LTCGVN (17.12.2013) – Sài Gòn – “Đưa con ra khỏi thai bào,
Vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn” (Tv 22,10)
Trong truyền thống Icon, chi tiết nào tác giả muốn nhấn mạnh, tác giả sẽ diễn tả bằng cách trình bày to lên, không cân bằng tỷ lệ như chúng ta thường thấy trong các tác phẩm hiện thực ngày nay.
Trên bức linh ảnh, đôi bàn tay của Mẹ được diễn tả to lên một cách khác thường, chính đôi bàn tay ấy tạo nên một cảm giác chắc chắn, an toàn cho Chúa Giêsu. Bàn tay vững vàng, ôm gọn Chúa Giêsu vào vòng tay yêu thương của Mẹ. Chúng ta tìm thấy hình ảnh của chúng ta trong Chúa Giêsu, trong tình trạng bé bỏng yếu ớt. Mẹ là chốn ta nương tựa, Mẹ là chốn ta cậy trông trước phong ba bão táp cuộc đời, nơi Mẹ ta tìm được sự chở che an toàn, nơi Mẹ chúng ta được cứu khỏi sự sợ hãi, khỏi những đe dọa an nguy cho chúng ta, nhất là sự đe dọa đến sự sống đời đời của chúng ta.
Tác giả lại diễn tả các ngón tay của Mẹ duỗi ra chỉ về phía Chúa Giêsu, đặc biệt là các ngón tay của bàn tay phải, một đường thẳng từ các ngón tay của Mẹ, chỉ về Chúa Giêsu và thẳng hướng đến biểu tượng thập giá mà vị Thiên thần đang cầm trên tay. Mẹ như muốn nói với chúng ta rằng, ơn cứu độ là chính Chúa Giêsu, ơn cứu độ ấy phát sinh từ thập giá khổ hình, Đức Kitô đã “làm cho muôn người nên công chính bằng cách gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11; x.Rm 5,19) qua mầu nhiệm thập giá.
Đôi bàn tay của Mẹ là một lời mời gọi chúng ta đến với Mẹ, qua Mẹ chúng ta được giữ gìn, được gặp gỡ Đức Kitô con của Mẹ, được nên một với Ngài qua mầu nhiệm thập giá, và được cứu thoát trong Ngài. Mẹ thật là Mẹ Hằng Cứu Giúp để chúng con kêu cầu.
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét