LTCGVN (19.02.2013)
Hà Nội – Giáo hội nói chung, Đức Giáo Hoàng nói riêng, không cần phải có ai khen lấy được, cũng không cần phải có ai chê lấy được. Giáo Hội và các Đức Giáo hoàng vẫn đi con đường của mình, con đường có sáng có tối, có thăng có trầm, và bên trong những sáng tối thăng trầm ấy, có cái mà thế gian khó nhận biết là Đức Tin vẫn nhất mực tìm đường xuyên qua mọi trở ngại nội sinh hay ngoại sinh. Không ai có thể mô tả hoàn toàn chính xác Giáo Hội tương lai cụ thể sẽ thế nào, hoặc Đấng kế vị Đức Benedict XVI sẽ thế nào. Nhưng sức sống, sức thu hút của Giáo Hội chỉ có thể phát xuất từ con đường đức tin đó.
1. Sét đánh giữa trời quang
Mồng hai tết Quí Tị, chúng ta đang sống trong bầu khí hiệp thông linh thiêng của những ngày Nguyên Đán, các gia đình đang đến nhà thờ thắp hương và nhận lộc Lời Chúa, ở Kỳ Đồng một cộng đoàn lớn đang cầu nguyện tạ ơn chung quanh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thì ở Roma sấm sét vang rền giữa trời thanh. Lúc ấy là 11g53 phút giờ Roma, xế chiều ở Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, giữa công nghị hồng y, bất ngờ tuyên bố từ chức vì lí do tuổi cao sức yếu:
“Sau khi đã tự vấn lương tâm nhiều lần trước mặt Chúa, nay tôi chắc chắn rằng tôi tuổi cao sức yếu, không thể thi hành sứ vụ của Thánh Phêrô một cách thích hợp nữa.
Thế giới ngày nay thay đổi mau chóng, đặt ra nhiều vấn đề rất quan trọng cho đời sống đức tin, cho nên để điều khiển con thuyền của thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì cũng cần mạnh khỏe cả thể xác lẫn tinh thần, mà những tháng gần đây, sức khỏe của tôi đã suy giảm đến độ phải nhìn nhận là tôi không còn khả năng để chu tòan sứ vụ đã được trao phó cho tôi.
Vì thế, ý thức được hành động nghiêm trọng của mình, và hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố từ nhiệm giám mục Roma… Ngày 28/2/2013, từ 20 giờ, Tòa Roma… sẽ trống ngôi…”.
Đã 600 năm nay, không thấy một biến cố như vậy, nên chẳng ai chờ đợi. Đến cả phát ngôn viên của Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cũng chỉ “mới biết tin sáng nay thôi, khi theo dõi công nghị hồng y”. Cho nên một người có địa vị quan trọng ởVaticanlà Đức hồng y Angelo Sodano, đã phải thốt lên: “Sấm nổ giữa trời quang”. Tưởng là Đức hồng y dùng lối nói tượng hình thế thôi, nào ngờ vài tiếng đồng hồ sau, sét đánh xuống đỉnh vòm đền thờ Thánh Phêrô thật, tấm hình rất ngoạn mục loan đi, lại càng thêm hương vị cho những lời bình luận vốn đã râm ran của truyền thông thế giới.
Người ta liên tưởng đến một vụ sét đánh khác ở đền Thánh Phêrô. Đó là ngày 20/10/1870, Công ĐồngVaticanI kết thúc với một thành quả chính là công bố tín điều về ơn vô ngộ của Đức Giáo Hoàng khi ngài định tín. Đúng vào lúc công bố tín điều và kết thúc công đồng thì một cơn giông tố với sấm sét khủng khiếp nổ ra, át cả những tiếng nói trong đền thánh. Những người bực dọc với công đồngVaticanI thì bảo đó lòng trời nổi giận với Giáo Hội Công Giáo. Những người cổ võ cho công đồng và Đức chân phước giáo hoàng Piô IX lại gợi lên hình ảnh Thiên Chúa uy nghi ngự xuống núi Sinai trong Cựu Ước, giữa lửa cháy và sấm sét rền vang.
Những chuyện bình tán như vậy, nói ngược nói xuôi thế nào cũng được. Không chỉ những người sính điềm thiêng dấu lạ, mà cả những nhà quan sát tự cho mình là rất thành thạo tình hình, cũng nói ngược nói xuôi đủ kiểu. Đúng là sau công đồngVaticanI cùng với tín điều mới, Giáo Hội đã trải qua rất nhiều gian nan khốn khó. Công đồng kết thúc vào lúc bầu trời Châu âu tối sầm vì cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Pháp và Đức, mà một hậu quả là Toà Thánh “mất nước” trước phong trào thống nhất nước Ý của triều đại Savoie. Đức Giáo Hoàng Pio IX từ đó cấm cung, tự cho mình là tù nhân trong điệnVatican. Thế giới Công Giáo coi đây là một thảm họa, Giáo Hội đã mất tự do, mà nếu không khôi phục nước cũ của Tòa Thánh thì vết thương sẽ không bao giờ nguôi ngoai.
Các nước châu Âu lần lượt chèn ép Giáo Hội về mọi mặt. Đầu tiên là ở Đức, cường quốc số một của Châu Âu, với thủ tướng Bismarck, được coi là người hùng số một mà cũng là gian hùng số một của thời đại, phát động cuộc chiến văn hóa (Kulturkampf) chống lại Giáo Hội Công Giáo. Nguyên nhân sâu xa là vì ông cho rằng tín điều Đức Giáo Hoàng vô ngộ tạo điều kiện cho Giáo Hoàng can thiệp vào việc chính trị của các nước. Chiến dịch chống Công Giáo củaBismarcktừ Đức lan sang Thụy Sĩ, khiến cho giáo hội ở hai nước này chịu nhiều phen điêu đứng. Nước công giáo lớn nhất châu Âu là nước Pháp thì chính quyền dần dần rơi hết vào tay của phe chống Giáo Hội. Trong một nửa thế kỷ từ đó mà đi, những vụ tấn công liên tiếp và hiểm độc vào Giáo Hội, khiến giáo hội vỡ thành từng mảng lớn. Nước Ý cứ tưởng là toàn tòng thì với phong trào thống nhất đã trở nên một sức mạnh gay gắt bài xích Giáo Hội, nhất là Toà Thánh lại phản ứng bằng cách kêu gọi người Công Giáo tẩy chay mọi sinh hoạt chính trị, không tham gia bầu cử, không ứng cử và tất nhiên không đắc cử. Đa số các giới văn hóa, khoa học tỏ vẻ coi thường tôn giáo và Giáo Hội, như những tàn dư cũ của một quá khứ còn ngắc ngoải. Nếu bảo Trời giận Giáo Hội Công Giáo thì Trời giận đấy!
Nhưng tại sao Trời giận mà Trời vẫn tặng nhiều quà lạ? Giáo Hội phát triển ở nhiều miền đất mới. Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ… đã tạo ra tính cách toàn cầu cho Giáo Hội ngày nay. Ở thế giới Âu Mỹ được coi là đầu tầu văn minh hiện đại, thì từ 1878, với Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Giáo Hội bắt đầu phục hồi vị thế, đôi lúc có thể nói là rực rỡ. Đức Leo XIII với sự mẫn cảm phi thường lại chỉ là người mở đầu một kỷ nguyên mới của chức vụ Giáo Hoàng. Vụ tòa thánh mất nước, mà tuyệt đại đa số người công giáo coi là thảm họa, hóa ra lại là một sự giải thoát. Từ ngày không còn nhiều vướng bận quanh co với những ràng buộc chính trị, Tòa Thánh trở về gần với thực chất là một trung tâm tinh thần và tâm linh. Xuất hiện một loạt các vị Giáo Hoàng tuy khác nhau, thậm chí bề ngoài đôi khi đến mức tương phản, nhưng đều là những lãnh tụ tinh thần, những bậc tôn sư rất lớn, tạo ra sức lan tỏa của Giáo Hội và Tòa Thánh cho đến ngày nay. Dù thế kỷ XX đã có hai cuộc thế chiến, đã có những ý thức hệ tàn khốc đối với Giáo Hội trong thời gian lâu dài và trên những vùng đất rộng lớn của thế giới, Giáo Hội cũng không vì thế mà suy tàn.
Ôn lại cả những điều gian nan mất mát, lẫn những thành tựu như vậy, ta có thể nhận ra: Giáo Hội, về mọi mặt giống như cuốn Kinh thánh, vừa là một sự mầu nhiệm Chúa làm, lại vừa là một công trình của con người với tất cả những nỗ lực, trí tuệ, tâm hồn, mồ hôi nước mắt, với tất cả những ưu khuyết điểm của con người. Có lẽ nên nghĩ đến cái tổng hợp Nhân Thần đó trong những ngày này, khi sự từ chức của Đức Benedicto XVI, đang làm dấy lên đủ thứ bình luận. Có những bình luận nhìn Giáo Hội theo một quan điểm hoàn toàn trần thế, do đó mất hút cái thực tại tâm linh của Giáo Hội. Nhìn kiểu này sẽ đưa ra những dự đoán lung tung mà tương lai sẽ chứng minh là thiếu thực chất. Nhưng cũng có nhiều người Công Giáo quan niệm quá giản đơn về mối tương quan giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa siêu việt và nhập thể, để rồi ngạc nhiên, hoang mang, hoặc là có thái độ nặng về tình cảm, mà không đếm xỉa thực tại. Giáo hội nói chung, Đức Giáo Hoàng nói riêng, không cần phải có ai khen lấy được, cũng không cần phải có ai chê lấy được. Giáo Hội và các Đức Giáo hoàng vẫn đi con đường của mình, con đường có sáng có tối, có thăng có trầm, và bên trong những sáng tối thăng trầm ấy, có cái mà thế gian khó nhận biết là Đức Tin vẫn nhất mực tìm đường xuyên qua mọi trở ngại nội sinh hay ngoại sinh. Không ai có thể mô tả hoàn toàn chính xác Giáo Hội tương lai cụ thể sẽ thế nào, hoặc Đấng kế vị Đức Benedict XVI sẽ thế nào. Nhưng sức sống, sức thu hút của Giáo Hội chỉ có thể phát xuất từ con đường đức tin đó.
Nay xin trở về vụ việc Đức Benedict XVI từ chức…
(Còn nữa)
LM. Vũ Khởi Phụng
Nguồn: VRNs
Kỳ sau: 2. Đức Benedicto XVI, một chặng đường kế vị Phêrô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét