Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

[Video] Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.



Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới
Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong cuộc họp báo diễn ra sáng thứ Bẩy tại Vatican, phát ngôn viên Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết Tòa Thánh đang phân tích khả năng bắt đầu Cơ Mật Viện bầu Giáo hoàng trước ngày 15 tháng 3.

Theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa), do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1996, nếu không có những trắc trở nghiêm trọng, Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu trong phạm vi từ 15 tới 20 ngày sau khi trống ngôi Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, cha Lombardi nói rằng Tông Hiến dự trù thòi gian từ 15 tới 20 ngày là để các vị Hồng Y có thể về kịp. 

"Nếu may mắn là tất cả các vị Hồng Y có thể về đây trước ngày 15, thì không có lý do để chờ đợi thêm nữa.” 

Cha Trưởng Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là sau ngày 28 Tháng Hai, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 có thể sẽ cư ngụ tại Castel Gandolfo trong thời gian hai tháng trước khi dời về Đan Viện “Mẹ Giáo Hội” ở Nội thành Vatican

Ngài nói:

"Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi dự kiến phải mất hai tháng để trùng tu Đan Viện. Vì vậy, khoảng cuối tháng tư, hoặc đầu tháng Năm sẽ là thời gian dự kiến hoàn thành việc trùng tu. "

Trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô. 

Sau những sửng sốt khi Đức Thánh Cha tuyên bố thoái vị hôm thứ Hai 11 tháng Hai, dư luận tại Rôma đã chuyển sang chiều hướng tích cực coi việc tuyên bố thoái vị của ngài là một hành động anh hùng của một vị Giáo Hoàng luôn tín thác vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa. Trong tâm tình yêu mến Giáo Hội, ngài biết rằng để đương đầu với những vấn đề lớn của Giáo Hội và thế giới ngày nay cần phải có năng lực mạnh mẽ và một thời gian cai quản tương ứng với công trình mục vụ lâu dài, chứ không ngắn hạn.

Dự kiến 150,000 anh chị em tín hữu và chính quyền dân sự quanh vùng Rôma sẽ tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng Hai.

Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 17/2/2013

Hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 17 tháng Hai để đọc kinh Truyền Tin chung với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý Mùa Chay của ngài, trong khi các khách hành hương và anh chị em hoan hô và cám ơn ngài về tám năm triều đại Giáo Hoàng rạng ngời của ngài. 

Đức Giáo Hoàng rất cảm động trước nhiệt tình của anh chị em trong các ngôn ngữ khác nhau đang reo hò hoan hô ngài. 

Ngài cám ơn sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của anh chị em trong những ngày sau cùng của triều Giáo Hoàng của ngài. Ngài cũng xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội và Đức Tân Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi chào đón tất cả các du khách hành hương và tất cả anh chị em hiện diện trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm nay.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô trong sa mạc, ăn chay, cầu nguyện, và bị cám dỗ.

Khi chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, chúng ta đồng hành với ngài và xin ngài ban cho chúng ta sức mạnh để chống lại những khuyết điểm của chúng ta. Xin cảm ơn anh chị em vì những lời cầu nguyện và nâng đỡ mà anh chị em dành cho tôi trong những ngày này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

Phim Triều Đại Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Mỗi khi một vị Giáo Hoàng bước vào nhà nguyện Sistina, những bích họa của Michelangelo nhắc nhở ngài rằng ngài sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về sự lãnh đạo Giáo Hội của ngài. Vì thế, chính là nơi đây, Cơ Mật Viện của Giáo Hội được nhóm họp. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã tiến vào nhà nguyện này và sau đó bước ra là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Annuntio vobis gaudium magnum:

Habemus Papam!

Tôi báo cho anh chị em một tin mừng trọng đại

Chúng ta có Giáo Hoàng. 

Sau vị Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ trong vườn nho của Chúa làm người kế vị Thánh Phêrô.

Đức Tân Giáo Hoàng đã chọn tước hiệu của ngài là Bênêđíctô thứ 16. Bênêđíctô đến từ tiếng La Tinh là “Benedictus” nghĩa là người đầy ân phúc mà người Việt dịch rất hay là Biển Đức. Chữ Bênêđíctô cũng thường được liên hệ với Thánh Biển Đức thành Nursia, đấng sáng lập Dòng Biển Đức và qua đó là đời sống đan tu ở Tây Phương. Nhưng tước hiệu của vị Tân Giáo Hoàng cũng nhắc nhở đến một vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội 90 năm trước đó.

“Tôi nhớ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 người tha thiết kiến tạo hòa bình đã cai quản Giáo Hội trong thời tao loạn chiến tranh. Theo bước chân ngài, tôi đặt để sứ vụ của mình cho chính nghĩa hòa giải, hòa bình và sự hài hoà giữa các dân tộc”.

Bênêđíctô thứ 16 là người Đức, quốc gia đã đóng vai trò chủ yếu trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau cùng. Ngài chọn tước hiệu Bênêđíctô để nhắc nhở mọi người nhớ đến Đức Bênêđíctô thứ 15, người đã coi chiến tranh thế giới lần thứ nhất là “cuộc tự sát của văn minh Âu Châu”.

Năm 1939, Hitler xô đẩy nước Đức vào thế chiến thứ Hai, qua những chịu đựng của cha mẹ mình, cậu bé Joseph Ratzinger lúc đó mới 12 tuổi đã thấy trước những tháng ngày cơ cực đang chào đón cậu và gia đình.

Là một viên chức cảnh sát, cha cậu đã từ chức để tránh phải dính líu vào những vụ bắt bớ người vô tội. Vào thời điểm của năm 1939, Hitler đã thành công trong việc làm tắt tiếng tất cả những người đối lập, những người bất ngờ bị biến mất khỏi gia đình họ không chỉ vào ban đêm nhưng ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Hitler tăng cường các hoạt động tuyên truyền về sức mạnh của quốc xã qua các cuộc diễu binh khổng lồ. Hắn đẩy mạnh việc bắt lính và bắt buộc cả thiếu nhi từ 10 tuổi trở nên cũng phải tham gia vào đoàn thiếu nhi quốc xã.

Những cuộc đốt sách khổng lồ được tổ chức và các nhà văn nhân bản chống lại lý thuyết quốc xã lần lượt bị bắt và giam cầm trong những trại cải tạo khổng lồ được dựng lên khắp đất nước. Cả xã hội bị nhấn chìm trong một bầu khí sợ hãi. 

Năm 1943, Hitler trưng dụng cả thiếu nhi vào các đội phòng không. Cậu Joseph Ratzinger lúc ấy đang học trong chủng viện cũng bị bắt đưa vào một đội phòng không. Ốm yếu vác đạn cũng không nổi, cậu bị đẩy vào một đơn vị bộ binh. Khi quân đồng minh tiến gần, Joseph Ratzinger đào ngũ trở về Munich chứng kiến một thành phố với một nền văn hóa, và một truyền thống âm nhạc mà cậu yêu thích đang bị nhận chìm trong biển lửa.

Là một người lính Đức, Joseph Ratzinger bị bắt đưa vào trại tù binh của quân Đồng Minh nhưng vài tháng sau cậu được trả tự do.

Chứng kiến tận mắt những đau khổ của một nước Đức khốn cùng, của những người dân phải bươi rác kiếm ăn, Joseph Ratzinger ý thức sâu xa về những bất hạnh mà con người có thể bị đẩy tới bởi sự dối trá của các chủ thuyết xã hội không dựa trên niềm tin Kitô.

Cùng với anh trai là Georg Ratzinger, cậu trở lại đời sống chủng viện.

Đặng Tự Do
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét