LTCGVN (16.02.2013)
Sàigòn
Cách đây mấy tháng, một anh bạn tinh nghịch hỏi tôi: “Có phải Cha thích ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phải không?”. Tôi vui vẻ đáp: “Lẽ dĩ nhiên rồi”. Và đón được ý nghĩ của ông bạn, tôi nói tiếp: “Nhưng xin ông bạn chớ nên cho rằng tôi thích ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hơn cả chỉ vì tôi là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và là chủ nhiệm một tờ nguyệt san mang tên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đâu nhé”.
Trên phương diện lịch sử và mỹ thuật, thì ảnh Đức Mẹ hằng Cứu Giúp đứng vào bậc nhất, vì ảnh ấy họa lại bức ảnh Đức Mẹ chỉ đường (Hodegetria), tức là ảnh cổ kính nhất trong Giáo hội đã được tôn kính ở Constantinople, như bạn Thanh Dũng sẽ nói trong số báo này. Mặc dầu chúng ta không biết được khuôn mặt Đức Mẹ ra sao, như lời thánh Augustin đã nói về thế kỷ thứ tư: “Chúng tôi không được biết gì về khuôn mặt của Nữ Trinh Maria” (De Trin. VIII,5,7), nhưng khuôn mặt hình trái xoan của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có những nét rất Á Đông và tuyệt đẹp, khiến nhiều nhà nghệ sĩ lừng danh đã không hết lời ca ngợi.
Nhưng trên phương diện đức tin và thần học, bức ảnh ấy là một tuyệt tác diễn tả chân dung tinh thần của maria cách trung thành hơn hết. Mỗi nét đều nói lên sứ mạng cao cả của Maria.
Trước tiên bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nêu cao chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trên nền vàng tượng trưng vinh quang thiên đàng, nổi lên hình bán thân của Đức Mẹ. Nhưng Mẹ Maria không đứng một mình. Với Mẹ có cả Chúa Giêsu. Ở phía trên có mấy chữ Hy Lạp: “Mẹ Thiên Chúa”. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và tất cả vinh quang, tất cả những đặc ân khác của Mẹ đều bắt nguồn từ Chúa Kitô. Nơi Mẹ, tất cả đều hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm của Mẹ. Vì thế lòng sùng kính của ta đối với Mẹ Maria cũng nhằm một mục đích: Đức Kitô, Vị Cứu tinh và Trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria còn là Mẹ của chúng ta, Mẹ của đoàn người được cứu rỗi, Mẹ của Giáo hội, đúng với tước hiệu mà Đức Phaolô VI đã tuyên bố trong Công đồng Vatican II: Trước hình cụ tử nạn do hai thiên thần dâng lên, Chúa Giêsu run sợ, như ngài sẽ run sợ một ngày kia trong vườn cây dầu. Phần Đức Mẹ, tâm hồn Mẹ tràn ngập đau thương đến trào ra nơi đôi khóe mắt đầy u buồn. Nhưng Mẹ không có một cử động nào để ngăn cản cuộc tử nạn của Con. Mẹ chấp nhận mọi khổ đau, Mẹ cùng chịu tử nạn trong tâm hồn với Chúa Giêsu để chúng ta được cứu rỗi.
Là Mẹ giáo hội, Mẹ Maria luôn chăm nom đến Giáo hội, chăm nom đến mỗi con người, để đưa tất cả về với Chúa Kitô. Vì thế Mẹ xứng đáng mang tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Đôi mắt dịu hiền của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không nhìn về Chúa Giêsu, nhưng nhìn về chúng ta, an ủi, nâng đỡ ta. Cái nhìn âu yếm và đau buồn của Mẹ đã sưởi ấm bao tâm hồn, đã lay tỉnh bao đứa con hoang đàng. Mắt Mẹ hướng về chúng ta, nhưng tay Mẹ nắm chặt lấy hai tay của Chúa Kitô. Nắm chặt, không phải để cản ngăn Chúa trừng phạt loài người, nhưng là để đón nhận tất cả ân huệ của Chúa Cứu Thế. Đón nhận cho Mẹ một cách dồi dào và đón nhận cho con cái của Mẹ.
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ Hằng Cứu Giúp, đó là ba điểm son của bức chân dung mà Thiên Chúa đã dùng để đưa mọi người về với Đức Maria và sau cùng, về với Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của Đức Mẹ và của chúng ta.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 203-4/1966
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét