Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Sứ điệp của ĐTC Phanxico cho Ngày hòa bình thế giới lần thứ 47 cử hành vào ngày 01-01-2014


LTCGVN (31.12.2013)


Sứ điệp của ĐTC Phanxico cho Ngày hòa bình thế giới lần thứ 47
 cử hành vào ngày 01-01-2014 

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã chọn tình huynh đệ làm đề tài cho sứ điệp đầu tiên của ngài cho Ngày hòa bình thế giới năm 2014.Theo ngài, tình huynh đệ là một ân huệ cho mỗi người nam nữ khi sinh ra là con người. Mọi người là con cùng một Cha, vì thế tất cả đều là anh em, có nghĩa vụ  phải đùm bọc yêu thương nhau . Nhưng từ buổi đầu lịch sử, người anh đầu tiên, vì ghen tương, đã nhẫn tâm giết chết em mình, đổi tình thương yêu ra lòng thù oán.  Trong chương trình cứu chuộc.«Con Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta».Ngài đã thắng hận thù, đem lại cho con người tình phụ tử đối với Chúa Cha và tình huynh đệ đối với tha nhân.

Theo ĐTC tình huynh đệ phải được thể hiện và bảo vệ như một khía cạnh của quyền con người, trong tất cả mọi liên hệ của con người trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, tài chánh và phát triển xã hội.vì thế ngài tố cáo «Ở nhiều nơi trên thế giới, sự vi phạm trầm trọng những quyền căn bản của con người, nhất là quyền sống và quyền tự do tín ngưỡng vẫn hoành hành»


Về mặt chính trị ĐTC tố cáo những chính quyền không đại diện cho tự do của người dân, không mang lại lợi ích cho người dân. Ngài tố cáo sự can thiệp của đảng phái trong bộ máy chinh quyền :« Một cộng đoàn chính trị vì thế phải hoạt động một cách trong sáng và có trách nhiệm để tạo thuận lợi cho việc thực hiện những điều nói trên [tạo nên một thế quân bình giữa  tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và sự liên đới đoàn thể, giữa ích lợi cá nhân và lợi ích công cọng]. Người dân phải cảm thấy mình được đại diện bởi chính quyền trong việc tôn trọng tự do của mình. Ngược lại, thường xảy ra việc giữa người dân và tổ chức công quyền lại còn có thế lực đảng phái xen vào làm cho mối quan hệ nói trên trớ thành sai lệch và tạo nên một bầu khí đối kháng triền miên

Về mặt kinh tế và xã hội ngài khẳng định quyền sở hữu tài sản, nhưng phải dùng nó để mưu ích chung cho xã hội loài người ;« Chúng ta không được quên giáo huấn của Giáo hội về cái gọi là thế chấp xã hội, theo đó, như thánh Thomas d’Aquin nói, «con người được phép hay hơn thế nữa, cần phải có quyền sở hữu tài sản»[12], còn về việc sử dụng «không bao giờ được xem những gì mình sở hữu như hoàn toàn là của riêng mình, nhưng cũng phải xem đó là của chung theo nghĩa là nó không chỉ làm lợi cho riêng mình mà còn phải làm ích cho cả kẻ khác nữa»

Vè hòa bình ngài « gửi một lời kêu gào mạnh mẽ đến tất cả những ai đang dùng khí giới gieo rắc tàn bạo và chết chóc, xin các anh hãy nhận diện người em của các anh trong con người mà hôm nay các anh chỉ xem như là một địch thủ phải tru diệt, và hãy dừng tay lại !

Ngàii kêu gọi hãy biến cái « toàn cầu hóa của sự vô cảm».hiện nay thành cái «toàn cầu hóa tình huynh đệ»

Vinh Mỹ  dẫn nhập và chuyển ngữ

*****************************



Tình huynh đệ là nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình

1.         Trong Sứ điệp đầu tiên nầy của tôi cho Ngày hòa bình thế giới, tôi muốn gửi đến tất cả, cá nhân cũng như dân tộc, lời nguyện chúc một đời sống đầy niềm vui và hy vọng. Qủa vậy, trong thâm tâm của mọi người, nam cũng như nữ đều ấp ủ ước nguyện có một đời sống sung mãn trong đó gồm niềm khao khát không thể kiềm chế một tình huynh đệ cho họ được hiệp thông với những người khác, mà họ coi không như thù địch mà là người anh em để đón nhận và chào mừng..

Quả thế, tình huynh đệ là một chiều kích chính yếu của con người vì con người là một hữu thể liên hệ. Ý thức sâu sắc về tính liên hệ đó dẫn chúng ta đến việc xem và đối xử với mỗi người như là một người anh chị em đích thực; nếu không thì việc kiến tạo một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và lâu dài sẽ là một việc bất khả thi. Và lập tức phải nhớ rằng tình huynh đệ thường bắt đầu được học hỏi trong khung cảnh gia đình, trên hết là nhờ vào sự đóng góp theo trách nhiệm và sự bổ sung của mọi thành phần, đặc biệt là của người  cha và người mẹ. Gia đình là nguồn của mọi tình huynh đệ và do đó nó cũng là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình bởi vì theo thiên chức, nó phải chinh phục thế giới bằng tình yêu.
 
Sự kiện con số những mối liên hệ và truyền thông ngày càng tăng, bao trùm toàn thế giới làm chúng ta cảm nhận rõ thêm ý thức rằng các dân tộc trên trái đất là một, và cùng chia sẻ một định mệnh. Trong những động thái của lịch sử cũng như trong những dị biệt của chủng tộc, của các xã hội và văn hóa, chúng ta cũng thấy mầm móng xu hướng hình thành một cộng đồng qui tụ những anh em tìm gặp nhau và chăm sóc cho nhau. Nhưng xu hướng đó ngày nay trong một thế giới mà sự vô cảm được toàn cầu hóa, thường bị cản trở và bị thực tế phủ nhận, nó làm cho chúng ta «quen» dần với cái đau khổ của kẻ khác bằng cách tự khép mình lại.
Ở nhiều nơi trên thế giới, sự vi phạm trầm trọng những quyền căn bản của con người, nhất là quyền sống và quyền tự do tín ngưỡng vẫn hoành hành. Hiện tượng buôn người tàn nhẫn vẫn còn tồn tại;  người ta mặc cả làm tiền không chút ngượng ngùng trên tính mệnh và sự tuyệt vọng của họ, đó là một dẫn chứng điển hình đáng lo ngại về điểm nói trên. Ngoài những chiến tranh bằng vũ lực còn có những cuộc chiến ít nhìn thấy nhưng không kém phần khốc liệt diễn ra trong lãnh vực kinh tế và tài chánh với những phương tiện không kém ác nghiệt giết hại sinh mạng, tàn phá gia đình và doanh nghiệp.


Như Benoit XVI đã khẳng định : sự toàn cầu hóa đưa chúng ta đến gần nhau nhưng không làm chúng ta trở thành anh em [1]  Vã chăng những hoàn cảnh chênh lệch, đói nghèo và bất công biểu lộ không những sự thiếu sót trầm trọng tình huynh đệ mà cũng biểu lộ sự vắng bóng một nền văn hóa liên đới. Những ý thức hệ ngày nay có đặc điểm là đều nhiếm chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ vật chất đã làm suy giảm mối liên hệ xã hội, vì nó nuôi dưỡng thứ tâm trạng «phế thải», dẫn đến sự khinh dễ và bỏ rơi những người yếu kém, những người được xem là «vô dụng». Như thế, sự kiện con người sống với nhau càng ngày càng giống với một «do ut des» thực dụng và ích kỷ.


Đồng thời, chúng ta thấy rõ là nền luân lý hiện đại cũng trở thành bất lực trong việc tạo ra các liên hệ đích thực của tình huynh đệ vì rằng một tình huynh đệ nếu không có liên hệ đến người Cha chung như là nền móng tối hậu thì không tài nào tồn tại được [2]. Một tình huynh đệ đích thực giữa người với người giả thiết và đòi hỏi một tình phụ tử siêu việt. Sự thừa nhận tình phụ tử nầy là khởi điểm để  củng cố tình huynh đệ giữa người với người, nghĩa là đưa đến thái độ làm cho mình trở thành «người thân cận» để chăm lo cho người khác.

«Em của anh đâu?» (Gn 4,9)
2.         Để hiểu rõ hơn khuynh hướng đưa con người đến tình huynh đệ, để nhận dạng một cách thích đáng hơn những chướng ngại ngăn cản chúng ta trong việc thể hiện khuynh hướng nầy và khám phá ra con đường để vượt thắng chướng ngại đó, điều cần thiết là phải nhận sự hướng dẫn của ý định của Thiên Chúa như đã được diễn tả một cách tuyệt vời trong Thánh Kinh.

Theo chuyện kể về nguyên thủy thì tất cả mọi người đều do một cha mẹ sinh ra, do Adam và Eva, một đôi lứa được Chúa dựng nên theo hình ảnh và giống Người (cf Gn 1,26). Hai người sinh ra Caïn và Abel. Trong biến cố gia đình đầu tiên, chúng ta đọc thấy sự hình thành của xã hội, sự tiến triển của sự giao thiệp giữa người và giữa các dân tộc.
Abel là mục tử, Caïn là nông dân. Căn cước thâm sâu và cũng là thiên chức của họ chính là thiên chức làm anh em, và cũng gồm cả sự dị biệt trong sinh hoạt và văn hóa, về phong cách liên hệ với Chúa cũng như với tạo vật. Nhưng việc Abel bị Caïn giết chết chứng tỏ một cách bi đát sự dứt khoát từ khước thiên chức làm anh em. Câu chuyện của họ (cf. Gn 4, 1-16) chứng tỏ một cách rõ ràng việc mọi người sống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau như được mời gọi là chuyện rất khó.. Caïn không chấp nhận việc Thiên Chúa thương Abel hơn vì đã dâng cho Ngài con vật tốt nhất đàn [«Chúa vui nhận Abel và của lễ anh dâng, nhưng không vui nhận Caïn và của lễ của ảnh»] đã giết chết Abel vì ghen tương. Thế là anh đã từ khước việc xem mình là anh, có một liên hệ tích cực vói em mình, từ khước sống trước mặt Thiên Chúa bằng việc nhận trách nhiệm của mình là chăm sóc và bảo trợ người khác. Khi Chúa kêu Caïn và hỏi «Em của anh đâu?» là có ý đòi anh ta phải trả lời về việc anh đã làm, và anh ta trả lời : «Tôi không biết . Phải chăng tôi là đứa giữ em?» (Gn 4,9). Rồi Sách Sáng Thế ký nói ; «Caïn rút lui ra khỏi sự hiện diện của Chúa» (Gn 4, 16).
Phải tìm hiểu lý do sâu xa đã thúc đẩy Caïn phủ nhận mối liên hệ anh em cũng như liên hệ hỗ tương và hiệp thông ràng buộc anh ta với Abel. Chính Thiên Chúa đã tố cáo và khiển trách Caïn đã tiếp cận với cái ác : « Tội lỗi phải chăng đã ở trước cửa nhà anh?» (Gn 4,7). Dù sao Caïn đã không chống lại cái ác và quyết định «xông vào giết em là Abel » khinh thường dụ định của Thiên Chúa. Anh cũng vi phạm thiên chức nguyên thủy là sống như con của Chúa và sống tình anh em.
Câu chuyện Caïn và Abel cho ta thấy nhân loại được phú bẩm thiên chức anh em, nhưng cũng có khả năng là tái diễn cái thảm kịch phản bội lại thiên chức đó. Chứng cớ là lòng ích kỷ thường ngày đã là nguồn gốc cho bao nhiêu chiến tranh và bao điều bất công, Nhiều người nam và nữ đã chết dưới bàn tay của những người anh những người chị đã từ khước mình là anh là chị, nghĩa là như những hữu thể được tác tạo để thi hành sự tương trợ, sự cảm thông và hiến tặng.

«Và chúng con tất cả đều là anh em» (Mt 23,8)
3.         Một câu hỏi tự phát được đặt ra: Những người nam cũng như nữ trên thế giới phải chăng sẽ không bao giờ hoàn toàn đáp ứng được nỗi thèm khát tình huynh đệ mà họ đã được người Cha là Thiên chúa phú bẩm?  Liệu họ có thể tự sức mình chiến thắng được sự vô cảm, lòng ích kỷ và thù hận để chấp nhận những khác biệt thường tình, đặc tính của các anh chị em?
Bằng cách phiên giải lời Chúa, chúng ta có thể đúc kết như sau câu trả lời Chúa dành cho chúng ta: Bởi vì chỉ có một Cha la Thiên Chúa nên chúng ta tất cả đều là anh em (cf. Mt 23, 8-9). Nguồn gốc của tình huynh đệ nằm trong tình phụ tử của Chúa. Đây không phải là thứ tình cha con có tính cách chung chung, không đặc thù và vô hiệu xét vè quan điểm lịch sử, nhưng chính là tình yêu có bản vị, xác định và cụ thể một cách lạ lùng của Thiên Chúa dành cho mỗi một con người (cf Mt 6, 25-30). Như thế đây là tình phụ tử đã hoàn thành việc nảy sinh ra tình huynh đệ vỉ rằng tình yêu Thiên Chúa, khi được đón nhận, sẽ trở thành một chất xúc tác lạ lùng hết sức để hoán cải hiện hữu và những liên hệ với tha nhân, mở lòng con người để thực thi tinh liên đới và sự chia sẻ năng động.
Một cách đặc biệt, tình huynh đệ con người được phục hồi trong và bởi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Thánh giá là «môi trường» tối hậu của nền tảng tình huynh đệ mà con người tự mình nó không thể phục hồi được. Chúa Kito đã đảm nhiệm thân phận con người để cứu chuộc loài người, bằng cách yêu chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá (cf Ph 2,8). Sự sống lại của Chúa đã tái lập chúng ta như một nhân loại mới, hoàn toàn hiệp thông với thánh Ý Thiên Chúa, với chương trình Thiên Chúa trong đó có sự thể hiện trọn vẹn thiên chức huynh đệ của con người.

Chúa Giêsu đã làm lại từ đầu chương trình Chúa Cha bằng việc thừa nhận Ngài là đầu tất cả mọi sự. Nhưng Chúa Kitô, trong khi  chấp nhận cái chết vì tình yêu Cha đã trở thành nguyên lý mới và tối hậu cho tất cả chúng ta được mời gọi trở thành trong Ngài những người anh em vì đều là con cùng một Cha. Người chính là Giao ước, là trung tâm cho việc hòa giải giữa con người và Thiên Chúa, và giữa anh em với nhau. Trong cái chết trên thập giá của Chúa cùng hàm chứa sự thắng vượt cái ngăn cách giữa các dân tộc, giữa dân của Giao ước và các dân ngoại đã không có hy vọng vì cho đến lúc đó họ vẫn còn xa lạ với những cam kết của Giao ước..Như chúng ta đọc trong Thư Thánh Phaolo gửi giáo hội Ephésiens, chính nơi Ngài, đức Kitô đã hòa giải tất cả mọi người. Ngài là Hòa bình vì từ hai dân tộc, Ngài đã làm thành một, phá hủy bức tường ngăn cách đôi bên, đó là sự thù hận. Ngài đã tạo dựng trong  Ngài chỉ một dân tộc duy nhất, chỉ một con người mới, chỉ một nhân loại mới (cf 2, 14-16).
Người nào chấp nhận sự sống chúa Kitô và sống trong Ngài sẽ thừa nhận Chúa là Cha và phó thác tất cả thân mình cho Ngài, yêu mến ngài hơn tát cả mọi sự. Con người đã được hoán cải sẽ xem Chúa là Cha của mọi người và vì thế được cổ võ mở rộng tình huynh đệ cho tất cả mọi người. Trong Chúa Kitô, tha nhân được đón nhận và yêu thương như là con của Chúa, như anh chị em, không phải như người xa lạ, càng không phải như đối thủ hay kẻ thù. Trong gia đình Thiên Chúa, tất cả đều là con cùng một Cha. Và vì được ghép thân vào với Chúa Kitô, làm con trong Chúa Con, nên không còn những « kiếp sống phế thải ». Tất cả được hưởng một phẩm giá đồng đều và bất khả xâm phạm. Tất cả đều được Chúa thương yêu, tất cả đều được cứu chuộc bởi Chúa đã đổ máu, chết và sống lại cho từng người một. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể dững dưng vô cảm trước số mệnh của các anh em.

Tình huynh đệ là nền tảng và là con đường đưa tới hòa bình
4.         Sau những trình bày trên đây, chúng ta dễ hiểu rằng tình huynh đệ là nền tảng và con đường đưa tới hòa bình. Những tông thư về xã hội của các đấng tiền nhiệm của tôi đã mang lại nhiều đóng góp quí báu trong chiều hướng đó. Chúng ta chí cần đọc lại những định nghĩa  chữ hòa bình trong tông thư Populorum Progressio của Phaolô VI hay Sollicitudo Rei Socialis của Gioan Phaolo II. Tông thư đầu cho chúng ta biết rằng sự phát triển toàn diện của mọi dân tộc là danh từ mới của chữ hòa bình [3]. Trong tông thư thứ hai, hòa bình là opus solidaritatis [4].
Phaolo VI đã khẳng định rằng không những con người mà các dân tộc phải gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ. Và ngài giải thích. «Chính trong sự hiểu biết và tình hữu nghị nầy, trong sự hiệp thông thiêng liêng nầy, chúng ta phải […].cộng tác để kiến tạo một tương lai chung cho nhân loại [5]. Trách nhiệm nầy trước hết là của những người được ưu đãi hơn hết. Nhiệm vụ của họ được bắt rễ trong tinh huynh đệ tự nhiên và siêu nhiên và đươc thể hiện dưới ba hình thức :: nhiệm vụ liên đới đòi hỏi các nước giàu mạnh phải viện trợ cho các nước kém phát triển ; nhiệm vụ công bằng xã hội đòi hỏi phải xem xét lại những bất cập trong việc giao tế giữa nước mạnh và nước yếu để đưa ra những điều khoản hợp lý hơn ; trách nhiệm bác ái toàn diện bao gồm việc cổ võ một thế giới nhân bản hơn cho tất cả mọi người, một thế giới trong đó chúng ta có cái gì để cho và để nhận. Tuy nhiên sự tiến triển đó không là chướng ngại vật cho sự phát triển của người khác [6].

Như thế, nếu chúng ta xem hòa bịnh như là opus solidaritatis thì chúng ta không thể cùng một lúc nghĩ rằng tình huynh đệ không phải là căn bản cốt yếu của hòa bình. Gioan Phaolo II cho rằng hòa bình là một thiện hảo không xé lẻ được. Hoặc là tốt cho tất cả mọi người hoặc không tốt cho một ai cả. Hòa bình chỉ có thể được thể hiện và được thụ hưởng như là một phẩm chất tốt nhất của cuộc sống và như là một sự phát triển hợp nhân cách và lâu dài, nếu hòa bình đó đem lại cho mọi người một «quyết tâm sắt đá và bền bỉ để dấn thân cho quyền lợi chung của mọi người» [7]. Cái đó ngầm chỉ không được để mình bị lôi cuốn bởi «lòng tham lợi lộc»«ham hố chức quyền». Phải sẵn sàng để «mình chịu thua kém» cho người khác được nhờ, thay vì bóc lột họ, và để phục vụ họ thay vì áp bức họ để kiếm lợi riêng mình […]. «Tha nhân,» dù là cá thể, đân tộc hay quốc gia [không đươc xem] như là một dụng cụ rẻ tiền nào đó cho chúng ta khai thác khả năng lao động và sức chịu đựng thể lý để rồi một khi không cần dùng nữa thì vứt ra, trái lại phải xem họ như là «đồng loại» của ta, như là một «hỗ trợ» cho ta.[8]

Tình liên đới công giáo giả thiết rằng tha nhân phải được yêu thương không những như «một con người có đủ quyền và có sự bình đẳng căn bản như các người khác mà còn như là hình ảnh sống động của Chúa Cha, đã được cứu chuộc bởi máu thánh Chúa Kitô và là đối tượng của hoạt động linh hoạt của Chúa Thánh Thần »[9], như một người anh em khác. Như vậy, theo Gioan Phaolo II, ý thức về tình phụ tử chung của Chúa, về tình huynh đệ của tất cả mọi người trong chúa Kitô, «con trong Chúa Con», về sự hiện diễn và hành động linh hoạt của chúa Thánh thần làm cho quan niệm về vũ trụ của chúng ta như có một tiêu chuẩn mới để giải thích ”.[10] để biến cải.



Tình huynh đệ, bước đầu để thắng nghèo đói
5.         Trong Caritas in veritate, vị tiền nhiệm của tôi đã nhắc nhở thế giói rằng sự vắng bóng tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa con người đã là nguyên nhân sâu xa đưa đến cảnh nghèo đói [11]. Trong nhiều xã hội chúng ta kinh nghiệm có sự nghèo nàn trầm trọng trong việc giao tế vì họ không có một mối liên hệ bền vững trong gia đình và trong cộng đồng. Chúng ta lo lắng khi chứng kiến càng ngày càng nhiều những thứ đột quị, những cảnh sống ngoài lề xã hôi, sống cô độc và nhiều hình thái khác nhau của sự nghiện ngập bệnh hoạn. Những cảnh nghèo đó chỉ có thể giải thoát được nhờ sự khám phá và thăng tiến những liên hệ anh em trong bối cảnh gia đình và cộng đồng nhờ việc chia sẽ cho nhau những niềm vui, những nỗi đau, những khó khăn, những thành đạt trong suốt cuộc đời con người.
Vã chăng, nếu một đàng chúng ta thấy có sự giảm thiểu đói nghèo tuyệt đối thì dàng khác, chúng ta không thể không thừa nhận có sự tăng trưởng đáng lo ngại của sự đói nghèo tương đối, nghĩa là có sự chênh lệch giữa những cá nhân hay những nhóm người cùng sống trong một địa phương hay trong cùng một bối cảnh lịch sử văn hóa như nhau. Theo như thế, cũng cần có những chính sách hữu hiệu nhằm cổ võ nguyên tắc tình huynh đệ nhằm bảo đảm cho con người – vốn bình đẳng về nhân phẩm và trong các quyền căn bản – được tiếp cận với «nguồn vốn» với  những dịch vụ, với các phương tiện giáo dục, sức khỏe, kỷ thuật, để mỗi người có cơ hội phát huy tài năng của mình cũng như thực hiện những dự tính cho cuộc đời mình vá có thể tự phát triển trọn vẹn như một nhân vị.
Cũng cần thiết phải có những chính sách nhằm làm giảm thiểu sự bất công quá đáng trong việc phân chia lợi nhuận .Chúng ta không được quên giáo huấn của Giáo hội về cái gọi là thế chấp xã hội, theo đó, như thánh Thomas d’Aquin nói, «con người được phép hay hơn thế nữa, cần phải có quyền sở hữu của cải»[12], còn về việc sử dụng «không bao giờ được xem những gì mình sở hữu như chỉ thuộc về mình, nhưng cũng phải xem đó là của chung theo nghĩa là nó không chỉ làm lợi cho mình mà cho cả kẻ khác nữa».[13].
Sau hết còn có một phương cách cuối cùng để cổ võ tình huynh đệ [và cũng để chiến thắng nghèo đói] nó phải được coi là căn bản của những phương thế khác, đó là lòng siêu thoát của những kẻ lựa chọn một nếp sống đạm bạc dựa trên những gì thiết yếu, của những kẻ sau khi đã phân phát hết của cải của mình, đã thành công trong việc thử nghiệm một đời sống  hiệp thông huynh đệ với những người khác. Đó là triệt để đi theo Chúa Giêsu Kito và trở thành người công giáo đích thực. Đó là trường hợp không những của những người tận hiến, khấn đức nghèo khó, mà cũng là trường hợp của nhiều gia đình và nhiều cá nhân có tinh thần trách nhiệm. Họ thâm tín rằng chính cái liên hệ trong tình anh em với người thân cận mới là thứ của cải quí hơn hết.

Sự khám phá ra tình huynh đệ trong kinh tế
6,         Những khủng hoảng trầm trọng về tài chánh và kinh tế hiện đại [có thể tìm thấy nguyên nhân, một phần là vì con người xa dần với Thiên Chúa và người « thân cận », say mê tìm kiếm của cải vật chất, và, phần khác là vì sự nghéo nàn của mối liên lạc giữa cá nhân cũng như cộng đồng] đã thôi thúc nhiều người đi tìm sự thỏa thích, tìm hạnh phúc và sự ổn định trong sự tiêu thụ và trong lợi nhuận, bất chấp mọi qui luật, nguyên tắc của một nền kinh tế lành mạnh. Năm 1979 Gioan Phaolo II đã tố cáo sự hiện diễn của «một nguy cơ có thực và cảm nhận được, đó là :«trong khi sự thống trị của con người trên thế giới vật chất tiến triển cách khủng khiếp, con người có nguy cơ đánh mất sợi dây dẫn đạo của sự thống trị đó, nguy cơ thấy nhân bản của mình bị lệ thuộc vào thế giới đó bàng nhiều cách thế khác nhau để rồi đến lượt con người cũng trở thành một đồ vật cho người khác sủ dụng đủ cách – mà nhiều khi mình không biết – qua các tổ chức đời sống cộng đồng, qua các hệ thống sản xuất, bởi áp lực của các phương tiện truyền thông xã hội».[14].
Sự kiện các khủng hoảng liên tiếp xảy ra làm cho chúng ta phải có những suy nghĩ mới mẻ thích đáng về những mô hình phát triển kinh tế và về sự thay đổi lối sống thường ngày. Cái khủng hoảng hôm nay với cái di sản nặng nề cho đời sống con người có thể trở thành một dịp tốt để phục hồi  những đức tính khôn ngoan, điều độ, công bình và quả cảm. Nó có thể giúp vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và khám phá lại những sợi dây huynh đệ ràng buộc người nầy với người khác trong tâm tình tin tưởng sâu xa mà con người cần có, và có khả năng làm một cái gì vượt quá cái tổng hợp tối đa những lợi lộc riêng của từng người. Những đức tính đó là cần thiết, trước hết là cho sự kiến tạo và bảo toàn một xã hội hợp với tầm vóc của phẩm giá con người.

Tình huynh đệ dập tắt lửa chiến tranh  

7.         Trong năm vừa qua, nhiều anh chị em của chúng ta phải tiếp tục sống kinh nghiệm thê thảm của chiến tranh, một vết thương trầm trọng đánh vào tình huynh đệ.
Biết bao cuộc chiến vẫn tiếp tục trong sự hờ hững của mọi người. Với nhứng người đang sống trên những mảnh đất nơi mà khí giới đang gieo rắc kinh hoàng và đổ nát, tôi xin anh em tin rằng cá nhân tôi và Giáo hội luôn ở bên cạnh các anh chị em. Giáo hội có sứ mệnh đem tình thương Chúa  cho những nạn nhân vô tội của những cuộc chiến bị bỏ quên bằng những lời cầu hòa bình, bằng việc chăm sóc người bị thương tật, người đói khát, người dời cư, người di tản và tất cả những người sống trong sợ hãi, Giáo hội cũng lên tiếng để thấu đến tai những người có trách nhiệm tiếng kêu đau thươmg của nhân loại đau khổ và để làm chấm dứt, cùng với chiến tranh, mọi lạm dụng mọi vi phạm những quyền căn bản của con người[15].
Vì thế, tôi muốn gửi một lời kêu gào mạnh mẽ đến tất cả những ai đang dùng khí giới gieo rắc tàn bạo và chết chóc, xin các anh hãy nhận diện người em của các anh trong con người mà hôm nay các anh chỉ xem như là một địch thủ phải tru diệt, và hãy dừng tay lại ! Hãy từ khước giải pháp quân sự và đi đến với họ bằng sự đối thoại, sự tha thứ và giải hòa để tái tạo lại nền công lý, lòng tin cậy, và niệm hy vọng xung quanh các anh ! «Theo nhãn quan đó, chúng ta thấy rõ rằng trong đời sống các dân tộc, những tranh chấp võ trang luôn luôn là sự cố tình phủ nhận bất kỳ thỏa thuận quốc tê nào bằng cách gây ra những chia rẽ trầm trọng và những vết thương sâu rộng phải có nhiêu năm mới hàn gắn lại được. Các cuộc chiến tranh là sự từ khước cụ thể việc dấn thân để đạt tới những tiêu chuẩn lớn lao về kinh tế và xã hội mà cộng đồng quốc tế nêu ra»[16].
Tuy nhiên, bao lâu một số lượng vũ khí lớn lao còn lưu hành như hiện nay thì người ta sẽ còn luôn luôn tạo ra được những cái cớ để khai chiến. Vì lẽ đó tôi mượn lời kêu gọi của các vị tiền nhiệm nhằm ủng hộ chiến dịch không phát tán khí giới và giải giới toàn bộ, bắt đầu bằng việc loại trừ khí giới nguyên tử và khí giới hóa học.
Nhưng chúng ta không thể không nhận thấy rằng những công ước quốc tế cũng như luật lệ quốc gia, mặc dầu cần thiết và rất đáng cổ võ, nhưng cả hai giải pháp đó đều không đủ để bảo toàn nhân loại khỏi cái họa xung đột võ trang. Một hoán cải tâm hồn là điều cần thiết, nó làm cho mỗi người nhận ra tha nhân là một người anh em phải đùm bọc, phải cùng hoạt động để kiến tạo một đời sống sung mãn cho tất cả. Đó là tinh thần làm sống dậy nhiều sáng kiến của xã hội nhân sự,  kể cả các tổ chức tôn giáo ủng hộ hòa bình. Tôi ước vọng những dấn thân hằng ngày của mọi người tiếp tục đem lại kết quả  và đi đến việc áp dụng hiệu nghiệm, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, quyền sống hòa bình như là một quyền căn bản của con người, điều kiện tiên quyết cần thiết để thi hành tất cả những quyền khác.
Sự tham nhũng và tội ác có tổ chức ngăn cản tình huynh đệ

8.         Viễn tượng tình huynh đệ chiếu soi sự tăng trưởng viên mãn của tất cả con người nam cũng như nữ.  Những hoài bảo chính đáng của một con người, nhất là người trẻ, không được bị tước đoạt hay bị chấn thương. Hy vọng có thể thực hiện những hoài bảo đó không được bị đánh cắp. Tuy nhiên hoài bảo, tham vọng ở đây không được nhầm lẫn với sự  tham lam biển thủ. Trái lại, cần phải có sự tranh đua trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau (cf Rm 12,10). Cũng thế, trong những tranh chấp, một khía cạnh không tránh khỏi của cuộc sống, chúng ta phải luôn luôn nhớ mình là anh em và vì thế phải giáo dục, tự giáo dục để không xem người kia như một kẻ thù hay một địch thủ phải loại bỏ.
Tình anh em đẻ ra hòa bình xã hội vì nó tạo nên một thế quân bình giữa  tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và sự liên đới đoàn thể, giữa ích lợi cá nhân và lợi ích công cọng. Một cộng đoàn chính trị vì thế phải hoạt động một cách trong sáng và có trách nhiệm để tạo thuận lợi cho việc thực hiện lý tưởng đó. Người dân phải cảm thấy mình được đại diện bởi chính quyền trong việc tôn trọng tự do của mình. Ngược lại, thường xảy ra việc giữa người dân và tổ chức công quyền lại còn có thế lực đảng phái xen vào làm cho mối quan hệ nói trên trớ thành sai lệch và tạo nên một bầu khí đối kháng triền miên.
Một tinh thần huynh đệ chính cống sẽ chiến thắng lòng ích kỷ cá nhân ngăn cản người ta sống với nhau một cách tự do và hài hòa. Tính ích kỷ đó phát triển trên bình diện xã hội hoặc dưới những hình thức biển thủ hối lộ đang lan tràn khắp nơi, hoặc trong việc thành lập nhiều tổ chức tội ác [từ những nhóm nhỏ cho đến những tổ chức qui mô bao quát]  Những tổ chức tội ác đó đánh thẳng vào trung tâm của nhân phẩm con người bằng cách hủy hoại tận gốc luật lệ và công lý. Những tổ chức nầy xúc phạm mạnh đến Thiên Chúa, tác hại người anh em và phản lại sự tạo dựng. Càng tồi tệ hơn nũa khi các tổ chức đó lại có sắc thái tôn giáo.
Tôi nghĩ đển thảm kịch khốc hại ma túy.người ta lợi dụng nó để làm giàu bất chấp mọi luật lệ luân lý hay dân sự. Tôi nghĩ đến việc tàn phá tài nguyên thiên nhiên, đến những ô nhiễm hiện hành, đến thảm họa bóc lột nhân công. Tôi nghĩ đến việc buôn lậu tiền tệ cũng như những đầu cơ tài chánh nhiều khi có tính cách cướp giât và làm phương hại cho tất cả những hệ thống kinh tế hay xã hội, đưa hàng triệu người, nam và nữ đến cảnh nghèo đói. Tôi nghĩ đến nạn mãi dâm mỗi ngày đánh ngã gục không biết bao nhiều là nạn nhân vô tội, nhất là những người trẻ, đánh cắp mất tương lai của họ. Tôi nghĩ đến chuyện buôn người quái gỡ, đến những tội  ác lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, đến nạn nô lệ còn gieo rắc khiếp khủng trên nhiều nơi trên thế giới, đến thảm kịch những người di tản bị làm ngơ, để mặc họ làm mồi cho những tính toán làm tiền bỉ ổi ngoài vòng pháp luật. Gioan XXIII đã viết về vấn đề nầy như sau : «Một xã hội chỉ xây dựng trên tương quan về sức mạnh là một xã hội không có gì là nhân bản: nó nhất thiết sẽ đàn áp sự tự do của con người thay vì hỗ trợ và cổ võ để phát triển và kiện toàn tự do đó»[17]. Nhưng con người có thể hối cải và không bao giờ được thất vọng về chuyện có thể cải thiện đời sống. Tôi muốn sứ điệp nầy là một sứ điệp về lòng Tin tưởng cho tất cả mọi người, cả cho những người đã phạm những tội ác ghê gớm bởi vì Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn cho họ hoán cải và muốn cho họ sống (cf. Ez 18, 23).
Trong bối cảnh rộng lớn của xã hội con người, nói đến chuyện phạm pháp và hình phạt, chúng ta cũng nghĩ đến những điều kiện vô nhân đạo của bao nhiêu là nhà tù, trong đó tù nhân thường bị giáng xuống trạng thái «dưới người», nhân phẩm của họ bị xúc phạm, tiếng nói bị bóp chẹt làm mất hết ý chí cải thiện. Giáo hội đã có nhiêu đóng góp trong những lãnh vực đó và thường hoạt động trong âm thầm. Tôi thúc đẩyvà khuyến khích phải luôn làm nhiều hơn nữa với hy vọng rằng những hoạt động như thế được đảm nhiệm bởi biết bao người nam nữ can trường sẽ được nâng đỡ bởi những quyền bính dân sự một cách ngay thẳng và chính đáng.

Tình huynh đệ góp phần vào việc bảo tồn và vun trồng tạo vật.
9..        Gia đình nhân loại đã nhận chung một món quà của Thiên Chúa, đó là thế giới tự nhiên. Quan niệm công giáo về sự tạo dựng hàm chứa một đánh giá tích cực vế sự hợp pháp của những khai thác tạo vật để tìm lợi ích, với điều kiện là phải hành động một cách có trách nhiệm, nghĩa là phải tôn trọng «văn phạm » ghi khắc trong đó và sử dụng cách khôn ngoan những tiềm lực của nó để mưu ích cho tất cả mọi người, tôn trọng cái thẩm mỹ, cái cứu cánh và cái hữu dụng của mỗi sinh vật và chức năng của nó trong hệ thống sinh thái. Nói tắt rằng, tạo vật là để chúng ta sử dụng, và chúng ta có bổ phận điều hành một cách có trách nhiệm.Trái lại, chúng ta thường để điều khiển bởi lòng tham vọng, bởi tính kiêu căng hiếu thắng, bởi thích chiếm hữu, táy máy, vụ lợi; chúng ta không gìn giữ tạo vật, chúng ta không xem đó là một ân huệ được cho không mà chúng ta phải gìn giữ và để cho anh em mình sử dụng, kể cả những thế hệ tương lai.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp là ngành sản xuất đầu tiên có trọng trách sinh tử phải trồng trọt và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên để nuôi nhân loại. Về điểm nầy, sự tồn tại dai dẵng đáng xấu hổ của nạn đói trong thế giới thúc đẩy tôi chia sẻ với các bạn câu hỏi sau đây : Chúng ta phải dùng nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách nào? Ngày nay các xã hội phải suy nghĩ về bậc thang các ưu tiên trong việc lựa chọn sản xuất. Thật vậy, là một nhiệm vụ bức thiết việc quyết định dùng những tài nguyên của trái đất bằng cách nào để tất cả nhân loại được giải thoát khỏi cảnh đói khổ.  Có rất nhiều sáng kiến và giải pháp khả thi và không dừng lại ở việc tăng thêm sản xuất. Ai cũng thừa biết mức sản xuất hiện nay đã khá đủ,: tuy thế vẫn cò hàng triệu người đau khổ và chết vì đói và đó thật là một xi-căng-đan. Như vậy điều cần thiết là phải tìm ra phương cách để tất cả có thể thụ hưởng những sản phẩm của trái đất, không những để tránh làm chênh lệch hơn cái khoảng cách giữa những người có nhiều hơn và những người chỉ được nhặt những mảnh vụn, nhưng cũng vì và nhất là vì sự đòi hỏi của công lý, của công bình và của lòng tôn trọng đối với bản thể con người. Hiểu như thế, tôi muốn nhắc nhở tất cả mọi người là tài sản thiên nhiên nhất thiết phải dành chung cho tất cả mọi người, đó là một trong những nguyên lý chỉ đạo của giáo lý xã hội của Giáo hội công giáo. Tôn trọng nguyên lý trên là điều kiện chính yếu để mọi người có thể tiếp nhận một cách hữu hiệu và cân xứng những tài nguyên mà họ có nhu cầu và có quyền sử dụng.

Kết luận

10        Tình huynh đệ cần được khám phá, yêu chuộng, thử nghiệm, loan truyền và làm chứng tá. Tuy nhiên chỉ có tình yêu Chúa ban mới làm cho chúng ta có thể tiếp đón và sống trọn vẹn tình huynh đệ. 


Chính trị và kinh tế cần thiết phải dựa trên thực tế;,nhưng cái thực tế đó không thể giảm thiểu thành một thứ kỷ thuật không lý tưởng, bỏ quên chiều hướng siêu nhiên của con người. Khi thiếu sự mở lòng  đón nhận Thiên Chúa, thì mỗi sinh hoạt của con người trở thành nghèo nàn hơn, và con người bị liệt xuống hàng đồ vật để người ta lợi dụng. Chỉ khi nào con người chấp nhận đi vào cảnh giới rộng lớn nhờ mở cửa đón Đấng thương yêu mỗi người nam cũng như nữ, thì khi đó chính trị và kinh tế sẽ mới thành công trong việc chỉnh đốn cơ cấu trên nền tảng  bác ái huynh đệ đích thực và có thể trở thành một dụng cụ hữu hiệu cho sự phát triển toàn diện nhân loại và cho nền hòa bình.
Chúng tôi, những người công giáo, chúng tôi tin rằng trong Giáo hội chúng tôi tất cả đều là cơ thể, ngưới nầy là cơ thể của người khác, tất cả đều cần lẫn nhau vì mỗi người trong chúng tôi đều nhận được một ân huệ tùy thuộc vào hồng ân của Chúa để mang lại lợi ích chung cho cộng đồng (cf Ep 4, 7 . 1Co 12,7). Chúa Kitô đã đến trong thế gian để mang lại cho chúng ta hồng ân Chúa, nghĩa là cho thông hiệp với sự sống Chúa. Điều nầy hàm chứa việc móc nối những quan hệ anh em, tìm trao đổi, tha thứ, hoàn toàn xả kỷ  bắt chước tình yêu cao cả và sâu xa Chúa dành cho nhân loại khi Ngài cho Con mình chịu đóng đinh trên thập giá, chết và sống lại kéo theo tất cả về với Ngài : «Thầy cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Như thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau. Cái làm cho tất cả mọi người biết anh em là môn đệ thầy chính là tình thương yêu anh em dành cho nhau.» (Jn 13, 34-35).
Tin mừng này đòi hỏi mỗi người phải tiến thêm một bước nữa, phải không ngừng tập luyện để tìm sự đồng cảm, biết lắng nghe cái đau khổ và nguyện vọng của người khác, kể cả của những người xa mình, dấn thân trên con đường quả cảm của thứ tình yêu biết hiến thân và chịu khổ thân không vị lợi mà để làm ích cho mọi anh chị em khác.
Chúa Kitô yêu thương đùm bọc mọi người và không muốn một ai đị lạc mất «Thiên Chúa sai Con mình đến thế gian không phải để kết án thế gian nhưng để, nhờ Người mà thế gian được cứu rỗi» (Jn 3, 17). Người đã cứu độ mà không áp chế, không cưỡng bách một ai phải mở cữa tâm tình và lý trí của mình để đón ngài. Chúa nói: «Người lớn nhất trong anh em hãy nên như người nhỏ nhất, và người làm chủ hãy nên như người phục vụ»;«phần thầy, thầy sống giữa anh em như một người phục vụ» (Lc 22, 26.27)
Như thế, tất cả mọi sinh hoạt phải được mang dấu ấn của ý nghĩa phục vụ con người, dặc biệt những người xa xôi nhất, những người vô danh tiểu tốt nhất. Phục vụ là linh hồn của tinh huynh đệ xây dựng hòa bình.
Xin mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu và sống mỗi ngày tình anh em xuất phát từ trái tim Con của Mẹ ngõ hầu đem lại hòa bình cho mọi người sống trên quả đất thân yêu nầy của chúng ta

Làm tại Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2013
Đức giáo hoàng Phaxicô

Vinh Mỹ chuyển ngữ

 [1] Xem Thông Điệp Caritas in veritate (29 tháng 6 năm 2009), 19: AAS 101 (2009), 654-655.
[2] Xem ĐTC Phanxicô, Thông Điệp Lumen fidei (29 tháng 6 2013), 54: AAS 105 (2013), 591-592.
[3] Xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp Populorum progressio (26 tháng 3 năm 1967), 87: AAS 59 (1967), 299.
[4] Xem ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo rei socialis (30 tháng 12 năm 1987), 39: AAS 80 (1988), 566-568.
[5] Thông Điệp Populorum progressio (26 tháng 3 năm 1967), 43: AAS 59 (1967), 278-279).
[6] Xem ibid., 44: AAS 59 (1967), 279.
[7] Thông Điệp Sollicitudo rei socialis (30 tháng 12 năm 1987), 38: AAS 80 (1988), 566.
[8] Ibid., 38-39: AAS 80 (1988), 566-567.
[9] Ibid., 40: AAS 80 (1988), 569.
[10] Ibid.
[11] Xem Thông Điệp Caritas in veritate (29 tháng 5 năm 2009), 19: AAS 101 (2009), 654-655.
[12] Summa Theologiae II-II, q. 66, art. 2.
[13] Conc. Ecum. Vat. II, Cost. past. sulla Chiesa nel mondo contemporaneo Gaudium et spes, 69. Cfr Leone XIII, Lett. enc. Rerum novarum (15 maggio 1891), 19: ASS 23 (1890-1891), 651; Giovanni Paolo II, Lett. enc. Sollicitudo rei socialis (30 dicembre 1987), 42: AAS 80 (1988), 573-574; Pontificio Consiglio della Giustizia e della Pace, Compendio della Dottrina sociale della Chiesa, n. 178.
[14] Thông Điệp Redemptor hominis (4 tháng 3 năm 1979), 16: AAS 61 (1979), 290.
[15] Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, Tóm lược Giáo Thuyết xã Hội Công Giáo, số 159.
[16] ĐTC Phanxicô, Thử gửi Tổng thống Putin, 4 tháng 9 năm 2013: L’Osservatore Romano, 6 tháng 9 năm 2013, trang 1.
[17] Thông Điệp Pacem in terris (11 tháng 4 năm 1963), 17: AAS 55 (1963), 265.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét