LTCGVN (27.12.2013)
Gương Sống
Đạo Giữa Đời:
Đức Thánh Cha
Phanxicô
Từ Người của Năm đến Nhân vật của Năm
Người của Năm trên Vanity Fair
Liên tiếp hai ngày 10 và
11/7/2013, các tờ báo lớn nhỏ khắp thế giới đăng tin Đức Thánh Cha Phanxicô được
tờ Vanity
Fair bình chọn là nhân vật của năm (2013). Dưới đây là hình bìa tờ Vanity
Fair, Tháng Bảy, ấn bản tiếng Ý mà các cơ quan truyền thông thế giới đều
đăng lên minh họa.
Các
cơ quan truyền thông lớn đều đưa tin về biến cố hi hữu này, như hãng FOX,
Hãng ABS-CBN ; Telegraph; Christian Post ; News Asia
.
Riêng Hãng thông tấn
Công giáo Zenit ghi nhận: “Tuần báo Vanity Fair đã dùng ấn bản tháng Bảy
(số 28, ngày 17 Tháng Bảy, 2013) để vinh danh Đức Thánh Cha Phanxicô.
Với bức ảnh nhan đề ‘Đức
Giáo hoàng Phanxicô dũng cảm’, tờ Vanity Fair gọi ĐTC là ‘Người của Năm’. Theo
tờ báo ấy, “100 ngày đầu tiên của ĐTC đã
đưa ngài vào danh sách những lãnh đạo thế giới làm nên lịch sử.”
Được biết, tờ Vanity
Fair là một tạp chí chuyên về văn hóa, nghệ thuật và thời trang được xuất
bản từ năm 1983, hiện có các ấn bản riêng tại Hoa Kỳ và tại 4 quốc gia châu Âu
(Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha) đều mang tính quốc tế .Tờ báo tiếp nối công trình
của tờ Vanity Fair xuất bản từ năm 1913 và đã ngưng phát hành hồi năm 1935. Ấn
bản 1983 được coi là sự hồi sinh của tờ báo quốc tế uy tín vào bậc nhất của thế
giới này.
Riêng thông
tín viên Stoyan Zaimov của tờ Christian Post nhận định: “Lòng khiêm nhượng của Đức Phanxicô thể hiện
rõ ràng kể từ ngày ngài được tuyển chọn. Mới nhất là việc ngài yêu cầu Nhà thờ Chánh Tòa Buenos Aires hãy dẹp đi
bức tượng tôn vinh ngài vừa dựng lên cách đây 10 hôm. Trước đó, hồi Tháng Sáu,
Đức Phanxicô cũng quyết định không xuất hiện tại một buổi hòa nhạc mà người ta
cố ý tổ chức để vinh danh ngài…”
Nhân vật của Năm trên TIME
Rồi chi 5 tháng sau,
ngày 11/12/2013, tạp chí TIME lừng danh thế giới lại bầu chọn Đức Thánh Cha
Phanxicô là Nhân vật của Năm. Trên báo Time, hai ký
giả Howard Chua-Eoan và Elizabeth Dias có bài viết nhan đề “Giáo Hoàng Phanxicô, Vị Giáo
Hoàng của Quần Chúng”.
Bài báo của Howard Chua-Eoan và Elizabeth Dias
giới thiệu
về Đức Thánh Cha Phanxicô như sau: “ngài lấy danh xưng của một vị thánh khiêm nhường
rồi sau đó đã kêu gọi thực hiện một giáo hội chữa lành. Vị giáo hoàng ngoài Âu
Châu trong thời khoảng 1200 năm này ở trong một tư thế sẵn sàng để biến đổi một
nơi chốn mà muốn đổi thay phải mất cả thế kỷ.” (Dựa
theo bản dịch của Cao Tấn Tỉnh)[1].
Những
khát vọng không dễ đáp ứng
Ngày
13/3/2013, khi mà Đức Hồng Y Joge Mario Bergoglio, TGM Buenos Aires nước Á Căn Đình,
Nam Mỹ, được bầu chọn kế thừa ngai tòa Thánh Phêrô, thì lời “xin cầu nguyện cho tôi” là lời xin đầu
tiên mà Đức tân Giáo Hoàng bày tỏ với mọi
người Công giáo khắp hoàn cầu. Hai ký giả
nêu tên trên nhận định: “Là Giáo Hoàng,
ngài đột nhiên nắm chủ quyền Quốc Đô Vatican và lãnh đạo một tổ chức rất bao rộng
- khoảng đủ tín đồ so với nhân dân Trung Hoa - thật là vững chắc về tổ chức, thật
là rối bời bởi tính cách quan liêu, thật là to lớn nơi hoạt động bác ái,
thật là nặng nề bởi các vụ bê bối gương mù gương xấu, thật là đối lập nơi
thành phần học hỏi các giáo huấn của nó, thật là mầu nhiệm đối với những ai
không học hỏi, đến độ cái khoảng cách giữa ngài và các tình trạng nghèo khổ bất
hạnh hằng ngày của giới nghèo trên thế giới dường như cuối cùng vẫn không thể
khỏa lấp. Cho đến khi Vị Giáo Hoàng thứ 266 với đôi giầy khó coi bước tới trả
tiền cho phòng ngủ trọ của mình.”
Từ đó, mọi người, mọi giới, từ thành phần có
tư tưởng bảo vệ truyền thống lâu đời trong phụng vụ đến một số nữ giới thời hiện
đại muốn đóng vai linh mục đều chờ đợi trong kỳ vọng.
Tuy
nhiên, như nhận định của hai nhà báo, “không
một vị Giáo Hoàng nào có thể tức khắc làm cho tất cả mọi người trong họ cảm thấy
hạnh phúc được hết.”
Theo Howard Chua-Eoan và
Elizabeth Dias, trước nội bộ một Giáo Hội đang có vấn đề, sự xuất hiện của vị
tân Giáo Hoàng là một dấu hiệu đầy khích lệ, dù rằng so với các vị tiền nhiệm,
ngài “không là giáo sư thần học”,
trái lại xuất thân từ “nhân viên canh gác hộp đêm, một nhân
viên về hóa học và là một thày giáo dạy văn chương”.
Những việc làm gây ấn tượng
Nhưng
cái làm cho vị Giáo Hoàng này trở nên rất quan trọng, theo cách giải thích của
hai tác, đó là “cái tốc độ ngài đã gây ấn
tượng nơi hàng triệu người đã mất hết niềm hy vọng đối với giáo hội. Dân chúng
mệt mỏi chán chường với việc phân tích bất tận về đạo lý về tính dục, cuộc đấu
đá đổ tội cho nhau về giới hạn về quyền lực trong khi đó luôn luôn xẩy ra
chuyện (như Milton
nói) ‘Con Chiên đói nhìn lên mà chúng không được cho ăn’. Chỉ
trong thời gian mấy tháng, Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng cấp sứ vụ chữa
lành của giáo hội - giáo hội là tôi tớ và là nguồn ủi an của con người đau
thương trong một thế giới thường thô lỗ, bên trên công việc làm cảnh sát canh
chừng về tín lý là những gì rất quan trọng đối với các vị tiền nhiệm mới
đây của ngài”.
Hai
tác giả bài báo tỏ ra tin tưởng hoàn toàn vào Vị Chủ Chăn: “Và ở đằng sau cái bề mặt lu mờ của mình, ngài là một thợ máy rất tài
tình. Ngài đã khéo sử dụng những dụng cụ của thế kỷ 21 để điều hành cái văn
phòng thời thế kỷ thứ nhất của mình.”
Các tác giả bài viết dẫn ra hàng loạt bằng chứng cụ
thể về sự thông cảm của ĐTC đối với kẻ tội lỗi hay bị coi là, sự hòa mình vào
người nghèo khổ, khốn cùng và tàn tật. Cụ thể:
-
Ngài được chụp hình đang rửa chân của những tù
nhân nữ giới, ngài ở trong tấm hình tự chụp với đám trẻ viếng
thăm Vatican, ngài ôm lấy một người dị diện.
-
Ngài được trích lời ngài nói với những người phụ
nữ tìm cách phá thai vì nghèo và bị hiếp: "Ai có thể không động
lòng trước những trường hợp đau thương như thế chứ?"
-
Về thành phần đồng tính: "Nếu một người đồng
tính có thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi không phải là người phán xét họ".
-
Thành phần ly
dị và tái hôn, thành phần mà theo luật không được Rước Lễ, ngài nói rằng
nghi thức chủ yếu này ‘không phải là phần thưởng cho thành phần trọn lành mà là
một phương dược mãnh liệt và là dưỡng thực cho kẻ yếu’.
Gánh nặng đè lên vai Cụ già: Cần cầu
nguyện
Thế nhưng, theo hai tác giả, “cái nghịch lý của vai trò giáo hoàng là ở chỗ mỗi cuộc thành công
của người mới đều bị đè nặng bởi những thành công lạ lùng của các vị Giáo Hoàng
trong quá khứ”. Bài báo dẫn giải: “Gánh
nặng lịch sử này, về tín lý và tín điều quyện lấy nhau một cách phức tạp từ thế
kỷ này sang thế kỷ khác, từ thiên tài này sang thiên tài kia, đều là nguồn mạch
và là giới hạn cho quyền lực giáo hoàng. Nó được tỏa chiếu ra từ mọi bức tượng,
mọi hầm mộ và mọi bản giấy da viết tay ở Rôma - cũng như ở các ngôi thánh đường,
các thư viện, các bệnh viện, các đại học đường và các bảo tàng viện trên khắp
thế giới”. Kết cuộc là, “một vị Giáo
Hoàng vạch định đường lối thực hiện của mình chỉ khi nào ngài có thể hòa hợp
với những đường lối đã được chọn.”
Thế nên, khi báo hiệu một cuộc đổi thay lớn, ĐTC không
quên kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ngài. Và bài báo dám quả quyết, “nếu lời cầu nguyện ấy được nhận lời thì một
cách nào đó, bằng tấm gương sống động của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể
đưa Giáo hội đến một mối liên hệ mới với thành phần chỉ trích và bất mãn của
giáo hội - trong khi đồng ý rằng có bất đồng về các vấn đề chia cách họ
nhưng lại hợp tác với sứ vụ khẩn trương trong việc lan tỏa tình
thương - ngài có thể tung ra được những gì tốt lành khôn lường.”
Người nghèo, kẻ bất hạnh: Vấn đề của
Lương tâm và Công lý
Cuối cùng, bài báo đề cập tới lời nhắc nhở của ĐTC
Phanxicô: "Tranh luận ít, hoàn thành
nhiều" có thể là một câu tâm niệm chữa lành cho thời đại của chúng ta,
một thời đại đầy ắp những vấn nạn cần giải quyết. “Đừng cãi vặt với nhau và sắn
tay áo lên. Đừng biến kẻ trọn lành thành kẻ thù của sự thiện” - một điều quan
trọng mà thế giới cần phải lắng nghe, “nhất là từ một con người nắm giữ vai trò
được coi như vô ngộ.”
Tờ báo cũng trích thuật
lời của Cha Antonio
Spadaro, vị chủ bút của nguyệt san Dòng Tên Civiltà Cattolica, trong một cuộc
phỏng vấn được phổ biến vào cuối Tháng 9, rằng ĐTC Phanxicô đang thấy "giáo hội như là một bệnh viên lưu động
sau trận chiến". Rồi vị linh mục tiếp tục nhận định: “Nhãn quan của ngài là một thứ nhãn quan về
một giáo hội mục vụ chứ không phải là một giáo hội tín lý, và nhãn quan này sẽ
xoay năng lực của Tòa Thánh từ việc đòi hỏi được tôn kính cách xa mà hướng tới
thừa tác vị cho người nghèo và gắn bó với người nghèo, cho và với thành phần
tan nát tâm can và thành phần lẻ loi cô độc.”
Đối với ĐTC
Phanxicô, “nghèo không phải chỉ liên
quan đến đức bác ái, nó còn liên quan đến công lý nữa. Giáo
Hội theo chiều kích bao rộng không được phản ảnh Rôma mà phải phản ảnh người
nghèo,” hai tác giả bài báo ân cần nhắc nhở như vậy.
Chỉ lên ngôi Giáo Hoàng mới hơn 9 tháng, Đức Thánh
Cha Phanxicô bằng lời nói, cử chỉ và việc làm dẫn đưa Giáo Hội vào một cuộc đại
canh tân thật sự, canh tân cả nếp sống, cả não trạng lẫn cách hành xử với nhau.
Từ Giáo Hội, hay ít ra từ các giới chức thẩm quyền trong Hội Thánh, đã có một
cái nhìn khác và đang có những chuyển động trong thái độ đối xử với những thành
phần thấp kém, thành phần bên lề xã hội, thành phần bị ruồng rẫy, bị khinh chê,
miệt thị vì nghèo hèn hay vì bị dị dạng, bị mặc cảm tội lỗi.
Chúa Thánh Thần
Tuy rằng với ĐTC Phanxicô, danh hiệu “Nhân vật của
Năm” không quan trọng, chức danh ấy không làm cho ngài tự mãn về mình, nhưng việc
làm của tạp chí Time chỉ thực hiện vài ngày trước sinh nhật thứ 77 của ĐTC
(17/12/201), việc làm ấy có ý nghĩa như một món quà mừng sinh nhật dâng tặng ngài.
Phần chúng ta không có món quà nào khác hơn là cùng nhau cầu nguyện cho ngài như
ngài hằng kêu gọi chúng ta.
Tin tưởng rằng, qua hình ảnh con chim bồ câu trắng đậu
trên đầu ngón tay ĐTC trong mấy ngày đầu ngài xuất hiện trước toàn Dân Chúa sau
khi lên ngai kế vị Thánh Phêrô, Chúa Thánh Thần mãi mãi ngự trên ĐTC Phanxicô và
trên Giáo Hội, đem đến cho nhân loại bao điều kỳ diệu.
[1]
Những trích dẫn sau của 2 tác giả này đều từ bảndịch của Cao Tấn Tỉnh.
Lê Thiên & Lê Tinh Thông
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét