Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Việc phong chức Linh mục tại Việt Nam


Sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) gửi cho Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp và đồng thời công bố cho toàn dân biết Bản Nhận định và Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có người đặt vấn đề: Giáo hội Công giáo sẽ làm gì sau bức thư đầy tâm huyết này?
Sáng nay lướt web một vòng xem tin đầu ngày, có một tin vui đã khiến tôi liên tưởng đến Bản Nhận định và Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐGM VN. Đó là bản tin “DCCT VN chuẩn bị phong chức Phó tế và Linh mục đợt I năm 2013”. Liên quan đến việc phong chức Linh mục và Giám mục trong Giáo hội, Bản Nhận định và Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐGM VN, đề nghị thứ 5 của phần Quyền Con người viết: “Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế…” Điều đó có nghĩa rằng việc truyền chức (linh mục và giám mục) hoàn toàn là chuyện nội bộ. Không một cơ quan nào của nhà nước có quyền can thiệp vào chuyện này.

Trên thực tế, việc xét duyệt ứng viên để truyền chức trong Giáo hội Công giáo rất nghiêm ngặt. Vì thế, sự can thiệp của nhà nước không giúp ích gì cho việc xét duyệt này, mà chỉ nhằm mục đích gây khó dễ và “ra điều kiện” cho các ứng viên hay gia đình của họ. Chỉ cách đây khoảng 10 năm trở về trước an ninh tôn giáo (lúc ấy là PA 38) và Ban Tôn giáo luôn là những thành phần can thiệp thô bạo vào lãnh vực này.
Hàng năm, cứ vào dịp hè, hàng loạt các Đại Chủng viện và Dòng tu tại Việt Nam luôn có các ứng viên lãnh sứ vụ Linh mục. Nay là thời điểm các Dòng tu và Đại Chủng viện phải tiến hành thủ tục “Đăng ký phong chức Linh mục” theo pháp luật hiện hành. Liệu các Dòng tu và Đại Chủng viện có thực hiện giống nhau không, hay mỗi nơi một kiểu tùy thuộc sự “vẽ vời” của an ninh tôn giáo và Ban tôn giáo mà không tham chiếu pháp luật?
Theo pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, tại Điều 16 quy định về việc “Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử” như sau:
1. Giấy Đăng ký phong chức linh mục của người đứng đầu một “tổ chức tôn giáo” (Dòng tu hay Đại chủng viện) chỉ gửi cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, chứ không gửi cho Ban tôn giáo hay bất cứ cơ quan công an nào.
2. Hồ sơ Đăng ký phong chức linh mục chỉ gồm 3 văn bản:
a) “Giấy Đăng ký phong chức linh mục” của tổ chức tôn giáo;
b) “Sơ yếu lý lịch” có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chức sắc, nhà tu hành cư trú;
c) “Tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo” của người được đăng ký.
3. Thời hạn để “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến khác” (bằng văn bản) là 30 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký. Nếu không thì các ứng viên “được hoạt động tôn giáo theo chức danh đã được đăng ký.”
Tại một số địa phương, ngay cả ở TP.HCM, an ninh tôn giáo và Ban Tôn giáo thường có hành vi lạm quyền. An ninh tôn giáo thì đến gặp người đứng đầu Dòng tu hay Đại chủng viện hoặc hẹn gặp người được đăng ký (gọi là “làm việc”) để nói điều này điều kia không thuộc trách nhiệm hay thẩm quyền của mình, làm ra vẻ như việc phong chức linh mục là “ân huệ” của nhà nước. Ban Tôn giáo thì yêu cầu Dòng tu hay Đại chủng viện gửi hồ sơ cho họ, mặc dù Nghị định số 22/2005/NĐ-CP không hề yêu cầu, thậm chí Ban Tôn giáo còn đòi hỏi những loại giấy tờ mà Nghị định trên không đòi, chẳng hạn như Giấy chứng nhận tốt nghiệp Thần học hay Giấy chứng nhận tạm trú tại nhà Dòng hay Đại chủng viện. Tất cả những hành vi trên đều lạm quyền và vi phạm pháp luật, nếu xảy ra cần phải bị tố cáo và xử lý nghiêm minh.
Ước mong tất cả các Đại chủng viện và Dòng tu tại Việt Nam nắm vững căn cứ pháp luật và nhất là tinh thần của Bản Nhận định và Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của HĐGM VN để thực hiện việc phong chức linh mục trong tự do của con cái Chúa.
Luật sư Sài Gòn
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét