Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Suy niệm MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ


MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ 

HUẤN CA 44,1.10-15; Ê-PHÊ-SÔ 6,1-4.18-23; MÁT-THIÊU 15,1-6 



Cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ tông, có ông bà cha mẹ. Vì thế, đã là người thì chúng ta mang cho mình một giòng họ : Lê, Lý, Trần, Phạm, Phan, Nguyễn, Cao và Hoàng vv.. để nói lên chúng ta thuộc giòng tộc nào, thuộc giòng giỏi của ai? Nhất là, để cho con cháu biết những công đức của các ngài lưu lại, cũng như để tưởng niệm các công đức và tưởng nhớ ngày tạ thế của các đấng, hầu lo kỵ giỗ, như đó là sự đáp đền báo hiếu. Thế đó một trong những nét đẹp của người Á Đông chúng ta, đó là sự tôn kính các bậc tổ tiên, ông bà và cha mẹ. 

Theo Khổng Giáo và Đạo Ông Bà Việt Nam ta thường khuyên dạy con cái cháu chắc phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ không hẳn lúc các ngài còn sống, nhưng cũng phải tỏ chữ hiếu đối với các ngài khi các ngài đã khuất bóng với cỏi trần. Thực truyền thống dân tộc Việt Nam ta, dù có vui trong mấy ngày Tết đầu xuân, vẫn hằng luôn tưởng nhớ đến các công ơn của các đấng sinh thành tiên tổ, thế nên tiền nhân đã trang trọng dành ra ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đán là ngày Kính Nhớ Tỏ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ, xem đó như là việc tỏ lòng hiếu thảo tri ân, cảm tạ các đấng bậc sinh ra ta, nuôi dưỡng cùng dạy dỗ ta nên người. 

Không hẳn chỉ có trong truyền thống của người Á Đông hay Việt Nam ta mới có cái nghĩa đạo hiếu này. Chúng ta thấy qua ba bài đọc Sách Thánh của ngày Mồng Hai Tết hôm nay, thì Giáo Hội cho ta hiểu được rằng Đạo Công Giáo vẫn có quy tắc đạo hiếu kính trọng các bậc sinh thành. Điển hình, qua bài đọc sách Huấn Ca. Sách tuờng tả lại những đấng bậc danh nhân là cha ông của chúng ta qua mọi thế hệ, để lại cho con cháu các nhân đức đạo hạnh anh hùng, hầu cho người đời bắt chước noi theo. Là người, thì đâu cũng thế, những nét đẹp đức hạnh của người đi trước thường lưu lại cho hậu thế các gương sáng trung thành, tín nghĩa với Chúa, với người, là để ta lấy đó mà dõi theo, rồi tôn kính như một việc tỏ lòng hiếu thảo của mình với các bậc tiền nhân. Việt Nam chúng ta cũng có những câu phương châm thành ca dao thật tuyệt : 

Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 

Một lòng thờ mẹ kính cha 

Cho tròn đạo hiếu mới là làm con. 

Để nói lên tình phụ mẫu thật lớn lao, con cháu hãy xem đó hầu báo đền công ơn sinh thành, dưỡng dục ta của các đấng. 

Còn đoạn Thánh Thư Ê-phê-sô của thánh Phao-lô, nhắc nhủ lại điều răn hiếu thảo đối với cha mẹ. Ngài khuyên bảo con cái phải tôn kính cha mẹ mình, cũng như thánh nhân nói cho cha mẹ biết bổn phận thay mặt Chúa chăm non, giáo dục và nuôi nấng con cái. Một điều thánh Phao-lô khyên bảo chúng ta, là phải thật tình tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, hầu cha mẹ có niềm vui hạnh phúc và tăng tuổi thọ cho các ngài. Qủa là chí lý thay lời khuyên dạy của thánh nhân. Việt Nam ta có phương châm sau : 

Tu đâu hơn hẳn tu nhà 

Thờ cha kính mẹ mới là đi tu. 

Hai câu ca dao này muốn nói lên cái bổn phận của người con phải có đối với cha mẹ. Sự hiếu thảo này phận làm con phải làm cho vuông tròn đạo hiếu. Vì quan niệm dân gian của người Việt ta, thì đạo hiếu là hệ trọng hơn cả trong những sinh hoạt tôn giáo cũng như xã hội. Nếu đi tu người ta có lảm chức trước gì cao trọng, mà họ không cung kính hiếu thảo đối với cha mẹ mình, thì người đời vẫn thị phi, và cho là ông ấy, bà đó là người con bất hiếu. Và nữa, người Việt Nam chúng ta rất “dị ứng” đối với những người con làm cho cha mẹ buồn phiền và đau lòng vì những lỗi lầm trầm trọng của họ. 

Người đòi xem những người con ấy là bất nghĩa, bất trung, bất đạo và bất hiếu đối với các đấng bậc sinh thành ra mình. Trái lại người đời cũng không tán thành các đấng cha mẹ bỏ rơi con cái, không thừa nhận chúng, không chu toàn trách nhiệm cùng bổn phận của bậc làm cha hay mẹ đối với con cái. Xã hội nào cũng thế, người ta sẽ lên án với những người lỗi đạo bất hiếu, hoặc cha mẹ vô trách nhiệm với con cái mình sinh ra. 

Qủa như bài Tin Mừng hôm Chúa cho chúng ta thấy cái tâm tình hiếu thảo của con cái phải có đối với cha mẹ mình. Vì chính đây là gới răn Thiên Chúa phán dạy đòi buộc con người phải thực thi nghiêm túc đối với các đấng phụ mẫu, mà Chúa Giê-su trách cứ các người Pha-ri-siêu và mấy ông Kinh Sư làm sai đi lời dạy của Thiên Chúa. Các ông chỉ vụ hình thức bên ngoài, rồi quên đi các ý nghĩa sâu sắc ở bên trong. Họ chỉ giỏi bắt bẻ dân chúng như quên rửa tay, rửa chân khi dùng bữa như lời tiền nhân dạy, mà quên đi cái cốt lõi là bổn phận lo phụng duỡng nuôi nấng cùng thờ kính cha mẹ như điều răn Chúa Trời truyền dạy : “người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. 

Thật giống như nhiều người con Việt Nam khi cha mẹ còn sống thì không lo chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ, đến lúc cha mẹ qua đời, thi lại làm tang lễ rình ràng, giỗ kỵ to lớn, hầu cho thiên hạ nghĩ mình là người con có hiếu. Thế nhưng ông bà ta khuyên dạy : người sống cần ăn, cần chăm sóc an ủi, phụng dưỡng, chớ chết rồi có ăn uống gì được đâu. 

Chớ gì đạo hiếu là giới răn Chúa Trời đòi buộc chúng ta là con cái phải biết kính thờ cha mẹ cho phải phép, và làm tròn bổn phận đạo làm con của mình với đấng sinh thành. Cũng như theo truyền thống đạo nghĩa của dân tộc, là khi các ngài còn sống ta phải hằng quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng cho tử tế, đến lúc các ngài tạ thế, thì lo tang lễ, kỵ giỗ, xin lễ, để tuởng nhớ các ngài cho phải đạo làm con, cho tròn nghĩa hiếu. Thế đó là Luật Chúa và Luật Đời chỉ dạy cho chúng ta và chúng sinh cách sống làm người. Amen! 

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét