LTCGVN (10.12.2013) – Hà Nội – Có ý kiến thắc mắc liệu đi đến các Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có phải là đi hành hương không, hay đó chỉ được gọi là một việc kính Đức Mẹ? Hành hương có phải là buộc phải rời khỏi nhà đi đến một thánh địa xa xôi? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của việc hành hương là gì, những thay đổi của khái niệm này trong dòng lịch sử diễn ra như thế nào, và nhất là khái niệm “hành hương” có ý nghĩa gì trong xã hội hôm nay.
Cựu Ước
Hành hương là một hành trình đi đến một thánh địa vì một lý do tôn giáo nào đó. Đây là một nét tôn giáo đặc trưng xuyên suốt dòng thời gian và văn hóa. Tại vùng Cận Đông cổ, các đền được xây tại linh địa vì người ta tin rằng một số hoạt động của thần thánh đã xảy ra tại đây (ví dụ câu truyện về giấc mơ của ông Giacóp tại Bết Ên trong St 28,10-22 có thể được dùng để giải thích sự hiện diện của đền thờ Chúa ở đó).
Các vua Đavít và Salômôn khởi đầu tiến trình làm cho Giêrusalem có được vị trí độc nhất tại Israel. Vua Đavít đã biến thành phố này thành trung tâm tôn giáo của đế quốc (2Sm 6,12-19) và vua Salômôn xây Đền thờ tại đó (1V 6). Ngôi Đền này càng làm cho thành Giêrusalem trở thành trung tâm của các chuyến hành hương.
Địa vị này của Đền thờ Giêrusalem được nhấn mạnh trong sách Đệ Nhị Luật với đòi buộc phải hành hương đến “nơi Thiên Chúa chọn để Danh Người ngự” (= Giêrusalem) ba lần mỗi năm. Ba lễ hội hành hương đó là lễ Vượt Qua/Bánh Không Men, lễ Các Tuần (Ngũ Tuần), và lễ Lều (Lều Hội Ngộ) (Đnl 16,16).
Theo Tin Mừng thánh Gioan, chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần hành hương Giêrusalem (Ga 2,13; 5,1; 7,2-10). Tin Mừng Nhất Lãm thì chỉ ghi lại một lần Chúa Giêsu hành hương Giêrusalem trong sứ vụ của Người, vào dịp lễ Vượt Qua, và Người chết vào dịp đó.
Tân Ước
Dù việc đi hành hương là một thực hành tôn giáo có nguồn gốc từ xa xưa, được nhấn mạnh trong thời Cựu Ước, và dù là một trong ba tôn giáo độc thần, nhưng Kitô giáo không quy định hành hương là một bổn phận tôn giáo.
Tân Ước cho thấy Đền thờ Giêrusalem thu hút rất đông dân chúng đến hành hương (Lc 2,41-45; Ga 12,20; Cv 2,1-10). Những cuộc hành hương lên Giêrusalem thật gian khổ, dù tại phần đất nào đó của xứ Palestine hoặc từ bên ngoài (Diaspora). Những người hành hương thường đi thành từng nhóm để trợ giúp và bảo vệ nhau (Tv 42,4; 55,14; Lc 2,44). Sách Thánh Vịnh giữ lại một số bài hát mà người hành hương hát trên đường đi. Những bài ca này thường ghi đậm nét háo hức mong chờ và niềm vui (các Tv 24, 84, 118, 120-134).
Tân Ước đã thiêng liêng hóa ý tưởng hành hương bằng cách mô tả đời sống Kitô giáo như một cuộc hành hương tiến về quê hương thiên đàng (Hr 11,13-16; 1Pr 1,17; 2,11). Khác Kinh Thánh Hípri, Tân Ước không đòi buộc hành hương như một bổn phận tôn giáo. Dù vậy, các người hành hương Kitô giáo cũng đã đi đến Thánh Địa như đi hành hương ngay từ đầu thế kỷ II CN.
Đến thời Trung Cổ, các cuộc thập tự chinh bùng nổ như một nỗ lực bảo vệ quyền của các Kitô hữu được đến viếng những địa điểm hành hương này, sau khi xứ Palestine được trao vào tay người Hồi giáo kiểm soát.
Truyền thống phụng vụ và mục vụ
Hạn từ “hành hương”, ám chỉ một thực hành chung của nhiều kinh nghiệm tôn giáo, nhưng đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa Semít (người Hípri và đạo Hồi), đã mặc thêm ba sắc thái khác nữa trong Kitô giáo.
Ở cấp độ sâu, dưới ảnh hưởng mạnh của một số bản văn Kinh Thánh, hành hương ám chỉ tình trạng chung của mọi Kitô hữu, những công dân đích thực của thiên đàng (Pl 3,20), đang mong ngóng và rên siết được sống trên trời (2Cr 5,2), và do đó phải sống như người lữ hành và lưu đày, chống chọi với xác thịt (1Pr 2,11). Thánh Augustinô đã nói về toàn thể Hội Thánh như một người hành hương đang sống trên miền đất của người khác. Công Đồng Vaticanô II thường sử dụng cùng một hình ảnh hành hương, đôi khi ám chỉ đến câu truyện Xuất Hành, khi nói về chiều kích cánh chung của Hội Thánh (Hiến Chế tín lý về Hội Thánh, các số 8, 10, 44, 48). Công Đồng cũng dùng thành ngữ “Hội Thánh lữ hành” để nói về Dân Thiên Chúa trong hoàn cảnh dương thế hiện tại (số 50).
Nếp sống đan tu và các hình thức tu về sau xuất hiện trong Hội Thánh như một hình ảnh sống động và đầy thách đố nhằm diễn tả những khía cạnh chính yếu của đời sống Kitô hữu, nhất là khía cạnh “cánh chung”, và do đó thêm cả chiều kích “thân phận lữ hành” vào số các nét chính yếu trong ơn gọi của mình.
Trong mục vụ, các vị mục tử cần lưu ý các tín hữu cả hai nhu cầu: vừa quy hướng đời sống nội tâm về cuộc thành toàn viên mãn trên trời vừa chu toàn trách nhiệm tại thế. Các bản văn của Công Đồng Vaticanô II trình bày rạch ròi cả hai khía cạnh trong mục vụ. Do đó, cần có một nền linh đạo quân bình cho giáo dân đề cập cả hai chiều kích này. Ngày nay, ý tưởng về các giai đoạn của đời sống Kitô hữu đã trở nên phổ quát, dựa vào khám phá của các hình thức tâm lý nhân văn vốn nhấn mạnh những khía cạnh năng động của sự tăng trưởng và phát triển. Con người luôn ở trạng thái “trên đường”.
Hành hương cũng ám chỉ một hành trình nội tâm, qua đó các Kitô hữu tiến tới gặp gỡ Thiên Chúa trong sự kết hiệp nhiệm mầu. Thánh Gregory Nyssa chọn câu truyện Xuất Hành như hình ảnh gợi hứng cho hành trình người tín hữu tiến tới hoàn thiện.
Hành hương, theo nghĩa thông thường và đúng đắn, nhắm nói đến một cuộc đăng trình từ nhà mình đến một chốn linh thiêng xa xôi. Người Ai Cập, Hy Lạp và Rôma đi kính viếng những ngôi đền xa xôi, giống như người Ấn giáo hôm nay đang làm, nhưng chính trong các xã hội theo văn hóa Semít đó mà hành hương trở thành một thực hành tôn giáo quan trọng. Tại Israel, có những cuộc hành hương định kỳ lên “Nhà Đức Chúa” tại Giêrusalem, tương tự việc lên đền của người ngoại giáo cổ xưa.
Trong Kitô giáo, hành hương được thực hiện trong hai bối cảnh khác nhau, hoặc đi kính viếng một đền thánh nổi tiếng (hạn như đền Đức Mẹ hoặc các Thánh), hoặc đến những nơi đã xảy ra những sự kiện lịch sử hoặc được tin là như thế. Những chuyến đi đến những nơi đã xảy ra các sự kiện tôn giáo là hình thức cổ xưa và phổ biến nhất của việc hành hương. Theo Eusebius, Giám mục Melito Sardi (khoảng năm 160), thì Giám mục Alexander Cappadocia (khoảng năm 216) đã đi hành hương đến Thánh Địa (Lịch sử Hội Thánh, 4.26.14 và 6.11.2). Tuy nhiên, chính cuộc hành hương của hoàng đế Constantine và thân mẫu Helena đến Thánh Địa (và cho xây một vương cung thánh đường tại đây), đã tạo một âm hưởng lớn nhất trong số các Kitô hữu.
Các cuộc thập tự chinh và việc thiết lập vương quốc La-tinh tại Palestine một lần nữa làm cho các chuyến hành hương đến Thánh Địa trở thành cách diễn tả phổ thông lòng đạo đức và sám hối.
Một hình thức hành hương phổ biến khác từ thời các Giáo phụ đã có đó là kính viếng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cũng như Thánh Giacôbê tại Compostela.
Thời gian gần đây, các chuyến hành hương đến những nơi Đức Mẹ đã bày tỏ quyền năng chuyển cầu (Lộ Đức và Fatima) đang ngày càng phổ biến, sánh ngang bằng với các chuyến hành hương đến Thánh Địa.
Canh tân tinh thần hành hương hôm nay
Trong thời đại di chuyển nhanh chóng như hiện nay, việc đi hành hương ngày càng dễ dàng hơn so với thời Giáo phụ và Trung Cổ, khi người ta phải rời khỏi nhà trong hàng tháng và đi bộ hoặc ngồi trên lưng lừa, ngang qua những vùng đất nguy hiểm. Chính vì vậy, chúng ta hôm nay cần gìn giữ tinh thần thiết yếu của linh đạo hành hương trong suốt bao thế kỷ qua được sống mãi. Rời khỏi ngôi nhà của mình hôm nay sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không bao gồm một ý định muốn bỏ lại sau lưng quá khứ tội lỗi của mình để lao tới gặp gỡ ân sủng của Thiên Chúa. Bí tích hòa giải tại các đền thờ (Đền Thánh Phêrô, Lộ Đức, hoặc Fatima) nay lại trở thành một phần quan trọng của bất kỳ cuộc hành hương nào.
Vào thời Trung Cổ, các chuyến hành hương đồng nghĩa với một cuộc tĩnh tâm kéo dài. Việc cắt đứt khỏi các hoạt động bình thường và các tương quan xã hội là một phương thế giúp người đó dìm mình vào bầu khí thiêng liêng. Ngày nay, tinh thần đó vẫn cần được duy trì, và do đó, cần có những lúc thinh lặng cầu nguyện cũng như cử hành chung trong các cuộc hành hương. Sau cùng, trong quá khứ, các chuyến hành hương luôn là dịp bày tỏ tình liên đới với người nghèo đang chờ đợi được bố thí tại các đền thờ. Nếu càng có thêm nhiều chương trình bác ái giúp đỡ người nghèo thì các chuyến hành hương hôm nay càng được thêm nhiều tinh thần Kitô giáo.
LM. JM. Hà Ngọc Phú CSsR
chuyển dịch từ “Pilgrimage”
trong The Collegeville Pastoral Dictionary of Biblical Theology
0 nhận xét:
Đăng nhận xét