Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Điềm lạ (30)



 Điềm lạ 


Sàigòn
Một hôm, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì các người biệt phái và người Sađuxêu đến gần Người và xin Người làm một điềm lạ trên trời để minh chứng sứ mạng thiêng liêng của Người, ngõ hầu mọi người tin vào Người. Chúa Giêsu liền mai mỉa trả lời: “Lúc chiều về, các ngươi bảo: trời sẽ tốt, vì trời đỏ như lửa. Và buổi sáng, các ngươi lại nói: hôm nay trời xấu, vì trời u ám. Ấy các ngươi khéo cắt nghĩa hiện tượng trên trời, thế sao các ngươi lại không khéo biết những dấu của thời đại. Thế hệ gian ác và ngoại tình! Các ngươi đòi một điềm lạ, nhưng các ngươi sẽ không thấy điềm lạ nào ngoài điềm lạ Giôna. Xưa kia tiên tri Giôna đã làm điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì nay Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho thế hệ này thể ấy. Như Giôna đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy”. (Mt,16,1-5,12,38-42;Mc.8,11-13;Lc.11,29-32).

Chúa Kitô đã thực hiện điềm lạ ấy trong cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người và đã cho các môn đệ nhận thấy, ngõ hầu đem lại niềm tin cho các ông: Ba ngày sau khi Chúa Giêsu chết nhục nhã và đau đớn trên thánh giá, có hai môn đệ bỏ Giêrusalem đi về làng Emmau. Tâm hồn chán nản, nét mặt buồn rầu, hai ông vừa đi vừa ôn lại những biến cố đau thương mới xảy ra trong mấy ngày cuối tuần. Đối với họ, Đức Kitô là một người lạ lùng, một sứ giả của Thiên Chúa, một tiên tri lớn đã làm nhiều phép lạ trước mặt dân. Họ đinh ninh rằng Người là vị cứu tinh mà toàn dân hằng mong đợi. Họ hy vọng Người sẽ lên nắm chính quyền và giải phóng họ khỏi ách nô lệ của La Mã. Nhưng vì ghen ghét và tham vọng, Thượng hội đồng đã tố cáo Người xui dân làm loạn chống lại đế quốc La Mã và đã làm áp lực  trên trấn thủ Philatô, để ông lên án tử hình Người. Trước sự nhu nhược của Philatô, Thượng hội đồng đã thực hiện được âm mưu tiêu diệt Chúa Kitô. Người đã bị xử tử đóng đinh vào thập giá như một tên phản loạn. Nay Người chết đã ba ngày rồi, các môn đệ hoàn toàn tuyệt vọng.
Nhưng trong khi các môn đệ mất tất cả niềm tin, thì Chúa Kitô Phục Sinh đã đến với họ. Người trách họ chậm hiểu, chậm tin những điều các tiên tri đã nói về Chúa Cứu Thế: Đức Kitô phải chịu thương khó để rồi sống lại hoàn trong vinh quang. Sau đó Người giải thích Kinh Thánh để soi sáng tâm trí họ.
Niềm tin đã trở về với họ lúc họ nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là điềm lạ độc nhất đã nâng đỡ đức tin của họ giữa những cơn bão táp ghê rợn của Giáo hội tiên khởi.
Đời nào cũng như đời nào, vẫn có những người nhẹ dạ ham muốn điềm lạ, tìm kiếm điềm lạ, dễ tin điềm lạ và có khi đòi cả Thiên Chúa làm điềm lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Nhất là giửa những khi cơn bách hại đang đè nặng Giáo hội, nhiều người cầu mong Thiên Chúa làm một điềm lạ vĩ đại để tỏ uy quyền của Người cho tất cả các kẻ nghịch thù của Giáo hội và để trong nháy mắt tái lập lại trật tự và hòa bình khắp nơi. Lòng mong ước ấy rất tự nhiên, nhưng đồng thời cũng diễn tả một đức tin còn ấu trĩ.
Chúng ta cần phải trưởng thành trong Đức Tin. Một Đức Tin trưởng thành không cần một điềm lạ nào khác, ngoài điềm lạ Phục Sinh của Chúa Kitô. Điềm lạ ấy là sức mạnh vô song của chúng ta trong mọi hoàn cảnh, ngày xưa, ngày nay, ngày mai và mãi mãi cho đến ngày cánh chung. Những lúc tâm hồn chán nản vì cuộc sống, chúng ta không tìm một điềm lạ ngoài khác ngoài việc tìm gặp lại Chúa Kitô Phục Sinh như hai môn đệ đi thành Emmau, thì chắc chắn niềm tin sẽ trở về với chúng ta.
Gặp được Chúa Kitô phục sinh, chúng ta sẽ hiểu sâu xa mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Giáo hội: cũng như Chúa Kitô phải qua cuộc Thương khó để đi tới ngày vinh quang Phục Sinh, thì Giáo hội cũng phải đi một con đường đó. Những thống khổ hiện thời của Giáo hội chỉ là tiếp tục cuộc thương khó của Chúa Kitô, chứ cửa hỏa ngục không làm gì nổi Giáo hội. Sự sống lại của Chúa Kitô là bảo đảm cho sự vinh quang của Giáo hội. Chúng ta cần phải đi sâu vào mầu nhiệm ấy, bằng cách lo việc ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, chết cho người cũ. Thông hiệp vào mầu nhiệm tử nạn của Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn sẽ thông hiệp vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô.
Lễ Phục Sinh đã về với chúng ta. Chúng ta đừng tìm kiếm điềm lạ nào khác ngoài việc tìm gặp Chúa Kitô Phục Sinh vì chỉ có điềm lạ ấy mới đem lại cho chúng ta một niềm tin không lay chuyển giữa những thống khổ hiện thời của Giáo hội: Sau cuộc thương khó, Giáo hội sẽ vào vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 191-4/1965
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét