LTCGVN (02.12.2013)
Mùa Giáng
Sinh là Mùa Hồng Ân, Mùa Thánh Đức, Mùa Ánh Sáng, Mùa Bình An, Mùa Yêu Thương,
Mùa Giao Hòa, Mùa Hạnh Phúc,… Người ta có nhiều cách gọi.
NS Nguyễn
Văn Đông (*) có nhiều ca khúc hay và phổ biến, đặc biệt là nhạc giáng sinh. Có
lẽ ca khúc nổi tiếng nhất của ông cho Mùa Giáng Sinh là bài “Mùa Sao Sáng” (Một
mùa sao sáng đêm No-en Chúa sinh ra đời…). Tôi không biết ông có là Kitô hữu
hay không, nhưng theo cảm nhận riêng, ca khúc của ông mang đậm nét Công giáo,
từ ca từ đến giai điệu, nghe đầy “chất” thánh ca, nhất là khi nghe lời Việt do
ông viết cho bài “Ave Maria” của Schubert. Thiết nghĩ, rất có thể ông là Kitô
hữu.
Ông sống
trong thời chiến, bản thân ông cũng là một quân nhân, vì thế các ca khúc của
ông mang nhiều tâm sự sâu lắng. Với tâm trạng đó, ông đã trải nỗi niềm qua ca
khúc “Xin Chúa Thấu Lòng Con”. Là ca khúc đời nhưng tựa đề là một lời cầu
nguyện, giống như thánh ca vậy, đặc biệt là giai điệu và ca từ lại mang đậm nét
thánh ca. Giai điệu nhịp nhàng và tha thiết quyện trong nhịp 3/4. Có lẽ đây là
bài người nghe rất khó đoán âm thể, vì ông chuyển âm khá “xa” nên nghe “lạ” lắm,
âm thể trưởng mà có khi nghe như âm thể thứ. Độc đáo thật!
Như một
người có niềm tin Kitô giáo, NS Nguyễn Văn Đông xác nhận: “Chúa ngự ở trên cao, lòng trời bể bao la. Ngày lớn con đã tin rằng khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành.
Lạy Chúa, mùa Giáng sinh xưa, ngày đầu bước yêu đương, người ấy thưa với con
rằng tan mùa chiến chinh ngày đó anh về kết đôi”.
Tại sao “khi
lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành” mà không tìm đến cái gì khác? Sao không
“giải khuây” bằng những “biện pháp” như người ta thường làm? Người như vậy hẳn
là có niềm tin sâu sắc lắm. Yêu thương và xa cách nhau trong thời chiến như một
định luật tất yếu, nhất là khi người ta còn rất trẻ. Nhưng anh quân nhân trẻ ấy
lại không sa đà như người khác mà lại biết “tìm đến Chúa”. Thật là một tâm hồn
đạo hạnh. Chiến sĩ ở chiến trường, xa nhà thờ, không có điều kiện về tôn giáo,
nhưng chiến sĩ ấy không hề xa Chúa, mà lại rất gần Chúa, thậm chí có thể gần
Chúa hơn những người ở hậu phương.
Chiến tranh
luôn “ác tính”, tàn khốc và không trừ ai. Cái chết luôn cận kề. Ông tâm sự: “Nhưng từng đêm chiếc lá lìa đàn, đêm từng
đêm giấc mơ kinh hoàng, nhân loại còn ngủ say bên những kiếp người quê hương
đọa đày”. Ông lấy hình ảnh chiếc lá để nói đến cảnh cái chết chia ly của
con người. Chết là cảnh chia ly vô cùng tang thương, nhất là khi cái chết xảy
ra vào ngay đêm Giáng Sinh, đêm được mệnh danh là Đêm Bình An: “Ôi, đêm thánh vô cùng, lời thương rền khắp
muôn trùng. Người mau về đi, đừng gieo biệt ly, từng hồi chuông nửa đêm… sầu
bi!”.
Hồi chuông
đêm Giáng Sinh thánh thót vang ngân mà lại sầu bi sao? Chuông không sầu, chuông
vẫn réo rắt niềm vui, nhưng vì người xa người nên tiếng chuông chợt hóa tiếng
sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Con Chúa giáng sinh để nối kết đất với
trời, để đoàn tụ mọi người, thế mà cảnh chia lìa vẫn xảy ra, không sầu bi sao
được!
Người chết,
người sống là cảnh tang thương đã đành. Cảnh chia lìa không kém tang thương là cảnh
thù hận. Người này ghét người kia. Mà chiến tranh là cảnh đối nghịch giữa đôi
bên: “Chiến cuộc mấy mươi năm, mệnh trời
bắt gian truân. Lạy Chúa, chinh chiến lâu rồi, cho mùa Giáng sinh ngày đến
thanh bình, Chúa ơi!”.
Thấy cuộc
đời như vậy, ông cảm thấy buồn lắm, và ông tự an ủi là “mệnh trời bắt gian
truân”. Còn biết nói gì hơn là chấp nhận. Nhưng ông vẫn tin tưởng và kiên trì
cầu xin Chúa ban hòa bình cho mọi người, từ trong tâm hồn tới cuộc sống đời
thường.
Ngày nay,
Việt Nam
không còn chiến tranh, không còn bom đạn, không còn thù hận, nhưng vẫn có những
cuộc chiến về tinh thần, ý thức hệ, quan niệm,… kể cả cuộc chiến tâm linh.
Người ta không giết nhau bằng súng đạn, bằng gươm giáo, nhưng người ta vẫn
“giết” nhau bằng nhiều cách tinh vi hơn và tàn ác hơn nhiều: Liếc mắt, lườm
nguýt, đố kỵ, phe cánh, chỉ trích, ghen ghét, gièm pha, trù dập,...
Những cuộc
chiến như thế vẫn hằng ngày xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau, xảy ra ngay
trong gia đình, xóm giềng, khu phố, xã hội, đoàn thể, cộng đoàn giáo xứ, cộng
đoàn tu trì,...
Lời cầu của
NS Nguyễn Văn Đông đẹp lắm: “Xin Chúa
thấu lòng con”. Chúng ta cùng cầu nguyện như vậy!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sống đúng
tinh thần Mùa Giáng Sinh là giao hòa và nối kết với nhau, như Chúa Con đã bỏ trời
cao đế hạ mình xuống hòa nhập với những con người khốn cùng nhất. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Giáng Sinh 2013
__________________________
(*) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15-3-1932 tại quận 1 (Saigon ), nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm
1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu.
Ông có các bút danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương
Tử và Vì Dân. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ca Việt Nam, tác giả của
nhiều ca khúc tân nhạc nổi tiếng như: Chiều Mưa Biên Giới, Hải
Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Ai Đi Ngoài Sương Gió,
Bóng Nhỏ Giáo Đường, Chiều Mưa Biên Giới, Cay Đắng Tình Đời, Bẽ Bàng,... Ngoài
ra ông còn là soạn giả của một số tuồng cải lương thịnh hành như: Nửa Đời
Hương Phấn, Tiếng Hạc Trong Trăng,...
Ông là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi
như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và
các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch,
diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Từ năm 1958, ông là trưởng ban ca nhạc
Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Saigon – gồm những danh ca, nhạc sĩ danh
tiếng như: Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách
Đàm, Anh Ngọc,...
Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng
thời đó, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Y Vân, Văn Phụng, Nghiêm
Phú Phi, Lê Văn Thiện,... Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương trình tân
nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở tuồng và cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông
là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa
từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có
Khánh Ly (Sơn Ca 7), Thái Thanh và Ban nhạc Thăng Long (Sơn Ca 10),
Lệ Thu (Sơn Ca 9), Phương Dung (Sơn Ca 5 và 11), Giao Linh (Sơn Ca
6), Sơn Ca (Sơn Ca 8)... và một số album riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Thanh Tuyền là một trong các học trò của NS Nguyễn Văn Đông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét