Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 164 (01-02-2013): Cái gọi là Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam !!!




Cái gọi là Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam !!!

            Trên thế giới, ai cũng công nhận sở dĩ Hoa Kỳ là quốc gia phát triển về kinh tế, tiến bộ về khoa học, thành đạt về giáo dục, bình đẳng về nhân quyền và ảnh hưởng về chính trị quốc tế vào bậc nhất hoàn cầu, chính là nhờ họ có một nền tảng luật pháp hết sức vững chãi, nghĩa là một Hiến pháp giá trị, một Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà hầu như chẳng có bất cứ một lỗi văn bản hay đúng hơn một lỗi nguyên tắc lớn nào!
            Được hình thành năm 1787 tại Philadelphia, với mong muốn trở nên một căn bản trường tồn qua nhiều thời đại, Hiến pháp Hoa Kỳ đã theo một nguyên tắc quan trọng là dựa trên bản tính tự do của con người và tính chất dân chủ của xã hội mà khẳng định những điều sẽ không bao giờ thay đổi, chẳng hạn mỗi con người đều có quyền được sống, quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, mỗi cá nhân đều có quyền tư hữu thiêng liêng và bất khả xâm phạm, mọi công dân đều có quyền bầu lên cũng như bãi nhiệm chính phủ của mình... Hơn 2 thế kỷ qua, bản văn ngoại hạng này chẳng cần thay đổi. Chỉ có những điều phụ tùy được bổ sung gọi là Tu chính án.

            Đang khi đó thì tại Việt Nam, chỉ trong không đầy 70 năm, dù dưới cùng một chế độ chính trị, Hiến pháp (tạm gọi vậy) đã thay đổi xoành xoạch, 4 lần rồi và đang chuẩn bị lần thứ 5, chưa kể những lần sửa đổi nhỏ. Quả là một con số kỷ lục không tìm thấy đâu trên thế giới! Về việc này, cựu bộ trưởng tư pháp CS Nguyễn Đình Lộc đã biện minh như sau: “Chúng tôi (Việt Nam) phát triển theo một điều kiện mà tình hình đất nước luôn có những giai đoạn thay đổi. Tương ứng từng giai đoạn như thế phải có một Hiến pháp. Phải thấy được đặc thù của chúng tôi là từng giai đoạn mang một tính chất khác cho nên phải có bản Hiến pháp. Cho nên có thể thấy Việt Nam rất tôn trọng Hiến pháp. Mỗi giai đoạn phát triển dù thế nào cũng có một bản Hiến pháp tương ứng”. (RFA 19-11-2012)
            Đó chỉ là kiểu ngụy biện lếu láo! Bởi lẽ do bản chất độc tài đảng trị, người Cộng sản không quan niệm Hiến pháp (như mọi quốc gia dân chủ trên thế giới công nhận) chính là bộ luật cao nhất do toàn dân dựa trên nhân tính tự do và xã hội tính dân chủ để soạn ra mà xác định các quyền con người và quyền công dân, chế độ chính trị tự do và chế độ kinh tế phát triển, quyền hạn và bổn phận của chính phủ như công bộc được toàn dân giao cho nhiệm vụ điều hành quản lý đất nước. Nói cách khác, đi từ lý thuyết Khế ước của triết gia Hy lạp Aristote (tk IV trước CN, tác giả cuốn “Cộng hòa”), được triển khai bởi nhiều triết gia Âu châu thế kỷ 17 và 18 như Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau (tác giả cuốn “Về khế ước xã hội”) nhằm xóa bỏ tư duy cai trị kiểu quân chủ chuyên chế (Vua là thiên tử, con trời), nhân loại văn minh -kể từ sau Cách mạng Hoa Kỳ rồi Cách mạng Pháp- đã quan niệm Hiến pháp là khế ước, giao kèo giữa nhà nước với người dân, là văn kiện giao phó quyền lực chính trị từ người dân cho Nhà nước để thay họ điều hành quốc gia và đảm bảo an toàn, tự do, bình đẳng và phát triển cho họ. Nói theo kiểu tiêu cực thì Hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước, để ràng buộc chính phủ chứ không phải để nhà nước ban quyền cho người dân theo kiểu thí ân huệ.
            Nhưng ở các quốc gia độc tài, nhất là độc tài Cộng sản, Hiến pháp được sử dụng như cương lĩnh của nhà nước hay thoát thai từ cương lĩnh của đảng cầm quyền. Điều này chính Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội CS đã nhấn mạnh tháng 8 năm 2011: “Ủy ban dự thảo và Ban biên tập cùng các Tổ biên tập cần nắm vững và đưa vào bản Hiến pháp mới nội dung Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết vừa được Đại hội XI của đảng CS thông qua”. Thành ra cái được gọi là Hiến pháp của nhà nước Cộng sản không phải là HP thật mà chỉ là pháp lệnh, quân lệnh từ trên đảng truyền xuống cho dân thi hành bất luận đúng sai, giống thời chuyên chế quân chủ. Nó và các bộ luật dưới nó được giai cấp cầm quyền (tức đảng thống trị) sử dụng như công cụ khống chế, vũ khí trấn áp bất cứ ai chống lại chủ trương đường lối cũng như hành vi ứng xử phản dân hại nước, củng cố quyền lực và vơ vét quyền lợi của bọn họ, của đảng họ.
            Lẽ ra Hiến pháp phải giúp cho người dân được quyền tự do chính trị, nghĩa là xây dựng được một thể chế dân chủ với cơ cấu tam quyền phân lập; được quyền tự do kinh tế, nghĩa là xây dựng được một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh lành mạnh; được bảo đảm an sinh, nghĩa là có quyền tư hữu về tài sản cũng như các phương tiện sản xuất, mà chủ yếu là đất đai; được bảo đảm an ninh, nghĩa là có những bộ luật bảo vệ công lý, bênh vực nhân quyền, có những lực lượng giúp đỡ công dân, giữ gìn xã hội, bảo vệ tổ quốc. Thế nhưng, sau bản Hiến pháp năm 1946 tàm tạm vì có công nhận các nhân quyền và dân quyền (song lại trao quyền lực quá lớn cho một cá nhân -Chủ tịch Nước- đồng thời tước đoạt quyền lực của cơ quan đại diện nhân dân -Nghị viện- để giao cho một nhóm nhỏ mang tên Ban Thường vụ Nghị viện. Đây là nguồn gốc của cơ chế “Chủ tịch Nước–Ban Thường trực Quốc hội” vốn sẽ bị thay bằng cơ chế “Bộ chính trị–Ban chấp hành Trung ương Đảng” đầy lộng quyền), thì các bản “Hiến pháp” năm 1959, 1980, 1992 và nhất là Dự thảo sửa đổi hiện nay đều hoàn toàn và ngày càng đi ngược lại ý nghĩa, mục tiêu của một bản Hiến pháp đích thực, vẫn chỉ là các bản văn hết sức phản động, chẳng có dấu hiệu của một nhà nước pháp quyền vì dân.
            · Bởi lẽ nền tảng của nhà nước pháp quyền là những luật cơ bản vốn phải được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả chính phủ. Các luật này được tạo ra bởi người dân nhằm kiểm soát những hoạt động mà chính phủ được phép thực hiện, không để cho bộ máy nhà nước được làm tất cả những gì mình muốn. Một trong những cách để hiện thực điều này chính là hệ thống tam quyền phân lập. Quyền lực của nhà nước, của chính phủ phải được phân ra. Và mỗi nhánh phải được vận hành bởi những thành phần khác nhau để có thể kiểm tra, giám sát, kiềm chế, đối trọng lẫn nhau, tạo ra sự cân bằng giữa các quyền lực. Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng đất nước không bị điều hành bởi chỉ một người hay một nhóm người, dân tộc thoát khỏi chế độ độc tài, chuyên chế, toàn trị và xã hội cũng ngăn chặn được sự thông đồng, lạm dụng quyền lực. Thế nhưng, Dự thảo 2013 cho thấy tổ chức bộ máy Nhà nước vẫn không phân biệt rạch ròi các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác; các nhánh quyền lực vẫn bị chi phối bởi đảng CS và Bộ chính trị; hệ thống tư pháp vẫn không bảo đảm được quyền xét xử độc lập, chỉ dựa vào Hiến pháp và luật. Đặc biệt, thay vì thiết lập Tòa án Hiến pháp với chức năng phán quyết, Dự thảo chỉ đề xuất Hội đồng Hiến pháp với chức năng tư vấn, kiến nghị!
            · Thứ đến, như Kiến nghị 7 điểm về sửa đổi Hiến pháp ngày 19-01-2013 nói rõ, mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Dự thảo tuy đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp 1992 (từ chương 5 đưa lên chương 2), nhưng vẫn có vô số điểm chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, như các quy định hạn chế về quyền lợi (Điều 15, 16, 20), quy định tùy tiện về nghĩa vụ (Điều 41, 42, 49). Việc nhấn mạnh “quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” (thật vu vơ mơ hồ) rồi việc tiếp tục đưa vào cụm từ ma giáo “theo quy định của pháp luật” sẽ mở đường cho việc nhân danh HP để vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do như mấy chục năm qua.
            · Tư hữu là quyền tự nhiên của mỗi con người. Điều 16 bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền đặt nó ngang hàng với tự do, an ninh và chống áp bức. Điều 17 bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng khẳng định “mỗi cá nhân riêng biệt hay trong cộng đồng đều có quyền tư hữu”. Tuyệt đại đa số những bản HP trên thế giới đều ghi nhận tư hữu -đặc biệt tư hữu đất đai- là quyền tuyệt đối của mỗi công dân, vì nó là điều kiện để bảo vệ tự do và nhân phẩm. Thế nhưng, dự thảo sửa đổi HP 1992 vẫn khăng khăng khẳng định ở Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) : «Đất đai... là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu». Rồi còn hợp hiến hóa «quyền nhà nước thu hồi đất» ở Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) trong đó lại mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đây là một sự thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn trong một xã hội vốn đã chứng kiến hàng triệu vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua.
            · Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân và tổ quốc lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Do đó mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân phòng…) chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, giữ gìn sự an ninh của xã hội, che chở cuộc sống của dân lành. Bởi thế lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành (mà lại trung thành tuyệt đối) với đảng CSVN, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Quy định này hết sức mới mẻ, không hề có trong các bản “HP” cũ, kể cả “HP 1980” là lúc đảng ở đỉnh cao uy tín và quyền lực. Đó cũng là một quy định quái đản, chưa hề thấy trong bất cứ một hiến pháp nào, bộc lộ bản chất cực quyền của đảng CSVN và nỗi lo âu cực đại của cái tổ chức chính trị chưa bao giờ vì dân vì nước này.
            Tóm lại, có thể nói những bản văn gọi là “Hiến pháp” 1959, 1980, 1992 và nhất là “Dự thảo sửa đổi HP 2013” chẳng đáng gọi là Hiến pháp chút nào. Đó chỉ là ý muốn độc đoán, cương lĩnh độc tài của đảng CS (theo kiểu Luật là tao! Tao là luật!) lâu lâu lại sửa đổi chút ít để gia tăng quyền lực cho đảng, chứ chưa bao giờ biểu hiện và thể hiện khát vọng tự do dân chủ của nhân dân, mệnh lệnh của chủ nhân đất nước giao cho đầy tớ công bộc. Chính vì thế, các bản văn luật pháp cao nhất này, thay vì xây dựng được một xã hội an lạc phú cường, một đất nước phát triển tiến bộ, một cộng đồng hòa hợp đoàn kết, một quốc gia uy tín đáng nể (như Hoa Kỳ và Âu châu chẳng hạn…) thì chỉ tạo ra một Việt Nam tụt hậu đói nghèo, dân tình điêu đứng khốn khổ và vận nước ngày càng suy vong, nguy kịch, nhất là trong bối cảnh kẻ thù truyền kiếp Đại Hán đang hăm he.

            BAN BIÊN TẬP
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 164 (01-02-2013)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét