Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Phòng CLHB: Đến bao giờ nhà cầm quyền huyện Đức Huệ mới trả đất mượn lại cho dân?


Sài Gòn – “Năm 1989, UBND huyện Đức Huệ chủ trương qui hoạch khu vực đất thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Đức Huệ để trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Hiệp Hòa. Thời điểm qui hoạch, hiện trạng là đất đưng, bàng hoang, không có bờ thửa, dân địa phương chủ yếu tự bao chiếm để thu hoạch đưng, bàng hoang. Sau khi qui hoạch, UBND huyện Đức Huệ lập thủ tục đề nghị UBND tỉnh Long An cho Công ty Cổ Phần Đường Hiệp Hòa thuê sản xuất ổn định đến nay.
Năm 2008 – 2009, 19 hộ dân địa phương đã khiếu nại xin lại đất trong khu vực qui hoạch nêu trên.
Năm 2009, UBND huyện Đức Huệ đã có văn bản trả lời khiếu nại của các hộ dân, với nội dung: “Đất Nhà nước mượn của các hộ vào năm 1989, nhưng các hộ không cung cấp được giấy tờ chứng cứ chứng minh việc đã cho Nhà nước mượn, chỉ có xác nhận lại của một số cán bộ xã đã nghỉ hưu và dân trong khu vực”.”
Một mặt, nhà cầm quyền đã xác nhận mình có mượn đất của dân, mặt khác lại bắt dân phải đưa ra bằng chứng pháp lý, mà lúc đó chính nhà cầm quyền đã không làm. Phải chăng cách hành xử này là chính sách chung?
VRNs xin giới thiệu để quý độc giả được tường sự việc này qua văn thư của Văn phòng CL&HB thay mặt dân gởi khiếu nại đến huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

————–

Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại của các hộ dân ấp Mỹ Lợi, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

 

Kính gửi: – UBND xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An
- UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An
- UBND tỉnh Long An

Văn phòng Công Lý – Hoà Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP.HCM) có nhận được hồ sơ của các hộ dân trình bày về việc “cho mượn đất mà nay chiếm luôn”, lại còn bị xử lý bất công. Căn cứ trên hồ sơ và trình bày của các hộ dân, chúng tôi có ý kiến như sau:

I. Tóm tắt vụ việc:
1. Theo UBND huyện Đức Huệ và tỉnh Long An:
- Năm 1989, UBND huyện Đức Huệ chủ trương qui hoạch khu vực đất thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Đức Huệ để trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Hiệp Hòa. Thời điểm qui hoạch, hiện trạng là đất đưng, bàng hoang, không có bờ thửa, dân địa phương chủ yếu tự bao chiếm để thu hoạch đưng, bàng hoang. Sau khi qui hoạch, UBND huyện Đức Huệ lập thủ tục đề nghị UBND tỉnh Long An cho Công ty Cổ Phần Đường Hiệp Hòa thuê sản xuất ổn định đến nay.
Năm 2008 – 2009, 19 hộ dân địa phương đã khiếu nại xin lại đất trong khu vực qui hoạch nêu trên.
Năm 2009, UBND huyện Đức Huệ đã có văn bản trả lời khiếu nại của các hộ dân, với nội dung: “Đất Nhà nước mượn của các hộ vào năm 1989, nhưng các hộ không cung cấp được giấy tờ chứng cứ chứng minh việc đã cho Nhà nước mượn, chỉ có xác nhận lại của một số cán bộ xã đã nghỉ hưu và dân trong khu vực”.
- Từ cơ sở trên, UBND tỉnh Long An căn cứ Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai, Khoản 1 Điều 116 Luật đất đai, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP để có ý kiến:
Việc khiếu nại xin lại đất của 19 hộ dân trong khu vực qui hoạch cho Công ty Cổ phần Đường Hiệp Hòa thuê từ năm 1989 là không có căn cứ qui định của pháp luật để được xem xét giải quyết.
Việc UBND tỉnh Long An không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, chỉ ban hành công văn trả lời cho các hộ dân là đúng qui định tại Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003 và Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.
2. Trong khi đó, những hộ dân cung cấp chứng cứ là các xác nhận của các cán bộ (Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch, Hội trưởng Hội Phụ nữ, cán bộ lão thành cách mạng…) xác nhận Nhà nước có mượn đất của dân… với thời gian mượn là 15 năm. Nay hết thời hạn, dân đòi trả lại đất.

II. Ý kiến của Văn phòng Công Lý – Hòa Bình:
1. UBND huyện Đức Huệ và tỉnh Long An căn cứ qui định pháp luật sai, dẫn đến thiệt hại quyền lợi chính đáng các hộ dân:
- Việc UBND áp dụng các qui định tại Luật đất đai năm 2003 và Nghị định ban hành năm 2004 để xử lý các trường hợp xảy ra vào năm 1989 là không phù hợp qui định Khoản 1 Điều 83 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật. Theo đó: Văn bản qui phạm pháp luật chỉ được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Và hành vi xảy ra tại thời điểm nào thì phải áp dụng văn bản đang có hiệu lực thời điểm đó.
Thử hỏi, nếu người dân cũng căn cứ vào văn bản của UBND tỉnh Long An xác nhận “thời điểm qui hoạch,… dân địa phương chủ yếu tự bao chiếm để thu hoạch đưng, bàng hoang…” tức đất đang có người sử dụng, để chất vấn căn cứ Điều 21 Luật đất đai 1993 và Điều 32 Luật đất đai 2003: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có vì sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có Quyết định thu hồi đất đó” và yêu cầu UBND tỉnh trưng ra Quyết định thu hồi đất thì trả lời sao?
Hoặc nếu người dân cũng áp dụng qui định tại Khoản 2 Điều 2 Luật đất đai 1993 để yêu cầu cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì lẽ họ là người sử dụng đất (dù là tự chiếm) và đã được các lãnh đạo UBND xã xác nhận thì UBND tỉnh trả lời làm sao?
- Việc UBND tỉnh Long An căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo qui định của nhà nước…” để có ý kiến: “không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại” là không phù hợp. Vì lẽ, như đã được trích nguyên văn kể trên, các qui định này không hề có nội dung cho phép UBND tỉnh không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại.
Trái lại, Điều 74 Hiến pháp, Điều 1 Luật khiếu nại, tố cáo và Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại; Khoản 1 Điều 138 Luật đất đai khẳng định quyền khiếu nại của công dân và nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước. Và việc giải quyết khiếu nại phải tuân theo trình tự, thủ tục qui định tại pháp luật về giải quyết khiếu nại, trong đó có ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại, không có qui định nào cho phép ra Công văn thay thế Quyết định giải quyết khiếu nại.

2. UBND tự mâu thuẫn gây thiệt hại quyền lợi các hộ dân:
UBND thừa nhận: “Thời điểm qui hoạch…dân địa phương chủ yếu tự bao chiếm…”, tức người dân đang sử dụng đất này – cho dù là tự chiếm. Thế sao bảo đất hoang? Và nếu dân đang sử dụng mà không cho mượn- như xác nhận của các cán bộ Nhà nước cũ – thì sao Công ty Cổ phần Đường Hiệp Hòa sử dụng được.

3. Về pháp lý, có đủ căn cứ xác định các hộ dân có Quyền sử dụng đất vào thời điểm 1989:
- UBND tỉnh cho rằng người dân không có giấy tờ chứng minh Quyền sử dụng đất hoặc cho mượn vào thời điểm1989 là không phù hợp. Vì lẽ, theo qui định Luật đất đai, kể cả Luật đất đai 2003 đều thừa nhận Quyền sử dụng đất ổn định của người dân – cho dù không có giấy tờ và không rõ nguồn gốc sử dụng là tự chiếm hay gì khác. Điều kiện chỉ là được UBND cấp xã xác nhận thì được công nhận Quyền sử dụng đất (Khoản 1 Điều 2 Luật đất đai 1993).
Khoản 6 Điều 50 Luật đất đai 2003 cũng qui định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có qui hoạch sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, vào thời điểm 1989, các hộ dân “tự bao chiếm…” và được UBND xã xác nhận (bằng các văn bản xác nhận của các lãnh đạo địa phương, và UBND tỉnh đã thừa nhận) là có đủ căn cứ để được công nhận Quyền sử dụng đất.
- Quyết định số 13 – HĐBT ngày 01/02/1989 của Hội Đồng bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất qui định nguyên tắc: “Bảo đảm cho mọi người lao động sản xuất nông nghiệp có đất đai sản xuất, làm cho tình hình ruộng đất được ổn định và nông dân yên tâm sản xuất” và “Những nông dân ở nơi cư trú không có ruộng đất phải đi nơi khác sản xuất thì được tiếp tục sử dụng ruộng đất đó để sản xuất”. Ngay cả “người được cấp đấtxâm canh đúng đối tượng và sản xuất đã ổn định thì giữ nguyên hiện trạng”.
Dựa vào các qui định và thực tế sử dụng đất đai vào thời điểm này, có đủ căn cứ xác định các hộ dân có Quyền sử dụng đất tại thời điểm 1989.
- Đã dày công “tự chiếm”, nếu Nhà nước không mượn, không bồi thường thì sao lại để Công ty Cổ phần Đường Hiệp Hòa vào sử dụng?
Vì những căn cứ trên, dựa vào xác nhận của cựu lãnh đạo Nhà nước địa phương, các hộ dân cho mượn đất là có cơ sở.
Ngày 18 tháng 4 năm 2013
Linh mục Đinh Hữu Thoại
Trưởng Văn phòng 
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét