LTCGVN (25.12.2013)
BA QUẢ
TÁO LỄ GIÁNG SINH
Một bạn giáo lý viên mới mua điện thoại Iphone, đến khoe và hỏi tôi:
tại sao quả táo trên Iphone bị khuyết mất một góc ? Tôi lên Google tìm câu trả lời và thú vị biết thêm mấy quả táo đặc
biệt nữa.
Trong lịch sử nhân loại có ba quả táo nổi tiếng liên quan đến đời
sống con người. Đó là quả táo của bà Evà trong trình thuật sách Sáng Thế, quả táo
của Newton trong định luật vạn vật hấp dẫn và quả táo của hãng Apple qua ứng
dụng ipad iphone không ngừng cải tiến.
1. Quả táo Newton
Isaac Newton (
1642
– 1727
) là nhà
vật lý, toán học nước Anh, người được thế giới tôn là "người sáng lập ra
vật lý học cổ điển".
Ông
đã khám phá ra "Nguyên lý vạn vật hấp dẫn".
Đây là
nguyên lý cơ sở cho những phát minh vật lý học, cơ học, thiên văn học trong
nhiều thế kỷ.
Vào
một ngày mùa thu, Newton ngồi trên chiếc ghế trong vườn hoa đọc sách, bỗng
nhiên một quả táo từ cây rơi xuống "bịch" một tiếng trúng đầu Newton.
Ông xoa đầu, nhìn quả táo chín lăn xuống vũng bùn. Quả táo đã cho ông một gợi ý
làm ông nghĩ miên man. Quả táo chín rồi, tại sao lại rơi xuống đất ? Tại vì gió
thổi chăng ? Không phải, khoảng không rộng mênh mông, tại sao lại phải rơi
xuống mà không bay lên trời chứ ? Như vậy trái đất có cái gì hút nó sao ? Mọi
vật trên trái đất đều có sức nặng, hòn đá đã ném đi rốt cuộc lại rơi xuống đất,
trọng lượng của mọi vật có phải là kết quả của lực hút trái đất không ?
Sau này Newton nêu ra:
mọi vật trên trái đất đều chịu sức hút của trái đất, mặt trăng cũng chịu sức
hút của trái đất, đồng thời trái đất cũng chịu sức hút của mặt trăng; trái đất
chịu sức hút của mặt trời, mặt trời đồng thời cũng chịu sức hút của trái đất.
Nói một
cách khác là vạn vật trong vũ trụ đều có lực hấp dẫn lẫn nhau.
Vì có
loại lực hấp dẫn này mà mặt trăng mới quay quanh trái đất, trái đất mới quay
quanh mặt trời.
Chuyện quả táo rơi
xuống đất chứng tỏ trái đất có lực hút quả táo, đương nhiên quả táo cũng có lực
hút của trái đất, nhưng lực hút của trái đất đối với quả táo lớn nên quả táo
rơi xuống đất. Nếu ta coi mặt trăng là một quả táo khổng lồ,
như vậy trái đất cũng có lực hút nó, vậy tại sao nó không rơi xuống mặt đất
? Vì mặt
trăng là một quả táo lớn, sức hút của trái đất đối với nó không đủ để làm nó
rơi xuống đất, chỉ có thể làm nó quay quanh trái đất mà thôi.
Đối với
mặt trời thì trái đất cũng là một quả táo khổng lồ, nó quay quanh mặt trời.
Vào buổi tối khi nhìn
lên bầu trời thấy vô vàn những vì sao đang nhấp nháy, giữa chúng đều có lực hút
lẫn nhau. Đây chính là định luật "Vạn vật hấp
dẫn" nổi tiếng của Newton.
2.
Quả táo Steve Jobs
Apple Inc là tập đoàn công nghệ máy tính của Hoa Kỳ.
Theo số
liệu khảo sát đầu năm 2013 của IDC, Apple đã trở thành hãng điện thoại lớn thứ
nhất thế giới, đứng trước Nokia và Samsung. Hàng của Apple nổi tiếng là đẹp, vừa
toát lên vẻ hiện đại, kỹ nghệ cao, vừa tiện dụng. Logo đầu tiên của hãng
do Steve and Wayne thiết kế năm 1976 vẽ hình nhà vật lý Isaac Newton ngồi dưới
gốc cây táo và có dòng chữ Apple Computer Co quấn quanh.
Sau đó,
logo đã được thay đổi bởi nhà thiết kế Rob Janoff với một quả táo màu cầu vồng
( vì nó có nhiều màu sắc ) và bị cắn một bên
phải được cho là để kỷ niệm sự kiện khám phá lực hút trái đất và sự tán sắc ánh
sáng của Isaac Newton.
Qua vài năm, logo Apple
xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau và đến giờ thì chỉ sử dụng màu trắng hoặc
màu crôm bạc. Theo quan niệm của người phương Tây thì táo tượng trưng cho sức
mạnh, sự khám phá và cái đẹp cao quý. Còn về chi tiết quả táo bị cắn mất một
miếng phía bên phải cũng có một cách lý giải khác là xuất phát từ một quả táo
nguyên vẹn, nhưng Steve Jobs cho là Apple chưa thực sự hoàn hảo, và ông luôn
muốn đi tìm kiếm sự hoàn hảo, coi như là một thông điệp để nhắc nhở các nhân
viên phải luôn sáng tạo.
3. Quả táo Eva
Sách Sáng Thế kể
về công trình sáng tạo tốt đẹp, vũ trụ chào đời, mùa xuân về theo gió, nắng phủ
cho rừng lá xanh, muôn hoa xinh tươi vẫy gọi. Thiên Chúa chúc lành trao quyền
làm chủ muôn loài cho Nguyên Tổ với một điều kiện duy nhất là phải tuân phục: “Mọi cây trong vườn ngươi đều được ăn. Nhưng
cây ‘sự biết tốt xấu’ ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất
ngươi phải chết” ( St 2, 16 – 17 ).
Ađam, Evà phơi
phới trong hạnh phúc mùa xuân địa đàng. Thế rồi một hôm, Evà đi dạo một mình
trong vườn Eđen, ngang qua cây biết lành biết dữ. Không may gặp phải Satan
quyến rũ. Lời Satan đường mật: Evà, Evà ơi, cô có muốn giữ mãi nhan sắc tuyệt
vời này không ? hay cô có muốn bằng Đức Chúa Trời không ? Evà phản kháng: không
dám đâu, không dám đâu, đừng dụ dỗ tôi, Thiên Chúa đã dặn kỹ lắm rồi. Sau một
hồi đôi co lý sự, con rắn ngọt ngào: “Chẳng
chết chóc gì đâu, Thiên Chúa biết ngày nào người hái quả táo ấy mà ăn mắt các
ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu” ( St 3,
4 – 5 ). Người thiếu nữ thấy giấc mơ đẹp như màu hồng của quả táo “nhìn thì đã thấy sướng mắt” ( St 3, 6 ).
Nàng đã hái. Nàng đã ăn. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được
thông minh như Thiên Chúa.
Còn Ađam thì
sao ? Một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tiếng lương tâm và lời nài nỉ của
người yêu: ăn đi anh, ăn đi, đây là cơ hội ngàn vàng, cơ hội chúng ta bằng Đức
Chúa Trời đó anh; Ađam đừng ăn, nếu ăn sẽ vi phạm luật Chúa truyền, đừng, xin
đừng… “Và ông đã ăn” ( St 3, 6 ). Lời
Thánh Kinh ngắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược đến sa ngã của Ađam trước
cám dỗ quá ư dịu ngọt. Thôi rồi, xong hết cả rồi, còn đâu địa đàng, còn đâu ân
nghĩa Thiên Chúa dành cho ngươi, Ađam ơi !
Nguyên Tổ cắn
vào quả táo, “mắt họ liền mở ra và họ thấy
mình trần truồng nên kết lá vả che thân” ( St 3, 7 ). Kể từ đó Địa
Đàng đóng ngõ cài then. Xuân Địa Đàng đã thành mùa đông ảm đạm cho trần thế. Kinh
Thánh viết về một nổi đớn đau làm sao: “Những
gai cùng góc nó sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ lả ngoài đồng nội. Mồ hôi
đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại với bụi đất” ( St 3,
18 – 19 ).
4. Giáng sinh đất trời giao duyên
Trong ba quả táo đó thì quả táo của bà Evà có tầm vóc và mức độ
ảnh hưởng sâu rộng hơn cả, không chỉ ghi dấu trên một thế hệ mà còn “gây hậu
quả nghiêm trọng” đến sự tồn vong của cả nhân loại gọi là “Tội Tổ Tông”.
Nhưng cũng từ ngày quả táo Eva
nhiễm nộc độc Satan, nhân loại lại được nghe vang lên lời hứa của Thiên Chúa:
một người thuộc dòng giống người nữ sẽ đến giải cứu “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng
giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn
vào gót nó" ( St 3, 15
). Một người trong dòng giống người nữ,
đó là Đấng Cứu Thế ( Gl 4, 4 ). Người nữ ấy chính là Đức Maria ( Lc 1, 30 – 33 ). Thiên Chúa không bỏ rơi con người dưới quyền lực
sự dữ. Người hứa sẽ thực hiện cứu độ con người và nhân loại. Niềm tin đó đi liền với niềm hy vọng. Nên từ đó, lời
kinh cầu luôn vang vọng qua các thế hệ: “Trời
cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội. Trời cao hãy đỏ sương xuống và ngàn mây hãy mưa
đấng cứu đời”.
Thiên Chúa đã
nghe tiếng vọng cầu kinh. Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để
cứu rỗi nhân loại. Con Thiên Chúa vào đời nối lại tình người với tình thánh,
làm nhịp cầu liên kết con người với Thiên Chúa và nối kết con người với nhau. Bởi
vậy, Mầu nhiệm Nhập Thể chính là Mầu nhiệm Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương nhân
loại nên đã ban chính Con Một của mình đến trần gian làm người để cứu nhân loại
khỏi tội lỗi, để đem ơn bình an cho con người. Thánh Luca ghi lại dấu chỉ để
nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa, đó là “một
Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Trong
đêm Đấng
Cứu Thế Giáng Sinh, Sứ Thần loan báo cho các mục
đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng
cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua
Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa" (
Lc 2, 11 ). Khung cảnh thật đơn sơ,
thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp
thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2, 12 ). Dấu chỉ quá bình thường, chẳng có gì đặc biệt.
Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa
xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo
hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân
thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.
Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được
trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ
là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của
người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong
nôi nhưng là trong máng cỏ.
Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và
đang sống trong nghèo khó.
Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi Hài
Nhi này sự viên mãn lời hứa của Ngôn
Sứ Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người
con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” ( Is 9, 5 ).
Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là
Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta.
Ngài không đến
với quyền lực và một bề ngoài sa hoa. Ngài đến như một hài nhi
cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của
Ngài. Vì
thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi chúng ta
ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác,
tư duy và ý chí của Ngài.
Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự
khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để
chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.
Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa
làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch
sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên. Em bé ấy không phải là một
nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh
cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã
làm người. Ngài
giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang
lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.
Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một
tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài
đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn
những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc
biệt. Một
niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch
sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm
cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính
mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên
Chúa.
Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ
và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên
trọng tâm sứ điệp của Đức Tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo
Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới.
Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ
cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy
thân phận con người để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập
giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.
Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại. Giáng Sinh là ngày hội lớn
duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng
lớp xã hội. Từ
núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng
bằng, vào thị tứ giàu sang… Qua đủ mọi hình thức: nhóm
vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn
vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn màu rực rỡ chốn đô hội văn minh
tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” ( Lc 2, 14 )
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu
độ. Thiên
Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp
cầu nối liền giữa con người với nhau.
Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại
bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Dấu chỉ của tình yêu nằm nơi sự đơn sơ của
tấm khăn bọc Hài Nhi, đó là sự chân tình không lừa lọc giả dối. Dấu chỉ của tình yêu ở nơi
sự nghèo hèn của máng cỏ, đó là sự phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa không cậy
dựa vào vật chất thế gian.
Nguyện
xin Chúa Giêsu Hài Đồng ban cho mỗi người chan chứa ân sủng và bình an của Tình
Yêu Thiên Chúa.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét