LTCGVN (02.12.2013)
Ninh Bình – Tôi đến Châu Sơn trong những ngày đầu đông, cái rét lập đông nghe nhè nhẹ, lâng lâng đến ngọt ngào. Những buổi tối cuốn chăn dầy cộm vùi mình trong giường nệm gây cảm giác là lạ cho những kẻ sống quanh năm trong khí hậu nhiệt đới Saigon. Có những chiều gió mùa đông bắc về, co ro với cái áo lạnh, những cái vớ chân, cái khăn quàng cổ, vụng về vướng vít thấy hay hay, là lạ. Buổi sáng quen cảnh Saigon, bật dậy mở tung cửa để đi ra hít khí trời chạm ngay cái lạnh bất ngờ dội ngược lại, bàng hoàng thú vị làm sao.
Khung cảnh Đan viện thật an bình, im như tờ không một tạp âm, ầm ĩ, ồn ào náo động. Xa xa những khối núi đá vôi dựng đứng đẹp rực rỡ trong những ngày nắng trong, từng vệt cây xanh bám vào ven thành núi như những mảng rêu phong cũ kỹ nơi những mái nhà phố cổ hiếm hoi còn sót lại của thời xây dựng như vũ bão.
Nhà nguyện của Đan viện sáng lên theo từng hồi chuông, tiếng kinh nhật tụng phát ra từ những khung cửa vòm mang ánh đèn vàng ngậy vang xa vang xa, đều đều như những tiếng nguyện văng vẳng đâu đây của một cõi thiên đường, cõi thiên đường xà quyện với nhân thế.
Tám ngày lưu trú trong Đan viện, thảnh thơi nhàn hạ, không bị vây bắt bởi công việc, không bị lôi cuốn bởi các vấn nạn cần giải quyết, không bị quyến rũ bởi cái máy vi tính, cái máy điện thoại hàng chục cuộc gọi “bị nhỡ”, hàng chục tin nhắn không mở, tôi vất mọi sự để tận hưởng thời gian bình yên, biết là sau những ngày này sẽ lại là những ngày tất bật, sẽ lại là những ngày xáo trộn cả kế hoạch dự liệu, và hàng chục lời trách móc, vì thế, vất bỏ được ngày nào hay ngày ấy.
Cơm Đan viện thật ngon, ngon vì lạ miệng, ngon vì “an toàn”, cá dưới ao đánh lên, rau củ do chính các đan sĩ trồng cấy, cả hạt gạo cũng từ Đan viện làm ra, gà chắc chắn là “gà đi bộ”, chuối nhà trồng, … mọi thứ tươi rói, ngọt ngào và đầy hương vị. Bóng các đan sĩ lặng lẽ phục vụ trong nhà bếp, họ cứ âm thầm cặm cụi làm việc, lảng tránh khách hành hương khi có ai cố ý tìm gặp gợi chuyện.
Chiều chiều tản bộ trong vườn cây, thấp thoáng bóng các đan sĩ trẻ lao động, họ cắm cúi làm việc, không một tiếng cười đùa, không một câu nghịch ngợm, đời sống của họ là “Lao động và cầu nguyện”, họ cầu nguyện khi lao động, lặng lẽ âm thầm để chỉ thuộc về một mình Chúa mà thôi. Thoáng một hình ảnh đẹp tuyệt diệu trong tâm trí tôi, họ là những bông hoa trong sáng nở trong cõi thâm sơn cùng cốc, Chúa khéo gieo vãi để thiên nhiên luôn là bài ca bất tận ngợi khen Chúa.
Tôi nghĩ nhiều về họ, những đan sĩ đang tu luyện nơi Đan viện này trong những ngày tôi ở đây. Họ vào đây tìm gì? Danh vọng chăng? Làm gì có. Địa vị chăng? Làm gì có. Giàu có chăng? Làm gì có. Lợi lộc chăng? Làm gì có. Họ tìm Chúa trong thinh lặng giữa những huênh hoang ồn ào của thế gian, họ muốn nói với thế gian về giá trị tuyệt đối của nước Trời đang hiện diện giữa thế gian này.
Tôi đã được chữa lành sau nhiều ngày tháng cặm cụi lao công khổ tứ, bụi thời gian, bụi không gian được gột rửa giữa thinh lặng thánh thiêng, ngày mai tôi “xuống núi”, ngày mai tôi giã từ chốn này, đã tròn 8 ngày tôi xa phố thị, ngày mai tôi sẽ làm quen lại với thế trần, ngày mai tôi gặp lại những bộn bề nhân gian.
Xin cám ơn vị “Thiền sư” của Thiên Chúa, xin cám ơn các đan sĩ thoát trần, xin cám ơn Đan viện Châu Sơn, Đan viện sừng sững trải qua năm tháng bão bùng. Xin cám ơn bầu khí thánh thiêng, xin cám ơn những lời kinh vang lên mỗi giờ cầu nguyện cho nhân thế, xin cám ơn tất cả những phương thuốc kỳ diệu Chúa đã sử dụng để chữa lành cho tôi.
Ngày mai tôi “xuống núi”.
Đan viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình
Ngày 29/11/2013
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
Ngày 29/11/2013
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét