CHÚA ĐÃ SINH RA
Ngày Lễ mừng Chúa Giáng Sinh đã gần kề, khắp
nơi trang hoàng hoa đèn rực rỡ, phố phường vui nhộn, các Nhà Thờ tưng bừng với
những lễ hội, những liên hoan mừng Lễ Giáng Sinh, các hội đoàn Công Giáo nhộn
nhịp với các chương trình sinh hoạt và vui chơi. Đó là hình ảnh ở các thành phố
lớn, nơi có nhiều phương tiện và tài chánh để thực hiện. Còn các vùng thôn quê
và vùng sâu vùng xa thì sao ?
Năm trước ( 2012 ), tôi lên vùng cao
nguyên phía Tây đất nước, chia sẻ mục vụ với anh em tôi vào dịp Giáng Sinh.
12g00 trưa 24 tháng 12, ba anh em Linh Mục chúng tôi có bữa cơm trưa với một
vài em dân tộc sống chung nhà, thực đơn là đĩa rau rừng luộc, chấm với nước mắm
từ một cái đầu con cá kho đi kho lại một tuần rồi. Nghỉ trưa xong, một em người
dân tôc đưa tôi lên đường lúc 16g00, bắt đầu hành trình dâng Lễ đêm cho 3 điểm,
rồi sẽ đi ngược trở lại dâng lễ sáng cũng ba điểm đó.
Ba điểm dâng Lễ, một điểm có ngôi
Nhà Nguyện nhỏ bằng tôn vách gỗ, một điểm là sân không có mái ở nhà một gia
đình có đạo, một điểm nữa ở giữa một khu đất trống trong làng, không điểm nào
có nhà vệ sinh, không điểm nào có tòa giải tội. Đứng ở gốc cây giải tội, rồi tế
nhị đi tìm gốc cây khác mà giải quyết chuyện vệ sinh ! Kể từ bữa cơm 12g00 ngày
24 tháng 12, sáng hôm sau trở về đến Trung Tâm lúc 9g00, bếp hoang lạnh vì các
anh em khác đi dâng Lễ ở các điểm xa hơn vẫn chưa về.
Chúng ta chỉ biết một vùng nhỏ, còn
những vùng khác thì sao ? Không khác tí nào, có khi còn nghèo hơn, khó khăn
hơn. Là người Kitô hữu chúng ta sẽ nghĩ gì trước sự chênh lệch lớn lao ấy,
chúng ta có yên ổn để lên tiếng quảng bá về một máng cỏ trong thơ văn, trong
nhạc kịch, trong ánh đèn muôn màu muôn sắc ? Ngày Lễ Giáng Sinh năm nay Đức
Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đi đâu, thăm ai, và dâng Lễ ở đâu ? Tuần Thánh vừa rồi
ngài vào trại giam thăm tù nhân trẻ, rửa chân cho tù nhân trẻ, thậm chí hôn
những bàn chân của họ một cách cung kính.
Vâng, ngay
trong Giáo Hội chúng ta không được phép để sự giàu nghèo phân cách chúng ta quá
đáng như vậy. Câu chuyện người giàu có và ông Ladarô nghèo khổ vẫn là một câu
chuyện nhắc nhớ chúng ta về một sự công bằng Chúa mong muốn. Giàu có không là
cái tội, tội ở chỗ sống giàu có mà quên người nghèo khó bên mình. Chúa là Đấng
nhân từ vô cùng nhưng Chúa cũng là Đấng công bằng tuyệt đối.
Sẽ là bài Thánh Ca tuyệt hảo, sẽ là
một bài giảng sâu sắc, sẽ là một máng cỏ ấm cúng, sẽ là một cộng đoàn Kitô hữu
đầy ánh sáng, sẽ là một chứng từ mặn muối dậy men khi chúng ta, kẻ đang sinh
sống ở những thành phố giàu có dư đầy phương tiện, tìm đến chia sẻ với những
nơi nghèo khổ, lạnh lẽo những ngày mùa đông rét mướt. Hãy bớt đi những bóng đèn
nhấp nháy giăng giăng đầy phố, để gởi đến những căn lều tối tăm tồi tàn một vài
ánh lửa đêm đông. Hãy bớt đi những đĩa đồ ăn thừa mứa, để gởi đến những mâm cơm
chỉ có ngô ( bắp ), muối với rau rừng. Tôi đã có dịp gặp các anh chị em “dân oan”
ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, mời anh em một bữa cơm có thịt, họ đã bị
khó chịu ngay sau đó vì không quen ăn thịt, mấy ngày sau họ chỉ xin ăn cơm với
muối vì đã quen như vậy, có cơm là quí rồi vì quanh năm họ chỉ có ngô ( bắp )
mà thôi.
Người ta đã biến ngày Lễ Giáng Sinh trở thành
ngày hội vui chơi của xã hội, người có Lòng Tin phải biết dừng lại để không bị
cuốn vào làn sóng tục hóa như vậy. Sự thánh thiêng của Màu Nhiệm Con Chúa làm
người bị loại mất, còn lại chỉ là sự sa hoa, hào nhoáng của thế gian. Máng cỏ
là máng cỏ thật chứ không phải là biệt thự giàu sang, Thiên Chúa làm Người thật
và làm Người trong cảnh khó nghèo, chia cái nghèo với nhân loại. Chúng ta phải
làm sao để thông truyền Tin Mừng một cách trung thực...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 20.12.2013
Theo EPHATA số 591
Theo EPHATA số 591
0 nhận xét:
Đăng nhận xét