Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Giáo hội trên không gian mạng


Trong khi mừng ngày Truyền Thông Công Giáo, chúng ta đã vui mừng tìm hiểu Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Truyền Thông, trong đó ngài nêu bật tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là "cổng thông tin của sự thật và đức tin", và là "không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng".

Nhưng chắc chắc chúng ta cũng ưu tư vì không ít những người lợi dụng các trang mạng xã hội để đánh phá Giáo Hội Công Giáo một cách rất gian hùng và đầy ác ý. Khi tình cờ đọc những lời thoá mạ vô căn cứ hay những cách phóng đại mọi sự một cách thô thiển, chúng ta thường tự hỏi tại sao một số người lại ghét Giáo Hội đến như thế.

Đức Hồng Y Fulton Sheen đã viết: Người ta ghét Chúa Giêsu “vì Người còn là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục”. Và dĩ nhiên người ta cũng ghét Giáo Hội vì Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu, tiếp tục công trình cứu độ của Người.

Ngày xưa người ta ghét Giáo Hội và họ dùng các nhục hình để tra tấn, giết chết con cái Giáo Hội. Ngày nay người ta bách hại cách khác. Họ lên án, tố cáo con cái Giáo Hội, và họ dùng Internet để nói xấu, bôi nhọ và vu cáo Giáo Hội đủ điều.

Điều lạ lùng là ngày nay người có quyền lực ghét Giáo Hội đã đành, cả những người không có sức mạnh hay quyền hành gì cũng ghét và lên án Giáo Hội. Họ bới móc mọi chuyện, soi mói từng li từng tí và bịa đặt đủ thứ chuyện để báng bổ… Chúng ta thật sự ngạc nhiên về những con người thiếu cái tâm như thế.

Có thể có ba loại người căm ghét và muốn phá Giáo Hội.

Thứ nhất là những người sống trong bóng tối, làm những công việc của ác thần. Như người đau mắt sợ ánh sáng hay như những kẻ trộm cướp sợ ánh bình minh, những người này thấy Giáo Hội chói chang chiếu vào nơi ẩn khuất của họ, và họ phản ứng tự vệ.

Loại người thứ hai căm ghét Giáo Hội là những người có đời sống luân lý xã hội buông thả. Họ thích phá vỡ các định chế hôn nhân. Họ muốn phạm tội ác phá thai. Họ muốn lỗi đức công bằng xã hội mà không sợ bị phát hiện. Họ muốn cướp bóc một cách thản nhiên. Như một tài xế sợ các bảng chỉ đường làm cản trở mình đi vào đường cấm, những người này sợ sứ điệp mà Giáo Hội mang đến sẽ làm họ chùn chân trước tội ác.

Loại người thứ ba mà chúng ta thấy nhan nhản trên các trang mạng xã hội, là những người a dua, không biết nhiều về Giáo Hội. Họ mắng chửi điên cuồng chỉ vì phong trào, vì làm hài lòng ai đó đứng sau họ. Có thể họ là những “dư luận viên”, bình luận ăn lương, hy sinh cái tâm của mình vì lợi lộc riêng. Cũng có thể họ không dám sống cho sự thật và cho tình yêu, nên khi họ thấy một người con của Giáo Hội, linh mục hay giáo dân, dấn thân vì công lý, sự thật và tình yêu thì họ chê trách. Những người này khi tiếp xúc với Giáo Hội, hiểu rõ về Giáo Hội, họ dễ ăn năn thống hối và quay về.

Điều đáng nói là trong một xã hội mà tôn giáo và các giá trị tâm linh cũng như tinh thần cao quý không được coi trọng, thì những lời nói xấu, phỉ báng các tôn giáo hay các chức sắc tôn giáo dễ được người ta tin. Một nên giáo dục mà trong đó lòng căm thù và sự phản kháng được đề cao hơn mọi giá trị khác, thì mọi điều cao quý cũng dễ trở thành vô nghĩa.

Khi những thành trì và những giá trị mà con người được dạy ở nhà trường, được đề cao trên các phương tiện truyền thông bị phá vỡ hoặc lung lay, con người cũng dễ nghĩ rằng tôn giáo cũng chỉ là một định chế xã hội rồi sẽ đổ vỡ như những gì họ được đưa vào óc mình. Họ không biết rằng Chúa Giêsu Kitô đã hứa và lời hứa ấy vững bền muôn đời: “Trên tảng đá này Thầy xây Hội Thánh của Thầy, và dù quyền lực hoả ngục cũng không làm gì được”.

Là những người tin vào Đức Kitô, tin vào Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mình đối với Giáo Hội ngày hôm nay quả là nặng nề. Làm sao giải thích được cho những người có cái tâm đen tối và trái tim đầy căm hờn hiểu được những giá trị yêu thương?

Trong cuốn Góp Nhặt Cát Đá, thiền sư Vô Trú (Mư Ju) có kể câu chuyện này:

Vào thời Minh Trị 1860 -1912, thiền sư Nan-in ở Nhật tiếp một giáo sư Đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời giáo sư dùng trà, ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa phải lên tiếng:

- “Đầy quá rồi, xin đừng rót nữa.”

- “Giống như cái tách này”, Nan-in nói “Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông, làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được. Trừ phi ông cạn cái tách của ông trước.”

Ngày nay lòng người cũng chẳng khác, có khi thành kiến còn nặng nề hơn. Làm cho họ hiểu về các giá trị cao quý hơn tiền của, chức quyền hay danh tiếng thì không dễ.

Có những con người luôn miệng báng bổ tôn giáo, xúc phạm đến Thiên Chúa và các giá trị thánh, chúng ta không thể tranh luận với họ vì lòng họ đã đầy. Dĩ nhiên cách tốt nhất để giúp con người thời đại thoát khỏi cái cám dỗ khủng khiếp ấy là lời cầu nguyện. Mỗi khi đọc đâu đó lời xúc phạm đến Thiên Chúa và Giáo Hội, bạn ơi, chúng ta hãy thêm cho “tác giả” của những lời báng bổ ấy một lời cầu nguyện chân thành.

Về phần mình, ý thức Internet là “cổng thông tin của sự thật và đức tin", và là "không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng" như Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói, chúng ta cũng cần đưa vào trang mạng của mình những giá trị cao đẹp để giúp anh chị em mình đi tới.

Hãy dành thì giờ và không gian mạng cho Lời Thiên Chúa, cho những hình ảnh cao đẹp, cho những câu chuyện làm thức tỉnh lòng người, và trình bày những mối quan hệ xã hội đáng quý. Loan báo Tin Mừng một cách nhẹ nhàng và tích cực, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta tin rằng mình sẽ làm cho Giáo Hội được người ta hiểu, yêu mến và bước theo để cộng tác với Thiên Chúa là Cha chúng ta tìm được những đứa con còn đi lạc của Ngài.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
(…)
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.” (Trích Ca Tiếp Liên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Gioan Lê Quang Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét