Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

KHÔNG GÌ CÓ THỂ BIỆN MINH

LTCGVN (20.12.2013)

KHÔNG GÌ CÓ THỂ BIỆN MINH

Một người không thể lấy dục vọng, những cám dỗ của bản thân để biện minh cho hành vi tội ác của mình được. Và chúng ta cũng không thể cho phép sự từ bi đối với bọn tội phạm bởi nó sẽ làm suy yếu đi tính đúng đắn của pháp luật”.

Đó là lời phán quyết của vị thẩm phán trong một vụ án lừng danh vào năm 1883. Tội nhân Tom Dudley và Edwin Stephens, hai người bị kết án tử hình vì đã giết cậu thiếu niên Parker lúc ấy đang chờ chết vì kiệt sức trên một con thuyền trôi dạt giữa biển khơi, trong hoàn cảnh khắc nghiệt, không còn thực phẩm và nước uống để tự cứu sinh mạng mình.

Mặc dù, trong phiên tòa, hai người cúi đầu chấp nhận vì họ công nhận dù sao đó là tội ác ghê tởm, tuy rất nhiều luật sư, rất nhiều người tham dự cũng tỏ ra đồng cảm mong muốn giảm án cho hai bị cáo. Trong sự kiện này còn có một nhân vật thứ tư, thủy thủ Edmund Brooks. Anh này không đồng tình với hành vi giết cậu thiếu niên Parker, nhưng sau cùng, anh cũng sử dụng thi thể của Parker để sinh tồn. Và trong phiên tòa ấy, anh xuất hiện như là một nhân chứng mà không bị kết án.


Xem câu chuyện này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mới xảy ra tuần trước. Một chị bạn đồng nghiệp theo Đạo Phật đột nhiên hỏi tôi rằng: "Bên Công Giáo không cho nạo phá thai hả anh ?" Tôi trả lời ngay: "Đúng vậy, mà theo như tôi được biết, bên Phật Giáo của chị cũng vậy, không những thế, tất cả các tôn giáo mà tôi biết cũng không chấp nhận tội ác nạo phá thai".

Chị hỏi tại sao ? Tôi nhìn thẳng chị và trả lời chậm rãi. Vì đó là giết người, và giết một người vô phương tự vệ. Một lúc sau, chị kể lại việc tháng trước, chị đã dẫn một người em đi nạo phá thai, chỉ vì một lý do rất đơn giản: người em của chị đang mang thai đứa bé thứ ba.

Chị cũng thắc mắc, như vậy, chị có liên quan đến cái chết của thai nhi hay không ? Tôi thẳng thắn nói: Chị phạm tội đồng lõa giết người và nếu chị chỉ dẫn, tư vấn cho người em nữa thì không chỉ là đồng lõa mà là giết người rồi đó. Chị lặng thinh không nói gì nữa nhưng tôi thấy rõ, sóng gió đã nổi trong lòng chị từ khi chị tham gia vào tội ác và bây giờ chị đang cố tìm cách biện minh cho hành động ấy.

Hai câu chuyện có thực cách nhau 130 năm, với hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau chỉ có chung một điểm chung duy nhất, đó là hành vi giết một mạng người vô phương tự vệ.

Họ khác nhau vì, một bên, buộc phải giết để có cái mà ăn, mà sống trong một hoàn cảnh bất khả kháng, một bên thì phải giết chỉ vì đó là đứa bé thứ ba dư thừa, không cần thiết trong một hoàn cảnh chẳng có gì là đe dọa. Một bên có người chẳng đồng tình còn một bên có người lại hăng hái cổ vũ đồng tình. Một phiên tòa xét xử công khai và một phiên tòa chỉ có ở lương tâm mỗi người. Kẻ thủ ác ngày xưa cúi đầu nhận tội, còn kẻ thủ ác ngày nay xem hành vi ấy như một hành vi… từ thiện và nhân đạo vậy.

Có một điểm thật lạ là con người vẫn vỗ ngực xênh xang rằng, cuộc sống càng ngày càng văn minh. Nhưng 130 năm trước, con người đã có một phiên tòa xét xử kẻ tội phạm công khai, còn bây giờ lại khác hẳn, không những chẳng có phiên tòa nào mà con người còn khuyến khích, tưởng thưởng cho tội ác nữa, mà đặc biệt là tội ác nạo phá thai. Thật không hiểu nổi kiểu văn minh ấy thế nào.

Hôm nay, chúng ta đã có thể đặt ra hai câu hỏi: “Liệu trong hoàn cảnh ấy, chúng ta có thể hành xử như Dudley và Stephens không ?" hay “Trong một môi trường được pháp luật che chở như ngày nay, chúng ta có thể chấp nhận nạo phá thai hay không ?”

Thiển nghĩ, con người không thể lường hết những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Ví như, vừa giết xong cậu bé thì có thuyền đến cứu, hoặc ăn hết cậu bé xong, không có thuyền đến cứu, tất cả vẫn phải chết trên biển thì sao, có thể sẽ còn biết bao kịch bản khác có khả năng xảy ra trong cuộc sống. Chưa nói đến trách nhiệm của người lãnh đạo là bảo vệ các cộng sự của mình, đằng này, trong lúc nguy cấp lại dùng tính mạng của cộng sự để bảo tồn cho tính mạng của mình là hành vi không thể chấp nhận. Hoặc như trong tội ác nạo phá thai. Dư một con người, đó chỉ là ý chí chủ quan, sướng hay khổ, sống hay chết ngày mai còn chả biết, vậy tại sao lại đoạt mạng của các thai nhi một cách hàm hồ như vậy.

Do đó, người viết bài cho rằng, câu trả lời của vị thẩm phán ngày xưa vẫn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay: “Một người không thể lấy dục vọng, những cám dỗ của bản thân để biện minh cho tội ác của mình được". Cho dù có hay không những phiên tòa, thì kết cục “Kẻ gieo giống chi, sẽ gặt giống ấy, kẻ gieo xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát” ( Thư Thánh Phaolô ).

Chúa ơi, nếu được một lời nguyện cầu, con xin nguyện rằng: con người hãy biết noi gương Chúa, hy sinh mạng sống mình vì đồng loại, chứ đừng lấy mạng đồng loại để phục vụ cho bản tính ích kỷ của mình. Amen.



THAM KHẢO:

Năm 1883, trong chuyến công tác của mình, một thương nhân người Úc tên là Henry đã quyết định bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua Mignoette. Nhưng Sydney, nơi Henry sống lại cách nước Anh gần 15 ngàn dặm ( khoảng 24.000km ). Chính vì vậy, không ai dám vận chuyển con tàu nhỏ bé này tới nước Úc xa xôi.

Tưởng chừng đơn hàng của Henry sẽ bị hủy nhưng đúng vào thời điểm cuối, có một đoàn thủy thủ đứng ra nhận trách nhiệm vận chuyển con tàu. Đoàn thủy thủ bao gồm 4 người: Tom Dudley giữ chức vụ thuyền trưởng, thuyền phó – Edwin Stephens, thủy thủ Edmund Brooks và một cậu nhóc 17 tuổi Richard Parker là thuyền viên học việc.

Nhiều bạn bè, người thân đã can ngăn Richard trước chuyến đi dài ngày này, nhưng cậu nhóc đều bỏ ngoài tai và cho rằng, điều này sẽ đem đến cho cậu những trải nghiệm thú vị.

Chuyến tàu định mệnh


Nhận thấy con tàu sẽ chẳng mấy chốc sẽ chìm, ngay lập tức, thuyền trưởng Dudley ra lệnh cho ba người còn lại di chuyển lên con thuyền cứu hộ dài 4m và mang một phần thức ăn theo. Bốn người thả trôi số phận của mình trên chiếc thuyền cứu sinh không có nước ngọt và rất ít thức ăn. Thứ nhiều nhất có chăng chỉ là hai thùng nhỏ củ cải ướp muối.

Cơn sóng lớn đã khiến tàu Mignonette bị hư và cả 4 thuyền viên phải lênh đênh trên chiếc thuyền cứu sinh. Giữa biển khơi bao la có vô vàn mối nguy hiểm vẫn đang ngày đêm rình rập họ. Đêm đầu tiên, cả bốn người không thể ngủ được vì có một con cá mập liên tục tấn công vào thành thuyền cứu sinh. Cả bốn người phải rất vất vả để đánh đuổi con cá dữ tợn đi xa.

Để tiết kiệm hai thùng nhỏ củ cải, các thành viên trong tàu phải kiếm thêm thức ăn từ biển khơi. Họ may mắn bắt được một con rùa nhỏ và ăn sống nó, thậm chí, họ dùng cả máu của con rùa để chống lại cơn khát vì nếu uống nước biển nhiều sẽ càng gây mất nước cho cơ thể, dẫn đến tử vong. Thế nhưng, cậu nhóc Richard không dám uống máu con rùa mà lại sử dụng rất nhiều nước biển để giải khát.

Khó có thể chịu thêm được nữa, mọi người khui thùng củ cải để ăn và 8 ngày sau, họ chẳng còn gì để bỏ bụng. Ngày 13.7.1884, cả bốn người không còn thức ăn, không nước uống và phải dùng chính nước tiểu của mình để cầm cự.
Vài hôm sau, ngày 20 tháng 7, cậu bé Parker bỗng lên cơn sốt, nằm vật vã dưới cuối thuyền cứu hộ. Chính vì không nghe lời những thuyền viên khác, cậu đã bị kiệt sức do uống quá nhiều nước biển.

Ngày 23 tháng 7, khi lâm vào hoàn cảnh cực kỳ éo le, thuyền trưởng Dudley đã đưa ra một đề nghị, cả bốn người nên bốc thăm chọn ra một người hy sinh để tất cả được sống. Qua đó, người trúng thăm sẽ bị giết và lấy máu cùng thịt để giúp ba người còn lại cầm cự chờ thuyền cứu hộ tới. Thuyền viên Brooks từ chối, ông sợ hãi và lên án gay gắt ý kiến man rợ của Dudley.

Tối hôm đó, Dudley lại thì thầm với thuyền phó Stephens về chủ đề kia, ông cho rằng, tốt hơn là nên giết chết Richard Parker. Cậu nhóc nay đã quá yếu, giết chết cậu ta là một sự giải thoát chứ không phải là tội ác, quan trọng hơn cả ba người còn lại đều có gia đình trong khi Richard chỉ là một cậu nhóc còn lông bông.

Stephens đồng ý và sáng hôm sau, cả hai ra tay giết chết Richard bằng một con dao nhíp. Họ nhanh chóng cắt động mạch của Richard và không bao lâu, cậu đã trút hơi thở cuối cùng. Brooks khi thấy cảnh tượng trên không hề ra tay can ngăn mà chỉ ngồi nép một bên theo dõi.

Stephens, Dudley và cả Brooks sử dụng thi thể của Richard để tồn tại, cả bốn ngày sau, họ ăn thịt, uống máu cậu bé tội nghiệp để sống. Năm ngày sau cái chết của Parker, một con tàu Đức đã xuất hiện và đưa cả ba trở về lại nước Anh.

Phiên tòa tranh cãi

Vừa đặt chân lên bờ, cả ba người liền đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ chính quyền Anh. Stephens và Dudley bị cáo buộc tội giết người man rợ, Brooks được tuyên bố vô tội và đứng ra làm chứng chống lại hai thuyền viên kia.

Điều đáng chú ý là Dudley và Stephens không hề chối cãi về những việc mình làm, cả hai đều tự nhận việc giết và ăn thịt Richard là một tội ác đáng ghê rợn. Chính vì vậy, phần lớn dư luận khá cảm thông trước hành động của Stephens, Dudley và cho rằng, họ xứng đáng được hưởng mức án khoan hồng chứ không phải là tử hình như công tố viên đề xuất.

Thẩm phán của vụ án đã phán quyết mức án tử hình cho Dudley và Stephens. Trong phiên xét xử cuối cùng, bất chấp sự đồng tình giảm án của người dân cùng sự thành thật của hai bị cáo, thẩm phán tuyên bố: “Một người không thể lấy dục vọng, những cám dỗ của bản thân để biện minh cho hành vi tội ác của mình được. Và chúng ta cũng không thể cho phép sự từ bi đối với bọn tội phạm bởi nó sẽ làm suy yếu đi tính đúng đắn của pháp luật”.

Cuối cùng, Stephens và Dudley nhận mức án cao nhất là tử hình, họ cũng không được Nữ Hoàng Anh thời bấy giờ ra lệnh giảm án. Luật sư của cả hai dù rất cố gắng nhưng cũng đành bất lực, ông cho rằng, hoàn cảnh của hai thuyền viên là bất khả kháng và đặt ra một câu hỏi: “Nếu chúng ta ở trong trường hợp ấy liệu có hành động như Stephens và Dudley không ?”

Câu hỏi này nhanh chóng trở thành một chủ đề tranh cãi lớn cho nhiều người làm luật trên thế giới. Và tới nay, nó là một bài học thảo luận quen thuộc của các sinh viên trường Luật trên toàn cầu.

Lấy từ TRÍ THỨC TRẺ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét