Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Chuyến hành hương La Vang ngày 30-05-2013 - Cầu nguyện cho việc sống Đức tin


Chuyến hành hương La Vang ngày 30-05-2013
Cầu nguyện cho việc sống Đức tin

            Lúc 13g30 chiều ngày 30-05-2013, linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang tại Quảng Trị bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ công an, cho biết đang có một đoàn hành hương phát xuất từ Huế và dẫn đầu bởi một ông linh mục «có vấn đề»!
            Đúng 15g, hai chiếc xe chở 100 giáo dân xuất hiện tại Linh địa và được dàn chào bởi 4 anh công an «bám dân» (không phải bạn dân) mặc thường phục của sở Công an Quảng Trị. Nhưng dẫn đầu đoàn hành hương không phải là vị linh mục «có vấn đề» như công an chờ đợi và mai phục mà là một linh mục khác. Tuy nhiên, vị này, cha Giuse Trần Văn Quý (bạn thân của linh mục kia và hiện đang cư trú tại gia ở giáo xứ chánh tòa Phủ Cam), từ hai năm qua cũng đã nằm trong sổ đen của công an Thừa Thiên Huế. Việc được lọt vào «bảng danh dự» này đã khiến ngài bị cấm hành nghề đông y sĩ mà ngài đã làm rất chuyên nghiệp, rất công tâm và rất nhân đạo kể từ năm 1985. Một sự trả thù hết sức tàn độc và hèn hạ, vì ảnh hưởng đến vô số sinh mạng của bệnh nhân vốn tuốn đến với vị linh mục đầy tinh thần phục vụ từ nhiều nơi trong nước suốt 26 năm dài.
            Cuộc hành hương hôm nay -dành cho những giáo dân nghèo tại Huế- được một vị ân nhân hải ngoại tài trợ mọi mặt, với mong muốn anh chị em mình được đến với Mẹ La Vang trong Năm Đức tin để bày tỏ niềm tin tại nơi mà Mẹ đã hiện ra để an ủi các tín hữu thời cấm cách Cảnh Thịnh (1798) và còn hiện diện để an ủi các tín hữu thời bách hại của Cộng sản hôm nay.
            Sau khi nghỉ ngơi chừng nửa giờ, đoàn người khởi sự cuộc hành hương cầu nguyện bằng việc tụ tập trên Linh đài để lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Dĩ nhiên mấy anh «bám dân» cũng lập tức đeo sát đoàn người, ngồi sau lưng họ, dưới linh đài. Để giấu mặt, anh sếp thì che dù, còn mấy anh kia kẻ thì đeo kính đen, kẻ thì lấy tay che mặt, kẻ thì cúi gập người thật sâu. Nhưng trong túi anh nào cũng có máy ghi âm, một anh còn cầm máy ghi hình để thu hết mọi chuyện (xin xem hình phía dưới). Y như nhiều cuộc hành hương «có vấn đề» trước đây mà chúng tôi đã đưa lên mạng. 


Các giáo dân đang lẫn chuỗi Mân Côi

           
Chuỗi Mân Côi hôm nay suy niệm 5 mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giê-su (thường gọi là 5 Sự Thương). Có lời nguyện mở đầu và lời suy niệm trước mỗi chục kinh Kính Mừng, do 6 thành viên trong đoàn đọc với giọng sang sảng, trong nắng chiều và bầu khí yên lặng của vùng Linh địa. Sau đây là nội dung các lời đó :  
            Lời nguyện mở đầu: Lạy Chúa, giờ đây chúng con họp nhau trước Linh đài Mẹ để cùng Mẹ suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa mà Mẹ đã chứng kiến và hiệp thông với lòng tin sâu sắc và lòng mến sâu đậm. Hôm nay chúng con muốn được suy niệm Năm Sự Thương trong bầu khí và tinh thần của Năm Đức Tin mà Giáo hội đang mời gọi chúng con sống. Xin Chúa giúp chúng con sốt sắng suy niệm các mầu nhiệm đau thương mà chính Chúa đã trải qua vào những ngày cuối cùng ở nơi dương thế, trong cuộc Khổ nạn, và cũng đang trải qua nơi các chi thể của Chúa trong những tháng ngày hiện tại trên quê hương Việt Nam của chúng con.
            Mầu nhiệm Thứ nhất: Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu. Chúa đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu vì rùng mình thấy trước những đau đớn tột cùng gây trên thân thể vô tội của Chúa do các tội lỗi ghê gớm của toàn thể nhân loại và do lòng thù hận của những kẻ sắp xử án Chúa. Lúc này đây trên quê hương Việt Nam chúng con, cũng có những con người lo âu sầu não đêm ngày vì thấy bao thảm trạng và tệ nạn giáng xuống trên dân tộc đất nước, bao bất công đàn áp, bao tội ác bạo hành giáng xuống trên những đồng bào thấp cổ bé miệng. Các tâm hồn thiện chí đó đã biến nỗi buồn thương tha nhân và xã hội thành sức mạnh khiến họ đứng lên cất cao tiếng nói để công bố sự thật, bênh vực lẽ phải và thể hiện tình yêu. Nhân vì sự buồn khổ của Chúa trong Vườn Cây Dầu do tội lỗi nhân loại, xin Chúa ban sự kiên trì và lòng can đảm cho những ai đang băn khoăn và đang chiến đấu trong sự hiền hòa vì hạnh phúc của tha nhân như thế, vì thiện ích của toàn xã hội như thế. Cũng xin Chúa giúp cho chúng con đừng chuyên buồn khổ vì những vấn đề, những thiệt thòi của bản thân, nhưng biết buồn khổ vì tội lỗi và thói ích kỷ của riêng mình cũng như vì sự đau khổ bất hạnh của anh em chúng con, đồng bào chúng con. Có như thế, chúng con mới sống niềm tin một cách đích thực.
            Mầu nhiệm Thứ hai: Chúa Giê-su chịu đánh đòn. Chúa vô tội, nhưng người ta cũng đã đánh Chúa cho tơi tả, máu me bao phủ toàn thân, chỉ vì Chúa đã dám sống cho Thiên Chúa và cho nhân loài, đã mạnh mẽ rao truyền công lý và cổ vũ cho sự thật. Trên quê hương Việt Nam chúng con hôm nay, có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đang bị sách nhiễu trong cuộc sống, bị phong tỏa trong việc làm ăn, thậm chí bị tống vào trong lao tù và tại đó có khi họ đã lãnh những đòn tra tấn hành hạ đủ kiểu. Tất cả chỉ vì họ đã đòi lại những quyền lợi chính đáng của bản thân, của gia đình và của đồng bào, như nhà cửa ruộng vườn bị tước đoạt, đã đòi lại cái quyền sống xứng nhân phẩm cho con người và những quyền tự do cho công dân mà Chúa đã ban cho bất cứ ai khi sinh họ ra, đã đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc và quyền sinh tồn cho giống nòi đang bị nhiều thế lực ngoại bang đe dọa. Xin cho các trận đòn trên thể xác cũng như trên tâm hồn mà các chiến sĩ nhân quyền và dân quyền ấy cùng gia đình họ đang gánh chịu, biết làm động lòng những kẻ đang tàn nhẫn hành hạ họ và làm động tâm những kẻ đang dửng dưng vô cảm trước nguy cơ của Đất nước và của Dân tộc. Xin Chúa cũng giúp chúng con chấp nhận một ít gian khổ chỉ vì dám sống đức tin giữa xã hội vô thần, sống tình thương giữa thế giới ích kỷ thù hận.
            Mầu nhiệm Thứ ba: Chúa Giê-su chịu đội mũ gai. Quân lính đội mũ gai cho Chúa và khạc nhổ vào mặt Chúa chỉ vì muốn sỉ nhục Chúa, Đấng đã đến để làm vua tình yêu, vua sự thật, đã đến để nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa. Trên đất nước của chúng con hôm nay, có vô số con người đang bị mất nhân phẩm chỉ vì cuộc sống quá khó khăn cùng quẫn. Chúng con muốn nói đến hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam nghèo khổ phải ra nước ngoài lao động để rồi bị lừa gạt, bị bóc lột, biến thành lao nô, chồng chất những món nợ vô lý mà họ suốt đời không thể nào trả nổi. Chúng con muốn nói đến hàng trăm ngàn thiếu nữ thôn quê túng cực đành chấp nhận làm vợ người ngoại quốc để có tiền giúp đỡ gia đình. Họ đang phải sống một cuộc hôn nhân không có tình yêu, và thê thảm hơn nữa, có lúc bị biến thành nô lệ tình dục nơi xứ người. Nhiều chị em bất hạnh ấy đã nhảy lầu quyên sinh, tự tử. Chúng con muốn nói đến vô số thanh niên thiếu nữ khác ở ngay trong nước đang đầu tắt mặt tối làm công nhân với đồng lương không đủ sống, với điều kiện lao động tồi tệ, với quyền đình công bị cấm cản, nghĩa là đang bị bóc lột thậm tệ từng ngày. Quả thật đó là nỗi sỉ nhục cho bản thân họ và cũng là nỗi sỉ nhục cho toàn dân tộc, toàn đất nước chúng con. Xin cho chúng con góp phần lau vết sỉ nhục mà Chúa đang chịu trên khuôn mặt họ.
            Mầu nhiệm Thứ tư: Chúa Giê-su vác cây thập giá. Cây thập giá Chúa vác trên vai để đi đến Núi Sọ chính là thân phận đau khổ của loài người và khối nặng tội lỗi mà toàn thể nhân loại đã gây ra. Nay Chúa còn tiếp tục vác thập giá nặng nề ấy nơi hàng triệu nông dân đồng bào chúng con mà hiện mang một cái tên chưa từng có trong lịch sử: Dân Oan! Họ đang sống yên lành và đang vui lao động trên mảnh vườn, thửa ruộng của họ thì bỗng có những kẻ đầy quyền lực và ngập lòng tham đến tống cổ họ đi, đền bù cho một tí tiền còm không giúp họ sống nổi, có khi còn đánh đập và bỏ tù họ nếu họ không chịu từ bỏ gia sản tổ tiên để lại. Thế rồi họ đành phải dấn thân vào một hành trình đau khổ, mang lấy cây thập giá của kiếp đời dân oan để lê lết từ quê lên tỉnh, từ địa phương tới trung ương, kiện tụng vô vọng từ đời ông đến đời cha, từ đời cha đến đời con, từ đời con đến đời cháu. Chúng con đang thấy hàng ngàn đoàn lũ lếch thếch trên mọi nẻo đường đất nước để đòi quyền sở hữu một mảnh đất trên quả địa cầu rộng lớn mà Chúa đã bảo tất cả nhân loại chúng con hãy chia cho nhau để cuộc sống và phẩm giá của mỗi con người được bảo đảm. Xin cho chúng con sống lòng tin đích thực bằng cách góp phần tranh đấu sao cho mỗi một đồng bào chúng con có một ngôi nhà để trú ẩn và một mảnh đất để sinh nhai kiếm sống.
            Mầu nhiệm Thứ năm: Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá. Bởi vì Chúa đã muốn sống đến cùng cho sự thật và cho tình thương, nên rốt cục Chúa đã bị giết chết trên thập giá bởi những kẻ ưa chuộng gian dối và sống trong thù hận. Thế nhưng, chính những kẻ đẩy được Chúa vào bàn tay tử thần mới là những kẻ bị chết cách đích thực, chết trong tâm hồn, cái chết đáng sợ hơn cả. Trên quê hương Việt Nam chúng con hôm nay, có vô vàn kẻ đang dẫy chết tâm hồn như thế, chỉ vì họ đang sống trong dối trá lừa gạt, trong áp bức bạo hành. Bị mù quáng vì một ý thức hệ vô thần, không tin có Chúa, không nhận ra Chúa, vì một ý thức hệ phi nhân, coi con người chỉ là vật chất và coi cuộc sống chỉ là một cuộc tranh giành yếu thua mạnh được, họ đã và đang dùng quyền lực để thâu tóm quyền lợi, sẵn sàng bóp méo sự thật, chà đạp công lý, coi khinh tình thương và đày đọa đồng bào ruột thịt. Họ đã làm cho bao mảnh đời tan tác, bao gia đình ly tán, gieo rắc đau khổ và cái chết trên từng bước đi của họ, vì trong tâm hồn họ, lòng quý trọng tình thương đã chết, lòng yêu chuộng công lý đã chết, lòng ái mộ sự thật đã chết. Họ đang đứng trước nguy cơ là lãnh lấy cái chết đời đời, lãnh lấy hỏa ngục vĩnh viễn trong ngày Chúa phán xét. Chúng con tha thiết cầu xin, nhân vì sự chết và sự phục sinh của Chúa, xin Chúa hãy giúp tâm hồn họ sống lại, để trở họ về với nẻo chính đường ngay, với tình thương và công lý, ngõ hầu đất nước chúng con cũng được phục sinh tốt đẹp.




Lực lượng „bám dân“ mẫn cán nhưng kín đáo.

            Sau tràng chuỗi Mân Côi là đến Thánh lễ. Vì lễ Mình Thánh Chúa sắp đến, cả cộng đoàn đã cử hành trước lễ trọng này. Trong bài giảng, linh mục chủ tế đã trình bày ý nghĩa của 3 bài đọc (sách Sáng Thế, Thư I Cô-rin-tô và Tin mừng Luca) để đi đến kết luận: "Chúa Giê-su chính là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh chị em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Máu thịt Ngài, Ngài còn trao cho chúng ta. Phải đi từ bàn tiệc của Chúa đến bàn ăn của anh chị em; đi từ chia sẻ Mình Thánh Chúa tới tình hiệp thông bác ái huynh đệ. Các bí tích không phải là những phương tiện để chúng ta được cứu sống mà còn để chúng ta thành những người đi cứu hộ kẻ khác nữa... Chúa Giê-su đã không chết vì hận thù, nhưng đã chết vì tình yêu. Thì trong bữa tiệc Thánh Thể này, Chúa cũng muốn dạy chúng ta phải biết sống và chết vì tình yêu như Ngài vậy. Amen".



Thánh lễ kính Mình Máu Chúa do cha Giu-se Trần Văn Quý chủ sự

            Đoàn hành hương lên xe giã từ Đất Mẹ vào lúc 17g30 để về lại Huế. Trên xe, họ cùng nhau dùng bữa tối tuy không thịnh soạn nhưng chắc bụng (có người ăn không hết phải đem về nhà), lòng thầm cảm tạ Chúa và Đức Mẹ vì cuộc hành hương năm Đức tin đầy ý nghĩa cũng như cảm ơn vị ân nhân đạo đức lẫn hào hiệp ở phương trời xa. Các anh „bám dân“ cũng về đơn vị, nghe lại các đoạn ghi âm ghi hình để tìm cho ra yếu tố „phản động“ trong cuộc hành hương hầu đối phó trong tương lai.



Chụp ảnh lưu niệm tại La Vang và trên xe trở về Huế

            Tường trình từ Huế ngày 05-06-2013
            Nhóm Phóng viên FNA Khối 8406.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét