Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Những hồ sơ gây nhức nhối


LTCGVN (21.06.2013)
Những hồ sơ gây nhức nhối
Vào cuối thời tại vị của ĐGH Biển Đức XVI, giáo triều Roma đã bị báo giới và nhiều đài phát thanh và truyền hình ở Âu Mỹ tấn công mãnh liệt. Những cơ quan đó không ngần ngại phơi bày những sự việc tai tiếng ở giáo triều. Trong dịp này, chín hồ sơ đã được tạo lập chờ ngày giải quyết. Đó là các hồ sơ về việc Cải Tổ Giáo Triều, Tái Phát Khởi Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng, Một Cung Cách Mới về chức vị giáo hoàng, Các Mối Liên Lạc với Trung Hoa, vấn đề Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Pio X, Đối Thoại Liên Tôn, Tái Định Nghĩa Đại Kết, Các Ki-tô hữu bị hành hung, Sự Buông Thả trong phong hóa và cuối cùng Cơn Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu. Nổi cộm hơn cả là vụ thất thoát tài liệu mật trên bàn viết của ĐTC Biển Đức.
Number of View: 4092
Những hồ sơ nói trên đã được ĐGH Biển Đức để lại cho Vị Kế Nhiệm. Có người nghĩ rằng vì những hồ sơ đó, nhất là vụ Vatileaks mà ngài đã phải rời khỏi ngôi vị giáo hoàng. Có thể là như thế. Nhưng thiết tưởng đó là lối suy nghĩ của người trần gian, còn trong tâm tưởng của ngài chắc không phải như vậy, căn cứ theo những lý do ngài đưa ra trong văn thư báo tin từ nhiệm. Lý do chính là tình trạng sức khỏe khiến ngài không thể cáng đáng nổi trách nhiệm nặng nề điều khiển Hội Thánh nữa như ngài viết : “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin, để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.
Đối với một nhân vật như ĐGH Biển Đức thì đứng trước các khó khăn mà từ nhiệm là điều không xứng với tầm vóc của ngài, như có lần ngài đã trả lời cho ký giả Peter Seewald trong một cuộc phỏng vấn : “Việc từ chức không được phép là một lựa chọn để trốn tránh một trọng trách nào đó. Trong cơn nguy biến, không được chạy trốn.”[1]

Hơn nữa, việc từ nhiệm của ngài đã được nhìn nhận và công bố là một hành vi khiêm nhường và can đảm: can đảm vì bằng lòng rời bỏ chức trọng quyền cao và khiêm nhường vì nhận rằng mình không còn đủ sức.
ĐGH Biển Đức để lại những hồ sơ kia cho Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô giải quyết. Mới hơn hai tháng làm giáo hoàng mà dường như một số các vụ việc đã tự động được giải quyết : một Ủy Ban vừa được thành lập để cải tổ giáo triều, dư luận truyền thông xem ra ít chĩa mũi dùi vào Tòa Thánh hơn trước và không ngừng ca tụng tác phong và đức độ của Đức Tân Giáo Hoàng.
Người ta nói rằng ngay từ đời ĐGH Phao-lô VI đã có những toan tính cải tổ giáo triều. Nhưng từ đó cho đến thời các vị giáo hoàng kế tiếp, nhiều cản lực dường như không thể vượt qua đã khiến cho công việc cải tổ chưa tiến hành được .
Nay với những tập hồ sơ đang gây nhức nhối và với con người cùng nhân cách của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô, chắc chắn những hồ sơ kia sẽ được giải quyết để trả lại thanh danh và uy tín mà trước kia giáo triều đã có và gây được sự trọng kính cũng như tín nhiệm ở khắp nơi, như câu ngạn ngữ “Roma locuta, causa finita est” (Roma nói là xong chuyện).
Mấy năm trước, nhà xuất bản Lafont của Pháp có cho ra đời cuốn Le Vatican mis à nu(Điện Vatican để lộ trần), trong đó tác giả cho thấy bộ mặt thật của giáo triều. Gần đây một nhà báo Ý, ông Gianluigi Nuzzi cũng dùng tài liệu do ông Paolo Gabriele, quản gia của Phủ Giáo Hoàng phát tán, in thành sách nói về ĐGH Biển Đức XVI và giáo triều làm chấn động dư luận khắp nơi, gây buồn phiền lo ngại không ít cho nhiều người công giáo trên hoàn cầu.[2]
Xét về một phương diện thì đó là điều không hay : không hay ở chỗ cho người ngoài thấy những cái không hay nơi Tòa Thánh ; nhưng xét về một phương diện khác thì đó lại là một điều hay : hay ở chỗ nhờ vậy mà Tòa Thánh bó buộc phải thay đổi để tránh những cái không hay đã xảy ra.
Thời buổi này là thời buổi của sự trong sáng. Cái gì không trong sáng thì khó mà giấu được. Sự trong sáng cũng như sự thật. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta như Chúa Giê-su dạy. (Ga 8,32)
Người Việt Nam thường quen “tốt đẹp phô ta, xấu xa đậy lại”, còn người Âu châu thì đẹp cho thấy mà xấu cũng không che. Cái khác biệt giữa hai nền văn hóa là ở chỗ đó. Nhưng đã đến lúc người công giáo phải can đảm nhìn vào sự thật, dù sự thật đó gây nhức nhối để cải tiến tình hình cho tốt đẹp hơn.
Trở lại những hồ sơ đã nói, quả thật hàng giáo phẩm cũng như giáo dân không khỏi cảm thấy nhức nhối. Không nhức nhối làm sao được khi biết những chuyện phe phái, tranh dành quyền lực, thâm hụt công quĩ tại Vatican. Những chuyện này đâu có khác gì những chuyện xẩy ra tại nhiều chính phủ trên thế giới. Nếu ai đọc báo Pèlerin số 6758 ra ngày 7.6.2012 thì chắc sẽ “ớn lạnh” vì những điều được nói đến trong đó. Những chuyện ấy làm cho vị thế của giáo triều như bị lung lay. Người ta lo ngại cho uy tín của Tòa Thánh.
Nhưng thiết tưởng đây cũng là dịp để cho ai nấy thấy rằng Hội Thánh cũng là xã hội loài người. Là loài người nên Hội Thánh tránh sao cho hết được những cái thuộc loài người. Nói như vậy không phải để bao che, bào chữa mà chỉ có ý nói rằng người công giáo cần phải khiêm nhường và chấp nhận sự bất toàn của Hội Thánh, như Đưc Cố Giáo Hoàng Chân Phước Gio-an Phao-lô II, năm 2000 đã nhân danh Hội Thánh nhìn nhận và xin lỗi vì những sai lầm của mình đối với thế giới, và ĐGH Danh Dự Biển Đức XVI đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những vụ tai tiếng ấu dâm ở Mỹ và Ai-len của các linh mục mấy chục năm trước đây.
Nhìn theo con mắt đức tin thì có thể nói đây là cơ hội để Chúa thanh tẩy giáo triều và làm cho mọi người ý thức về sự cần thiết phải chấn chỉnh và cải tổ cơ quan đầu não của Hội Thánh, dưới quyền điều hành đầy triển vọng của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô và nhất là đưới sự bảo trợ và hướng dẫn quyết liệt của Chúa Thánh Thần.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
Nguồn: NVCL

[1] Ánh sáng thế gian trang 49
[2] Gianluigi Nuzzi : Sua Santita, Le carte secrete di Benedetto XVI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét