LTCGVN (13.07.2012) Tóm lược diễn văn của ĐHY Timothy M. Dolan nhân dịp thăm viếng trường Luật thuộc Viện Đại Học Fordham (www.catholicculture.org).
Chủ đề “Luật Pháp & Tin Mừng Sự Sống” rõ ràng gợi nhớ Thông Điệp lừng danh “Evangelium Vitae”—Tin Mừng Sự Sống (TMSS)--được Chân Phước Gioan Phaolô II viết cách đây 13 năm. Thông điệp này được gửi đến “cho tất cả mọi người thiện chí,” chứ không phải chỉ riêng cho giới Công giáo, hoặc Kitô hữu hay những ai có lòng tin.
Điều này quan trọng. Tuy được diễn đạt qua những hạn từ và diễn ngữ liên quan đến tín ngưỡng và huấn giáo, nhưng chủ đề chính--sự sống con người thì linh thánh, xứng đáng được luật pháp tôn trọng và bảo vệ--thực ra lại xuất phát từ luật tự nhiên, vốn là nguồn mạch của các nguyên tắc thâm sâu mà bất kỳ ai--chứ không phải chỉ các tín hữu--cũng nhìn nhận.
Luật tự nhiên là một khái niệm về chân lý khách quan, mà tất cả những ai sử dụng khả năng lý trí cũng đều nhìn nhận. Chân lý này không thể bị tương đối hóa bởi đặc lợi về tôn giáo, giai cấp, giới tính hay thiên kiến cá nhân. “Chúng tôi coi các chân lý này mang tính hiển nhiên tự thân.”
Đây là vấn đề bẩm sinh, tự nội nơi chúng ta trong tư cách là con người. Do đó, các quyền lợi được ban phát cho ta cũng mang tính “bất khả nhượng.” Chúng không thể bị tước đoạt đi cho dù nhân danh quốc gia, quyền bính hay lựa chọn cá nhân.
Đâu là những điều không thể bị tước đoạt? Đó là sự sống, đó là tự do. Không một thể chế con người nào hay một cá nhân nào có thể ban phát cho ta các quyền lợi này. Chính Thiên Chúa mới có thể ban quyền đó cho con người chúng ta.
Điều này Frederick Douglass đã biết. Ghandi cũng đã hiểu. Và Martin Luther King cũng đã tường tận.
Trong lá thư thời danh được viết trong nhà tù Birmingham, Mục sư King đã viết thế này: “Làm thế nào để xác định một bộ luật là công bằng hay bất công? Bộ luật công bằng là luật do con người làm ra, nhưng phù hợp với luật luân lý hoặc luật của Chúa. Bộ luật bất công là luật đi ngược lại với luật luân lý.” Mục sư còn đề cập đến một triết gia lừng danh đã dậy cho ông rằng “luật bất công là thứ luật do con người làm ra mà không phát nguồn từ luật vĩnh cửu và luật tự nhiên. Bất kỳ thứ luật nào mà hạ giá con người thì đều bất công hết.”
Triết gia mà Mục sư King nói đến chính là Thánh Tôma Aquinas.
Vì luật tốt thường được coi như là vòng đai bảo vệ cho các giá trị cao thượng của văn hóa khỏi bị quấy nhiễu bởi các xu hướng thấp hèn, do đó ta dễ hiểu tại sao Đức Goan Phaolô đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu về nền văn hóa đương thời. Không ai có thể bảo ngài bi quan, thế nhưng vị Giáo Hoàng người Ba Lan này đã vạch ra một cách rất thiết thực những mối đe doạ dành cho tính linh thánh của sự sống con người trong nền văn hóa hôm nay: tỉ như phá thai, sát nhi, ưu sinh, lạm dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo, ngừa thai, chết êm ái, …cùng với nhiều nguy cơ khác đối với sự sống con người trong hoàn cảnh nghèo khổ, phân phối không công bằng các tài nguyên kinh tế, chiến tranh, trao đổi vũ khí, các chất ma túy, và nạn buôn người. Karol Wojtyla không hề là một chính trị gia “chỉ thao thức về một vấn đề duy nhất.”
Với Đức Gioan Phaolô II, “tư tưởng đem lại hậu quả.” Cả hàng loạt những mối đe dọa vừa nói đối với TMSS chỉ là hậu quả của những tư tưởng văn hóa sai lạc và độc hại, một mạng lưới ngài gọi là nền Văn Hóa Sự Chết, vốn chối bỏ tính liên đới cố hữu và căn bản nơi nhân vị con người, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi tính hữu hiệu và thuận tiện. Từ đó nẩy sinh ra “cuộc chiến giữa kẻ mạnh và người yếu.” Ngài nói: “Vì bệnh tật, hoặc tàn phế, thì nguyên sự hiện hữu của một người như thế cũng đủ trở thành mối đe doạ cho sự hưng thịnh và lối sống của những kẻ may mắn hơn, để rồi sẽ bị coi khinh như một thứ kẻ thù phải chống lại hoặc khử trừ. Thế là “âm mưu chống lại sự sống” được hình thành.”
Hẳn nhiên, một nền Văn Hóa Sự Chết như thế chỉ có thể thao túng trong một thế giới mà Thiên Chúa đã bị loại trừ, và trong đó, ai cũng có thể gỡ bỏ trách nhiệm liên đới bằng cách dựng nên một thứ luân lý cho riêng mình. Tự do, trong bối cảnh này, trở thành một giá trị tuyệt đối.
Với vòng vây của luật lệ, liệu nhân quyền có thể tồn tại trong một nền văn hóa như thế chăng? Thế giới quan thực dụng và duy lợi đã lấy cát mà xây thành hệ thống lề luật nhằm bảo vệ nhân quyền, nhất là bảo vệ chính sự sống, bởi lẽ cái gì rồi cũng bị từ chối, dựa trên những đụn cát của lợi lộc, tính thuận tiện, cá nhân và tư lợi.
Các luật gia và sinh viên luật không nên kinh ngạc khi thấy Đức Thánh Cha (ĐTC) đã có cái nhìn như thế. Lý thuyết chính trị và luật lệ thời mới có thiên kiến là chỉ có các nguyên tắc trung lập và duy lợi mới có khả năng cung cấp nền tảng cho các chính sách và luật lệ công cộng. Còn điều gì nại tới các giá trị siêu việt--tỉ như tôn giáo chẳng hạn—thì không thể hiện hữu một cách chính danh được. Những ai tham gia vào lãnh vực công cộng cần phải gạt sang một bên các xác tín tôn giáo của mình cũng như các lý do “không thuộc lãnh vực công cộng” khác, để chỉ tìm cách thuyết phục bằng các luận cứ duy tục. Một vài luật gia còn đi xa hơn nữa khi nói rằng các vấn đề liên quan đến giá trị tối hậu và tầm quan trọng của sự sống con người càng không nên bàn cãi tới, và nhà nước không có trách nhiệm gì trong việc tìm ra câu trả lời cho các vấn nạn như thế. Riêng các công dân càng không nên cố gắng áp đặt một nhãn quan nào đó về công bình, trừ khi dựa trên “các hình thái lý luận được chia sẻ.”
Hẳn nhiên, như ĐTC đã nêu rõ trong TMSS, khi các luận cứ dựa trên chân lý khách quan bị loại trừ ra khỏi cuộc tranh luận về các luật lệ, thì ta bị vướng ngay vào cái bẫy đạo đức duy tương đối, để rồi phẩm giá con người cũng như quyền sống phải chịu đem ra để được bỏ phiếu. Nguy cơ cố hữu trong tình cảnh này chính là “nền dân chủ--trong khi mâu thuẫn với chính các nguyên tắc của mình--lại di chuyển một cách hữu hiệu về hướng của chủ nghĩa duy lợi,” để rồi chịu biến hóa thành một ‘tình trạng bạo chúa.’
Chân Phước Gioan Phaolô rất muốn đề nghị một nền Văn Hóa Sự Sống đầy tích cực và hy vọng, hơn là chỉ loanh quanh với nền Văn Hóa Sự Chết.
TMSS đề nghị một nhãn quan khác về lề luật và văn hóa đối kháng lại chủ nghĩa hư vô thực dụng vốn sản sinh ra nền Văn Hóa Sự Chết. Nó nắm bắt lấy mối liên hệ mật thiết giữa luật dân sự và luật luân lý, đồng thời nuôi dưỡng một nền văn hóa luôn đề cao sự sống con người và khai thông sự phát triển nhân bản đích thực.
Tiền đề căn bản là thế này: (1) nhân phẩm phải được đặt ở vị trí trung tâm của mọi nền văn hóa và mọi hệ thống luật pháp, và (2) sự sống con người thì bất khả vi phạm, là cùng đích cho chính mình, chứ không phải là một phương tiện đưa đến một mục đích nào đó. Ngạn ngữ Latinh có câu: “Luật được lập ra là vì lợi ích của con người.”
Đây chính là quan điểm của ĐTC Gioan Phaolô khi ngài kêu gọi “một cuộc tổng động viên của mọi lương tâm và nỗ lực đạo đức đồng loạt cổ võ và phát động chiến dịch bảo vệ sự sống.” Cũng cần phải tái lập mối liên hệ giữa luật dân sự và luật luân lý.
Không những chỉ phi bác lập trường gạt bỏ tôn giáo khi bàn cãi, TMSS còn kêu gọi chúng ta cống hiến một nhân sinh quan minh bạch, đặt nền trên đức tin, như là nền tảng của nhân luật. Là Kitô hữu, ta khẳng định rằng sự thật chỉ có thể được nhìn nhận và tự do chỉ có thể được thực sự thể hiện khi thừa nhận rằng chính Chúa đã tặng ban chúng như món quà cho con người chúng ta. Khi đem Chúa trở lại vòng bàn luận, TMSS còn cống hiến một cách thức tạo lập nhân luật và nhân quyền trên một căn bản vững chắc. Nó cũng đưa ra một cách thức thực thi tự do chân chính, không hề dựa trên tính toán duy lợi và tư lợi, mà dựa trên phẩm giá bẩm sinh của mỗi con người từ phút đầu thai như là một quà tặng của Thiên Chúa.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là TMSS nhấn mạnh rằng phẩm giá con người và việc tôn trọng nhân quyền không chỉ dựa trên mạc khải của Thiên Chúa, mà còn dựa trên “một luật luân lý khách quan—y như ‘luật tự nhiên’ được khắc ghi trong tâm khảm con người—vốn đã trở thành điểm tham chiếu cho chính luật dân sự vậy.”
Các chân lý này phát sinh từ sự hiểu thấu về nhân vị con người, điều “không một cá nhân nào, không một đa số nào, và không một Quốc gia nào có thể chế tạo, thay đổi hay phá bỏ, mà chỉ phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy mà thôi.” Sự thấu hiểu luật tự nhiên như thế cho phép ta kêu gọi “mọi người thiện chí” dấn thân vào một ‘hình thái lý luận được chia sẻ’ vốn là gia sản của nền văn minh Tây phương trở ngược lại từ thời văn hóa La Hy.
Khi đặt nền móng trên luật tự nhiên và nhân quyền, ta có khả năng di chuyển nền văn hóa, và các luật lệ của ta, tiến về hướng thực sự tôn trọng sự sống con người. Đây sẽ là một tiến trình tiệm tiến, gia tăng từ từ, như là cuộc hoán cải liên tục của văn hóa dẫn đến sự biến đổi luật lệ, và ngược lại. Sẽ cần phải có sự tương nhượng, chấp nhận những bước trung gian. Về khía cạnh này, quan điểm của ĐTC Gioan Phaolô khi bàn luận về các luật lệ bất toàn vốn tìm cách giới hạn và hạn chế tối thiểu mức đe dọa sự sống con người, và trách nhiệm luân lý của các nhà lập pháp khi chống lại mọi thứ luật bất công, quan điểm này thật đích đáng và đầy thách thức. Việc tôn trọng đúng mức đối với lương tâm cá nhân và đoàn thể cũng là một phần quan trọng của tiến trình này: con người có quyền tự nhiên phải từ chối, không tham gia vào những vấn đề vô luân hoặc những gì không phù hợp về mặt luân lý, còn xã hội thì buộc phải bảo vệ thứ quyền này.
TMSS khởi đi từ luật tự nhiên, đúng thế, nhưng đối với ta là người tín hữu, nó cũng khởi phát từ Mạc Khải, từ Kinh Thánh, từ sự khôn ngoan của Mẹ Hội Thánh, và được phát biểu đại khái như thế này: Thiên Chúa tạo dựng nên tôi theo hình ảnh Ngài; tôi là một kiệt tác của Thiên Chúa; Ngài đã gọi đích danh tôi.
Ngài hiểu tôi hơn chính tôi hiểu mình; Ngài yêu chính bản thân tôi một cách đam mê cuồng nhiệt đến độ Ngài muốn cho tôi vui hưởng cõi vĩnh cửu với Ngài; tôi thật xứng với giọt máu châu báu Con Một Ngài đã đổ ra vì tôi; tôi từ Ngài mà đến, nên cũng sẽ trở về với Ngài trên miền vĩnh cửu; tôn ý của Ngài là thế này: sự sống con người phải được bảo vệ từ thuở đầu thai cho đến khi chết tự nhiên; sự sống con người phải được tôn trọng; nền văn hóa duy nhất tồn tại được chính là nền văn hóa có luật pháp là nhằm phục vụ đời sống con người. Đó là diễn ngữ tích cực của TMSS.
Sau đây, ta nên dành ít thời gian để có cáo nhìn sâu hơn vào những ý thức hệ đang rục rịch ‘chạy làng’ trước Nền Văn Hóa Sự Sống, cho dù chúng có vẻ là những thế lực đang vươn lên trong khung văn hóa thời đại, cũng như đang cố gắng trở thành luật lệ trói buộc ta.
Bộ ba—một thứ tam đầu chế--thân thiện như là anh em ruột thịt, chính là chủ nghĩa thực dụng, duy lợi và duy tiêu thụ.
Chủ nghĩa thực dụng chủ trương rằng giá trị duy nhất của một vật là xem nó có làm được việc không, nó có hữu hiệu giúp ta đạt mục tiêu chăng.
Còn theo chủ nghĩa duy lợi thì cái giá trị duy nhất là ở chỗ một cái gì đó hay một ai đó có giúp gì cho tôi chăng, có phục vụ mục đích của tôi không.
Chủ nghĩa duy tiêu thụ thì chỉ nhắm tới cái gì có khả năng thỏa mãn đòi hỏi, đáp ứng nhu cầu và chiều theo ước muốn của mình.
Nền Văn Hóa Sự Chết đầy tính cách duy lợi và duy tiêu thụ này chính là sản phẩm của các xu hướng sâu xa về xã hội, triết học và đạo đức, được biểu lộ qua luật pháp, thái độ ta có với người khác. Không còn nữa cảm quan về sự thực, về quy phạm luân lý khách quan, là những quy tắc hành xử áp dụng được mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người, một sự “thiếu vắng cảm quan về Thiên Chúa và con người.”
Thế nhưng, trong cái chủ nghĩa duy lợi đang thống lĩnh thời đại ta đang sống, thì cái nguyên lý cho rằng đời sống con người là một cùng đích cho chính nó, chứ không hề là một phương tiện dẫn đến một mục tiêu, lại luôn luôn lệ thuộc vào một thứ tính toán nhằm biện minh cho việc làm hại người khác, coi đó như một mối lợi cho riêng mình. Theo ý nghĩa này thì cuộc đời con người có nguy cơ nằm ở phía thua cuộc trên bàn cờ lời/lỗ của chủ nghĩa duy lợi.
Trong một thế giới thực dụng, các mối quan hệ liên cá thể và quốc tế tất nhiên biến thành vấn đề quyền lực và thống trị, thay vì dựa vào phẩm giá và công bình, để rồi sớm muộn cũng đi đến tình trạng mà Thomas Hobbes đã cảnh báo là “cuộc chiến mọi người chống lại mọi người.”
(còn tiếp một kỳ)
Nguyễn Kim Ngân
Lễ Thánh Biển Đức
7/11/12
0 nhận xét:
Đăng nhận xét