng dài các tu sĩ Dòng Cát Minh thường mặc. Các tu sĩ dòng này dâng hiến cuộc sống của họ để nguyện cầu trong lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và Giáo Hội.
CHA MICEAL O'Neill nói thêm
"Ngoài ra mảnh vải nhỏ còn bao hàm ý nghĩa bảo vệ. Bảo vệ trong cuộc sống và bảo vệ trong giờ lâm tử. Và, qua nhiều thế kỷ ý niệm này đã trở thành một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Và do đó, Áo Đức Bà và lòng sùng kính Áo Đức Bà Cát Minh đã phát triển khá nhanh chóng. "
Hiện nay mặc Áo Đức Bà này cũng còn ý nghỉa rất được yêu thích là đảm bảo người đeo sẽ lên nước thiên đàng vào ngày thứ bảy đầu tiên sau khi qua đời.
Việc sùng kính cũng đã được phổ biến trong các Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mặc một Áo Đức Bà suốt cả đời Ngài.
"Ngài không giấu giếm việc Ngài đã mặc Áo Đức Bà trong suốt đời Ngài và Ngài đã nói chuyện về điều đó như là một biểu hiện của tình yêu đặc biệt của mình cho Đức Trinh Nữ".
Sau Cộng Đồng Vatican II, sự phổ biến của Áo Đức Bà càng lớn mạnh hơn trước.
Nhiều người vẫn yêu cầu các tu sĩ Cát Minh ban phước lành cho Áo Đức Bà và đọc một kinh cầu ngắn trước khi trao cho bổn đạo. Áo Đức Bà đôi khi được thiết kế theo hình trái tim với ý nghĩa Thánh Tâm, và thường được làm bằng vải hay kim loại. Thực ra, bất cứ ai mặc nó, cũng đều chia sẻ sự liên hệ với gia đình Cát Minh.
10. Đức Thánh Cha xem buổi trình diễn của Ban Nhạc Barenboim và West-Eastern Divan.
Buổi hòa nhạc này là một trong những món quà mùa hè dành cho Đức Thánh Cha. Dàn nhạc giao hưởng West-Eastern Divan do Daniel Barenboim điều khiển, đã trình tấu Bản Giao Hưởng số 5 và số 6 của Beethoven tại lâu đài Castel Gandolfo.
Dàn nhạc giao hưởng West-Eastern Divan là một dàn nhạc của các nhạc sĩ trẻ đến từ Israel, Palestine và các nước Ả Rập khác nhằm mục đích cải thiện đối thoại giữa các nền văn hóa.
Buổi hòa nhạc cũng đã được sự tham dự của Tổng thống Ý Giorgio Napolitano và vợ của ông. Sau đó họ được mời đến ăn tối với Đức Giáo Hoàng.
11. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 hiện đang hoàn thành cuốn sách về Chúa Giêsu Nazareth
Đức Giáo Hoàng dành kỳ nghỉ của mình để hoàn thành phần thứ ba và là phần cuối cùng của cuốn sách "Chúa Giêsu thành Nazareth". Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican đã cho biết như trên.
Ngài nói:
“Đức Thánh Cha bắt đầu soạn sách về Chúa Giêsu, và tiếp tục làm việc để hoàn thành quyển sách này. Như chúng ta biết, trong cuốn sách đó Đức Thánh Cha đã thảo luận về Tin Mừng của Chúa Hài Đồng."
Đức Thánh Cha bắt đầu viết cuốn sách này khi ngài còn là một Hồng y. Kể từ khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã dành tất cả các ngày nghỉ của mình để làm việc đó. Ngài đã cho xuất bản tập đầu tiên trong năm 2007 và tập thứ hai vào năm 2011. Trong vài tuần tới, ngài dự kiến sẽ hoàn thành tập thứ ba, và phần này trình bày những suy tư về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Từ nhà nghỉ của mình tại Castel Gandolfo, Ngài cũng đang soạn các bài diễn văn mà Ngài sẽ phát biểu trong chuyến đi Li Băng trong tháng Chín. Ngài cũng bận rộn chuẩn bị nội dung cho Năm Đức Tin và kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II.
12. Các tín hữu Hồi giáo chuẩn bị cho tháng Ramadan
Khi đề cập đến người Hồi giáo và tháng Ramadan, có lẽ 'nhịn ăn' là từ đầu tiên mà người ta nghĩ đến. Nhưng không phải tất cả mọi người đều biết rằng, lý do thực sự của việc ăn chay này.
Mustafa Cenap Aydin, giám đốc của Viện Tevere tại Rome, nói rằng "trong ngày, bạn không ăn, không uống rượu, bạn sẽ được thanh thản hơn tinh thần."
Mustafa Aydin Cenap là một Trưởng Giáo Đạo Hồi. Ông cũng là giám đốc của Viện Tevere của Rome. Hơn là chỉ kiêng ăn, ông nói, 30 ngày là một thể dục tinh thần nhằm gia tăng sự cầu nguyện, tự kiểm soát, hy sinh và đồng cảm với những người kém may mắn.
"Thông thường, việc bố thí theo truyền thống và các hoạt động từ thiện khác được nhân rộng trong thời gian Ramadan, vì người Hồi giáo cảm thấy thật sự nhu cầu cần thiết của những người khác. "
Tháng Ramadan đã được cử hành từ năm 610 khi câu đầu tiên của Kinh Qur'an được công bố. Bây giờ việc cử hành tháng Ramadan được tính theo ngày âm lịch. Năm nay, tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày 20 tháng 7.
Aydin cho biết, có nhiều ngộ nhận về khái niệm ăn chay. Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo ăn và uống một bữa ăn nhẹ trước khi bình minh. Sau đó họ chay tịnh cho đến khi hoàng hôn. Sau đó, họ lại dùng bữa như thường lệ với gia đình, bạn bè và thậm chí cả người lạ.
"Trước khi mặt trời mọc, bạn có để ăn một bữa ăn sáng rất nhẹ để chuẩn bị. Trước khi mặt trời lặn bạn không được ăn, uống và hút thuốc lá. "
Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn giáo, thường đưa ra các thông điệp đặc biệt gởi người Hồi giáo vào cuối tháng Ramadan
13. Nhóm cực đoan Hồi giáo làm thiệt hại một địa danh của UNESCO tại Timbuktu, Mali
Một địa danh lịch sử đã bị một nhóm chiến binh Hồi giáo ở Timbuktu làm thiệt hại. Cuộc tấn công vào một ngôi đền và các lăng mộ, đã được quy trách nhiệm cho một nhóm cực đoan có tên là Ansar Dine, là nhóm đang muốn áp đặt luật Sharia trong khu vực.
Việc tấn công sau cùng này, là một trong những hành vi tấn công gần đây nhắm vào các Di sản Văn Hóa Thế giới UNESCO đã xác định trong khu vực đó.
Bà IRNIA Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO nói:
"Có những lăng mộ, đền thờ Hồi giáo và bản thảo tượng trưng cho một di sản lớn lao cho nhân loại; và sự tấn công này hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Timbuktu nằm trong Tiểu Bang Tây Phi của Mali. Từ thế kỷ thứ 12, Tiểu Bang này được coi là cái nôi của Hồi giáo học. Đặc biệt kể từ khi hàng ngàn bản thảo Hồi giáo và các văn bản đã được tìm thấy ở đó.
Năm 1988, nơi này được công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới. Thưc ra, chỉ vài ngày trước khi các cuộc tấn công xảy ra, nơi này đã được ghi vào danh sách các địa danh không được bảo tồn thích hợp. Bây giờ UNESCO đang cố gắng vận động hỗ trợ để ngăn chặn các cuộc tấn công.
Bà IRNIA Bokova nói thêm:
"Đây là sự huy động hỗ trợ quốc tế của các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo."
Nhóm phiến quân cho rằng các ngôi đền này cổ võ sự tôn thờ thần tượng.
Tình trạng bất ổn ở miền Bắc Mali xảy ra sau khi cựu Tổng thống Amadou Toumani bị lật đổ do một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Ba. Kể từ đó, quân nổi dậy và các nhóm Hồi giáo đã chiến đấu để tranh nắm quyền kiểm soát khu vực.
14. Các Biên Tập Viên Rome Reports
Những gì họ đang làm và làm thế nào bạn có thể trở thành một Biên Tập Viên
Biên Tập Viên tại Ý: Giacomo Diana. Từ Vương quốc Anh Michael O'Rourke và từ Lebanon Cedrus Mauricius. Họ là những người đầu tiên ghi danh.
Đó là một dự án bắt đầu vào đầu năm 2012, nơi người đọc chia sẻ trong bản ''Rome Reports'' những mẩu chuyện về Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội thông qua các hồ sơ, blog và các trang web mạng xã hội.
ALBERTO Chinchilla, Quản lý Cộng đồng, "Rome Reports'' cho biết:
"Chúng tôi có đại diện trực tuyến tại 28 quốc gia. Họ đại diện cho "Rome Reports" thông qua các trang web mạng xã hội cá nhân của họ. Vì vậy, hàng ngày họ giúp chúng tôi, bằng cách chia sẻ những mẩu chuyện của chúng tôi về Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo. Bằng cách đó, các thông điệp có thể được phổ biến đến một số khán giả lớn hơn. "
Cho đến nay, Rome Reports đã có hơn 100 Biên Tập Viên. Dù thành phần gồm nhiều dân tộc khác nhau, họ chia sẻ mục tiêu chung trong việc phổ biến những câu chuyện về Giáo Hội Công Giáo.
ALEXIS MOLINA Alta Gracia, Córdoba, người Argentina cho biết:
"Đó là một dấn thân của tôi cho việc Tân Phúc Âm Hóa. Tôi chia sẻ tất cả các tin tức liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, mà tôi xem như một đại gia đình."
JOSÉ MARÍA SERBIN San Luis del Palmar người Argentina nói:
''Điều quan trọng nhất ở đây, là thông qua mạng lưới xã hội, nhiều người có thể tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo và công việc hàng ngày của Đức Giáo Hoàng. Như thế, bằng vào cách đọc một số câu chuyện trong "Rome Reports", họ bắt đầu cởi bỏ các thành kiến của họ. "
NARENDRA BISHT New York, Hoa Kỳ cho biết:
"Qua sự việc này, tôi nhận thấy có nhiệm vụ toàn cầu với những người Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh."
Trong thực tế các Biên Tập Viên "Rome Reports" đã đóng một vai trò quan trọng trong những biến cố như việc đánh dấu kỷ niệm năm đầu tiên phong chân phước của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Với sự giúp đỡ của họ, hàng ngàn người đã được nhắc nhở về Đức Giáo Hoàng người Ba Lan này, bằng cách đọc một số báo cáo, xem video và những hình ảnh khó mà quên được.
Đối với "Rome Reports", thật là một vinh dự khi có được Biên Tập Viên ở 28 quốc gia. Tuy nhiên mục tiêu là có được Biên Tập Viên trong tất cả các thành phố trên thế giới. Bạn có thể giúp chúng tôi thực hiện mục tiêu bằng cách gửi một điện thư về địa chỉ Embajador2.0 @ romereports.com
Hiện tại, "Rome Reports" đang chuẩn bị phiên họp đầu tiên trên thế giới cho các Biên Tập Viên. Vì vậy, mời các bạn đón xem tất cả các thông tin mới nhất.
Nguyễn Minh Tâm dịch
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét