Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Công đồng quốc gia (42)



Sàigòn


 

Công đồng Vatican II bế mạc đã gần ba tháng nay. Công việc của 45 tháng chuẩn bị và 3 năm thảo luận nay đã hoàn tất với việc tuyên bố 16 văn kiện. Cái cảnh ngoạn mục hàng ngàn nghị phụ lần lượt rời khỏi đền thờ thánh Phêrô ngày hai buổi, như những cậu học trò ngoan ngoãn sau giờ tan học, không còn tái diễn nữa. Sau 4 khóa học hỏi và huấn luyện dưới sự điều khiển của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ đã trở về với địa phận để thi hành nhiệm vụ giám mục, tức là nhiệm vụ dạy dỗ, thánh hóa dân Chúa đúng với tinh thần của Công đồng.
Công đồng kết thúc tại Rôma, nhưng lại bắt đầu khắp nơi trong toàn thể Giáo hội. Bắt đầu không chỉ bằng cách chấp nhận và thi hành mệnh lệnh của Công đồng. Nhưng bắt đầu bằng cách toàn thể Giáo hội sống lại cái kinh nghiệm mà các nghị phụ đã sống trong 3 năm tại Rôma.

Tại Công đồng, dưới sự điều khiển của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ đã đón nhận một tinh thần mới. Sự thay đổi ấy là hoa trái của một cuộc kinh nghiệm lâu dài mà các nghị phụ đã sống trong 4 khóa Công đồng. Các nghị phụ đã gặp gỡ nhau, đã trao đổi ý kiến, đã bàn cãi, đã thảo luận, đã đối thoại, đã cùng nhau tìm chân lý. Các ngài đã biết đối chiếu lề lối tư tưởng và hoạt đồng của mình với lề lối tư tưởng và hoạt động của kẻ khác, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Kinh nghiệm ấy nặng nhọc, khó chịu và đôi khi nguy hiểm, nhưng đầy sinh lực, khả dĩ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội.
Các giám mục sẽ giúp linh mục và giáo dân sống lại ái kinh nghiệm mà các ngài đã hưởng để đổi mới tinh thần? Hay vì sợ những xáo trộn do cuộc thảo luận gây nên, các ngài chỉ ban bố và giải thích các văn kiện của Công đồng chứ không đón nhận ý kiến của linh mục và tín hữu, của toàn thể dân Chúa? Nếu chỉ có thể, Công đồng Vatican II sẽ ít hoa trái trong tâm hồn tín hữu. Các linh mục và tín hữu cần phải sống lại cái kinh nghiệm của 4 năm Công đồng, cần phải gặp gỡ, đối thoại, cùng nhau tìm chân lý như các nghị phụ ở Công đồng. Họ cần phải khám phá dần dần những xác tín mới, như các nghị phụ đã khám phá. Thiếu kinh nghiệm ấy, những quyết định của Công đồng chỉ đến với họ như những cái ngoại lai. Trái lại, nếu họ cũng được may mắn sống lại cái kinh nghiệm kia, họ sẽ có một tinh thần mới do kinh nghiệm sống của chính bản thân họ, và của cộng đoàn dân Chúa chứ không phải chỉ có việc thay đổi cách máy móc lối sống theo các văn kiện và lời dạy dỗ mà họ chỉ phải chấp nhận suông.
Chính vì muốn có các linh mục và tín hữu sống lại cái kinh nghiệm quý báu của 4 năm Công đồng, mà nhiều Hàng giáo phẩm quốc gia trên thế giới đã quyết định mở những “Công đồng quốc gia”, để linh mục và tín hữu có dịp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi tư tưởng trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Các Hàng giáo phẩm quốc gia này nói về những thành quả của Công đồng vatican II. Chúng tôi tha thiết mong ước Hàng giáo phẩm Việt Nam khai mạc một “Công đồng quốc gia” với những ủy ban chuẩn bị, học hỏi, thảo luận để các linh mục và tín hữu Việt Nam sống lại cái kinh nghiệm quý báu của Công đồng. Đối với một Giáo hội còn khép kín, còn nhuốm nhiều màu sắc trung cổ, cái kinh nghiệm kia rất cần thiết, để dần dần loại trừ những thái độ cuồng tín, háo thắng, háo danh, háo lợi và để đón nhận tinh thần mới, tinh thần của Vatican II, tinh thần đối thoại trong chân lý và tình thương.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                         Số 202-3/1966
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét