Suy tư Giáng Sinh
Lễ Giáng Sinh có nhiều điều khiến phải “động
não”, xét mình, suy tư, chấn chỉnh, quyết tâm,... để chính tâm hồn trở thành
“hang đá” cho Đấng Cứu Thế giáng sinh – chứ không phải hang đá vật chất.
Giáng Sinh
cứ đến rồi đi như chiếc xe buýt chạy qua trên đường, tôi thấy kiểu nào và rút
được bài học gì không? Đây chỉ là suy tư riêng, xin được chia sẻ...
1. ĐƠN SƠ
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về tính Đơn Sơ – đơn sơ trong lời nói, cử chỉ, thái độ, hành
động, ánh mắt, nụ cười, tín thác, yêu mến,…
Chúa Giêsu
sinh ra là một trẻ thơ. Trẻ thơ luôn đơn sơ, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ,
không so đo, không tính toán. Như vậy, sống đơn sơ cũng là sống khiêm nhường: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ
nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3).
Chính Đức
Kitô cũng đã căn dặn và “mách nước” để sống giữa thế gian: “Hãy khôn như con rắn và đơn sơ
như chim bồ câu” (Mt 10:16). Còn Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu
chước mà lừa dối bà Eva thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư
hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô
như vậy” (2 Cr 11:3).
2. MAU MẮN
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về sự mau mắn – mau mắn trong mọi việc, tâm linh hoặc đời
thường.
Sự mau mắn
liên quan sự dứt khoát. Không dứt khoát thì không thể mau mắn, và không mau mắn
thì không thể dứt khoát. Thiên Chúa không thích thái độ lừng khừng, chần chừ,
lần lữa. Chính Ngài đã thẳng thắn và dứt khoát: “Ngươi hâm
hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16).
Tôi phải
bắt chước các mục đồng mau mắn đến với Chúa: “Nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho
ta biết” (Lc 2:15).
3. KHÓ NGHÈO
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về đức Khó Nghèo – khó nghèo trong lối sống, sinh hoạt, tiêu
xài, ý nghĩ,...
Mầu nhiệm
Mai Khôi thứ Năm của Mùa Vui: “Đức Mẹ
sinh Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn”. Khó khăn ở
đây là “sống đức khó nghèo” chứ không phải là “khó chịu”, “khó tính”, “khó
ưa”,... Can đảm chấp nhận cảnh sống khó khăn là một nhân đức, vì chính Chúa
Giêsu tự nguyện trở thành Đệ Nhất Hàn Vương – từ Belem tới Can-vê.
Theo Việt
ngữ, “nghèo khó” cũng như “khó nghèo”. Vâng, hãy sống “khó nghèo” thực sự chứ
đừng sống “KHÓ (mà) NGHÈO”, tức là chỉ nói suông, vẫn ung dung tự tại, “sống
chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Dụ ngôn Phú
hộ và La-da-rô nghèo khổ (Lc 16:19-31) cho thấy cái Phúc của sự khó nghèo, và
Chúa Giêsu cũng bảo người ta đãi tiệc thì mời những người nghèo (Lc 14:12-14).
Cố gắng đừng nao núng như lời kể của Thánh Phaolô: “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh
khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại” (2 Cr 8:2).
Một trong Tám Mối Phúc cũng nhắc đến đức khó nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3; Lc
6:20).
4. VÂNG PHỤC
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về đức Vâng Phục – vâng phục trong sự khiêm nhường và vui vẻ.
Thánh
Phaolô nói: “Trước kia anh em đã không
vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng
phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh
em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam
hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11:30-32).
Vâng lời
trọng hơn của lễ (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9). Thật vậy, Thiên Chúa luôn đề cao
đức vâng lời. Về việc con cái vâng lời cha mẹ, Thánh Phaolô nói: “Vâng phục cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa” (Cl
3:20). Thật vậy, dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn giữ trọn đạo làm
con đối với cha mẹ: “Người đi xuống cùng
với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51).
5. BẢO VỆ SỰ SỐNG
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về việc Bảo vệ Sự sống – bảo vệ thai nhi, giúp đỡ bệnh nhân,
người hoạn nạn,...
Tại nơi
hang chiên lừa ở Belem, Chúa Giêsu đã giáng sinh trong hình hài một trẻ thơ.
Trẻ thơ cũng là một con người với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Bảo
vệ sự sống là trách nhiệm của mọi người.
Sự sống là
Thiên Chúa, như chính Đức Kitô đã định nghĩa về Ngài: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6a). Rồi Ngài xác định: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6b).
6. CHIA SẺ
Lễ Giáng
Sinh nhắc nhở tôi về Đức Ái – mến Chúa và yêu người, thậm chí là yêu loài vật,
yêu thiên nhiên,... vì Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8).
Yêu thương
liên quan việc chia sẻ. Chia sẻ tinh thần hoặc vật chất. Chia sẻ là “trả nợ”.
Chia sẻ là yêu thương, tức là thực hành Luật Yêu của Thiên Chúa. Chia sẻ là yêu
người, yêu người là mến Chúa; không yêu người là không mến Chúa: “Nếu ai không yêu mến
Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22). Thánh Phaolô xác định: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ
tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8).
Dù là phàm nhân, cổ nhân cũng đã minh
định rạch ròi: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” – Lưới trời lồng
lộng, không ai thoát được!
7. TẠ ƠN
Tất cả là hồng ân, vì không có Chúa
thì tôi chẳng làm được trò trống gì, chỉ là vô tích sự: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Tạ ơn là bổn
phận và trách nhiệm của thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng tác sinh muôn loài hữu
hình và vô hình. Lễ Giáng Sinh là hồng ân cao cả, vì Con Chúa đến không chỉ để
đồng cam cộng khổ với tôi trong thân phận kiếp người, mà Ngài còn cho tôi “được
sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết can đảm sống theo gương Con Một Ngài.
Xin Chúa giúp con viết những gì con sống, và sống những gì con viết. Xin Chúa thương
soi sáng, gợi ý và hướng dẫn con mỗi khi con viết lách về bất cứ điều gì hoặc ở
dạng nào. Xin Chúa giúp con thành tâm chia sẻ chính Ngài với tha nhân, để làm
vinh danh Ngài chứ không vì danh giá riêng con. Nếu có gì lệch lạc, xin Ngài
dập tắt ngay từ khi manh nha. Xin Chúa cho bất kỳ ai gặp con thì cũng đều gặp
được Chúa. Và con cũng chỉ xin Ngài như bổn mạng của con là Thánh Thomas
Aquino: “Con chỉ muốn Chúa mà thôi”. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng
cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Giáng Sinh 2013
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét