Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI


Trong lần hiện ra cuối cùng ngày 25.3.1858, sau bốn lần khẩn nài của chị Bernadette = Thưa bà xin bà vui lòng cho con biết tên của bà ? Đức Mẹ với giọng đầy nghiêm trang khiêm tốn cho biết = “ Ta là Vô Nhiễm Nguyên Tội” ( Que soy era immaculada Councepciou ). – ( Phero Maria Phan Hữu Lộc – Thánh Nữ Bernadette – Sứ Giả Tình Thương ). Nói Bernadette là Sứ Giả, điều ấy rất đúng bởi vì với lần hiện ra này Đức Mẹ xác nhận lại một chân lý cao cả đã từng gây biết bao tranh cãi bất đồng khiến Giáo Hội phải đối diện với hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác “ Thế kỷ XII nhà thần học Eadmer sử gia của Thánh Anselmo tại Canturbury ( Anh ) viết cuốn “ Yếu luận về sự đầu thai thánh thiện của Đức Maria” để minh xác ý nghĩa đặc ân làm nền tảng cho Tín Lý Vô Nhiễm. Eadme lý luận sâu sắc về việc Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm với ba lời có tính cách ngôn = Potuit – Decuit – Fecit nghĩa là Thiên Chúa có thể làm. Nếu Người muốn thì Người đã làm. Cùng thời đó văn sĩ Osberto Qare đầu tiên vận động truyền bá giáo thuyết này. Đông Phương đã mừng lễ Mẹ đầu thai từ thế kỷ thứ VII nhưng Tây Phương mừng lễ này thế kỷ XII. Dẫu thế một bức màn đen vẫn trùm phủ vấn đề Vô Nhiễm đến nỗi bốn vị Thánh Tiến Sĩ Benado, Alberto, Bonaventura Tôma và hai nhà thần học nổi danh Ruperto và Alcoandrô Hales cho rằng Đức Mẹ cũng mắc luật lưu truyền nguyên tội như mọi người dòng dõi Adam. Thánh Tôma bói Đức Maria chỉ được Thánh hóa trong lòng mẹ.” ( Nguồn Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08/12. TGP Hà Nội 12/2010 ).

Tất cả các cuộc tranh luận thần học dù thuộc phe thuận hay chống đều xoay quanh chủ điểm Vô Nhiễm Thai “ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội từ thuở đầu thai nói tắt là Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai. “ Thai” nói đầy đủ là “ Thụ Thai” ( Conception). Thụ thai phân biệt ra thụ thai chủ động ( active conception ) là việc người mẹ hoài thai đứa con và thụ thai thụ động ( passive conception) là việc ngườii con đượic thụ thai. Do đó khi nói đến Immaculate Conception là không phải nói đến thánh Anna thụ thai Đức Trinh Nữ Maria hay là Đức Trinh Nữ thụ thai Chúa Giesu nhưng là nói đến Đức Trinh Nữ Maria “ Được Thụ Thai” hay là được dựng thai hoặc là đầu thai trong lòng thánh Anna. Cũng có khi người ta chỉ nói “ Đức Mẹ Vô Nhiễm “ thì hiểu là “ Đức Mẹ vô nhiễm từ thuở đầu thai hay là Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm hoặc là Đức Mẹ vô nhiễm thai” ( Nguồn Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã dẫn ).

Không thể cho rằng Vô Nhiễm Thai cũng tức là Vô Nhiễm Nguyên Tội bởi đây là hai phương diện hoàn toàn khác biệt. Một đàng là của thần học xác nhận Đức Mẹ ngay từ khi được thụ thai đã không mắc tội tổ tông truyền. Một đàng là của chân lý Thánh Kinh cho biết Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Xác nhận Đức Mẹ vô nhiễm từ thuở đầu thai, điều ấy tất nhiên đưa đến bất đồng trong thần học lý do bởi vì trước sau đó vẫn chỉ là cách giải nghĩa theo…nghĩa đen hay còn gọi là nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ).

I/- Những bất đồng của thần học

Lòng tôn sùng của giáo hữu đối với Đức Mẹ luôn có trước thần học và lòng tôn sùng ấy có thể chỉ là tình cảm tự nhiên hoặc do suy diễn “ Sau khi Công Đồng Epheso thế kỷ thứ II công bố tín điều về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã hình thành dần dần trong Giáo Hội ý tưởng rằng để làm Thánh Mẫu Thiên Chúa Người phải được giữ gìn cho khỏi tì ố của nguyên tội và nhờ đó Mẹ đã có thể được tôn vinh trong linh hồn và thể xác ngay sau khi lìa đời mà không phải đợi đến lúc mọi người được sống lại trong ngày sau hết. Niềm tin đó đưa tới việc Giáo Hội Đông phương đã mừng lễ Đức Mẹ An Giấc ( Dormitio ) vào thế kỷ thứ VI. Một truyền thống lâu đời vẫn luôn luôn tuyên xưng Mẹ là Đấng Tuyệt Thánh ( Tota Sancta ). Một số nhà thần học đã bênh vực Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ chẳng hạn Thánh Benadô ở Tk XII. Nhưng tuy hết lời ca tụng Đức Mẹ vì ân huệ này ngài cũng chưa tìm ra được lý lẽ thần học nào vững chắc để khẳng định niềm tin ấy. Còn Thánh Tôma thì phản bác. Trong số những người bênh vực có lẽ các con cái Thánh Phanxicô là kiên trì và quyết liệt nhất, đặc biệt là chân phước Duns Scot ( 1266 – 1308 ). Chính Duns Scot đã đặt cơ sở thần học vững chắc cho niềm tin Đức Mẹ Vô Nhiễm được Giáo Hội chấp nhận” ( Nguồn Lm Nguyễn Hồng Giáo dòng Phanxicô – Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội).

Suy diễn Đức Mẹ nhất định phải có đặc ân Vô Nhiễm vì Ngài là Mẹ Thiên Chúa. Nói cách khác Mẹ Thiên Chúa mà lại không có ơn này thì phi lý quá ? Tuy nhiên suy diễn dẫu sao vẫn chỉ là suy diễn, nó không bao giờ có thể đưa tới chân lý tức niềm tin nơi Đức Mẹ, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chính bởi suy diễn không có chân lý nơi mình thế nên cũng chẳng lạ gì nó luôn phải đối mặt với những suy diễn khác chống lại. Một trong những phản bác có vẻ thuyết phục nhất đó là người ta dựa vào lời Thánh Phao Lô “ Như bởi một người mà tội đã vào trong thế gian, lại bởi tội mà có sự chết và sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ). Mọi người đây ám chỉ cho hết thảy và bởi đức Maria theo quan điểm thần học cũng là thọ tạo nên chẳng thể nào thoát khỏi nguyên tội. Ấy vậy nhưng nếu nói Đức Maria mắc nguyên tội thì làm sao giải thích ổn thỏa tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ? tất cả vướng mắc của thần học chung quy chỉ vì đã giải Sách sáng Thế theo nghĩa đen. Với nghĩa này thì Adam , Eva, con rắn cây phân biệt v.v…đều là thật. Một khi những thứ đó đều là người thật việc thật …thì làm sao có thể hiểu được lệnh của Thiên Chúa cấm không ăn trái phân biệt được “ Giehova ĐCT phán dạy rằng, ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

Tại sao Giehova Thiên Chúa lại cấm không được…ăn cây phân biệt mà nếu cứ ăn vào thì ắt phải chết ? Xin thưa bởi vì….c6ay đó chính là biểu tượng của lý trí phân biệt. Đối với thế gian, lý trí là sự khôn ngoan chỉ có ở nơi con người đến nỗi đã được Aristote định nghĩa như là một thứ bản tính “ Người là con vật có lý trí” ( animal raisonnable ) Lý trí luôn là lý trí phân biệt và sự phân biệt ấy là để cho thấy có một “ Cái Ta” khác biệt với người = Ta không phải là người cũng chẳng phải là núi sông cây cỏ trăng sao v.v…và v.v…Nói tóm lại “ Ta” là một cái chi đó đ65c lập tự tánh hoàn toàn tách biệt khỏi sự vật kể cả Thiên Chúa. Nói cách khác bao lâu còn thấy có một “ Cái Ta” thì Thiên Chúa rút cục không hơn không kém cũng chỉ là một thứ quan niệm chẳng dính dáng chi với Thực Tại. 

Tôn giáo là con đường trở về với Thực Tại và Thực Tại ấy chính là Cây Sự Sống nơi Vườn Địa Đàng “ Đoạn Giehova ĐCT lập một cảnh vườn tại Eđen ở về phía Đông và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. Giehova ĐCT khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt và trái ăn thì ngon. Giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện Điều Ác” ( St 2, 8 -9).Nguyên tổ vì không vâng lệnh Thiên Chúa cứ ăn trái mà Thiên Chúa cấm thế nên đã bị đuổi. Hơn nữa còn bị đuổi cách vĩnh viễn “ Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông vườn Eđen các thần Cherubim với lưỡi gươm chói lòa để giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24). Loài người bị đuổi khỏi Địa Đàng có nghĩa sẽ không còn có cơ hội trở lại với Cây Sự Sống. Dẫu vậy vẫn còn đó một lời hứa và lời hứa ấy các nhà chú giải Thánh Kinh trước đây gọi là Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế với điều kiện là phải trải qua cuộc chiến cam go dưới sự lãnh đạo tối cao của Người Nữ tức Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

II/- Cuộc chiến của Người Nữ Maria.

Lời hứa ban Đấng Cứu Thế chỉ có thể hiện thực thông qua cuộc chiến giữa Người Nữ và rắn Satan “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ). Trong trình thuật sáng Thế này nếu nhìn nhận Người Nữ chính là Đức Maria thì có một sự thật khác mà ta không thể chối bỏ = Ngài là Đấng đã có từ trước muôn đời trong kế hoặch Cứu Độ của Thiên Chúa. Kế hoặch ấy đã được sứ thần Gabriel nhắc lại trong ngày truyền tin “ Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói = mừng vui lên hỡi Bà đầy ơn sủng Thiên Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy trinh nữ rất bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa gì. Sứ thần nói = Thưa bà, xin đừng sợ vì bà rất đẹp lòng Thiên Chúa. Và này bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giesu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Chí Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng Đavit tổ phụ Ngài. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận” ( Lc 1, 26 -33).

Đức Nữ Trinh sinh hạ Chúa Giesu là một mầu nhiệm nhưng mầu nhiệm ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong kế hoặch Cứu Độ của Thiên Chúa nếu Ngài không tiếp tục cưu mang và sinh hạ Chúa Giesu nơi các tâm hồn. Lần kia Đức Mẹ nói với Thánh Gietruđê “ Giesu con rất dịu dàng của Mẹ không là Con Độc Nhất ( Unigenitus ) nhưng là con đầu lòng ( Primo Genitus ). Vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài đúng hơn bởi Ngài, Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con được nên anh em Ngài đồng thời là con của Mẹ” ( MV Bernađo O.P Mẹ Trong Đời Tôi ). Chính là với việc sinh hạ Chúa Giesu nơi các tâm hồn mà ta có thể quả quyết Đức Maria là Đấng đã được tiền định trong kế hoặch Cứu Độ của Thiên Chúa. Lý do bởi vì việc sinh hạ ấy không đơn giản là sinh con nhưng cần phải chăm sóc dưỡng nuôi thì Chúa Giesu mới có thể lớn lên nơi các tâm hồn được. Việc chăm sóc dưỡng nuôi bằng Ơn Thánh đó chỉ có Đức Maria Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội mới có thể làm được. Hiểu như thế thì vô nhiễm nguyên tội không phải là vô nhiễm khi thụ thai ( vô nhiễm thai ) nhưng là không nghe theo cám dỗ phân biệt của Satan để sẵn sàng vâng theo Thánh Ý trong mọi hoàn cảnh.

Đức Maria khi nghe lời chào mừng thì cũng bối rối không hiểu nhưng sau khi được sứ thần giải thích Ngài bèn mau mắn Xin Vâng. Đức Maria đã được tiền định trong kế hoặch Cứu Độ của Thiên Chúa trong vai trò Người Nữ để chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ Satan. Sự chiến đấu ấy Ngài đã thực hiện không ngừng nghỉ nơi các tâm hồn, có nghĩa trong Hội Thánh Chúa Kitô. Dù gặp phải bao nỗi nguy nan và còn nguy hơn nữa trong những ngày tháng sắp tới nhưng chúng ta vẫn vững tin vào lời hứa của Đức Kitô “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Có Chúa ở cùng thì đâu còn sợ hãi, thế nhưng để được có Chúa ở cùng thì chúng ta không thể không cậy nhờ đến Đức Mẹ hầu cho Ngài có thể thực hiện trong ta tiếng Xin Vâng./.

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét