Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Mơ xuân thanh bình (35)



Sàigòn 
 Xuân đã trở về trên đất Việt, nhưng vẫn là mùa xuân máu lửa của mấy năm xưa. Từ Nam chí Bắc, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ thôn xóm đến thị thành, từ rừng xanh úi thẳm đến đồng khô cỏ cháy, hàng ngàn hàng vạn con dân Việt đang gục ngã dưới làn bom đạn trên khắp mọi chiến trường. Một cuộc huyết chiến giữa anh em cùng một dòng máu đã kéo dài gần 25 năm nay. Thanh bình chưa trở lại với đất nước.
Nhưng dù thế, người dân Việt vẫn hân hoan đón một mùa Xuân mới. Hân hoan vì chính cái màu sắc Tết và Xuân ấy đã khơi lên trong lòng chúng ta một niềm phấn khởi, mặc dầu thời cuộc còn bấp bênh, chiến tranh vẫn tàn khốc, chia rẽ vẫn tầm trọng, vết thương chưa băng bó, tàn phá vẫn đầy dẫy. Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng nhân ngày đầu Xuân, ngày hợp những của những người cùng chung một huyết thống, tất cả con dân nước Việt sẽ biết nghe tiếng gọi thiêng liêng của nòi giống để hòa hợp trong một ý chí, một ước vọng, một niềm hân hoan. Nguyên đán là lời kêu gọi ta hòa nhịp với vận hành linh diệu bao trùm vũ trụ. Xuân là sức sống đỏi mới của trời đất, là khởi thắng của nguồn sống thiên nhiên, là sức chỗi dậy tưng bừng của vũ trụ vươn thoát khỏi mùa đông tê liệt.

Xuân vũ trụ, nếu chưa phản ảnh được mùa Xuân nơi lòng người, thì ít ra cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm linh của con người, vì cái lẽ hồi sinh của tạo vật đòi hỏi lẽ hồi sinh của con người. Sức sống đẹp như hoa nở chan hòa khắp đất nước của mùa Xuân mới thúc giục ta vươn lên khỏi mọi tị hiềm và đổ vỡ, để xây dựng cho dân tộc một đời sống mới. Trước những cảnh sắc diễm lệ của ngày Nguyên Đán trong bầu không khí đầm ấm của ngày đầu Xuân, người dân Việt hơn bao giờ hết tha thiết khao khát thanh bình trở lại với đất nước. Sau một phần tư thế kỷ chiến tranh liên miên, chúng ta ý thức rằng cần phải chấm dứt chiến tranh sớm chừng nào hay chừng nấy đê tái lập hòa bình cho xứ sở, vì chiến tranh mãi cứ giết người, mãi tàn phá, mãi gây bao đổ vỡ tinh thần và vật chất. Chỉ riêng miền Nam Việt Nam số nạn nhân chiến tranh đã lên gần một triệu. Đó là chưa nói đến hàng ngàn thương phế binh, hàng vạn quả phụ con côi sống vất vưởng không nơi nương tựa. Và từ ngày cuộc chiến lan ra Bắc Việt với những cuộc oanh tạc và ném bom, số nạn nhân chiến tranh, số con côi quả phụ tăng lên gấp bội. Và nếu chiến tranh cứ tiếp tục “leo thang” thì nước Việt Nam cả đôi miền sẽ còn mất hàng ngàn hàng vạn người con ưu tú, nền kinh tế ngày càng suy sụp. Chiến tranh càng kéo dài, đôi miền sẽ sống bám vào nước ngoài, sẽ mất cả tự do, cả chủ quyền.

Nhưng ngưng chiến chưa phải là hòa bình. Muốn hưởng hòa bình, cần phải ngay từ bây giờ loại trừ những mầm mống của chiến tranh và tích cực xây dựng hòa bình. Nhìn vào cục diện chiến cuộc ở Việt Nam trong vòng gần 25 năm nay chúng ta nhận thấy rằng chiến cuộc này không phải là chiến cuộc giữa hai nước vì vấn đề đất đai, nhưng là chiến cuộc giữa những người cùng một dòng máu, cùng một tổ quốc, nhưng lại theo hai ý thức hệ khác nhau. Một trong hai ý thức hệ ấy được gọi là ý thức hệ vô thần duy vật mà lại có chân đứng trong một dân tộc trọng tín ngưỡng như dân tộc Việt Nam, một phần vì nhữngbất công xã hội mà họ đã khai thác triệt để, ngõ hầu lôi cuốn những con người thành tâm hăng say chiến đấu cho một xã hội mới. Cuộc chiến tranh đang tiếp diễn trên đất Việt là một cuộc chiến tranh vì một ý thức hệ, vì một mức sống. Những bất công giữa xã hội càng nhiều, chiến tranh càng thêm khốc liệt. Nhưng chiến tranh lại tạo nhiều bất công khác, nhiều chênh lệch khác. Và đó là cái vòng lẩn quẩn của chiến tranh. Muốn ra khỏi vòng lẩn quẩn ấy, cần phải loại hẳn chiến tranh, nghĩa là phải đi đến đình chiến. Đình chiến là bước đầu tiên trên con đường hòa bình. Nhận định tầm quan trọng của bước đầu tiên ấy, Đức Phaolô VI đã nỗ lực kêu gọi đôi bên ngưng chiến trong dịp lễ Giáng Sinh để rồi tiến tới một cuộc đình chiến vĩnh viễn, ngõ hầu tái lập hòa bình cho toàn lãnh thổ Việt Nam, bên này và bên kia vĩ tuyến. Lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng đã được chấp thuận. Cuộc ngưng chiến đã được thực hiện một phần nào trong dịp lễ Giáng Sinh. Nhưng đó chỉ là một cuộc ngưng chiến tạm thời trong vài chục tiếng đồng hồ. Nay Xuân đã về, chúng ta cầu mong mộ cuộc đình chiến vĩnh viễn, chúng ta ước mơ một mùa Xuân thanh bình.
Năm mới đến, thụ tạo đã sống lại trong niềm hân hoan của một mùa xuân đầm ấm. Tất cả những gì là sinh lực ẩn mình trong lòng đất đã tới ngày trồi vượt lên để hòa nhịp sống của mình với nhựa sống vũ trụ, để thay thế cho tất cả những gì là già nua tàn úa, để tạo nên một trời đất mới. Vũ trụ đỏi mới, con người cũng phải đổi mới. Và một khi con người đã đổi mới, thì thanh bình sẽ trở về với đất nước. Đó là mối hy vọng và cũng là lời cầu nguyện tha thiết nhất của chúng ta trong ngày đầu Xuân Bính Tỵ này.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                         Số 200-1/1966
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét