LTCGVN (09.12.2013)
Vô nhiễm là gì?
Một số học thuyết của Giáo hội Công
giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Nhiều người, kể cả nhiều
người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác
động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria. Sự kiện đó được mừng
kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).
Vô nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ
không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh
Anna. Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ
Mẹ Vô nhiễm).
LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong
cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latin dạy
rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên”.
Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô nhiễm Nguyên
tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 ĐGH Piô IX mới tuyên bố đó là tín
điều.
ĐGH Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả
ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng
tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của
Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân
loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì
thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng”.
LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng
phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà
không một thụ tạo nào có được”.
Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội
Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô
nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị
truyền qua Đức Kitô. Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm
Nguyên tội. Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô
hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu
của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.
Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không
là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn
Cứu Độ. Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria,
vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý
Chúa.
Lịch sử
Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ
xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh
nhật Đức Mẹ. Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh
Anna.
Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ
không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay,
dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng. Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế
kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học. Cả Giáo hội Đông
phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những
cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.
Đối với giáo lý về Nguyên tội, một
số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ
không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho
việc thụ thai thành “vô nhiễm”). Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh
Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội –
ít nhất là Nguyên tội.
Để trả lời cách phản đối của thánh
Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó
là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu
của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô. Nói cách khác, Đức
Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ
thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.
Phát triển lễ ở Tây phương
Sau khi chân phước John Duns Scotus
phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này
vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna (tức là Sinh nhật Đức Mẹ). Tuy
nhiên, ngày 28-1-1476, ĐGH Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương,
và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm
Nguyên tội. Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi
sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét