Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Từ Chối



LTCGVN (30.06.2013)
Kinh nghiệm bị từ chối ai cũng có. Ai cũng có lần bị từ chối và cũng có lần từ chối người khác. Ta vừa là nạn nhân vừa là người gây tổn thương cho người khác. Dù là gì chăng nữa thì cũng có lí do biện hộ cho hành động của mình. Khi bị chối từ như thế nhẹ nhàng thì bỏ qua rồi quên bẵng trong chốt lát; nặng thì để nó đeo sau lưng thời gian ngắn và nặng nhất là ôm ấp ủ nó trong lòng. Sung sướng gì khi phải ôm đá tảng trong lòng, ngày đêm sầu khổ. Điều rõ ràng từ chối hay bị từ chối là một thực tế trong cuộc sống, không ai tránh khỏi. Đau buồn do bị từ chối gây nên là điều không thể tránh. Có khác chăng là người đau buồn nhiều và dai dẳng hơn trong khi lại có người đau buồn ít và cũng để cho cho qua mau hơn. Người để cho đau buồn đến và đi nhanh là người có tinh thần cởi mở và khiêm nhường. Chính cởi mở và khiêm nhường giúp học biết đau thương vì bị từ chối có giá trị tích cực riêng của nó. Khi nhận biết giá trị tích cực của từ chối là biết đón nhận điều lợi ích cho bản thân. Người đó dùng kinh nghiệm trên để xét mình, tự tìm hiểu và sát hạch chính mình từ đó rút ra kinh nghiệm riêng biệt, làm giầu gia tài kinh nghiệm thực tế, sống động cho tương lai. Trái lại, không chấp nhận chỉ trích, từ chối là tự làm cho vấn đề trầm trọng hơn và từ những suy nghĩ trong đầu làm cho vấn đề đáng chán ghét trở nên kinh tởm hơn. 


Kinh nghiệm của những kẻ mong trả đũa cho thấy họ đau khổ, mất bình an. Phúc âm thuật lại Đức Kitô sai các sứ giả của Ngài đi loan báo tin Ngài đến làng của người Samaritanô. Khi nghe tin này dân làng không muốn đón tiếp các sứ giả tỏ thái độ bực dọc vì bị từ chối. Để trả đũa cho sự việc các ông xin cho lửa trời xuống thiêu rụi, giết chất dân trong thành. Trước thái độ hằn học trả đũa của các sứ giả Đức Kitô đã nghiêm cấm các ông không được hành động lỗ mãng đồng thời Thầy trò đi sang làng khác Lk 9,54

Điều may mắn người được sai đi không phải là các môn đệ mà là những sứ giả. Những vị này đã tin theo Đức Kitô, nghe Ngài giảng dậy, mong trở thành môn đệ chân chính. Tin và theo Đức Kitô chưa đủ biến các ông thành người môn đệ chân chính bởi vì tin và theo chưa biến đổi tâm hồn và trái tim các ông. Người môn đệ chân chính là người cần có tâm tình của Đức Kitô, cần có trái tim của Đức Kitô. Khi nào có được trái tim sẵn sàng tha thứ, yêu thương mới là môn đệ thực thụ, ngoài ra thì còn phải học rất nhiều. 

Để giúp các ông tránh khỏi nơi thị phi Thầy trò lánh sang làng khác. Bước khỏi nơi thị phi thì hoàn cảnh và vật cảnh chung quanh thay đổi dẫn đến thay đổi tâm tình. Ra khỏi chốn thị phi chỉ là cách giải quyết tức thời. Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ Đức Kitô giáo huấn các ông nếu người ta từ chối đón nhận thì đi nơi khác, không cần phải tức tối, bực dọc. Thực tế cuộc đời là thế luôn có người từ chối lại cũng luôn có người đón nhận. Tìm chưa đúng nơi, đúng chỗ, đúng người thì không cần bực dọc. 

Chính Đức Kitô cũng có nhiều kinh nghiệm bị từ chối. Phúc âm hôm nay cho thấy cả ba người muốn đi theo Ngài nhưng cả ba đều có những lí do riêng và điều kiện kèm theo. Đức Kitô không chấp nhận điều kiện kèm theo cho việc phục vụ Tin Mừng. Bao lâu ngưòi ta chưa coi việc rao giảng Tin Mừng quan trọng hơn tất cả mọi sự thì việc đi theo vẫn là nửa vời. Để được tâm tình ưu tiên rao giảng Tin Mừng việc đầu tiên là cần bỏ chính mình, í riêng mình và lối sống quen thuộc, thay vào đó là tâm tình cởi mở, khiêm nhường, dấn thân, tha thứ và học nơi Đức Kitô. Không cần học nơi ai khác. 

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét