Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Đấng Bảo Trợ minh chứng thế gian sai lầm (Ga 16, 5-11)


Sài Gòn – Trải nghiệm cuộc sống cho thấy, khi người ta quý mến, tâm đầu ý hiệp với nhau rồi thì chẳng có cuộc chia ly nào mà chẳng vương vấn nỗi buồn giữa kẻ ở người đi.  Cho dẫu cuộc chia ly ấy hứa hẹn ngày về trong hy vọng, trong an vui, trong hạnh phúc viên mãn, thì những tháng ngày xa cách vẫn là những ngày đong đầy nhớ thương. Thi sĩ Thâm Tâm trong bài thơ Tống Biệt Hành diễn tả nỗi buồn của cuộc chia ly thật hay và rất tinh tế: “Đưa người ta không đưa qua sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng. Bóng chiều không thắm không vàng vọt, sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…” .Có nét gì đó rất gần với nỗi niềm của các môn đệ được nhắc đến trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, khi ĐGS tiên báo về cuộc ra đi lần thứ hai của Người.

1. Hai lần ĐGS tiên báo về việc ra đi đều có mối lợi
Tác giả Tin mừng thứ Tư trong diễn từ Cáo biệt không diễn tả nước mắt chia ly giữa ĐGS và các môn đệ, nhưng  khi suy đọc toàn bộ trình thuật ta vẫn thấy dường như có “ tiếng sóng trong lòng, có hoàng hôn trong mắt trong” thấp thoáng đằng sau sự biệt ly ấy là nỗi buồn đến từ các môn đệ. Trong trình thuật về diễn từ Cáo biệt, hai lần ĐGS tiên báo về sự ra đi của Người. Lần thứ nhất được nhắc đến trong 14, 28: Ngài ra đi thì có lợi cho chính Người vì về cùng Chúa Cha, lúc bấy giờ Người không còn chịu giới hạn trong không gian và thời gian nữa. Còn trong trình thuật hôm nay, ĐGS ra đi thì có lợi cho các môn đệ hơn, vì: “Thầy không ra đi thì Đấng Bảo Trợ sẽ không đến, nhưng nếu Thầy đi Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7). Dựa vào lời hứa ĐGS cho thấy: Khi Người đi các môn đệ không chỉ có Đấng Bảo Trợ mà còn có Đấng giảng giải giúp họ hiểu lời ĐGS hơn. Bao lâu chưa có Thần Khí của Đấng phục sinh bấy lâu các môn đệ không thể nào hiểu trọn vẹn lời mạc khải của ĐGS được.
2. Chúa Thánh Thần chứng minh thế gian sai lầm
Về điều này các nhà chú giải Tin mừng Gioan đều nhận định rằng: Khi Đấng Bảo trợ đến Ngài sẽ hoàn tất cuộc xét xử trong lòng Hội Thánh qua 3 điểm: thế gian tội lỗi, sự công chính ,và việc kết án.
Câu 9: Phơi bày tội lỗi thế gian. Tội không tin ĐKT và đỉnh cao là giết Ngài.
Câu10: Minh oan cho ĐKT, Đấng công minh chính trực. Thánh Thần cho thấy: nếu cái chết của ĐGS bị xem là nhục nhã dưới lăng kính của người đời thì lại được Chúa Cha tôn vinh.
Câu11: Thánh Thần cho thấy án phạt Satan phải chịu khi ĐGS bước vào cuộc Vượt Qua. Tuy bên ngoài bị tòa án thế gian xét xử nhưng Ngài đã sống lại từ cõi chết và do đó Ngài chiến thắng trần gian.
 Chính bản án thế gian dùng để kết án Ngài, lại trở thành án phạt dành cho chính nó.
Ngày nay vẫn còn không ít người mang danh Kitô hữu nhưng không tin, tuyên bố thuộc về ĐKT nhưng không đón nhận  Ngài, lên án những ai theo ĐKT, những người ấy tiếp tục  làm khổ  và chống đối HT.
Cách đây không lâu chỉ khoảng 2-3 ngày thôi, qua vụ việc một số bạn trẻ thảo luận về nhân quyền tại VN bị bắt bớ, đánh đập  khủng bố dã man, bị cướp mất điện thoại, Ipad ví tiền…tôi đọc được trong bữa cơm chiều nỗi buồn thấp thoáng  hiện rõ trên khuôn mặt của vị Bề trên . Có lẽ ngài quá đau lòng mòn mỏi đợi chờ trong nỗi khát khao mong ngày chế độ độc tài cộng sản lụi tàn, để gian dối lật lộng không còn chỗ đứng, độc ác bạo tàn nhường chỗ cho nhân đạo bao dung, tự do ngự trị, nhưng dường như  mòn mỏi chờ trông sao chưa thấy nên buông tiếng thở dài.
Đọc lại biến cố Phaolô và Xila được giải thoát khỏi ngục tù cách lạ lùng trong Cvtđ hôm nay, hai vị ấy không chỉ được giải thoát mà còn trong hoàn cảnh bi đát éo le ấy, TC lại bày tỏ quyền năng vô biên của Người qua việc cảm hóa viên cai ngục, khiến ông ta run rẩy quỳ dưới chân hai người vị tử tù và hỏi “tôi phải làm gì để được cứu độ.” Trong tình huống hiểm nguy, bất chấp mạng sống hai vị tông đồ vẫn thi hành sứ mạng rao giảng cho viên cai ngục và cả nhà về lòng tin vào ĐGS. Nhờ đó không chỉ viên cai ngục mà cả nhà ông tin và nhận phép rửa, được hưởng ơn cứu độ.
Chẳng phải phía sau đau khổ bế tắc bao giờ niềm hy vọng cũng tỏa sáng cho những ai cương quyết trung thành với chọn lựa loan báo tin mừng cứu độ trong  hoàn cảnh cũng như nghịch đó sao?
Suy gẫm điều này mỗi người chúng ta cảm thấy an tâm hơn, như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cầu nguyện, dấn thân cho sứ vụ  mà Chúa đang mời gọi trong khả năng giới hạn của mình.
Chúa không phụ tình ta chỉ sợ ta phụ tình Chúa. Chúa có đường lối ý định của Chúa chỉ sợ, chỉ ngại ta không đủ lòng tin và sức mạnh để đọc ra ý Chúa, can đảm lên đường mà thôi.
Xin Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Cha sai đến trợ giúp các môn đệ tiếp tục Bảo Trợ và bênh đỡ chúng ta trong những lúc khốn khó buồn đau để không một thế lực cường quyền nào ngăn cản sự chọn lựa loan báo tin mừng cứu độ, giải phóng con người toàn diện theo ơn gọi và sứ vụ của mình.
PV. VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét