Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA - Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT

LTCGVN (23.12.2013)

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA

Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít. Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Phải chăng Thánh Matthêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế ?
Thánh Mátthêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, ông có một dụng ý thần học. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận.
Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít. Qua trung gian của Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Nhờ đâu mà Thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế. Qua bài Phúc Âm Truyền Tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây.
1. Các ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa
 Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường. Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân Do Thái. Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước. Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria chỉ khiêm tốn thưa: “Này là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Khi bà Êlisabét ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn. Người nâng cao những người bé nhỏ”.
Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa. Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán. Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng. Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường. Càng khiêm nhường lại càng kín đáo.
Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là Thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối. Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền. Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, Thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi. Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế. Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình. Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
2. Các ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa
Các Ngài có chương trình cho đời sống. Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh. Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh. Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa “xin vâng” bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón. Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ.
Vì Chúa, các ngài đã từ bỏ ý riêng mình. Vì Chúa, các ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống. Thay đổi quyết liệt. Từ bỏ dứt khoát. Vâng lời mau mắn. Thái độ của các ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu. Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn. Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá.
Đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu. Giống nhau thì tìm đến nhau. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và Thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.
Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn. Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
Ngày càng có nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng Lễ Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Bạn sẽ chuẩn bị Lễ Giáng Sinh thế nào cho phù hợp với tinh thần của Chúa ? Sống khiêm nhường và vâng lời trong xã hội hôm nay có dễ không ? Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu tự nguyện xuống thế, làm một người, làm con trong một gia đình ?

Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT
Theo EPHATA số 591

0 nhận xét:

Đăng nhận xét