Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – 20 năm sau …(40)



Sàigòn



 Ngày 6/8/1945, vào khoảng 7 giờ hơn, dưới một bầu trời quang đãng, chiếc phi cơ B29 của không lực Hoa Kỳ đã thả bom nguyên tử đầu tiên xuống vùng Hiroshima. Một ánh sáng rùng rợn phát ra sau khi bom nổ rền trời như tiếng sấm báo tin những tai họa thảm khốc xảy đến. Một cột lửa khổng lồ màu da cam pha lẫn màu tím bốc lên cao đến 6.500 thước rồi tỏa rộng thành một đám khói hình nấm. Mặt đất rung chuyển dữ dội. Khói bụi bốc mù mịt khắp thành phố. Khí nóng ào ào tràn ra như những đợt sóng cuồng nộ khiến cho các dinh thự gần chỗ bom nổ bốc thành hơi. Xa hơn nữa, trong vòng ba cây số vuông, mọi vật đều bị thêu hủy ra tro. Một cơn bão dữ dội với tốc độ 800 cây số một giờ, thổi sập những dinh thự, cây cối còn lại. Hàng ngàn đám cháy lại bốc lên khắp nơi trong thành phố. Ít phút sau, một trận mưa kỳ lạ đổ xuống, với những giọt mưa đen ngòm lớn bằng những hòn bi. Thật là một cảnh kinh hoàng có thể làm cho những người còn sống sót muốn phát điên lên vì sợ hãi.

Ba ngày sau, tức là ngày 9/8/1945, một quả bom nguyên tử thứ hai cũng đã được thả xuống thành phố Nagasaki và cảnh rùng rợn của Hiroshima lại tái diễn, kết quả: Tại Hirashima, có 73.000 người chết, 37.000 người bị thương, 14.000 người mất tích và hàng vạn người bị phóng xạ. Tại Nagasaki, có 30.000 người chết, 100.000 người bị thương và hàng vạn người bị phóng xạ. Tại đây, trong một họ đạo phồn thịnh với con số 10.000 tín hữu, chỉ còn lại 1.500 người sống sót. Trước cảnh tàn sát man rợ ấy, đại úy Robert Lewis, viên phi công phụ tá cuộc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, đã úp mặt khóc nức nở và đã thất thanh kêu lên như một người điên: “Chúa ơi! Chúng ta đã gây nên cảnh tượng kinh hãi này”.
Ngày nay, nếu chiến tranhnguyên tử bùng nổ, cảnh tàn phá còn ghê rợn gấp mấy, vì bom khinh khí Nga Mỹ chế tạo mấy năm sau đây, nặng trên 50 triệu tấn và mạnh trên 2.500 lần quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima, với một quả bom ấy, trong vòng 14 cây số vuông, tất cả người và vật đều bị cháy thành tro, từ 14 đến 42 cây số, mọi vật đều chảy thành nước, vì nhiệt độ lên đến 2.000 độ, từ 42 đến 72 cây số, lửa bốc cháy dữ dội, sức nóng vẫn cao, con người không sống nổi. từ 72 đến 160 cây số, phần nhiều mang bệnh kỳ dị vì chất phóng xạ.
Thời đại nguyên tử đã khai mào một cách vô cùng bi đát với cuộc tàn phá man rợ làm hoen ố cả một phát minh vĩ đại của khoa học. Nhiều nhà bác học Mỹ đã ký tên vào bản thỉnh nguyện yêu cầu nhà cầm quyền đừng dùng bom nguyên tử vào việc chiến tranh, vì họ thấy rõ sức tàn phá kinh khủng của nó. Nhưng tiếng nói của lý trí, của lòng nhân đạo đã bị lấn át bởi tiếng nói của “lý nhà nước”.
Ngày nay đúng 20 năm sau, với những kinh nghiệm khủng khiếp của quá khứ, lẽ ra loài người phải tuyệt đối lên án chiến tranh nguyên tử. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, quái tượng chiến tranh nguyên tử lại hiện ra trước mắt chúng ta với những cảnh tàn phá hãi hùng của bom khinh khí. Nhiệt độ chiến tranh ở Đông Nam Á đã lên đến gần mức tối đa: Nga Sô vừa đặt xong giàn hỏa tiễn ở Hà Nội, Trung Cộng tập trung nhiều sư đoàn dọc theo biên giới Bắc Việt, tổng thống Johnson quyết định tăng cường quân đội Mỹ ở Việt Nam lên đến 180.000 binh sĩ, những cuộc ném bom xuống Bắc Việt ngày càng dữ dội và tiến sát biên giới Trung Cộng. Và trong khi chúng tôi viết bài này, tin từ Hoa Thịnh Đốn cho biết thượng nghị sĩ Morse – một nhân vật chính trị có nhiều ảnh hưởng đã được tổng thống Johnson ủy thác việc lập kế hoạch để Liên Hiệp Quốc can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam đã tuyên bố rằng nhiều nhóm lớn ở bộ ngoại giao bộ quốc phòng Mỹ muốn có một cuộc chiến tranh nguyên tử với Trung Cộng (Reuter 16/7/65)
Lần này liệu tiếng nói của lý trí, của nhân đạo, của từ bi, của bác ái có thắng nổi tiếng nói của bản năng, của hận thù, để trách cho loài người một cuộc tự sát tập thể không? Đó là mối lo âu mà Đức Phaolô VI, đã nói lên cách đây không lâu, hôm 11 tháng 7 : “Dường như thiện ý về hòa ở trong thế giới hiện đang suy giảm. Sau thế chiến thứ nhì, người ta thấy rõ là thế giới lấy việc duy trì hòa bình làm mục tiêu. Tinh thần phục vụ hòa bình sút kém hiện nay là một tai họa có thể dẫn dắt tới những thử thách và đau thương vô bờ bến. Dường như người ta đang lùi bước, thay vì tiến lên con đường hòa bình. Vì thế, chúng tôi thiết tưởng phải nói và nói mãi về hòa bình để con người chôn sâu vào tim óc, nhất là những người hướng dẫn vận mệnh nhân loại”.
Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, hoạt động cho hòa bình và mãi nói lên tiếng nói hòa bình của Chúa Kitô.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                         Số 195-8/1965
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét