Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Tại sao Công Đồng Vatican II bỏ qua việc lên án chủ nghĩa Cộng Sản?



LTS: Bài viết dưới đây tổng lược từ bài viết “Why did Vatican II ignore communism” được đăng trên, mạng lưới: http://www.catholicworldreport.com/Item/1798/why_did_vatican_ii_ignore_communism.aspx

Đây là bài viết thuộc lãnh vực sử học liên hệ đến vấn đề Cộng Sản và Công Giáo. Qua nội dung, người ta đã không thấy tác giả trưng dẫn được tài liệu chính thức nào của Công Đồng Vatican II nói rằng Công Đồng sẽ không bàn đến chủ thuyết Cộng Sản, mà chỉ dựa vào những tài liệu gián tiếp của người này, người kia để đặt ra vấn đề “Tại Sao Công Đồng Vatican II bỏ qua việc lên án chủ nghiã Cộng Sản”.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định một điều mà không sợ sai lầm rằng bài viết này là nhận định cá nhân, không phản ảnh lập trường chính thức của Vatican. Tuy nhiên, lập luận và tài liệu mà tác giả đưa ra rất đáng làm chúng ta phải suy nghĩ. Do vậy, VietCatholic đăng bài viết này với mục đích rộng đường dư luận. Xin cám ơn Ông Phạm Hương Sơn đã đóng góp bài tổng lược có nhiều chất “nhạy cảm”, nhất là đối với người Công Giáo Việt Nam.

Bức màn bí ẩn về việc Công Đồng gạt bỏ mọi tham khảo về chủ nghĩa cộng sản đã dần dần được vén mở lên.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chủ trì một cuộc họp của Công Đồng Vatican II trong Đền Thờ Thánh Phêrô tại Vatican vào năm 1963. (CNS)

Đang khi Giáo Hội cử hành biến cố kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II, có một điều ít được biết đến, nhưng được xem là một khía cạnh bất ổn của Công Đồng: đó là sự thiếu vắng hoàn toàn của bất cứ mọi tài liệu liên quan đến, hay lên án, chủ nghĩa Cộng sản trong các bản văn của Công Đồng, cho dù trong thực tế tại thời điểm đó, Liên bang Xô viết đang nắm giữ những quyền lực cao nhất.

Trong nhiều năm qua, người ta đã suy đoán về những nguyên nhân đem đến sự thiếu vắng đó, trong khi những người khác lại quan tâm về những hậu quả do nó đem đến cho Giáo Hội Công Giáo ngày nay, cũng như toàn thể thế giới.

Trong những năm gần đây, bức màn bí ẩn về sự kiện gạt bỏ này đã dần dần được vén mở, khi các nhà sử học phát hiện những bằng chứng không thể chối cãi được, nhằm giải thích sự thiếu vắng hoàn toàn của bất cứ mọi tài liệu tham khảo về chủ nghĩa Cộng Sản trong các bản văn của Công Đồng.

Sự thiếu vắng xảy đến như là một điều ngạc nhiên vào thời điểm đó, bởi vì ngay cho đến khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã nhiều lần lên tiếng chống lại chủ nghĩa cộng sản trong giáo lý của mình. Những lời lên án của Giáo Hội thật là rõ ràng và không thể nhầm lẫn được, phù hợp với các tông huấn của ĐGH Piô XII, người đã không bao giờ do dự trong việc tố cáo chủ nghĩa Cộng sản cho đến khi ngài qua đời vào năm 1958.

Trong các phiên họp biểu quyết của các Nghị phụ, hàng ngàn các khuyến nghị đã được thu thập từ các yếu nhân trong Giáo Hội cho đến ngay trước khi nhóm họp – hẳn nhiên chủ thuyết Cộng sản đứng hàng đầu trên các mối quan tâm. Thật vậy, đối với đa số, nó đã biểu hiện như là lãnh vực quan trọng nhất cần phải được lên án.

Các nhà sử học đã luận bàn về một số yếu tố dẫn đến việc chủ nghĩa Cộng Sản đã không được mảy may đề cập tới trong toàn bộ Công Đồng. Yếu tố đầu tiên là thời điểm của Công Đồng. "Đó là những năm trong thập niên sáu mươi và một tinh thần lạc quan mới đang bao trùm trên toàn thế giới," như nhà giáo sử Roberto De Mattei, tác giả cuốn Vatican II – An Untold Story giải thích, “chính trong thời gian đó, những trào lưu phản đạo đức đang hình thành và tiếp diễn” 

Giáo sư Roberto De Mattei
Cách riêng với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, thông điệp cuối cùng Pacem in Terris của ngài, được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách tiếp cận với chủ thuyết Cộng Sản. Đối với De Mattei, thông điệp đó "mang tính quyết định," vì nó đã tạo ra một ấn tượng muốn đảo ngược vị trí chống chủ thuyết Cộng sản của Vatican, loại bỏ mọi sự lên án, thậm chí ngay chỉ bằng lời nói. Chính sách “Ostpolitik” của Vatican đối các với nước Cộng sản Đông Âu thông qua đối thoại được cho là đã phát nguồn từ trong thông điệp 1963. Chính sách này được đưa ra bởi ĐHY Agostino Casaroli, người vào thời điểm đó là Phó Bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, nhưng sau này sẽ trở thành Ngoại trưởng của Vatican.

Nhưng tại sao Đức Gioan XXIII lại có thể để xảy ra một tình huống ngược dòng như thế? Một số người tin rằng ngài đã có, nếu không là sự thông cảm, thì cũng là một khuynh hướng nhìn chế độ cộng sản với một lòng lạc quan vô căn cứ.

"Một giả thuyết thường được nêu ra nhưng không chứng minh được, là Đức Gioan XXIII đã từng có quan hệ tốt với (Tổng Bí thư Liên Xô) Khrushchev," theo lời Cha Norman Tanner, một chuyên gia Dòng Tên về Công Đồng tại Giáo hoàng Học viện Gregorian tại Rome. Điều chắc chắn đã được ghi lại là Khrushchev đã từng đến thăm ĐGH tại Vatican, và Đức Gioan XXIII đã rất vui mừng khi nhận được lời chúc mừng sinh nhật 80 từ nhà lãnh đạo Liên Xô. Đáp lại, Đức Gioan XXIII đã yêu cầu Khrushchev chứng tỏ sự chân thành của mình cho mối bang giao bằng cách cải thiện hoàn cảnh của người Công giáo- cách đặc thù, là cho phép vị giáo chủ thuộc GH Ukraine Uniate, TGM Jozsef Slipyi, được di trú, một yêu cầu đã được Khrushchev cho phép vào năm 1963.

ĐHY Agostino Casaroli
Đức Phaolô VI cũng đã gặp gỡ nhiều lần với các quan chức Liên Xô. Các cuộc họp này chủ yếu diễn ra sau Công Đồng, và những nỗ lực này phần lớn đều là vô ích: các nhượng bộ của Liên Xô đối với Vatican đã được chứng tỏ là quá mong manh trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, một động lực khác đứng đằng sau việc đẩy mạnh cho sự hòa hoãn này, là nhắm bồi đắp mối quan hệ đại kết với Giáo Hội Chính Thống Nga. Là một phần trong các mong muốn của ngài nhắm mở rộng cánh cửa hướng đến các GH Kitô giáo và các tín ngưỡng khác, Đức Gioan XXIII rất muốn có sự tham dự Công Đồng của GH Chính Thống Nga - vào thời điểm đó đã bị Điện Kremlin và KGB xâm nhập và lũng đoạn nặng nề. ĐGH cũng muốn các giám mục Công giáo từ Nga và các quốc gia chư hầu được phép đến tham dự các phiên họp của Công Đồng. Nó như là “một thứ quid pro quo- bánh ít đi, bánh quy lại", theo lời Cha Tanner. Nhưng để đạt được những mục tiêu này, Đức Gioan XXIII dường như đã được chuẩn bị để thực hiện một sự nhượng bộ phi thường: Công Đồng sẽ tránh hẳn các tuyên bố thù nghịch đối với nước Nga.

Trong một cuốn sách phát hành năm 2007 với tiêu đề Thỏa Ước Metz, nhà bình luận kỳ cựu người Pháp Jean Madiran đã tập hợp một số dữ kiện có nguồn gốc, chứng minh rằng một thỏa thuận đã được hình thành trong thời gian đàm phán bí mật, được Liên Xô sắp xếp vào năm 1962. Cuộc họp này, theo lời Madiran, đã diễn ra tại thành phố Metz, nước Pháp, giữa Đức Thượng Phụ Nikodim, là "ngoại trưởng" của Giáo Hội Chính Thống Nga và Đức Hồng y Eugène Tisserant, một phẩm chức cao cấp người Pháp tại Vatican. Đức Thượng Phụ Nikodim, theo văn khố Moscow, là một nhân viên KGB.

Nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã xác nhận một thỏa thuận đã đạt được, nhằm hướng dẫn Công Đồng tránh mọi sự đả kích trực tiếp vào chủ nghĩa Cộng sản. GH Chính Thống Giáo sau đó đã đồng ý chấp nhận lời mời của Vatican để gửi một số quan sát viên đến Công Đồng.

Là một thỏa thuận bằng lời nói, bí mật, bằng chứng cụ thể khó nắm bắt được, nhưng De Mattei tuyên bố rằng ông đã tìm thấy "một ghi chú viết tay từ Đức Phaolô VI trong văn khố bí mật của Vatican, xác nhận sự hiện hữu của thỏa thuận này. Madiran cũng ủng hộ khẳng định của De Mattei, nói rằng trong bản ghi chú này, Đức Phaolô VI đã ghi rõ ràng về "các cam kết của Công Đồng," trong đó có việc "không nói về chủ nghĩa Cộng sản (1962)." Madiran nhấn mạnh rằng con số 1962 trong ngoặc đơn mang ý nghĩa hiển nhiên, vì nó liên quan trực tiếp đến thỏa ước Metz giữa ĐHY Tisserant và ĐTP Nikodim.

Đức Thượng Phụ Nikodim
Vatican đã tuân thủ nghiêm nhặt các thỏa thuận trong thời gian Công Đồng, nhấn mạnh rằng Công Đồng Vatican II giữ tính trung lập về chính trị. Ngay cả một kiến nghị của 435 linh mục tham dự Công Đồng, đại diện cho 86 quốc gia khác nhau, trong đó yêu cầu một sự lên án chính thức về chủ nghĩa Cộng sản trong các nghị định của Công Đồng, đã bị loại bỏ. Kiến nghị này, được trình bày trong phiên họp đúc kết của Công Đồng vào ngày 09 Tháng Mười năm 1965, “thậm chí đã không được gửi đến Ủy ban làm việc về tài liệu Công Đồng," theo De Mattei," đã dẫn đến một vụ tai tiếng lớn”. 

Kết quả là hiến chế Gaudium et Spes, hiến chế thứ 16 và văn kiện cuối cùng được ban hành bởi Công Đồng và được dự định như là một định nghĩa hoàn toàn mới về mối quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới, đã không có bất kỳ một hình thức nào lên án chủ nghĩa Cộng sản. "Sự im lặng của Công Đồng về chủ nghĩa Cộng sản", theo De Mattei, "thực là một thiếu sót đầy ấn tượng trong cuộc triệu tập lịch sử này."

Trong bối cảnh hiện nay khi các nhà sử học đã đồng ý về sự hiện hữu của thỏa thuận bí mật này với Liên Xô, có lẽ vấn đề quan trọng hơn được đặt ra hôm nay là: đâu là hậu quả của nó gây ra cho Giáo Hội và toàn thể thế giới kể từ thời gian đó? Hoặc giả Công Đồng vẫn giúp mang lại sự sụp đổ của Cộng sản Xô viết, hay phải chăng vì thiếu đi sự lên án chủ nghĩa Cộng sản mà đã giúp kéo dài hệ tư tưởng tàn bạo, vô thần này?

Ít có ai nghi ngờ rằng Công đồng Vatican II đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc thử nghiệm của chủ thuyết Mác-Lênin. Giáo Hội thời hậu Công Đồng, như một số nhà sử học nêu ra, với sự chú trọng mới về tự do tôn giáo, đã giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, chủ yếu nhờ sự kiên trì của ĐGM Wojtyla, người đã giúp thuyết phục Đức Phaolô VI ban hành tuyên ngôn Dignitatis Humanae. Và, lần đầu tiên, Công Đồng cho phép các giám mục phía sau Bức Màn Sắt được gặp gỡ và trao đổi với nhau bên ngoài phạm vi quốc gia.

"Nó đã cho họ một nhận thức về tầm ảnh hưởng và sự đoàn kết", theo thần học gia người Mỹ Michael Novak, chuyên gia tường trình về Công Đồng Vatican II. Ông nói thêm rằng khi các giám mục trở về quê hương, họ xếp đặt các nhà thờ để làm nơi gặp gỡ cho mọi người gồm tất cả các tôn giáo khác hay không tôn giáo, nhờ vào tinh thần cởi mở mới của Công Đồng và sự đối thoại - một điều đặc biệt đúng ở Ba Lan. "Một liên minh rộng lớn được hình thành cho những người yêu tự do và muốn chống lại 'Chế độ Xảo trá". Novak giải thích thêm rằng các giám mục sau Bức Màn Sắt "bấy giờ đã có những người bạn thân ở phương Tây và những nơi khác mà họ gặp gỡ tại Công Đồng."

ĐHY Eugene Tisserant
Giữ sự "im lặng" về chủ nghĩa Cộng sản và đồng thời mở ra phương hướng đối thoại cũng được coi là một cách thế đáng được áp dụng thử, như nhiều người đã suy nghĩ như thế vào thời điểm đó, vì chủ nghĩa Cộng sản có thể sẽ kéo dài hàng trăm năm nữa (Đức Phaolô VI đã minh bạch bác bỏ chủ nghĩa cộng sản vào năm 1964 trong thông điệp Ecclesiam Suam, mặc dù tất nhiên, đó không phải là một tài liệu Công Đồng).

Cha Tanner, tác giả một cuốn sách mới về Công Đồng với tiêu đề: Vatican II: The Essential Texts, chỉ ra đã không có sự lên án nào đối với chủ nghĩa Cộng sản, cũng không có bất kỳ sự lên án chính thức nào về bất kỳ các ý thức hệ chính trị độc ác khác trong sắc lệnh 16 của Công Đồng. "Không có lời kết án chính thức nào đối với các ý thức hệ. Tuy có sự lên án chiến tranh và những điều tương tự, nhưng không có sự lên án chính thức về chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa phát xít, lúc đó đã thuộc về ký ức"

Nhưng ông thừa nhận rằng các phong trào chính trị đó rất khác với chế độ Cộng sản, vì nó "vẫn còn rất sống động," và ông thêm rằng "nhiều người dân và giám mục ở những quốc gia này đang phải chịu đựng khủng khiếp."

"Họ muốn có một sự lên án chính thức và khẩn nài Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó.”

Điều này đã được hùng hồn nêu lên bởi ĐHY Giacomo Biffi, cựu Tổng Giám Mục Bologna. Trong cuốn tự truyện năm 2010, Memoirs and Digressions of an Italian Cardinal, ngài đã điểm chỉ rằng chủ nghĩa Cộng Sản là hiện tượng lịch sử "áp đặt nhất, lâu dài nhất, hùng hổ nhất của thế kỷ 20" và Công Đồng, trong đó có Sắc lệnh về Giáo Hội giữa trần thế, “đã không nói về nó."

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngài nói thêm, “chủ nghĩa Cộng sản hầu như đã áp đặt chủ nghĩa vô thần trên người dân, như là một loại triết học chính thức và như là một loại " tôn giáo nhà nước’ và Công Đồng, mặc dù có nói về trường hợp của những người vô thần, nhưng lại không nói về nó. "

Hơn nữa, ngài nhấn mạnh rằng vào năm 1962, nhà tù Cộng sản "vẫn còn lan tràn khắp mọi nơi với những đau khổ và sỉ nhục không kể xiết giáng xuống biết bao cơ man những chứng nhân đức tin" (giám mục, linh mục và giáo dân), và Công Đồng không nói về nó. 

Và nếu sự bỏ sót, cùng với chính sách Ostpolitik, nhằm mục đích chấm dứt chế độ Cộng sản Xô viết nhanh chóng hơn, so với các phương pháp tiếp cận khác, thì một số lớn các nhà sử học đã nghi ngờ vấn đề này. Lãnh đạo Giáo hội vẫn còn bị giam giữ, tra tấn, và bị đàn áp bởi chế độ Cộng sản thời hậu Công Đồng, và chế độ Mác-xít Sô viết vẫn tồn tại cho đến khi Bức tường Bá linh sụp đổ, gần 25 năm sau phiên họp bế mạc của Công Đồng và tất nhiên các chế độ Cộng sản vẫn tiếp tục ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, và ở những nơi khác ).

"Nếu giả sử Công đồng Vatican II đã lên án chủ nghĩa cộng sản, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ suy tàn của nó", theo ông De Mattei. "Điều ngược lại đã xảy ra. Chính sách Ostpolitik của Vatican đã kéo dài sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội tại các nước trong khối cộng sản Đông Âu thêm 20 năm bằng cách tạo cho chế độ Cộng sản một chỗ đứng trong cơn khủng hoảng. "

Sử gia De Mattei thêm rằng: "Hôm nay chúng ta bắt buộc phải đặt câu hỏi này: phải chăng những người đã tố cáo sự đàn áp tàn bạo của chế độ Cộng sản trong Công Đồng, đã lên tiếng kêu gọi một sự lên án nghiêm trọng chủ nghĩa này, là các tiên tri? 

Hay là những kẻ tin vào, các kiến trúc sư của chính sách Ostpolitik - khi họ cho rằng phải cần thiết để đi đến thỏa thuận với cộng sản - một sự thỏa hiệp - vì chủ nghĩa cộng sản tinh vi hiểu được những ưu tư của con người về công lý mà tồn tại thêm một đôi thế kỷ nữa, là những người cải thiện thế giới?"

Ngay cả trong thế giới được gọi là hậu-Cộng sản Sô viết, người ta cũng nhận thấy sự vắng bóng hoàn toàn của bất kỳ mọi lên án đã mang đến những hậu quả tiêu cực rất lớn cho Giáo Hội và xã hội ngày nay.

Christopher Gillibrand, một nhà bình luận Công giáo uy tín tại Anh, tin rằng việc thiếu vắng một sự lên án tại Công Đồng Vatican II có nghĩa là trong thời hiện đại "các phản ứng của Giáo Hội đã không có hiệu quả đối với các cuộc tấn công chà đạp lên phẩm giá con người bởi nhà nước độc tài và toàn trị."

Những người khác đồng ý rằng sự thất bại trong việc nêu đích danh chủ nghĩa Cộng sản như là một ý thức hệ ác độc đã khiến Giáo Hội không nhận ra những tư tưởng thiên xã hội chủ nghĩa trong hàng ngũ của mình. "Người ta quan tâm về việc giữ gìn hành tinh, sự hâm nóng toàn cầu, và đó những quan tâm chính đáng nhất định ở đây, nhưng chúng ta đã đánh mất nhận thức về sự cứu rỗi của linh hồn", theo Edmund Mazza, giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Azusa Pacific ở Los Angeles. "Đó là chủ nghĩa Cộng sản, đó là chủ nghĩa xã hội, và đó là điều Antonio Gramsci [một trong những nhà tư tưởng Mác-xít quan trọng nhất của thế kỷ 20] mong muốn".

Cũng vậy, trong xã hội rộng lớn hơn, Giáo sư Mazza lưu ý rằng một xã hội ngày càng thế tục hóa, là chính xác những gì người Cộng sản mong muốn.

"Lỗi lầm căn bản của thời đại chúng ta là chúng ta đã đánh mất tính siêu việt. Những gì đã xảy ra trong 50 năm qua? Những sai lầm của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa xã hội, một thế giới không có Thiên Chúa, đã 'Marx-hóa’ thế giới đến mức chúng ta đã sẵn sàng ôm lấy chủ nghĩa xã hội nếu nó được diễn đạt đúng theo thị hiếu của mình".

Phạm Hương Sơn tổng lược

(Nguồn: The Catholic World Report)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét